Không cần đợi tuổi già “ghé thăm”, giới trẻ đang đối mặt với nhiều bệnh liên quan đến thần kinh do những thay đổi của cuộc sống. Nhiều bạn trẻ mắc bệnh như giả vờ, khó xác định nguyên nhân.
Bỗng dưng la hét, lảm nhảm, cắn xé người xung quanh
Mới đây, nhiều học sinh của điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) thường xuyên có biểu hiện lạ, liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe... khiến cho giáo viên, các bậc cha mẹ và chính quyền địa phương lo lắng. Các em học sinh thường có biểu hiện sức khỏe bất thường như tự nhiên ngất, tự nhiên chạy ra khỏi lớp, chạy thẳng lên đồi... Hiện tượng ngất gây bất tỉnh tạm thời có thể diễn ra nhanh từ 3 đến 5 phút, có một số trường hợp kéo dài đến 20 phút. Sau khi tỉnh dậy, phần lớn các em đều không nhớ gì, nhiều em có sức khỏe yếu sau khi ngất dậy không thể đi lại được. Trước khi có những hành động lạ, sắc mặt của các em thường thay đổi nhanh chóng, mắt đỏ...
Điểm trường Nà Bản thuộc Trường Tiểu học Xuân Lạc có 5 lớp học với 108 học sinh. Theo phản ánh của giáo viên dạy ở điểm trường thì từ đầu tháng 11, điểm trường có 2 em học sinh lớp 5 có những biểu hiện lạ. Sau đó, đã có 9 em thường xuyên có biểu hiện như kể trên (có 5 học sinh lớp 3, 1 học sinh lớp 4, 3 học sinh lớp 5); trong đó, có 8 em ở thôn Cốc Slông, 1 em ở thôn Nà Bản.
Cùng thời điểm diễn ra bệnh lạ ở tỉnh Bắc Kạn, tại tỉnh Đắk Lắk 6 học sinh tại Trường tiểu học Cư Pui II, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cũng có biểu hiện lạ. Ban đầu, một nữ học sinh tại điểm trường Ea Uôl thuộc Trường Tiểu học Cư Pui II, xã Cư Pui, huyện Krông Bông bỗng đứng dậy la hét, hất tung sách vở và các dụng cụ học tập rồi chửi mắng mọi người, liên tục đòi lên đồi, xuống suối. Sau đó, có 6 em học sinh nữ, từ 10 - 13 tuổi tại hai điểm trường Ea Lang và Ea Uôl bị “lây” các triệu chứng như trên. Cả 6 em đều là người dân tộc H’Mông, trú tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, mỗi lần phát bệnh của các em thường kéo dài từ 15 phút đến một giờ. Sau đó, các em trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan y tế phối hợp với chính quyền địa phương và các giáo viên chăm sóc, theo dõi, động viên gia đình và các em học sinh bị bệnh lạ.
Đoàn công tác gồm các bác sĩ tại Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk điều tra, xác minh các biểu hiện bệnh lạ. Bước đầu, đoàn công tác cho rằng: Những học sinh này có triệu chứng của bệnh “Rối loạn phân ly tập thể”, tương tự như 9 em học sinh phát bệnh tại điểm trường Nà Bản thuộc xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn trước đó.
Bệnh như giả vờ
Theo TS.BS. Dương Minh Tâm - Trưởng Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Chứng bệnh của các học sinh trên được xác định do rối loạn phân ly, một chứng bệnh hay gặp ở nữ giới, đặc biệt là các bạn gái trẻ.
Theo Ths.Bs. Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương): Rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỉ lệ 0,3 – 0,5% dân số. Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc chứng bệnh trên chính là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con…
Rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Đặc trưng của phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể nhưng người ta không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…
Cũng theo Ths.BS. Nguyễn Mai Hương, rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”. Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này thường gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Vì vậy, bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng. Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… Trong những trường hợp như vậy, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, được chăm sóc.
TS. BS. Dương Minh Tâm chỉ ra các yếu tố thuận lợi phát sinh rối loạn phân ly. Đó là nhân cách yếu, thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ, tính dễ xúc động, thích được chú ý, nhân cách “nghệ sĩ”; Hay do môi trường như sự giáo dục không thích hợp, gia đình quá bao bọc hoặc quá khắt khe, môi trường không bền vững, thay đổi liên tục; Do cơ thể suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, trong giai đoạn dậy thì…
Để chữa bệnh rối loạn phân ly, theo bác sĩ Dương Minh Tâm, chủ yếu sử dụng liệu pháp tâm lý bằng cách “giải độc lực” cho họ. Với bệnh này thì điều trị về tâm lý cần được quan tâm đặc biệt, bên cạnh những giải pháp nhằm giảm thiểu các biểu hiện bất thường. Người bệnh cần được đặc biệt chú ý đến sự sẻ chia và thông cảm từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp với người bệnh. Mọi sự xa lánh hay cách nhìn khác thường dễ khiến tình trạng người bệnh thêm nặng hơn.
Điều trị rối loạn phân ly sẽ mất nhiều thời gian, cần sự kiên trì của bệnh nhân, gia đình. Suốt quá trình điều trị phải tạo cho bệnh nhân không khí vui vẻ, thoải mái, tránh dồn dập áp lực. Với trường hợp rối loạn phân ly tập thể, khi xuất hiện ca đầu tiên cần có biện pháp tạm thời cách ly người bệnh sang một môi trường khác để bệnh không lan truyền.
Các triệu chứng của rối loạn phân ly: – Rối loạn vận động: Các động tác lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm (không nói, khó nói, nói lắp, nói linh tinh không phù hợp)… – Rối loạn cảm giác: Tăng hoặc giảm cảm giác đau quá mức (bệnh nhân thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay… nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau). – Cơn kích động cảm xúc: Cười, khóc, gào hét, cảm xúc hỗn độn, nói năng lộn xộn, sợ hãi vô cớ… – Sững sờ, ngất: bệnh nhân nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, không nói và không hoạt động, không có đáp ứng với các kích thích bên ngoài, có thể nhắm hoặc mở mắt, tuy nhiên không bị mất ý thức hoàn toàn – Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Bệnh nhân cư xử, nói năng như thể một người khác, hoặc như bị một lực lượng siêu nhiên nào đó điều khiển. Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc. |
Phòng ngừa chứng liệt mặt do thời tiết trở lạnh đột ngột
Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh, gần đây, nhiều bệnh nhân ở Hà Nội phải nhập viện do bị méo mồm, liệt mặt vì ... |
Không thể lý giải những ca bệnh kỳ quái nhất lịch sử loài người
Lịch sử y học từng ghi nhận không ít những căn bệnh bí ẩn mà cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không thể ... |
Ngày đăng: 09:00 | 08/01/2018
/ https://laodong.vn