Sau trận hòa 2-2 ở vòng 18 V-League 2019, những dự cảm xấu cho khả năng bảo vệ ngôi vương của Hà Nội dần hiện ra rõ ràng.
Khi trận đấu trên sân Thống Nhất kết thúc, các thành viên của TP HCM ăn mừng như thể vừa thắng trận chung kết. Sự thật là họ chưa chạm vào chiếc Cup nào. Nhưng có một điều chắc chắn, Hà Nội mùa này sẽ khó bảo vệ ngôi vương, còn TP HCM biết họ có thể vô địch.
TP HCM (đỏ) đang đứng trước cơ hội lớn để lật đổ sự thống trị của Hà Nội. Ảnh: Đức Đồng. |
Trong bóng đá, lòng tin vô cùng quan trọng. Suốt từ năm 2016, V-League gần như nằm trong tầm kiểm soát của Hà Nội, cùng những nghi ngờ liên quan đến "những đội bóng của bầu Hiển". Bầu Đức nói HAGL "đá cho vui" có thể là để bào chữa cho thành tích yếu kém của đội nhà, nhưng trên thực tế, nỗi e ngại sức mạnh của Hà Nội là có thật, đặc biệt là sau mùa giải gần như vô đối năm ngoái.
Đội bóng của HLV Chung Hae-Seong đã đẩy được hòn đá tảng ấy ra khỏi lồng ngực dù phần lớn thời gian trong hiệp hai, họ bộc lộ nỗi hoảng sợ thực sự trước sức ép của nhà vô địch. Bàn gỡ ngay phút cuối của TP HCM không chỉ đem lại cho họ một điểm, giữ lại vị trí đầu bảng mà còn củng cố niềm tin của họ.
Không phải tự nhiên mà TP HCM lại vùng dậy một cách mãnh liệt như vậy. Nguồn động viên từ khán đài sân Thống Nhất là lý do quan trọng. Phải gần 7 năm, tính từ trận Sài Gòn Xuân Thành – Hà Nội T&T ở mùa 2012, sân Thống Nhất mới đón lượng khán giả đông đến như vậy để cổ vũ cho đội chủ nhà. Điều đó cho thấy khao khát vô địch của giới hâm mộ bóng đá nơi đây vẫn còn. Lần gần nhất họ được tận hưởng niềm vui ấy cách đây đã 18 năm, sau chức vô địch của Cảng Sài Gòn - một cái tên đã nằm trong dĩ vãng.
Bảy năm trước, Sài Gòn Xuân Thành đánh mất cơ hội vàng khi bị Hà Nội T&T cầm hòa trên sân Thống Nhất. Nhưng trận hòa của TP HCM lần này lại chẳng khác gì một chiến thắng.
TP HCM đang thấy cơ hội vô địch rõ ràng hơn bao giờ hết. Ảnh: Đức Đồng. |
Xét về chuyên môn, cơ hội của TP HCM rất rõ ràng. Theo thống kê ở các mùa giải V-League có 14 đội, nếu muốn vô địch thì phải thắng tối thiểu 14 trận trước khi mùa giải kết thúc ít nhất một vòng đấu. Để chắc chắn, phải thắng 15. Cá biệt có Quảng Nam mùa 2017 chỉ thắng 13 trận, trong khi Hà Nội ở mùa 2016 cần đến trận thắng thứ 16. Hiện nay, TP HCM đã thắng 10 trận, tức là họ cần giành thêm ít nhất bốn trận thắng nữa trong tám vòng đấu cuối mùa. Đó không phải là nhiệm vụ quá khó.
Điều quan trọng hơn là trận đấu vừa qua khiến Hà Nội vẫn dậm chân với chỉ 9 trận thắng. Như vậy, để bảo vệ ngôi vương, họ phải thắng tối thiểu 5 trận nữa. Nhưng với phong độ của TP HCM hiện nay, có lẽ đội bóng của ông Chu Đình Nghiêm cần con số 6, tức là tối thiểu 15 trận thắng mới mong vô địch.
Nếu thực sự Hà Nội có thể thắng 6 trong tổng số 8 trận còn lại, chẳng có gì để nói. Thế nhưng, họ gần như không thể, nếu nhìn từ chính trận hòa với TP HCM. Đó là trận thứ 3 liên tiếp Hà Nội đánh mất chiến thắng ngay những giây cuối cùng, sau trận hòa 2-2 trước Khánh Hòa và 1-1 trước HAGL. Dù đến nay Hà Nội mới thua hai trận, ngang với mùa trước, nhưng đã hòa đến bảy trận. Năm trong số đó diễn ra trước ba đội đứng chót bảng hiện tại là Khánh Hòa, HAGL và Quảng Nam. Một đội bóng không thắng nổi ba đội yếu nhất giải thì liệu có xứng đáng để vô địch?
"Cầm vàng mà để vàng rơi" ở ngay phút cuối đến 3 lần liên tiếp, là một dấu hiệu khủng khoảng nghiêm trọng. Thua kiểu như vậy chỉ có hai lý do: một là không đủ sự tập trung cao nhất và hai là yếu tố thể lực.
Đã có những dấu hiệu cho thấy khát vọng thi đấu của các cầu thủ Hà Nội đang gặp vấn đề. Nhiều cầu thủ mất thời gian cho hoạt động quảng cáo. Một số khác bị phân tâm vì những lời đề nghị chuyển nhượng từ các đội bóng khác. Từ trước đến nay, Hà Nội chưa bao giờ là đội thiếu tiền nhưng các yếu tố bên ngoài luôn rất khó đoán. Bầu Hiển đã phải chỉ đạo trực tiếp để củng cố những vấn đề nói trên.
Câu chuyện về thể lực của Hà Nội cũng rất đáng quan ngại. Đá hơn người ở phần lớn hiệp hai nhưng càng về cuối, các hậu vệ của Hà Nội gần như không đủ sức đeo bám. Chiếc thẻ đỏ của Thành Chung, các pha phạm lỗi khá thô của Đoàn Văn Hậu khi tranh chấp ở những vị trí trước vòng 16m50, hay việc căng cơ của Trần Văn Kiên, thủ môn Văn Công... là dấu hiệu rõ ràng. Trong ba bàn thua phút cuối vừa qua, hai bàn đến từ các tình huống các hậu vệ Hà Nội không bật lên nổi khi tranh chấp bóng bổng, để đối phương đánh đầu ghi bàn. Trong khi đó, bàn thua trước HAGL hoàn toàn là sự thua sút về thể lực trước pha nước rút của tiền đạo Văn Toàn.
Những bàn thua phút cuối, những pha phạm lỗi không thường thấy... là chỉ dấu cho thấy những vấn đề nội tại của Hà Nội (xanh). Ảnh: VPF. |
Nhìn xa hơn, người hâm mộ cũng cần lo cho... đội tuyển quốc gia. Từ nay đến hết tháng 10, trước mắt Hà Nội là tám trận "buộc phải thắng" ở V-League, hai trận chung kết AFC Cup khu vực Đông Nam Á với Bình Dương - mà nếu vượt qua, họ còn sẽ phải đá thêm nhiều trận nữa. Chưa kể họ còn vào bán kết Cúp quốc gia với chính ...CLB TP HCM. Đây là giải đấu mà Hà Nội chưa lần nào đăng quang.
Nếu Hà Nội "buông", HLV Park Hang-seo sẽ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nếu họ tiếp tục các cuộc đua với một trạng thái thiếu tập trung, cạn khát vọng và kiệt sức theo thời gian thì thành tích của đội tuyển Việt Nam sẽ rất đáng ngại.
Song Việt
Ngày đăng: 15:38 | 29/07/2019
/ vnexpress.net