Bức tường ngăn tự động kích hoạt khi mưa lớn, bảo vệ các tài liệu vô giá trong Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ khỏi nước lụt.
|
|
Tim Edwards, quản lý vận hành tòa nhà của Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ, bên hệ thống kiểm soát lũ đã giúp họ tránh bị ngập trong trận mưa lớn hôm 8/7. Ảnh: Washington Post. |
Norman Hughes hôm 8/7 đang ngồi tại phòng điều khiển kỹ thuật dưới tầng hầm Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ thì màn hình máy tính bên cạnh ông bất ngờ phát tín hiệu cảnh báo các rào chắn kiểm soát lũ của tòa nhà đã được kích hoạt.
Bên ngoài, trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến hệ thống thoát lũ của thủ đô Washington D.C bị quá tải, nhiều tuyến đường và công trình bị ngập nặng, nước thậm chí còn ngấm cả vào tầng hầm Nhà Trắng.
13 năm trước, một trận bão lớn khiến lượng nước khổng lồ từ nhiều nơi đổ về tòa nhà Cục Lưu trữ Quốc gia trên đại lộ Pennsylvania, nơi lưu giữ vô số tài liệu, văn bản thiêng liêng của nước Mỹ, gây nên tình cảnh hỗn loạn chưa từng có.
Đêm 25 và 26/6/2006, một trận bão lớn trút gần 18 cm mưa xuống Washington trong suốt 6 tiếng. Nước mưa ồ ạt tràn xuống các con dốc xung quanh Cục Lưu trữ Quốc gia, làm ngập hầm và gây mất điện. Nước dâng lên ngang sân khấu Nhà hát William G. McGowan trong khuôn viên cơ quan, quá trình dọn dẹp đống hỗn độn mất tới ba tuần.
|
|
Trụ sở Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Ảnh: National Archieves. |
Hughes vẫn còn nhớ về trận bão năm xưa và khi tín hiệu cảnh báo nhấp nháy trên màn hình máy tính, ông đã nghĩ trong đầu: "Chúa ơi! Rắc rối lớn rồi". Ông nhanh chóng rời khỏi phòng điều khiều, chạy tới kiểm tra những khu vực dễ ngập của tòa nhà. Khi nhìn thấy các rào chắn ngăn lũ bằng sợi thủy tinh đã được kích hoạt, ông mới thấy yên tâm. "Tôi trở về phòng điều khiển đúng lúc điện vụt tắt", Hughes kể.
Trận mưa lớn lịch sử sáng 8/7 đã mang đến những giây phút lo lắng thực sự cho đội ngũ quản lý Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ, tòa công trình bằng đá đồ sộ, nơi đang lưu giữ nhiều "báu vật quốc gia" như bản gốc tuyên ngôn độc lập, hiến pháp Mỹ hay tuyên ngôn nhân quyền.
Cơ quan sau đó phải sơ tán và đóng cửa trong hai ngày, nhưng nó đã tránh được thảm họa khi rào chắn ngăn lũ đã thực hiện tốt chức năng của mình, quản lý vận hành tòa nhà Timothy Edwards cho hay.
Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ được xây dựng từ thập niên 1940 ở một khu vực trũng thấp. Để phòng ngừa, các kỹ sư đã cho xây tòa nhà trên nền bê tông khổng lồ được gia cố bởi hàng nghìn chiếc cọc.
"Nó giống như một con thuyền", Edwards mô tả. "Không hẳn là chúng tôi có thể nổi, nhưng gần giống vậy".
Đến năm 2009, để đề phòng nguy cơ ngập lụt tái diễn, Cục Lưu trữ Liên bang lắp đặt hai cổng ngăn lũ bằng sợi thủy tinh có khả năng tự kích hoạt. Đây là hệ thống do Hà Lan phát triển và triển khai ở những con đường dễ bị ngập.
Bình thường, chúng được giấu phía dưới bề mặt đường nhưng khi có lũ lụt, nước lũ sẽ đẩy bức tường chắn này trồi lên, ngăn chặn dòng nước từ bên ngoài tràn vào công trình. Khi được kích hoạt hoàn toàn bên trong khung kim loại, các bức tường chắn sẽ có độ cao gần 2,5 m, giúp ngăn nước lũ hiệu quả. Sau đó, máy bơm có thể được triển khai để đẩy nhanh tốc độ thoát nước ra bên ngoài.
Trong trận mưa hôm 8/7, các bức tường ngăn lũ đã dâng lên toàn bộ và đây là lần thứ ba chúng hoạt động hết công suất kể từ thời điểm được lắp đặt tới nay.
"Đấy là một trận mưa lớn", Edwards nói. "Nhưng mọi thứ đều hoạt động tốt. Chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều".
|
|
Mưa lớn làm ngập giao lộ của Đường 15 và Đại lộ Constitution ở Washington D.C. hôm 8/7. Ảnh: NYTimes. |
Theo chân lực lượng 363, bắt quả tang thanh niên xăm trổ đang ‘phê’ ma tuý đá
Phát hiện 2 thanh niên xăm trổ đầy nghi vấn, lực lượng 363 khống chế kiểm tra thì phát hiện những tên này sử dụng ... |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trực gác chắn lương thấp thì trách nhiệm sao cao được?
Trong cuộc họp bất thường tối qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo phải có chế độ chính sách đảm bảo cho ... |
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Ngày đăng: 16:39 | 16/07/2019
/ https://vnexpress.net