Nhìn dòng nước lũ ầm ầm đổ về nhấn chìm làng mạc, phố xá, ruộng vườn… ở miền Trung mà không khỏi nhói lòng khi thấy hiện lên hình ảnh những căn biệt phủ làm từ những cây gỗ mà lẽ ra nếu chúng còn ăn sâu bám rễ trên đại ngàn thì ít nhiều là tấm khiên của tự nhiên ngăn dòng nước hung tợn.
Căn "biệt phủ" làm bằng gỗ của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị dùng tới hơn 80 m3 gỗ, trong đó 32 cây cột là nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, chua, trường... Dù cơ quan chức năng của tỉnh cho biết 80 m3 gỗ này có nguồn gốc hợp pháp nhưng để có được số gỗ trên, bao nhiêu cây rừng bị đốn gục?
Giá trị của rừng đối với cuộc sống đã quá rõ. Rừng được ví như vàng không chỉ bởi nó là nguồn tài nguyên, sản vật quý giá mà vì nó còn có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống con người. Rừng - "lá phổi" xanh - bị xâm hại sẽ tức khắc ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống. Rừng còn là "tấm khiên" đặc biệt để ngăn, giảm thiểu sức mạnh hung bạo, sự tàn phá ghê gớm của lũ lụt.
Khúc ruột miền Trung và Tây Nguyên đang phải gồng mình chống chọi với hiểm họa lũ lụt được đánh giá là "chưa từng thấy" khi các hồ, sông và vùng trũng cùng đầy nước. Trận mưa lũ lịch sử hiện nay tất nhiên là do mưa quá lớn. Mưa lớn thì phải chấp nhận chịu lũ lụt, song mức độ chắc chắn sẽ giảm nếu còn những cánh rừng nguyên sinh giúp giữ nước, khiến tốc độ nước đổ xuống hạ du chậm lại.
Vậy mà diện tích rừng vẫn bị suy giảm nghiêm trọng. Số liệu thống kê chính thức cho thấy từ năm 2010 đến 2014, rừng Tây Nguyên giảm 307.000 ha, độ che phủ giảm từ 51,9% xuống còn 45,8%; tỉ lệ rừng giàu chỉ còn 10,4%, rừng trung bình còn 22,7%, còn lại là rừng nghèo kiệt… Giá gỗ càng cao thì nạn phá rừng càng trầm trọng.
"Thủ phạm" khiến những cánh rừng bạt ngàn biến mất hay cạn kiệt, ngoài một phần thói quen canh tác lạc hậu của người dân địa phương còn có phần đáng kể do thủy điện. Vô số thủy điện mọc lên khắp miền Trung, Tây Nguyên không chỉ chặt phá, nhấn chìm nhiều khu rừng mà còn "tiếp tay" cho lũ lụt khi xả lũ "hùa" theo mưa lớn.
Thủ phạm nguy hiểm nhất tàn sát rừng chính là lâm tặc. Thế nhưng, có rất nhiều vụ phá rừng mà khi điều tra đã phát hiện kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc hoặc lâm tặc được bảo kê, "chống lưng".
Không chỉ có nhà ông chi cục trưởng kiểm lâm ở Quảng Trị làm "biệt phủ" bằng gỗ mà chuyện các quan cất nhà từ gỗ rừng còn thấy ở Đắk Lắk, Quảng Bình… Đây là những địa phương mà tình trạng phá rừng đang là một nỗi nhức nhối. Gỗ rừng còn "chạy" vào nhà, "biệt phủ", trong đó có cả các nhà quan như vậy thì biết bao giờ mới ngăn được tác hại ghê gớm của nạn phá rừng - tấm lá chắn bảo vệ cuộc sống trước biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và khó lường?
Yên Bái - khi đàn cá tầm nuốt các cánh rừng
Trong năm qua và nhiều năm gần đây, nếu có một bảng phong thần buồn bã về một tỉnh rừng núi bị thảm họa thiên ... |
Rừng bị phá, kiểm lâm không biết?
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đóng cửa rừng, xử lý trách nhiệm những nơi để xảy ra ... |
Tiếp sức rừng thiêng
Nhiều khu rừng nguyên sinh dù nằm sát khu dân cư đông đúc nhưng bao năm qua vẫn còn nguyên vẹn nhờ người dân bảo ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/go-rung-chay-di-dau-20171106220256756.htm
Ngày đăng: 09:15 | 07/11/2017
/ Phan Đăng/nld.com.vn