Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bung cơn gió, nhè nhẹ lay những vòm hoa phượng tím thẫm đang nhuộm đẫm cả vùng trời, cô bạn Jenny Nguyễn lái xe chở tôi đến thăm nhà thơ Du Tử Lê.
Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bung cơn gió, nhè nhẹ lay những vòm hoa phượng tím thẫm đang nhuộm đẫm cả vùng trời, cô bạn Jenny Nguyễn lái xe chở tôi đến thăm nhà thơ Du Tử Lê.
Khi những âm hưởng thơ Du Tử Lê vẫn còn vang trong tâm trí, xe đưa tôi tiến vào một con phố thanh bình, hai bên đường là những căn nhà nằm nguy nga giữa những khu vườn thênh thang cỏ. Rồi xe dừng lại trước khuôn viên rộng rãi của một ngôi nhà yên bình, lặng lẽ giữa con phố thưa người. Một nốt nhạc giữa thiên nhiên bao la và khoáng đạt. Một ngôi nhà nhìn bề ngoài rất Tây, rất Mỹ.
Nhưng cảm giác ban đầu về ngôi nhà "rất Mỹ" ấy hoàn toàn sai khi tôi bước chân vào tổ ấm của thi sĩ Du Tử Lê, nơi ông đã sáng tác nhiều tác phẩm trong gia tài hàng nghìn bài thơ, trong đó có hơn 300 bài đã được phổ nhạc. Đằng sau cánh cửa vững chãi vừa mở ra đón tôi và Jenny vẫn là dáng người dong dỏng gầy của thi sĩ 76 tuổi - người vừa trải qua cơn bạo bệnh. Nhưng bệnh tật và tuổi tác không hề hiện lên trên khuôn mặt sáng ngời, rạng rỡ nụ cười nồng ấm của ông.
Ông mời chúng tôi vào nhà bằng giọng trầm quen thuộc. Tiếng Việt thuần túy của ông cho tôi cảm giác chúng tôi đang gặp nhau ở quê cha đất tổ, chứ không phải ở Garden Grove - cách Sài Gòn hơn 13.000 km.
Chuyện trò với tôi và Jenny ở phòng khách, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục hỏi rất nhiều về đời sống văn học trong nước. Đã định cư ở Mỹ 43 năm nay, nhưng quê hương vẫn hiện diện trong từng nhịp tim, hơi thở của ông. Những tủ sách đồ sộ vây quanh chúng tôi minh chứng cho điều đó: trong hàng nhìn cuốn sách mà ông sưu tập cho công tác nghiên cứu và biên soạn, sách về Việt Nam và viết bằng tiếng Việt chiếm đại đa số.
Tôi lướt mắt qua hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật quý hiếm, rồi dừng lại trước hai quyển dày cộp, gáy đã sờn: Tục ngữ ca dao Việt Nam và Cây cỏ vị thuốc ở Việt Nam. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các tác phẩm thơ Du Tử Lê lại rộng và sâu đến vậy: chúng đã băng qua bao chân trời góc biển cùng ông, để rồi nảy nở sinh sôi giữa biển kiến thức mang tầm quốc tế nhưng vẫn mang theo hồn vía và tinh thần người Việt.
Quê hương hiện diện mọi nơi tại tổ ấm của ông. Bức tường rộng lớn cạnh phòng khách treo những thủ bút của bạn bè thân quý. Tôi không khỏi rưng rưng khi đọc những bài thơ viết tay của các nhà thơ Hoàng Cầm, Mai Thảo, Huy Cận... cùng những dòng chữ ghi trên gỗ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Lê Thiết Cương... Dường như bút tích của những văn nghệ sĩ Việt Nam - những người đã ra đi mãi mãi hoặc đang sống ở bên kia đại dương - chính là những tác phẩm nghệ thuật mà nhà thơ Du Tử Lê nâng niu nhất.
Những người am hiểu về thơ Du Tử Lê hẳn cũng biết rằng ông còn là một họa sĩ tài hoa, với các tác phẩm được nhiều nhà sưu tập săn lùng. Được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh do ông sáng tác được bày trí trong nhà, tôi dừng lại hồi lâu trước những nét vẽ phóng khoáng, mới mẻ và đầy sinh lực. Không chỉ trẻ trung trong thi ca, nhà thơ Du Tử Lê dường như là một họa sĩ không có tuổi trong hội họa. Những tác phẩm mà ông vẽ để tặng vợ mình - bà Hạnh Tuyền - nói lên điều ấy. Đó là những bức tranh mê hoặc của tình yêu, được vẽ lên cùng với những câu thơ ghi nắn nót ở góc tranh: "Nhan sắc nàng duy nhất một ngôi thôi!".
Thi ca nở tung ở khu vườn xanh mát, nơi gần trăm gốc lan vươn những búp xanh mơn mởn, dưới bóng mát của giàn chanh leo. Ngồi đó cạnh ông, dưới những cây hoa lan rung rinh tỏa sắc xuống bể nước – nơi những chú cá vàng tung tăng và an nhàn bơi lội, tôi hiểu nhà thơ Du Tử Lê không chỉ yêu con người mà còn mê đắm thiên nhiên, vạn vật.
Khu vườn của ông, ngoài cây cỏ của Việt Nam, có cả những chiếc tổ chim bằng rơm mà ông đã kỳ công mang từ quê nhà sang. Dường như thời gian quay chậm lại ở nơi đây, cạnh những bức vẽ đang dang dở của ông và bức tường gỗ cạnh giá vẽ nơi ông đã nắn nót câu thơ: "Làm sao em biết khi xa bạn/tôi cũng như chiều tôi mồ côi".
Thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, không cần bươn chải lo toan về tài chính, tưởng như nhà thơ Du Tử Lê đang có tất cả. Nhưng không. Khi trò chuyện, tôi nhìn thấy trong đôi mắt ông một nỗi đau đáu nhớ quê hương. Ông tâm sự rằng, nỗi nhớ đó luôn bùng lên trong dịp Tết, nhất là khi màn đêm buông xuống. Đặt chân sang Hoa Kỳ vào năm 1975, ông đã trải qua những cái Tết đầu tiên đầy khó khăn.
Tết là thời điểm đặc biệt của cuộc đời mỗi người. Nhưng đối với nhà thơ Du Tử Lê, kỷ niệm Tết đáng nhớ nhất của ông, thật không may, là một kỷ niệm kinh hoàng. Gần 60 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ rõ đêm mồng 3 Tết ở Kim Bảng, Hà Nam. Lúc đó ông còn rất nhỏ, chừng 7 tuổi và vẫn ngủ chung với mẹ. Thình lình có người dồn dập đập cửa nhà. Mẹ ông hấp tấp tung chăn đi ra. Ông cũng chạy theo, để rồi chứng kiến hình ảnh mẹ ngã quỵ xuống sân nhà. Người tìm đến nhà ông vào đêm đó, thay vì quà Tết, đã đem theo tin dữ: anh cả của ông đã bị máy bay Pháp bắn chết ở Khu Tư, Thanh Hóa.
Sự kiện đêm mùng 3 Tết ấy luôn dai dẳng đeo bám, ám ảnh nhà thơ Du Tử Lê, để rồi nỗi buồn cũng lan tỏa vào thơ ông. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà thơ Mai Thảo, ông đã nói: "Tôi không có Nguyên Đán dù trong văn chương hay đời thường sau cái chết của người anh cả, vào ngày mồng 3 Tết ở Khu Tư".
Đi qua chiến tranh và bao biến động của cuộc đời, Du Tử Lê đã gieo trồng thi ca không chỉ với tình yêu dành cho quê hương mà còn trên khu vườn của buồn đau và nước mắt. Ông đã vắt kiệt mình, cần mẫn gạn lọc để dâng hiến cho đời những tinh hoa cảm xúc - những vần thơ dù buồn nhưng lóng lánh vẻ đẹp của tình yêu và nhân ái.
Trong những email gần đây, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục trao đổi với tôi về vấn đề văn học mà chúng tôi cùng quan tâm. Tôi hẹn sẽ cùng Jenny Nguyễn đến thăm ông vào tháng 3 năm 2020 khi tôi sang Mỹ ra mắt sách. Vì thế, việc ông rời xa cõi tạm khiến tôi không khỏi bàng hoàng.
Và tôi nhớ tới những câu thơ đầy khắc khoải về cái chết mà ông đã viết từ năm 1968: "Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới..."
Nguyễn Phan Quế Mai
Tiêu đề bài viết là một câu thơ trong bài "Khúc Thụy Du" của nhà thơ Du Tử Lê.
Du Tử Lê - "Chỉ nhớ người thôi đã hết đời" |
Nhà thơ Du Tử Lê qua đời |
Ngày đăng: 07:03 | 20/10/2019
/ vnexpress.net