Hai ngày tháng 9, bảy nạn nhân bị nghi nhiễm độc cùng lưu trú tại một khách sạn trên đường Hồ Nghi (Đà Nẵng), trong đó ba người chết.
Chiều 28/9, đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết có bảy người là nạn nhân vụ nghi nhiễm độc cùng ở một khách sạn trên đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà). Các nạn nhân ở phòng 202, 203 và 304, có biểu hiện ngộ độc giống nhau, thời gian từ tối 15 đến rạng sáng 16/9.
Sự việc khiến một phụ nữ và hai trẻ em tử vong. Bốn người lớn, trong đó có cặp tình nhân người Đà Nẵng đến thuê phòng ở khách sạn, đi cấp cứu kịp thời nên được cứu sống.
Đại tá Chính thông tin về vụ nghi nhiễm độc ở Đà Nẵng tại buổi họp báo chiều 28/9. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đại tá Chính cho biết công an đã hoàn tất khám nghiệm tử thi, hiện trường và thu giữ nhiều mẫu vật (cả mẫu vật ở các phòng khách sạn) gửi ra Viện Khoa học hình sự ở Hà Nội để giám định.
"Quá trình lấy lời khai nạn nhân còn sống, công an xác minh những tình tiết liên quan là trong tháng 8 khách sạn thuê một công ty phun thuốc diệt côn trùng đến phun tại các phòng. Công an đã thu mẫu thuốc để giám định", ông Chính nói và cho rằng việc công bố nguyên nhân sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự.
Trao đổi với VnExpress ba ngày trước, bà Trần Thị Bê - Phó giám đốc khách sạn, giải thích bình thường khi khách đến lưu trú thì khách sạn vẫn có thể xịt thuốc diệt côn trùng ở những phòng không có khách ở. "Việc xịt thuốc là bình thường, các khách sạn lớn vẫn làm nên tôi không cho đây là vấn đề. Người ta có quyền nghi ngờ nhưng kết luận phải chờ công an", bà Bê nêu quan điểm.
Phía khách sạn cho biết đã cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin cần thiết để phục vụ điều tra. Khách sạn đã chủ động tạm dừng hoạt động và đang cử nhân viên trực điện thoại, liên lạc với khách đặt phòng trước để báo hủy.
Cơ quan chức năng cho biết, khi xịt côn trùng trong phòng, các khách sạn không phải thông báo cho cơ quan chức năng mà làm hợp đồng với các công ty đã được cấp phép.
8h ngày 16/9, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận ba người vào cấp cứu. Bé trai bốn tuổi được xác định tử vong từ trước. Người mẹ 27 tuổi có biểu hiện mệt, choáng, tím tái, hạ huyết áp... Việc hồi sức cấp cứu không hiệu quả do sức khỏe không đảm bảo nên nạn nhân sau đó tử vong. Chồng nạn nhân, anh Đỗ Ngọc Vạn (29 tuổi, quê Nghệ An) ban đầu biểu hiện bị nhẹ, nhưng bệnh chuyển biến rất nhanh, cho thấy người bệnh bị ngộ độc cấp. Bệnh viện Hoàn Mỹ đã chuyển ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để cứu chữa. Ngày 24/9, anh Vạn được xuất viện. Anh kể khi nhận phòng tại khách sạn trên đường Hồ Nghinh, nhiều phòng đang dán niêm phong thông báo xịt côn trùng. Ngoài vợ con anh Đỗ Ngọc Vạn, còn có một gia đình gốc Hà Nội, hai người gốc Đà Nẵng gặp nạn. Trong đó bé trai ba tuổi tử vong. |
Vợ con tử vong ở Đà Nẵng: Diệt côn trùng không sao
Đại diện khách sạn ở Đà Nẵng nơi nạn nhân lưu trú cho biết việc khách sạn diệt côn trùng không gây ảnh hưởng đến ... |
Vụ vợ con tử vong, chồng nguy kịch: Đại diện khách sạn nói gì?
Đại diện khách sạn Hilary, nơi du khách lưu trú trước khi xảy vụ vợ con tử vong, chồng nguy kịch khi đi du lịch ... |
Ngày đăng: 21:18 | 28/09/2018
/ VnExpress