Một ngôi trường danh tiếng với những thành tích vượt trội như Lương Thế Vinh mà để lại những tai tiếng không đáng có. Hi vọng sau sự việc lùm xùm, trường sẽ lắng nghe, thay đổi, để thành công rực rỡ hơn.
Về nội quy Trường Lương Thế Vinh: Cần hướng trẻ đến tự giác thay vì cấm đoán |
Vì sao vẫn có nhiều người ủng hộ các hình phạt của trường Lương Thế Vinh? |
HS trường Lương Thế Vinh có điểm đầu vào cao, thành tích tốt. Ảnh: Kênh 14 |
1. Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT, trường Lương Thế Vinh hiện có hơn 3.000 HS, trong kỳ thi đại học vừa qua 100% đỗ đại học. Điểm trung bình của toàn trường là 25 - 26 điểm. Thấp nhất chỉ có 1 em được 17,5 điểm nhưng vẫn cao hơn điểm chuẩn.
Đó là một kết quả quá ấn tượng. Do đầu vào của trường rất cao, xấp xỉ trường chuyên, đội ngũ GV tốt, chương trình học nặng; nên điểm thi ĐH đương nhiên sẽ cao. Nếu đầu vào trung bình, yếu, thì dù trường có giỏi cỡ nào, cũng không thể có kết quả tuyệt đối như Lương Thế Vinh.
2. Kết quả nói trên có phải do kỷ luật “hà khắc”, hay nghiêm khắc của trường tạo ra? Câu trả lời là không. Bởi vì, Lương Thế Vinh không phải là trường có thành tích xuất sắc nhất Hà Nội. Nhiều trường THPT ở Hà Nội có thành tích không thua kém Lương Thế Vinh, thậm chí vượt trội hơn, như trường chuyên Amsterdam. Nhưng các trường đó, không có Nội quy với những điều khoản “lạ”, và quá khắt khe như Lương Thế Vinh.
3. HS có điểm đầu vào cao, đương nhiên ý thức kỷ luật, tinh thần tự giác học tập, rèn luyện cũng sẽ cao. Các em đăng ký vào Lương Thế Vinh, với mong muốn và tâm thế vươn tới trường ĐH, và cao hơn nữa. Vì vậy, đề ra các quy định kỷ luật quá khắt khe là không cần thiết.
Hãy tin các em, cùng bàn bạc, thảo luận, hướng các em đến tinh thần tự giác, sẽ nhẹ nhàng mà hiệu quả, và mới đúng là giáo dục khai phóng, nhân văn.
4. Trường học là nơi giáo dục HS kỹ năng sống. Một trong những kỹ năng sống rất quan trọng là biết lắng nghe, biết điều chỉnh, cởi mở và hòa nhập, thích nghi. Trường hãy làm gương về “kỹ năng” này. Bằng cách, lắng nghe, thực sự cầu thị và điều chỉnh các quy định, cách ứng xử theo hướng mềm dẻo, linh hoạt, và nhân văn hơn.
Nếu cứ khăng khăng “chúng tôi không sai, chúng tôi không thay đổi”, dù bị phản ứng gay gắt, thì trường đã nêu gương xấu, về thái độ bảo thủ, cứng nhắc, tự mình trở thành lập dị, và không được thiện cảm của mọi người.
5. Trao đổi với báo chí, PGS Văn Như Cương nói: “Còn nếu nói hà khắc thì theo sự tiến bộ của xã hội có thể thay đổi một vài điều nhưng vẫn phải đảm bảo kỷ luật”. Lương Thế Vinh là một trong những trường dân lập đầu tiên; một ngôi trường xuất sắc, là điều rất khó. Vậy có khó gì, khi trường trở nên nhân văn hơn, mềm mại, cởi mở hơn, để thành đẳng cấp. Hãy lắng nghe, để thay đổi, để vươn tới đỉnh cao mới, đẹp, nhân văn, cao thượng hơn; đó là thông điệp từ các ý kiến phản biện về trường trong thời gian qua.
https://laodong.vn/dien-dan/hi-vong-truong-luong-the-vinh-lang-nghe-de-tro-thanh-dang-cap-568507.ldo
Ngày đăng: 09:23 | 06/10/2017
/ Đăng Trung/Báo Lao động