Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cập nhật tin tức mới và nóng nhất về Đời sống Xã hội, Kinh tế, Pháp luật, Giáo dục, Thế giới, Văn hóa, Công nghệ và nhiều lĩnh vực khác…
Công nghệ và truyền thống |
The Vietnam war – vẫn “cái nhìn Mỹ” |
Thật tình cờ và may mắn khi được gặp ông Saadi Salama – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, một người yêu Việt Nam, con người Việt Nam một cách vô bờ bến.
Ông Saadi Salama là một trong số ít đại sứ nước ngoài ở Việt Nam nói sõi và am hiểu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh ông Saadi Salama – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam (Ảnh: tác giả cung cấp).
Sáng ngày 1/10 tại tượng đài Lý Thái Tổ đã diễn ra lễ chung kết giải chạy vì hòa bình do báo Hà Nội Mới tổ chức.
Tham gia giải chạy này có đại diện của nhà tài trợ, đại diện đại sứ quán các nước và đông đảo vận động viên.
Một vài quốc gia có quan hệ vô cùng mật thiết từ rất lâu với Việt Nam như Cuba, Palestine… cũng cử đông đảo nhân viên sứ quán tới chạy hưởng ứng.
Đặc biệt, về phía Palestine, có sự tham gia của ông Saadi Salama – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền và cũng là một người được nhân dân Việt Nam dành cho những tình cảm đặc biệt.
Hình ảnh ông Saadi Salama tham gia giải chạy vì hòa bình (Ảnh: tác giả cung cấp).
Do những tình cảm đặc biệt đó mà việc phỏng vấn ông cũng khá khó khăn, rất nhiều báo đài đứng xếp hàng để được ông chia sẻ về tình cảm của ông với đất nước, con người Việt Nam, về việc ông học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa rồi lấy vợ Việt Nam ra sao…
Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với vị đại sứ đặc biệt này.
Phóng viên: Thưa ông, được biết ông đã nhiều lần tham gia giải chạy vì hòa bình do báo Hà Nội Mới tổ chức, xin ông cho biết cảm nghĩ của mình về giải chạy này.
Đại sứ Saadi Salama: Đây là lần thứ 7 tôi tham gia giải chạy này, tôi luôn quan tâm tới những hoạt động thế này vì là một người yêu hòa bình nên tôi luôn cố gắng góp một phần nhỏ bé vào các chương trình vì hòa bình.
Và cũng bởi, tôi là một người đã sống và làm việc ở Hà Nội từ rất lâu, tôi yêu Hà Nội, con người Hà Nội nên mỗi khi có cơ hội tôi đều tham gia các hoạt động thể dục, thể thao với người dân Thủ đô.
Được biết ông là một người nói tiếng Việt rất giỏi, và am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam, vậy ông có thể chia sẻ đôi chút về việc này không?
Đại sứ Saadi Salama: Là một người Palestine, tôi biết đến Việt Nam từ trước khi sang đây, nhưng chỉ qua sách vở, đài báo.
Tôi cũng như nhân dân Palestine hồi đó đã rất khâm phục, ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam bởi các bạn đã viết nên những trang sử hào hùng, đã chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì tự do, hòa bình, chủ quyền của đất nước.
Nhưng muốn tìm hiểu về Việt Nam, tôi tự thấy mình phải nói được tiếng Việt, nếu không biết thì tôi sẽ không thể hiểu được những đặc trưng, bí quyết tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nếu không biết tiếng Việt thì chắc chắn tôi không thể hiểu, không thể trả lời được những câu hỏi về đất nước anh hùng này.
Đó là động lực giúp tôi học tốt tiếng Việt, giúp tôi tìm hiểu những điều mà một người nước ngoài khác không thể làm được.
Tôi đã tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Tổng hợp, và khi lấy vợ cũng là người Việt nên tôi càng có điều kiện để học tiếng Việt.
Tôi thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó nhưng rất tuyệt vời, sự biểu cảm trong tiếng Việt rất cao.
Khi tôi nắm vững tiếng Việt, tôi cảm thấy rất tự tin, và tự hào rằng tôi đã có thể tìm hiểu đất nước Việt Nam mà tôi ngưỡng mộ từ lâu.
Từ năm 1947, dân tộc Palestine đã phải lưu vong khắp các quốc gia khác, vậy ông có thể cho biết khái quát tình hình kinh tế của Palestine hiện nay không?
Đại sứ Saadi Salama: Chúng tôi là một quốc gia còn bị chiếm đóng, chúng tôi chưa có chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ và đó là khó khăn cho sự phát triển về kinh tế của Palestine, đặc biệt là lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, xuất phát từ mối quan hệ đặc biệt giữa Palestine và Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ, phát triển mối quan hệ kinh tế của hai quốc gia.
Tôi nghĩ rằng Palestine là một đất nước có tiềm năng phát triển, bởi đất nước của chúng tôi thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, đây là đất nước linh thiêng, nơi tập trung của ba tôn giáo quan trọng.
Nếu chúng tôi có điều kiện tập trung vào phát triển du lịch và các dịch vụ khác, tôi chắc chắn rằng kinh tế của Palestine sẽ khởi sắc, đất nước Palestine sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Tuy còn có nhiều khó khăn về văn hóa, địa lý, chính trị nhưng chúng tôi luôn quan tâm tới việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, đồ thủ công từ Việt Nam.
Nhân dân Palestine rất thích ăn cá basa của Việt Nam… Tình cảm mà nhân dân Palestine dành cho Việt Nam rất lớn, đến nỗi nhà nào cũng phải có một món đồ gì đó của Việt Nam.
Ngay từ gạo, cá chúng tôi cũng luôn cố gắng mua bằng được các sản phẩm đến từ Việt Nam. Và người Palestine rất tự hào về điều này.
Tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở tình cảm đó, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ về kinh tế và trong tương lai ngày càng khăng khít, bền vững.
Chúng ta phải gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt này của hai dân tộc, đó là những tình cảm vô cùng thiêng liêng mà chúng ta dành cho nhau, và đây chính là cơ sở để phát triển, hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
Xin cảm ơn ông!
http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Gao-va-ca-hai-mon-hang-Viet-Nam-ma-dan-chung-toi-luon-co-mua-cho-bang-duoc-post180064.gd
Ngày đăng: 09:27 | 02/10/2017
/ Phong Sơn/Giáo dục Việt Nam