Mạng xã hội xôn xao clip với nội dung giáo viên Trường THCS Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh chặn cổng trường và chỉ cho những học sinh đóng tiền gửi xe đạp qua, còn học sinh đi bộ phải đi cổng khác
Để làm rõ thực hư clip trên, ngày 28-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Bàu Đồn.
- Phóng viên: Tại sao lại có chuyện học sinh đi xe đạp (đóng tiền gửi xe cho trường) thì mới được giáo viên cho vào, còn học sinh đi bộ thì lại phải vào trường bằng cổng khác, ở vị trí xa hơn, bất tiện khi trời nắng?
Bà Nguyễn Thị Nga: Trường chúng tôi có số học sinh rất lớn, gồm 1.334 em. Ở trường có hai cổng. Cổng sau dành cho các em học sinh đi xe, cổng trước dành cho các em đi bộ. Trường đã thông báo, nhắc nhở học sinh đi đúng cổng.
Có nhiều lí do buộc chúng tôi bố trí hướng đi như vậy. Thứ nhất là để tiện cho việc bảo quản xe cho học sinh, tránh trường hợp người đi bộ trà trộn vào lấy trộm xe. Thứ hai là để tránh ùn tắc giao thông (đường dẫn tới cổng sau khá nhỏ hay ùn tắc vì xe của phụ huynh đưa rước con, xe máy cày đi làm ruộng…). Thứ ba là để tránh tình trạng học sinh bỏ tiết hoặc vào lớp muộn (gần cổng sau có 1 quán nước và 1 điểm gửi xe do người dân lập ra. Một số em hay gửi xe ở đây rồi la cà quán xá, bỏ tiết học hoặc đợi đến sát giờ học mới chạy bộ vào).
Qui định về hướng đi vào trường là như vậy nhưng nhiều học sinh không tuân thủ. Do vậy, nhân dịp đây là tháng thanh niên nên các đoàn viên (nhóm giáo viên, nhân viên trẻ của trường) đề xuất ra quân siết chặt quy định về hướng vào cổng trong một tuần để xem các em có chuyển biến hay không.
Ảnh trên mạng xã hội
Việc giáo viên thu tiền giữ xe đạp học sinh tại trường là đúng qui định hay không? Giá thu có phải là 1.000 đồng/ngày?
Không có chuyện thu 1.000 đồng/lượt mà chỉ thu 500 đồng/lượt. 1 tuần mới thu một lần, nghĩa là các em đóng 4.000 đồng thì có thể gửi xe cả tuần ở trường.
Người thu tiền ở đây là đoàn viên của trường. Cụ thể là một nhóm giáo viên, nhân viên trẻ. Các em này mới ra trường, thu nhập thấp (chỉ trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng) nên nhà trường tạo điều kiện để các em giữ xe, có thêm tiền trang trải (thu nhập từ tiền giữ xe mỗi người được vài trăm ngàn đồng/tháng).
Có văn bản của UBND tỉnh về việc cho phép giữ xe ở trường cấp 2 với mức phí là 500 đồng/lượt xe đạp. Việc giữ xe ở trường tiến hành từ tháng 10-2017.
Nhóm giáo viên, nhân viên trực tiếp giữ xe sẽ được hưởng 60% tổng tiền thu, 40% còn lại (tương đương tầm 2 triệu đồng) nộp cho trường.
Có hai clip trên mạng xã hội phản ánh sự việc này. Trong đó có giọng một phụ nữ rất bức xúc, thậm chí dùng lời tục tĩu chửi giáo viên chắn cổng. Người phụ nữ này có phải là phụ huynh không?
Chị đăng clip này là chủ nhân cái quán gần cổng sau trường. Chị ấy cũng có lập bãi giữ xe học sinh. Chị ta có những câu nói đại ý rằng phía trường ganh ghét chị ấy, cướp đi cuộc sống mưu sinh của chị ấy, đủ thứ chuyện trên đời. Thực ra trường không ép học sinh phải đem xe vô trường gửi vì bãi giữ xe của trường không lớn. Các em có gửi xe bên phía của chị ấy cũng được.
Tôi rất buồn (vừa nói vừa khóc qua điện thoại - PV), bao nhiêu năm nay tôi làm không có chuyện gì. Bây giờ người ta vì mục đích cá nhân, đăng lên mạng xã hội nói như vậy thiệt là đau.
NHƯ PHÚ thực hiện
Hiệu trưởng xin lỗi học sinh vì nói các em "phản bội"
Phát hiện học sinh mua nước uống bên ngoài, ông Lý nói các em là những người "phản bội" vì không giúp căn tin trong ... |
Đắk Lắk: Bắt hiệu trưởng nhận 300 triệu đồng tiền "chạy" việc
Tại trụ sở công an, ông Huỳnh Bê khai có nhận 300 triệu đồng để chạy việc nhưng sự việc không thành và chưa có ... |
Bất ngờ lời nữ hiệu trưởng nhắn tin cho chồng người
Cô Lợi cho rằng, người đàn ông đó nhắn tin cho cô chỉ hỏi những câu như "em có khỏe không" và "chúc ngủ ngon". |
Ngày đăng: 18:07 | 28/03/2018
/ https://nld.com.vn