Thông điệp chính sách từ Fed và diễn biến thị trường lao động Mỹ là những nhân tố chính khiến chứng khoán và giá vàng cùng đi lên.
Hôm qua (20/5), giá vàng tăng phiên thứ 6 liên tiếp và là chuỗi tăng giá dài nhất từ đầu năm đến nay. Theo đó, mỗi ounce vàng giao ngay trên thị trường New York chốt ngày tăng 7,3 USD, lên 1.876,6 USD.
Giá vàng đi lên phần lớn do tác động từ biên bản cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương nước này đang cân nhắc về thời điểm bắt đầu rút đi chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ cho nền kinh tế. Ngoài ra, các thành viên của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) đồng thuận rằng việc giá cả tăng nhiều khả năng chỉ có tác động nhất thời lên lạm phát.
Biên bản cuộc họp cũng nhắc đến khả năng FOMC có thể đang bàn đến việc loại bỏ dần một số chính sách điều chỉnh áp dụng trong thời kỳ Covid-19 khi mà kinh tế Mỹ hồi phục.
Vàng thế giới liên tục tăng. Ảnh: Fxempire. |
Ông Brien Lundin, biên tập viên của Gold Newsletter nhận xét, vài ngày qua, nhà đầu tư chuyển sang nhìn nhận vàng trong vai trò truyền thống là công cụ ngừa lạm phát và sự giảm giá của đồng tiền.
"Nhiều thành viên thuộc Fed cho rằng, nếu kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục có bước tiến hướng đến việc thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, trong các cuộc họp tới có thể bắt đầu bàn đến kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua tài sản", biên bản cuộc họp của Fed công bố cuối ngày 19/5 cho hay.
Ngày 20/5, số liệu kinh tế Mỹ mới công bố cho thấy "bức tranh" phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều điểm sáng tối đan xen. Số lượng người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục giảm khi các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng.
Các số liệu cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 15/5, ước tính 444.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm 34.000 người (mức giảm tốt hơn kỳ vọng của các chuyên gia dự báo trước đó) so với tuần trước. Đây là mức thấp nhất tính từ khi đại dịch tại nước này bắt đầu căng thẳng vào giữa tháng 3/2020.
Trong khi đó, chỉ số Philly Fed factory index đo lường hoạt động sản xuất của khu vực Philadelphia giảm từ mức 50,2 điểm xuống 31,5 điểm trong tháng 5. Ngoài ra, chỉ số kinh tế nói chung của khu vực tăng 1,6% trong tháng 4 sau khi tăng 1,3% trong tháng 3 và như vậy ghi nhận mức tăng cao nhất tính từ cuối tháng 7/2021.
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 20/5 hồi phục nhờ thông tin tốt từ thị trường lao động nước này. Các chỉ số chứng khoán chấm dứt chuỗi 3 ngày mất điểm.
Đóng cửa phiên, S&P 500 tăng 1,1% lên 4.159 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones nhích thêm 0,6% lên 34.084 điểm; chỉ số Nasdaq lên điểm vượt trội với mức tăng 1,8% và đóng cửa phiên ở mức 13.535 điểm.
Mức đóng cửa phiên hôm qua, chỉ số S&P 500 và Dow Jones thấp hơn khoảng 2% so với mức cao kỷ lục thiết lập 2 tuần trước. Còn chỉ số Nasdaq hiện vẫn thấp hơn 4,3% so với mức cao cuối tháng 4.
Cổ phiếu công nghệ và dịch vụ viễn thông đều tăng hơn 1,6% trong phiên và kéo chỉ số S&P 500 tăng điểm. Cổ phiếu các nhóm ngành này đặc biệt nhạy cảm với những nỗi lo về lãi suất tăng cao. Trong nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500, duy nhất cổ phiếu năng lượng giảm điểm trong phiên hôm qua.
Diệu Thanh (theo WSJ, Marketwatch)
Giá vàng tăng mạnh lên đỉnh 4 tháng
Tuyên bố mới nhất từ Fed và thông tin về sản xuất Mỹ hỗ trợ quan trọng cho giá vàng. |
Ngày đăng: 09:52 | 21/05/2021
/ vnexpress.net