Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, lượng khách giảm mạnh, giá xăng lại liên tục tăng cao, không ít tài xế xe công nghệ nản lòng, muốn tắt app.
Sau khi biết tin giá xăng dầu lại tiếp tục tăng từ ngày 1/3, anh Mạnh Hưng (28 tuổi, quê Nam Định) đang làm cho một hãng xe công nghệ ở Hà Nội tỏ rõ sự chán nản và băn khoăn không biết có nên tiếp tục làm nghề này nữa hay không.
“Trong khi COVID-19 tại Hà Nội đang bùng phát cao, người dân hạn chế đi lại, lượng đơn đặt hàng mang về cũng giảm đi gần một nửa thì bây giờ giá xăng lại tăng, chắc tôi bỏ nghề về quê để làm việc khác mất. Vì làm mà không có lợi nhuận, lại thiếu an toàn do dịch bệnh như hiện nay thì đúng là cần phải suy nghĩ lại”, anh Hưng nói.
Anh Hưng chia sẻ, sau nhiều lần giá xăng tăng liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán, để tiết kiệm chi phí bù vào giá xăng, phạm vi hoạt động của anh bó hẹp lại quanh khu có nhiều hàng ăn bán online trên phố Chùa Láng. Tuy nhiên, phương án này cũng không hiệu quả bởi ngồi một chỗ để đợi đơn mà cả ngày cũng chỉ được đến 3-4 đơn là cùng.
Một tài xế lặng lẽ đứng chờ đơn hàng. |
Một nhóm tài xế Grab tại phố Nguyễn Ngọc Vũ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sở dĩ họ phải tụ tập lại một chỗ, ngồi uống trà đá từ sáng đến tối là vì để tiết kiệm xăng. Đối với họ, việc di chuyển đến nhiều địa điểm một cách vô định trong lúc này thì chỉ có lỗ to vì xăng đang rất đắt. Một tài xế nói: “Trước đây, nếu có đơn đều thì một ngày tôi chạy hết khoảng 50.000 - 60.000 đồng tiền xăng. Nhưng sau lần xăng tăng giá vừa rồi, một ngày có khi phải tốn đến gần 100.000 đồng”.
Tùy từng loại xe khác nhau, hiện tại một ngày mỗi tài xế trong nhóm này tiêu tốn khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng tiền xăng, nhiều hơn khoảng 30% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Không những thế, số lượng đơn hàng trong ngày ở thời điểm hiện tại còn giảm đi phân nửa trong lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại Hà Nội.
Vì lượng đơn hàng giảm mạnh, thu nhập của những tài xế Grab cũng giảm đi trông thấy. “Nếu trước đây mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 400.000 - 600.000 đồng thì bây giờ giảm còn 200.000 - 300.000 đồng. Số tiền này không đủ để tôi trang trải cuộc sống vì còn phải lo cơm nước và tiền học cho con. Chạy vậy chắc tắt app cho rồi, đợi khách nhiều lên và xăng rẻ đi”, một tài xế chia sẻ.
Nhóm tài xế Grab ngồi trà đá "giết thời gian" để tiết kiệm chi phí xăng dầu khi đi lại. |
Không chỉ xe ôm công nghệ, mà tài xế Grabcar cũng rơi vào thế bí. “Vừa hôm qua trong nhóm của tôi đã có 2 người phải bán xe, bỏ nghề rồi”, anh Nguyễn Xuân Phúc, một tài xế Grabcar cho biết.
Anh Phúc cho rằng, hiện tại đang là thời điểm khó khăn nhất của anh và đồng nghiệp. Cả hai yếu tố quyết định đến nghề nghiệp hiện tại của anh có chiều hướng tiêu cực. Một là giá xăng dầu và hai là lượng khách. Xăng dầu thì liên tục tăng trong khi lượng khách hàng thì giảm vì tác động của COVID-19.
Chạy Grab được hơn 3 năm, anh Phúc khá thuộc đường Hà Nội. Mỗi chuyến đi a luôn chọn lộ trình ngắn nhất. Cùng với việc hạn chế “bơi” ra đường tìm khách thì chỉ dừng lại ở khu vực có mật độ khách cao. Hai bí quyết này anh đã dùng từ lâu nên bây giờ cũng không hữu hiệu khi xăng liên tục lên giá.
“Tôi ở Chương Mỹ, một vài anh em đồng nghiệp đang rủ tôi ở lại làm đêm không về nhà nữa để tiết kiệm tiền xăng. Thế nhưng nhọc một điều là dù có ở lại làm đêm thì cũng không có khách bởi đang dịch dã căng thẳng người ta hạn chế đi lại.
Tại TP.HCM, cánh tài xế xe ôm cũng chán nản mỗi khi nhắc đến giá xăng.
Vừa chỉnh lại chiếc xe dựng trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, ông Trần Văn Cư (62 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đang theo dõi app đặt xe để tìm khách. Khỏi COVID-19 chưa được bao lâu để trở lại với nghề chạy xe ôm công nghệ nhưng ông Cư đã vấp phải nhiều lần giá xăng tăng cao, khiến thu nhập của ông giảm mạnh.
Ông Cư lắc đầu ngao ngán nói: "Chạy xe cũng như cái nghề đi câu vậy, có hôm được nhiều, hôm được ít nhưng đợt này thì "móm" thật. Những ngày trước, tôi đổ đầy bình xăng xe máy hết hơn 70.000 đồng nhưng giờ đây đổ đầy bình hết 90.000 đồng. Tôi thực sự rất khó nghĩ khi phải di chuyển trên đường, xăng là nhiên liệu bắt buộc phải chi, không thể tiết kiệm được. Giờ xăng tăng giá, tiền công lại không thể tăng, thu nhập giảm nên phải tính toán thu chi lại".
Tài xế này chia sẻ thêm, hiện mỗi lần ông chỉ đổ 30.000 đồng để cầm chừng, chứ không dám đổ đầy bình. "Mỗi cuốc nhận được, tôi đều phải lên ứng dụng bản đồ tìm kiếm quãng đường sao cho ngắn nhất để tiết kiệm chi phí”, ông Cư nói.
Ông Trần Văn Cư luôn phải tìm đường nào ngắn nhất để tiết kiệm tiền xăng xe. |
Xăng tăng giá đã khiến cước vận chuyển, ship đồ tăng theo. Chị Nguyễn Thúy Hằng (ngụ quận 3) cho biết, chị thường xuyên sử dụng các ứng dụng vận chuyển để mua đồ ăn uống.
"Mấy ngày nay, tiền ship tăng khoảng 10% giá cước. Những cung đường trước đây chỉ hết 15.000 - 20.000 đồng thì giờ giá thoả thuận đã lên 25.000 - 30.000 đồng", chị Hằng cho hay.
Liên bộ Công Thương - Tài chính ngày 1/3 công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, xăng RON95 tăng 554 đồng/lít và giá dầu tăng từ 470-530 đồng một lít,kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 không quá 26.077 đồng/lít; giá xăng RON95 tối đa 26.834 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay và lần tăng thứ 5 liên tiếp trong năm 2022.
Với mức tăng này, giá xăng RON95 vượt "đỉnh" từng được thiết lập vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít).
Tương tự, giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả tăng 469 đồng/lít, lên mức 19.978 đồng/lít. Dầu diesel tăng 509 đồng/lít, ở mức 21.310 đồng/lít. Dầu mazut tăng 536 đồng, lên 18.468 đồng/kg.
CÔNG HIẾU - HOÀNG THỌ
Xăng RON95-III vượt 26.800 đồng mỗi lít, tăng cao nhất từ trước tới nay |
Giá xăng có thể tiếp tục tăng lần thứ 6 liên tiếp |
Ngư dân trong "cơn bão" giá dầu: "Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không" |
Ngày đăng: 09:02 | 03/03/2022
/ vtc.vn