Tất nhiên, đúng như các… khẩu hiệu mà tài xế taxi truyền thống dán trên xe đang gây ồn ào mấy ngày nay, là Grab và Uber đã nộp thuế rất ít.
Ảnh minh họa. Nguồn: TBKTVN |
Trước đó, Hiệp hội taxi Hà Nội gửi kiến nghị với nội dung: “Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5% phải thu, tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động”.
Vài ngày sau, hàng loạt taxi của nhiều hãng tại Hà Nội và Tp.HCM đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Grab Việt Nam lại khác, đại diện doanh nghiệp này cho biết, Grab Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình. “Việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách của Grab Việt Nam tăng trưởng gần 300% mỗi năm”, Grab Việt Nam khẳng định.
Một phát ngôn tương tự cũng được Uber Việt Nam khẳng định, dù Cục Thuế Tp.HCM vừa xử phạt Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan) gần 70 tỷ đồng vì những sai phạm liên quan tới nhiều sắc thuế phải nộp khi hoạt động tại Việt Nam.
Trong số thuế truy thu đối với Uber B.V, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay lái xe và gần 10,5 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài. Nói cách khác, số thuế thu được ngay cả khi phạt này, vẫn là rất thấp nếu tính chi tiết theo từng sắc thuế.
Để hiểu về câu chuyện nộp thuế của Grab và Uber, hãy bắt đầu từ bản chất và quan hệ giữa cơ quan quản lý và đối tượng nộp thuế. Về cơ bản, chính sách thuế của Việt Nam cũng chỉ có 2 đối tượng nộp thuế, đó là các tổ chức và các cá nhân.
Với các doanh nghiệp taxi truyền thống, việc đăng ký kinh doanh vận tải gắn liền với hoạt động đầu tư dàn xe, treo logo, ký hợp đồng thuê lái xe, chở khách, thu cước và nộp thuế.
Trong quan hệ với cơ quan thuế, doanh nghiệp taxi truyền thống là chủ thể nộp thuế. Mức thuế được phản ánh vào trong giá cước và lái xe là người thu cước để nộp về doanh nghiệp, trước khi nộp cho nhà nước.
Nhưng cách thu thuế “truyền thống” này thay đổi hoàn toàn trong trường hợp các doanh nghiệp như Uber và Grab.
Theo đó, Uber và Grab – với nền tảng công nghệ của mình – đóng vai trò như người môi giới, kết nối giữa khách đi xe và chủ xe. Uber và Grab và không đầu tư xe, không là chủ xe, do thế cũng không kinh doanh vận tải khách.
Thực tế này trở thành rào cản đầu tiên khi các cơ quan quản lý lúng túng trong cách tiếp cận quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp như Uber và Grab, hay rộng hơn là quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mạng.
Thực tế nữa, là Uber và Grab giao kết với các chủ xe – lái xe bằng các hợp đồng ăn chia cước. Theo đó, Uber và Grab thu một tỷ lệ nhất định (20 – 25%) cước thu của khách. Phần lớn số cước còn lại trả về các các chủ xe – lái xe.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc khách gọi xe và các chủ xe – lái xe nhận chở khách cũng là giao kết hợp đồng. Do đó, trong trường hợp này, đối tượng phải nộp thuế chính là các các chủ xe – lái xe tham gia Uber và Grab.
Pháp luật Việt Nam có quy định những chủ xe là cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý và nộp thuế nếu tham gia vận tải khách theo hợp đồng. Đồng thời, đã có khá nhiều tài xế Uber và Grab đã bị phạt vì không đăng ký vận tải khách.
Tuy nhiên, với hàng chục nghìn tài xế đã tham gia Uber và Grab và số lượng tiếp tục tăng lên mỗi ngày, dường như việc quản hết số lượng này là quá sức với các cơ quan thuế.
Hiện cơ quan thuế chưa có câu trả lời rõ ràng về việc đang quản lý thuế thế nào với hàng chục nghìn chủ xe – tài xế Uber và Grab đang hoạt động, và có thể hàng chục nghìn người nữa sắp tham gia.
Có ý kiến cho rằng do Uber và Grab thu tiền của lái xe, chuyển về các công ty mẹ đặt ở nước ngoài trước khi chuyển lại cho chủ xe kiêm lái xe, nên hai doanh nghiệp này cần cần nộp thuế tại Việt Nam trên cơ sở toàn bộ số liệu doanh thu đã lập và được công nhận.
Tuy nhiên, thực tế là, dù muốn, Uber và Grab cũng không thể can thiệp vào hợp đồng giữa các chủ xe – lái xe với khách, do những ràng buộc, cam kết thể hiện thành hợp đồng giữa chủ xe – lái xe với hai hãng.
Mặt khác, hàng chục nghìn chủ xe – tài xế đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và kiếm tiền qua phần mềm của Uber và Grab, trong khi lại có chuyện sụt giảm số thu từ các hoạt động này. Đó là yêu cầu đặt ra với cơ quan quản lý để tăng nguồn thu, hơn là tìm cách hạn chế hoạt động của Uber và Grab bằng cách “đá bóng” quyền cấp phép hoạt động mô hình này về các địa phương.
(http://viettimes.vn/grab-uber-nop-thue-it-loi-tai-ong-quan-ly-141398.html)
\'Đại chiến\' taxi
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán việc nhiều xe taxi ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dán ... |
Cổ phiếu Vinasun liên tục đỏ sàn vì cuộc chiến với...Grab, Uber?
Cổ phiếu Vinasun Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, mã chứng khoán VNS liên tục đỏ sàn 4 phiên liên tiếp xoay quanh thông ... |
Khi nào taxi và Uber, Grab sẽ chung sống được với nhau?
Theo các chuyên gia, cuộc chiến giữa Uber, Grab sẽ còn diễn ra. Các hãng chỉ có thể chung sống khi hài hòa lợi ích ... |
Vinasun trượt dài từ thị phần vận tải đến chứng khoán
Không chỉ gặp khó trên thị trường trước áp lực canh tranh từ Uber và Grab, Vinasun (mã chứng khoán VNS) còn đang gặp khó ... |
Ngày đăng: 18:15 | 10/10/2017
/ Theo Trọng Nhân/Viettimes.vn