Chốt phiên đầu tuần, cả giá Brent và WTI đều mất 3%, do khả năng Mỹ tăng cung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại.
Dầu thô Brent hôm qua mất 2,8% về 59,93 USD một thùng. Trong khi đó, dầu thô Mỹ - WTI giảm 3,2% về 52,99 USD. Đây là mức giảm ngày mạnh nhất của cả hai loại dầu này kể từ ngày 27/12 năm ngoái. Dù vậy, sáng nay, giá WTI đã tăng nhẹ trở lại.
"Một trong các nguyên nhân là số giàn khoan Mỹ đang tăng lên", Phillip Streible – chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures lý giải. Theo số liệu của hãng dịch vụ năng lượng - Baker Hughes, các công ty Mỹ đã bổ sung 10 giàn khoan tuần trước. Đây là dấu hiệu sản xuất dầu thô đang ở mức kỷ lục của nước này có thể tiếp tục tăng.
Dù vậy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư. Họ ngày càng kém lạc quan vào việc hai bên có thể sớm chấm dứt cuộc chiến thuế nhập khẩu đã kéo dài hàng tháng và đang kéo tụt kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bất ổn quanh việc Chính phủ Mỹ có thể mở cửa bao lâu sau khi chấm dứt đợt đóng cửa dài nhất lịch sử cũng khiến nhà đầu tư lo ngại. "Tôi cho rằng cả hai diễn biến trên đều làm dấy lên mối lo tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại. Đây là một trong các nguyên nhân chính kéo tụt giá dầu thời gian qua", Gene McGillian – Giám đốc Nghiên cứu Thị trường tại Tradition Energy nhận định.
Dù vậy, dầu thô vẫn đang hướng tới tháng tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bắt đầu giảm sản xuất trong tháng này. Đến nay, Brent đã tăng gần 12%, còn WTI đã tăng hơn 13%. Nhu cầu dầu chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc và khả năng các hãng lọc dầu nước này tiếp tục nhập khẩu ở mức kỷ lục như năm 2018.
Hà Thu(theo Reuters/Bloomberg)
Giá dầu hướng tới năm giảm đầu tiên kể từ 2015
Lo ngại dư cung kéo dài khiến giá dầu thô thế giới mất gần một phần tư trong năm nay. |
Ngày đăng: 08:44 | 29/01/2019
/ VnExpress