Không trụ được ở Ngoại hạng Anh, Serge hồi hương rồi tỏa sáng rực rỡ với đỉnh cao mới nhất là bốn bàn nã vào lưới Tottenham ở Champions League.
"Khách sạn Shoreditch ở London chưa bao giờ vui đến thế", những người phục vụ lâu năm ở đây nói với cây bút của Raphael Honigstein của The Athletic.
Không khí vui vẻ ấy không đến từ việc các nữ phục vụ trong bộ áo đầm Bavaria truyền thống cứ lên bia không ngừng nghỉ. Không phải vì màn buffet đúng kiểu Las Vegas được chuẩn bị bởi Alfons Schuhbeck, một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất nước Đức. Không phải vì chiến thắng 7-2 oanh liệt trước đội chủ nhà Tottenham. Không vì chính những người Anh nổi tiếng bảo thủ đã phải đứng cả dậy để vỗ tay cho chàng trai nước Đức Serge Gnabry, tác giả một cú poker và là cầu thủ Bayern Munich cuối cùng rời sân. Cũng đâu phải vì Chủ tịch Karl-Heinz Rummenigge đã chỉ vào các thành viên trong đội và nói: "Hôm nay là một ngày lịch sử. Chiến công này là của Niko Kovac, của Ban huấn luyện và của toàn thể đội bóng".
Mọi người hạnh phúc đến thế, như mang cả Oktoberfest từ Đức sang Anh, là vì tất cả những điều vừa kể trên. Trong đám đông đang cười vui hết cỡ ấy, hạnh phúc nhất là một người đàn ông trung niên, mặc chiếc áo len màu đen và khăn quàng ca rô. "Tôi rất tự hào vì nó, thật sự rất hãnh diện," Jean-Hermann Gnabry nói về con trai. "Tôi nói với nó: 'Cố mà chơi một trận ra trò hôm nay nhé'. Và nó đã làm thế".
Gnabry (áo đỏ, trái) trong pha làm bàn ấn định kết quả 7-2 cho Bayern trước Tottenham. Ảnh: Guardian. |
Là cựu cầu thủ Arsenal, Gnabry không xa lạ gì London. Anh vẫn thường xuyên đến thăm thành phố này để gặp người bạn thân nhất, Hector Bellerin. Và anh vừa trải qua ngày đẹp nhất trong đời tại chính thành phố quen thuộc ấy. Lần gần nhất Gnabry ghi được bốn bàn là khi còn chơi cho đội... U6 của CLB quê nhà TSV Weissach, một ngôi làng phía tây bắc Stuttgart. Hồi ấy, cậu bé Serge Gnabry mới bốn tuổi rưỡi.
Đưa con trai vào đội bóng địa phương là một nỗ lực tuyệt vọng của phụ huynh. Ông bố người Bờ Biển Ngà Jean-Hermann và người mẹ người Đức Birgit đã quá đuối với sự tăng động của con trai. Cậu chạy nhảy trong nhà, xông huỳnh huỵch vào mọi thứ, sút bóng vào bóng đèn và mấy bức tranh trên tường. Gnabry nhớ lại: "Ngày ấy, bố tôi phải thuyết phục mãi, Weissach mới chịu nhận. Và họ yêu cầu bố phải đến để phụ trông chừng tôi".
Jean-Hermann vẫn bị lầm tưởng là một cựu tuyển thủ Bờ Biển Ngà. Trên thực tế, ông chỉ chơi bóng duy nhất cho TSV Weissach. Chính nhờ liên hệ này mà ông mới xin cho cậu con trai chưa đến năm tuổi vào chơi bóng cho đỡ cuồng chân. Nhưng rất nhanh chóng, các đồng đội của Jean-Hermann nhận ra tiềm năng của thằng bé. Nó có thể chơi trò một đấu một nhiều giờ liền không nghỉ. Không chỉ quyết tâm, nó cho thấy dấu hiệu của một tài năng thực sự. Và họ đã mua tặng cậu bé Serge đôi giày bóng đá đầu tiên trong đời.
Cậu bé càng lớn càng khẳng định khả năng thiên phú. Và những chiếc áo dần trở nên chật chội. Cậu dần được gửi đến những CLB mạnh hơn, tập với những đồng đội giỏi hơn và học hỏi những HLV tốt hơn. Gnabry sang TSV Ditzingen, rồi GSV Hemmingen và SpvGG Feuerbach.
Stuttgarter Kickers, CLB lớn nhất thành phố, "chấm" Gnabry khi cậu mới 10 tuổi. Chỉ một năm sau đó, cậu bé chính thức thành người của VfB Stuttgart, một trong những CLB đào tạo trẻ tốt nhất nước Đức. Ở đó, cậu được chơi cạnh những ngôi sao tương lai như Sami Khedira, Joshua Kimmich và Timo Werner. Giám đốc đào tạo trẻ của Stuttgart Thomas Albeck là người cực kỳ nghiêm khắc. Hình xăm và những đôi giày màu mè bị cấm sạch, các cầu thủ trẻ ở đây chỉ có tập luyện và học hành, phải cố hành xử cho ngoan ngoãn.
Gnabry thời chơi cho đội trẻ Stuttgart. |
Sự nghiệp hứa hẹn của Gnabry bỗng rẽ sang một bước ngoặt khi một người Anh quốc cao to, tóc vàng nhìn thấy cậu cùng Stuttgart dự một giải đấu trong nhà tại Blaubeuren năm 2004. Người đó là Peter Clark, tuyển trạch viên của Arsenal ở Đức. Ông không mất nhiều thời gian để ra quyết định. Gnabry nhớ lại: "Peter bảo chỉ cần xem tôi đá 10 phút là đủ để yêu cầu Arsenal phải xem xét ngay".
Clark tiếp tục dõi theo Gnabry vài tháng sau đó. Ông thu xếp một buổi thử việc tại trung tâm tập luyện London Colney của Arsenal. Khi ấy, Gnabry mới 15 tuổi, chưa thể chuyển sang một CLB nước ngoài theo luật FIFA. Gnabry trở lại Stuttgart, nhưng cứ đi đi về về giữa nước Đức và London trong những kỳ nghỉ. Một năm sau đó, cậu đủ điều kiện trở thành người của Arsenal.
Chỉ sau một trận đá cùng đội U16, Gnabry được Arsenal đôn lên tập luôn với đội U18, nơi các đồng đội lớn hơn và khỏe hơn rất nhiều. Benik Afobe là đồng đội của cậu khi ấy, và Steve Bould, rồi sau đó là Neil Banfield, là HLV trực tiếp hướng dẫn. "Đấy là một thế giới hoàn toàn khác", Gnabry nhớ lại. "Mọi thứ ban đầu khó khăn kinh khủng vì ai nói chuyện cũng rất nhanh. Họ đều là những HLV hàng đầu. Họ tạo động lực, nhưng cũng đòi hỏi rất cao. Chỉ cần chơi tồi, họ sẽ sạc ngay".
Martin Angar, một hậu vệ, thường xuyên bị chửi te tua vì né mấy pha đánh đầu, do sợ... hư tóc. Gnabry cũng thuộc nhóm thường xuyên "ăn" mắng. Anh kể: "Có một trận đấu mà chúng tôi thua. Banfield lôi tôi ra trước toàn đội, bảo tôi chơi không tích cực, tôi không chịu tham gia phòng ngự và phong độ tôi tồi tệ. Toàn những điều tôi không muốn nghe. Nhưng tôi đã suy nghĩ nhiều về những lời ấy".
Năm 2012, Gnabry được đội một gọi lên để cùng đi tập huấn trước mùa giải. Anh không thể quên được hình ảnh toàn bộ các cầu thủ đội một xếp hàng cổ vũ cho Per Mertesacker vượt qua một bài kiểm tra tốc độ. Gnabry đã sung sướng phát điên khi Robin van Persie đến vỗ vai bảo: "Nhóc sẽ làm được, ráng lên". Gnabry nói: "Khi tôi được tung vào sân dù chỉ vài phút cuối trong một trận giao hữu, tôi cứ lâng lâng khi nhớ lại lời động viên của anh ấy".
Sau hai trận đấu đầu tiên khoác áo đội một: gặp Norwich tại Ngoại hạng Anh rồi Schalke tại Champions League, mà anh đá tiền vệ trung tâm, Gnabry đều không ngủ được. Arsenal thua cả hai trận và chàng trai trẻ đã tự trách bản thân rất nhiều. Đến cả bố của cậu cũng làm thế. Jean-Hermann cứ nhai đi nhai lại những pha bóng mà cậu đã chuyền hỏng, như ông vẫn làm suốt từ khi cậu còn bé tới giờ.
Gnabry được trao cơ hội ở đội một Arsenal, nhưng thích nghi chậm và dần dà bị đào thải. |
Sự tiến bộ của Gnabry chững lại vào năm 2014. Một vết thương ở đầu gối khiến anh phải nghỉ thi đấu sáu tháng. Gnabry phớt lờ những triệu chứng, tin anh vẫn có thể thi đấu với thuốc giảm đau. Trong sáu tháng ngồi ngoài ấy, những người bạn "ngỡ như thân" bỗng dưng mất tiêu, không còn ai gọi điện nữa. Ngày trở lại, Gnabry nhận ra đội hình Arsenal đang khủng hoảng thừa các tiền vệ công. Anh được đem cho Brighton & Hove Albion mượn. Nhưng phút cuối, số phận lại đẩy Gnabry sang West Bromwich Albion của Tony Pulis. Trong sáu tháng, Pulis chỉ cho học trò người Đức vào sân vỏn vẹn... 12 phút ở Ngoại hạng Anh.
"Quyết định cho mượn ấy đã làm khổ tôi", Gnabry nói. "Thời gian đó khó khăn kinh khủng. Tôi không hiểu tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy. Nhưng tôi luôn nhìn mình trong gương, trấn an là mình đã cố hết sức rồi. Tôi cố tìm cách nói chuyện với Pulis, nhưng không có kết quả. Ông ấy không dùng tôi và tôi không bao giờ biết vì sao".
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Pulis chê Gnabry không đủ tài năng để chơi cho West Brom.
Khi trở lại Arsenal hè 2016, Gnabry đối diện với tương lai mờ mịt. Chỉ một năm nữa là anh hết hợp đồng, và CLB không có ý định ký tiếp.
Quyết tâm chứng tỏ giá trị bản thân, Gnabry tìm lời khuyên từ đàn anh Mertesacker. Thủ quân của Arsenal khuyên đàn em đồng hương nên có vài điều chỉnh trong lối chơi, chỉ tập trung vào những điểm mạnh cốt lõi và cố cải thiện khâu tâm lý. Gnabry kể: "Anh ấy đã giúp tôi rất nhiều, cũng như Mesut Ozil và Lukas Podolski. Họ kể những vấn đề của bản thân, rồi cho tôi những lời khuyên hữu ích". HLV Steve Bould cũng cho chàng trai trẻ nhiều lời khuyên. Ông nói Gnabry cần phải hùng hổ hơn nữa trên sân, phải trở thành một mối hiểm họa thường trực hơn trước các đối thủ.
Một bước ngoặt nữa đến ngay mùa hè 2016, khi Olympic diễn ra tại Rio de Janeiro. Gnabry được HLV Horst Hrubesch triệu tập vào phút cuối và tỏa sáng rực rỡ. Cậu ghi sáu bàn và giúp Đức giành HC bạc bóng đá nam trên đất Brazil. Arsenal bỗng hăng hái đề nghị gia hạn hợp đồng, nhưng thấy trước mặt vẫn là sáu, bảy cầu thủ khác được ưu tiên. Gnabry quyết định ra đi.
Phong độ chói sáng tại Olympic 2016 giúp Gnabry tìm thấy lối thoát cho sự nghiệp đang bị chững lại ở Arsenal. |
Bản hợp đồng trị giá 5 triệu euro (khoảng 6 triệu USD) được Werder Bremen ký, với sự trợ giá từ Bayern. Tháng 6/2017, Bayern kích hoạt điều khoản mua đứt với giá 8 triệu euro để mang Gnabry về Allianz Arena.
Tối thứ Ba vừa qua, trên sân Tottenham, Gnabry cất cao tiếng nói của bản thân. Bốn bàn góp vào chiến thắng đậm 7-2 của Bayern hôm đó cho thấy anh đã sẵn sàng bước vào sân chơi của những cầu thủ hay nhất thế giới. Gnabry đã khép lại một vòng quay, để chuẩn bị tiến lên một vòng quay lớn hơn.
Từ một gã trai phải trở lại Đức để cứu vãn sự nghiệp, Gnabry bây giờ hiện diện trên mọi tờ báo của London. Anh rời khỏi sân muộn nhất sau khi lập cú poker vào lưới Tottenham, như để sống trọn vẹn từng giây hạnh phúc và tự hào. Nhưng Gnabry cũng không ở lại đó lâu hơn, vì anh còn phải về khách sạn Shoreditch. Ở đó, có một bữa tiệc Oktoberfest giữa lòng nước Anh đang chờ.
Gnabry đang là ngôi sao người Đức chói sáng nhất ở Champions League mùa này. Ảnh: Reuters. |
Khi vào sảnh, cậu gặp lại Clark, người bây giờ đứng đầu nhóm tuyển trạch viên ngay tại nước Anh cho Arsenal. Ông vẫy tay chào cậu, chúc mừng một đêm đáng nhớ, ôn lại kỷ niệm ngày xưa với niềm tự hão xen lẫn chút xót xa.
"Giá như bây giờ cậu ở Arsenal thì tốt quá", Clark nói.
Nhưng đời làm gì có chỗ cho chữ "Giá như"...
Hoài Thương
Ngày đăng: 15:16 | 03/10/2019
/ vnexpress.net