Cảm giác về phương hướng sai khiến phi công không xác định được vị trí thực tế trên bầu trời và lao xuống nước với tốc độ hơn 1.100 km/h.

hoi chung khien phi cong tiem kich f 35a nhat dam xuong bien

Chiếc F-35A số hiệu 79-8705 trong một chuyến bay hồi năm 2017. Ảnh: JASDF.

"Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng phi công đã mất định hướng không gian và không nhận thức được tình trạng của mình", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10/6, đề cập tới vụ rơi siêu tiêm kích F-35A trước đó hai tháng làm thiếu tá phi công Akinori Hosomi thiệt mạng.

Theo dữ liệu radar và liên lạc của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), thiếu tá Hosomi gặp nạn sau khi điều khiển tiêm kích F-35A hạ độ cao từ 9.600 m xuống 4.700 m để tránh một máy bay Mỹ. Phi công tiếp tục điều khiển máy bay ngoặt trái ở vận tốc 900 km/h và liên tục hạ độ cao trong 15 giây sau đó, trước khi biến mất trên màn hình radar.

Việc thiếu tá Hosomi thông báo "đình chỉ bài tập" với giọng bình tĩnh trước khi gặp nạn cho thấy phi cơ không gặp trục trặc kỹ thuật và phi công cũng không bị bất tỉnh. Điều này dẫn tới nhận định rằng Hosomi đã gặp phải hội chứng "mất định hướng không gian" vốn rất nguy hiểm với bất cứ phi công nào.

"Hội chứng mất định hướng không gian hay cảm giác phương hướng sai là tình trạng xảy ra khi phi công không thể cảm nhận chính xác vị trí, độ cao, hướng di chuyển và trạng thái chuyển động của máy bay", tài liệu đăng trên trang web của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết.

Mất định hướng không gian là vấn đề sinh lý gây ra nhiều vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong ngành hàng không thế giới, có thể xảy đến với cả những phi công dày dặn kinh nghiệm với hàng nghìn giờ bay tích lũy. Nghiên cứu y khoa do JASDF thực hiện năm 2009 cho thấy 12% tai nạn của lực lượng này bắt nguồn từ hội chứng mất định hướng không gian.

Phi công bay biển hoặc trong đêm tối rất dễ rơi vào trạng thái mất định hướng không gian sau những cú nhào lộn và bổ nhào. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ phi công tin vào cảm giác của mình thay vì các thiết bị trên máy bay, cho rằng chúng gặp trục trặc. Điều này dẫn tới việc người điều khiển không thể khôi phục trạng thái an toàn, cố gắng lấy độ cao nhưng lại thành tăng tốc máy bay và đâm xuống biển.

Mất định hướng không gian là tình trạng không thể khắc phục hoàn toàn do cấu tạo sinh lý của con người. Cơ thể con người có 4 hệ giác quan liên tục tương tác để định hướng trong không gian gồm thị giác, thính giác, hệ tự cảm của cơ bắp và tiền đình, trong đó thị giác đóng vai trò chủ đạo.

Khi ở trên máy bay, hệ tiền đình và tự cảm thường cung cấp thông tin sai lệch so với thực tế. Lực quán tính gây ra khi máy bay tăng tốc, cũng như lực hướng tâm khi lượn vòng sẽ khiến phi công xác định sai hướng lực hút Trái Đất, không phân biệt được mặt đất và bầu trời.

Các ống bán khuyên màng ở tai trong, vốn giúp con người xác định trạng thái trong không gian ba chiều, cũng góp phần gây ra hội chứng này. Việc lượn vòng liên tục trong 15-20 giây sẽ khiến chúng ngừng chuyển dữ liệu về não, làm phi công có ảo giác rằng phi cơ đang bay thẳng, thậm chí tưởng rằng máy bay đang lượn theo hướng ngược với thực tế.

Trong điều kiện tầm nhìn tốt, các ảo giác trên đều không tác động đến phi công, do họ có thể dựa vào đường chân trời để làm điểm chuẩn định hướng. Tuy nhiên, khi bay ban đêm hoặc thời tiết xấu, phi công không thể nhìn thấy đường chân trời và mất hoàn toàn khả năng định hướng dựa vào giác quan.

Theo báo cáo của JASDF, thiếu tá Hosomi gặp nạn khi tham gia huấn luyện bay biển ban đêm trong biên đội 4 chiếc F-35A hôm 9/4. Phi công này dường như rơi vào tình trạng mất định hướng không gian sau cú ngoặt trái cuối cùng và tiếp tục cho máy bay lao xuống mà không biết rằng thảm họa sắp xảy ra.

Trong những giây cuối cùng, Hosomi vẫn không nhận ra rằng máy bay sắp lao xuống biển và không phát bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào về căn cứ, cũng không có động tác kích hoạt ghế phóng khẩn cấp. Chiếc tiêm kích F-35A sau đó đâm xuống biển với tốc độ ít nhất là 1.100 km/h, thi thể của Hosomi chỉ được tìm thấy dưới đáy biển hai tháng sau đó.

"Sự cố này có thể tác động đến mọi phi công, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm nhất", Bộ trưởng Quốc phòng Iwaya phát biểu, cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường huấn luyện khả năng đối phó với tình trạng mất phương hướng cho phi công, kiểm tra lại toàn bộ phi đội F-35A trước khi cho phép tiêm kích này hoạt động trở lại.

hoi chung khien phi cong tiem kich f 35a nhat dam xuong bien

Đường bay của chiếc F-35A trong vụ tai nạn hôm 9/4. Đồ họa: JASDF.

Vũ Anh (Theo FAA)

hoi chung khien phi cong tiem kich f 35a nhat dam xuong bien Mỹ sửa tàu sân bay để F-35C có thể hoạt động

Hải quân Mỹ đang khẩn trương lên kế hoạch sửa đổi những chiếc tàu sân bay lớp Ford để chúng có thể trang bị được ...

hoi chung khien phi cong tiem kich f 35a nhat dam xuong bien Mỹ áp thời hạn cuối phi công F-35 Thổ phải về nước

Không chỉ tuyên bố ngừng đào tạo phi công Thổ Nhĩ kỳ lái F-35, Mỹ còn đưa ra thời hạn cuối những người này phải ...

Ngày đăng: 08:13 | 13/06/2019

/ https://vnexpress.net