Câu chuyện giấy đi đường tại Hà Nội đang trở thành nỗi bức xúc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bởi sự luẩn quẩn trong việc cấp giấy và gây áp lực không nhỏ lên cơ quan xét duyệt.
Tối 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói TP cho phép người dân tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi đạt hiệu quả thì mới nhập hai loại giấy thành một. Tuy nhiên đây không phải lần đầu Hà Nội thay đổi yêu cầu mẫu giấy đi đường đối với cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Lần giãn cách đầu tiên (ngày 24/7), Hà Nội quy định cơ quan, doanh nghiệp đủ điều kiện, sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu được xác nhận, cấp giấy đi đường cho người lao động. Ở lần thứ hai, TP yêu cầu mẫu giấy đi đường phải đúng theo mẫu của UBND Hà Nội ban hành.
Tháng trước, nhằm chấn chỉnh thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ngoài giấy đi đường, Hà Nội yêu cầu người dân khi đi đường phải có thêm căn cước công dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Quy định này ngay lập tức nhận được phản ứng tiêu cực của công luận. Thực tế sau đó cho thấy việc kiểm tra các loại giấy tờ trên đã khiến tình trạng ách tắc giao thông xảy ra tại không ít tuyến đường ngay trong buổi sáng đầu tiên thực hiện. Hà Nội sau đó buộc phải điều chỉnh quy định này.
lần thứ 4 (ngày 3/9), UBND Hà Nội quy định chỉ 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường và phải do Công an Hà Nội cấp. Đến 5/9, Công an Hà Nội chính thức thông báo quy trình cấp giấy đi đường theo mẫu mới, áp dụng từ ngày 6/9.
Như vậy, chỉ trong 40 ngày, Hà Nội có 4 lần thay đổi quy trình. Trung bình, các phương pháp quản lý người ra đường của Hà Nội có "tuổi thọ" không quá 10 ngày.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội triển khai áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code đang có nhiều bất cập. Thứ nhất, việc thay đổi mẫu giấy đi đường không hợp lý về mặt thời gian, không đầy đủ dự lệnh. Cụ thể, Hà Nội gần đây ban hành hiệu lệnh trễ, dẫn đến không thể thực hiện hoặc thực hiện gây ra nhiều bức xúc. Nếu Hà Nội định thay đổi giấy thì phải thông báo sớm, có thể cách đây 1 tuần. Nếu làm như vậy sẽ không có những phản ứng gay gắt hay những lúng túng như hiện nay.
Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, một mô hình cấp giấy đi đường Hà Nội có thể học tập, đó là Đà Nẵng. Từ 3/9, thành phố Đà Nẵng đã áp dụng cấp giấy đi đường trên hệ thống phần mềm tự động. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường có mã QR code.
Ông Long nhìn nhận, Hà Nội đã xây dựng hệ thống dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; sổ học bạ điện tử... Khai báo y tế cũng qua các ứng dụng như BlueZone, nCovi... nhưng lại xử lý việc khai báo cấp giấy đi đường rất thủ công, tiêu tốn sức lực và không hiệu quả. Ngoài ra, có thể vi phạm 5K khi lực lượng công an phải tiếp xúc với nhiều đối tượng xin giấy đi đường.
Theo Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghệ tầm trung hoàn toàn có thể lập ứng dụng để người dân đăng ký giấy đi đường, dựa trên nền tảng dữ liệu có sẵn trả lời tự động qua App mà không cần phương pháp điền mẫu gửi email thủ công như hiện nay. “Quan trọng là cần có tầm nhìn quản lý tổng thể”, ông Long nói thêm.
Nhìn nhận về việc này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.
Ông cho rằng cơ quan chống dịch của Hà Nội đang chạy theo vấn đề cụ thể, sức ép từ nhiệm vụ chống dịch mà thiếu đi tư duy quản trị chung. Chính điều đó gây phát sinh phiền toái cho doanh nghiệp và người dân.
Ông cho rằng những bất cập này xảy ra khi TP chưa có điều kiện và giải pháp tốt hơn thì cần ứng dụng ngay những thứ đang có trong tay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách. Điều đáng nói là khi áp dụng, người quản lý cần có tư duy điều chỉnh nhanh nhất những bất cập nảy sinh và gia tăng thuận lợi cho người dân.
“TP cần chia sẻ với những khó khăn của người dân để tính khả thi được cao lên. Nếu chỉ khăng khăng mục tiêu quản lý một cách cứng nhắc thì rất dễ có tác dụng ngược”, ông Liên nói.
PV (th)
Hà Nội hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thủ tục cấp giấy đi đường trong vùng 1 |
Hà Nội cho phép người dân tiếp tục dùng giấy đi đường cũ |
Hà Nội sẽ phạt người không có giấy đi đường mới từ sáng 8/9 |
Ngày đăng: 09:20 | 08/09/2021
/ Nghề nghiệp và cuộc sống