Cô bé Maya 15 tuổi bước vào cửa hàng trong làng ở bang Rajasthan mua hành tây cho mẹ vào một chiều mùa xuân 2016.
Maya năm nay 17 tuổi, vẫn chưa đòi được công lý sau hai năm bị cưỡng hiếp. Ảnh: CNN.
Cửa hàng là một gian nhà gạch nhỏ, tuy đơn sơ nhưng lại nằm trong số ít những căn nhà chắc chắn trong làng, đại diện cho sự giàu có và quyền uy. Ngược lại, nhà của Maya chỉ là một túp lều nhỏ ba mặt trống huếch. Maya và 5 anh chị em sống nhờ vào bất kỳ thứ gì mẹ nhặt nhạnh được. Bà là góa phụ, mất chồng 9 năm trước, làm lao động chân tay với thu nhập khoảng hai USD một ngày, theo CNN.
Maya thường xuyên đến cửa hàng này. Cô bé quen người bán hàng cũng như cả nhà ông ta. Đó là lý do Maya chẳng nghĩ ngợi gì khi ông ta bảo cô bé vào trong nhà lấy hành. Maya bước vào và ông ta bất ngờ đóng cửa lại.
Cô bé hét lên nhưng ông chủ lớn tuổi gấp đôi vội lấy tay bịt miệng Maya, đe dọa giết chết cô bé nếu không im lặng. Y lột quần áo rồi cưỡng hiếp Maya. Một ngày sau, vào tháng 5/2016, cô bé viết đơn trình báo. Kẻ hiếp dâm đã nhốt em lại trong 4 giờ tới khi mẹ của Maya đến cứu con.
"Tôi vẫn cảm thấy đau đớn mỗi khi nhớ lại chuyện này", bà nói, nhắc lại chuyện đi tìm con gái vì không thấy cô bé quay về. Hơn hai năm sau, Maya vẫn đợi chờ công lý.
Em chỉ là một trong vô số nạn nhân bị tấn công tình dục. Năm 2016, theo thống kê của Cục tội phạm Quốc gia Ấn Độ (NCRB), cả nước xảy ra 39.000 vụ cưỡng hiếp trẻ em và phụ nữ, tương đương hơn 100 vụ mỗi ngày, 15 phút lại có một vụ. Hàng loạt vụ bạo hành tình dục trẻ em và phụ nữ Ấn Độ xảy ra gần đây khiến người dân phẫn nộ. Họ ra đường biểu tình, đòi chính phủ hành động.
Các chuyên gia thừa nhận những biện pháp của chính phủ bước đầu đem lại hiệu quả: số vụ tội phạm tấn công phụ nữ đã giảm. Sau vụ cưỡng hiếp và sát hại một nữ sinh trường y trên xe buýt ở thủ đô Delhi năm 2012, sự phẫn nộ của công chúng đã thúc đẩy nhiều thay đổi pháp lý, bao gồm mở rộng phạm vi cấu thành tội hiếp dâm.
Người Ấn Độ biểu tình đòi công lý cho một bé gái 8 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại ở bang Jammu-Kashmir hồi tháng 6. Ảnh: CNN.
Hồi tháng 4, các nhà chức trách đã thông qua luật mới, cho phép tử hình tội phạm cưỡng hiếp trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, luật mới bị nhiều chuyên gia chỉ trích vì cho rằng nó càng làm tăng nguy cơ nạn nhân không dám trình báo.
Có quá nhiều nạn nhân vẫn đang đấu tranh đòi công lý. Thống kê từ NCRB cho thấy số vụ cưỡng hiếp phụ nữ tăng lên 56% từ năm 2012 đến 2016, trong khi tỉ lệ kết án đạt 25,5% năm 2016 - chỉ nhỉnh hơn mức 24,2% năm 2012 một chút.
Số vụ xét xử bạo lực tình dục thấp hơn so với những tội phạm khác như trộm cắp hay giết người. Rất nhiều vụ án vẫn tồn đọng ở tòa án Ấn Độ. Tính đến hết năm 2016, số vụ chưa xử tăng lên 133.376, so với 101.000 vụ năm 2012.
Jayshree Bajoria, nghiên cứu viên của Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Delhi, đã viết báo cáo về rào cản mà nạn nhân bị cưỡng hiếp phải đối mặt trong hành trình tìm công lý. Ông nhận định thường thì các luật mới "không được triển khai lập tức, còn việc đào tạo thực thi luật mới cũng không được thực hiện".
"Thực tế là dù có luật mới, nhưng phần lớn không bảo vệ được nạn nhân. Họ vẫn thấy luật pháp thiên vị, vẫn thấy bản thân bị làm nhục", Bajoria nói.
Cuộc đấu tranh đòi công lý của Maya còn có mặt ông chú, người quyết tâm đòi công bằng cho cháu. Ông tâm sự mỗi bước đi trong hành trình này đều vô cùng gian khổ.
Ông chủ cửa hàng bị bắt hôm 22/5/2016, một ngày sau khi gia đình trình báo và cảnh sát ghi nhận hồ sơ. Kết quả giám định y khoa kết luận Maya đã bị cưỡng hiếp. Tòa mở phiên xét xử vào giữa tháng 8. Vì Maya còn ở tuổi vị thành niên, ông chủ cửa hàng bị truy tố theo luật tấn công tình dục trẻ vị thành niên và hồ sơ được chuyển sang tòa án trẻ vị thành niên. Luật cũng ngăn không cho bị cáo được bảo lãnh.
"Nạn nhân là trẻ vị thành niên, vì vậy lúc đó bị cáo không được bảo lãnh", Harish Chand Dipankar, chuyên viên của tổ chức phi chính phủ Jan Sahass (Cổ vũ Mọi người), cho biết. Tổ chức này gia nhập hành trình đấu tranh đòi công lý cho Maya, hỗ trợ pháp lý cho em và gia đình dưới sự giúp đỡ của luật sư Tarachand Pohiya.
Dipankar đã làm việc với Jan Sahas 9 năm qua. Tổ chức có trụ sở tại một căn hộ nhỏ ở thành phố Bharatpur, bang Rajasthan. Nhân viên đều là tình nguyện viên, nhiều người đến từ những ngôi làng lân cận để tới văn phòng làm việc trong vài tiếng.
Ở một đất nước mà nạn mù chữ rất phổ biến, và nhiều người dân không ý thức được quyền lợi hợp pháp của mình, các tình nguyện viên đã giúp đỡ họ điền đơn khiếu nại lên chính quyền.
"Gia đình Maya rất nghèo. Bà mẹ và ông chú đều không biết đọc biết viết. Họ chẳng có giấy tờ chứng sinh của Maya, cũng như giấy khai sinh để xác nhận tuổi tác của em", Pohiya nói. May mắn là trong hồ sơ pháp lý có giấy xác nhận của nhà trường rằng Maya mới 15 tuổi vào thời điểm bị cưỡng hiếp.
Vụ án lâm vào bế tắc khi "bằng cách nào đó, bị cáo thuyết phục được tòa án cho bảo lãnh với lập luận Maya đã đủ tuổi trưởng thành", Pohiya nói. Ông thường nhận bào chữa theo chỉ định của tòa án, nhưng vẫn thường xuyên dành vài giờ giúp đỡ các nạn nhân cần tư vấn.
Các nhân viên của Jan Sahas ngồi bên ngoài một tòa án địa phương ở Bharatpur phân tích hồ sơ vụ kiện với luật sư Pohiya. Ảnh: CNN.
9 tháng sau khi bị kiện và không được quyền tại ngoại, ông chủ cửa hàng nộp đơn kháng cáo lên một tòa án địa phương, nói rằng nạn nhân thực tế đã 20 tuổi, không phải là trẻ vị thành niên.
Y khai với cảnh sát rằng Maya "quan hệ với nhiều người", và sử dụng cáo buộc này trong nỗ lực chứng minh cô bé tự nguyện quan hệ tình dục với y. "Họ đã cố làm nhục Maya", luật sư Pohiya nhấn mạnh.
Tòa án địa phương đứng về phía ông chủ, cho phép ông ta bảo lãnh. Quyết định này bị kháng nghị lên Tòa án Tối cao, nhiều phiên điều trần đã diễn ra nhưng không có tiến triển. Cuối cùng, quyết định cho phép ông chủ cửa hàng tại ngoại bị hủy bỏ vào tháng 7/2017. Cảnh sát đã bắt lại kẻ cưỡng hiếp. 9 tháng sau, ông ta thừa nhận và giờ thì đang bị giam giữ chờ xét xử. Vụ án đã trở lại đúng hướng.
"Chúng tôi luôn chờ đợi vụ án tiến triển", chú của Maya nói. "Phải mất rất nhiều thời gian, vụ án mới trở lại đúng thời điểm nó bắt đầu năm 2016. Gia đình của ông chủ cửa hàng muốn thỏa thuận bồi thường để chúng tôi rút đơn. Họ luôn bảo rằng tốt nhất là hai bên tự giải quyết vấn đề".
"Đây là chuyện thường thấy khi nạn nhân là người nghèo hay xuất thân từ tầng lớp thấp hơn. Nếu bị cáo là người giàu có hoặc có ảnh hưởng trong làng, nạn nhân thường đối mặt với áp lực phải hòa giải", Dipankar cho hay.
Nhưng gia đình Maya không từ bỏ. Mẹ cô bé giải thích "Tại sao chúng tôi phải hòa giải? Chúng tôi chẳng làm gì sai cả. Có gì sai khi đòi công lý cho con gái tôi?"
20.000 người Hàn Quốc biểu tình vì cựu tỉnh trưởng thoát tội cưỡng hiếp
Người biểu tình gọi tòa án là "kẻ đồng lõa" sau khi Ahn Hee-jung, người bị cáo buộc nhiều lần cưỡng hiếp nữ trợ lý, ... |
Cựu ứng viên tổng thống Hàn Quốc thoát cáo buộc cưỡng hiếp trợ lý
Cựu ứng viên tổng thống Ahn Hee-jung, người từng từ chức vì cáo buộc nhiều lần cưỡng hiếp nữ trợ lý, vừa được tòa tuyên ... |
Những tình tiết chấn động vụ sao nữ \'Vườn sao băng\' tự sát
Vụ án Jang Ja Yeon tự sát nhiều năm trước tiếp tục gây chấn động dư luận bởi những thông tin gây sốc vừa được ... |
Ngày đăng: 14:24 | 22/08/2018
/ https://vnexpress.net