Với dàn tuyển thủ quốc gia và sự ủng hộ của đông đảo CĐV, tưởng chừng HAGL không thể rớt hạng. Nhưng đó là sự thật rất dễ xảy ra ở mùa giải hấp dẫn bậc nhất lịch sử V-League.
Nếu tính những mùa giải 14 đội (26 vòng),V-League từng bốn lần chứng kiến các đội bóng đạt 30 điểm vẫn có thể xuống hạng. Đó là Đồng Tháp (2012) và Đồng Tâm Long An (2011). Mùa 2007, Hòa Phát Hà Nội phải đá play-off dù được 30 điểm, còn mùa 2009, đạt đến 31 điểm nhưng Nam Định cũng phải tranh vé vớt mới được trụ lại. Đó là những mùa giải diễn ra vào thời cực thịnh của V-League, khi tính cạnh tranh cao và mỗi mùa có đến hai suất xuống hạng trực tiếp.
Căn cứ vào các thống kê nói trên thì hiện nay, ngoài ba đội đầu bảng là Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, từ vị trí thứ tư của SLNA (30 điểm) trở xuống đều nằm trong danh sách có thể xuống hạng hoặc đá play-off. Điều này dẫn đến việc ở năm vòng cuối sẽ có nhiều "trận cầu sáu điểm", khiến cục diện của cuộc đua trụ hạng thay đổi từng vòng.
Văn Toàn - cầu thủ ổn định nhất của HAGL mùa này - tranh chấp bóng trong trận đấu với Nam Định, trên sân Thiên Trường. Ảnh: Lâm Thỏa. |
Năm 2015, HAGL từng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí là tệ hơn. Đến vòng 21, họ vẫn đứng bét bảng với vỏn vẹn ba chiến thắng, thua đến 13 trận. HLV Guillaume Graechen bị cắt chức, thay bằng HLV thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn và HAGL thắng ba trong năm trận cuối cùng để trụ hạng sớm một vòng đấu. Nhưng mùa đó chỉ có một suất rớt hạng, việc "thay tướng đổi vận" cũng ít áp lực hơn so với hiện tại.
Mùa này, đội xếp sau HAGL là Khánh Hòa - từng gây sốc với vị trí thứ ba chung cuộc mùa trước. Không biết những tố chất làm nên biệt danh "Vua trụ hạng" trước đây có còn không, nhưng nếu nhìn phong độ của đội bóng do HLV Võ Đình Tân dẫn dắt, có thể thấy họ rất có tiềm lực để trụ hạng. Đó là đội bóng đã thắng ba trong tám trận từ đầu giai đoạn hai, đã cầm hòa Hà Nội, Quảng Ninh, đánh bại TP HCM và Đà Nẵng. Nếu giữ được phong độ ấy, Khánh Hòa có quyền tự quyết với ba trận đối đầu trực tiếp với các đối thủ Sài Gòn, Hải Phòng và... HAGL. Khác với các đội bóng từng thường xuyên "cầm đèn đỏ" ở những mùa trước đây, Khánh Hòa cho thấy họ không dễ dàng bỏ cuộc. Trong 20 điểm hiện nay của họ, có 11 điểm được kiếm ở vòng 10 phút cuối trận - trong đó có đến bảy điểm từ những phút bù giờ. Một tinh thần chiến đấu miễn chê, nhất là khi từ đầu giải, chỉ duy nhất một lần Khánh Hòa ca thán về hoàn cảnh của mình rằng chỉ có họ tuyệt nhiên chẳng xin ai điểm.
Bởi vậy, nếu đặt lên bàn cân giữa HAGL và Khánh Hòa, đội bóng nào xứng đáng ở lại V-League, thì đó là một câu hỏi có thể khiến những người yêu mến đội bóng phố núi đau lòng. Những các khán giả trung lập cần câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc về việc một đội bóng được cho là nhiều tài năng, phụng sự cái đẹp, nhưng năng lực thi đấu thì chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng. Cứ mỗi lần HAGL thua trận, sẽ có vô số nghi ngờ về sự thiên vị của trọng tài, đối thủ chơi quá xấu hoặc là mặt sân không phù hợp... cứ như thể HAGL "phải thua" do mọi thứ đều chống lại họ.
Về lý thuyết, HAGL vẫn giữ quyền tự quyết. Họ còn ba trận sân nhà, trong đó có hai trận "chung kết ngược" với Hải Phòng (vòng 24) và Khánh Hòa (26). Nhưng nguy cơ xuống hạng của HAGL lại nằm ở ngay bên trong đội bóng chứ không đến từ yếu tố bên ngoài.
Đội bóng phố núi gần như đang lệ thuộc hoàn toàn vào tốc độ của Văn Toàn. Dù đã đổi HLV giữa mùa giải, HAGL vẫn không có một ý đồ chiến thuật nào rõ ràng. Nếu ở giai đoạn một, họ còn Chevaughn Walsh lực lưỡng đè người chiếm không gian trong vòng cấm, đồng thời ghi đến 10 bàn, thì sau khi cắt hợp đồng với ngoại binh này, gần như HAGL chỉ còn duy nhất "bài" phất bóng dài dọc biên cho Văn Toàn phá việt vị bắt tốc độ một phần ba sân cuối. Sự xuất hiện của Xuân Trường không thay đổi được gì về lối chơi, ngoài việc có thêm những quả phất bóng trung lộ và những tình huống đá phạt. Minh Vương đã ghi bảy bàn - ngang với Văn Toàn - nhưng cầu thủ của các tình huống "bóng 2" này cũng chỉ chơi tốt khi vào sân từ ghế dự bị. Sau chấn thương, đến nay Văn Thanh mới tham gia vào hai bàn thắng của HAGL - một con số có thể khiến cơ hội trở lại tuyển quốc gia của anh trở nên ít ỏi.
Văn Toàn có thể vẫn còn sức để chạy, giành chiến thắng trong các cuộc tranh chấp tay đôi bằng tốc độ, nhưng các đồng đội của anh thì không. Những trụ cột của HAGL đều lộ rõ vấn đề về thể lực. Kể cả khi họ đủ sức đá 90 phút trên sân thì vẫn rất kém khi tranh chấp. Năm năm đã qua kể từ khi lứa U19 được đôn lên, HAGL không có bất kỳ sự cải biến về mặt chiến thuật thi đấu bởi từ rất lâu rồi, HLV là điều mà bầu Đức ít quan tâm nhất. Trong khi đó, con người của họ thì ngày càng lớn tuổi, có tiền sử chấn thương và chịu lối mòn về tư duy chơi bóng.
Một đội bóng không mạnh về thể lực, không quen đá xấu, có kỹ thuật nhưng không thể giữ bóng "cù cưa" kiếm điểm thì chỉ chơi thăng hoa khi không chịu áp lực. Ngược lại, trong bối cảnh mà mỗi trận đấu sắp đến sẽ là các cuộc chiến thiên về sức mạnh, sự thực dụng và mánh khóe, thì HAGL hầu như chẳng còn chỗ nào để bám víu.
Rất có thể HLV Park Hang-seo vẫn bỏ qua những dị nghị, kiên quyết gọi các cầu thủ HAGL lên tuyển cho ba trận đấu ở vòng loại World Cup vào tháng 9 và tháng 10. Khi đó, cuộc đua trụ hạng mùa này sẽ thêm phần bi tráng với HAGL.
Song Việt
HAGL: Đừng để xuống hạng rồi đổ tại... đá cho vui
HAGL chật vật đua trụ hạng trong 4 mùa vừa qua, nhưng tình cảnh thầy trò HLV Lee Tae Hoon chưa bao giờ bi đát ... |
Ông Nguyễn Tấn Anh: ‘Cầu thủ HAGL cảm giác như không được bảo vệ’
Trưởng đoàn bóng đá HAGL bức xúc khi đội nhà liên tục chịu những quyết định bất lợi ở giai đoạn cuối V-League 2019. |
Ban trọng tài thừa nhận HAGL nhận bàn thua oan
Trưởng ban Dương Văn Hiền cho biết tổ trọng tài đã sai khi công nhận bàn thắng của Hồ Sỹ Giáp khi Bình Dương đánh ... |
Ngày đăng: 10:52 | 20/08/2019
/ vnexpress.net