Được tiếng lành mạnh sức khỏe mà giá ngày càng rẻ, thịt gà trở thành loại thịt phổ biến nhất thế giới và là "vũ khí thương mại" lợi hại.
Trong OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), bao gồm hầu hết nước giàu, tiêu thụ thịt lợn và bò không thay đổi kể từ năm 1990 nhưng tiêu thụ thịt gà đã tăng 70%. Con người ăn nhiều gà đến nỗi chúng đang chiếm 23 tỷ trong số 30 tỷ động vật sống trên cạn được nuôi trong trang trại.
Theo một bài báo gần đây của Carys Bennett tại Đại học Leicester, tổng khối lượng gà nuôi vượt tất cả loài chim khác trên hành tinh cộng lại. Vì sao thịt gà lại phổ biến đến thế? Vì chúng rẻ và ngon. Một pound thịt gà ở Mỹ có giá 1,92 USD, giảm 1,71 USD kể từ năm 1960 (sau khi điều chỉnh theo lạm phát). Trong khi đó, giá thịt bò giảm 1,17 USD, xuống còn 5,80 USD mỗi pound.
Gà cũng được chọn lọc để phục vụ cho thị hiếu người mua theo thời gian. Vào những năm 1940, Mỹ phát động một loạt cuộc thi "Chicken of Tomorrow" dành cho nông dân. Mục đích là sản xuất những con gà đủ mập cho cả gia đình ăn, với thịt ức dày đến mức có thể làm bít tết và chiếc đùi ngon ngọt với phần xương tối thiểu. Kết quả cuộc thi đã chọn lọc ra dòng gà công nghiệp hiện đại.
Trọng lượng trung bình một con gà thịt 56 ngày tuổi vào các năm.
Kể từ đó, gà vẫn tiếp tục lớn hơn. Một nghiên cứu của Martin Zuidhof thuộc Đại học Alberta ghi nhận sự thay đổi này bằng cách so sánh những con gà được chọn lọc vào năm 1957, 1978 và 2005. Họ nhận thấy ở 56 ngày tuổi, ba con gà có trọng lượng trung bình lần lượt là 0,9 kg, 1,8 kg và 4,2 kg. Vì nuôi một con lớn hiệu quả hơn nuôi hai con nhỏ nên giờ đây người nông dân chỉ cần 1,3 kg ngũ cốc để sản xuất 1 kg thịt gà, giảm từ 2,5 kg ngũ cốc vào năm 1985.
Việc tăng dùng kháng sinh giúp nông dân không còn cần phải dành nhiều thời gian để lo lắng về phúc lợi cho gà. Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, hầu hết gà được thả nuôi trong vườn nhỏ. Nông dân nuôi gà lấy trứng và bán thịt khi chúng quá già. Về sau, điều kiện kháng sinh giúp nông dân nuôi gà trong chuồng trại với mật độ dày đặc. Chúng không di chuyển nhiều nên ít ăn hơn.
Nông dân còn được hưởng lợi từ danh tiếng tốt cho sức khỏe của thịt gà. Vào những năm 1980, các bác sĩ lo lắng ăn quá nhiều thịt bò và lợn là tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Giờ nỗi sợ hãi đó đã giảm, nhưng bằng chứng mới cho biết thịt đỏ có thể làm tăng khả năng ung thư ruột kết. Ngược lại, gà vẫn giữ được hình tượng một loại thịt lành mạnh.
Không chỉ có phương Tây chuộng thịt gà, thu nhập tăng kéo theo nhu cầu lớn hơn ở các nước nghèo. Kết quả, thịt gà đang là loại thịt được giao dịch nhiều nhất thế giới. Trong khi người phương Tây thích thịt nạc, thịt trắng ở phần ức thì người châu Á và châu Phi thích thịt đen, bao gồm chân và đùi.
Ở Mỹ, thịt ức đắt hơn 88% so với chân. Còn ở Indonesia, thịt ức rẻ hơn chân 12%. Chân gà có trong công thức nấu ăn của người Quảng Đông. Trung Quốc hiện nhập khẩu 300.000 tấn "móng vuốt phượng hoàng" - tức chân gà mỗi năm.
Ngành công nghiệp thịt gà mang cơ hội lớn cho nhiều nước với vai trò khác nhau. Mỹ và Brazil, hai nhà xuất khẩu gà lớn nhất thế giới, là những cường quốc thức ăn chăn nuôi. Thái Lan và Trung Quốc thì thống trị thị trường thịt chế biến với lao động có tay nghề, giá rẻ. Nga và Ukraine là những nhà nhập khẩu ròng thịt gà và xuất khẩu ròng ngũ cốc.
Thịt gà cũng trở thành một "vũ khí" lợi hại của các nước trong đàm phán thương mại. Trung Quốc áp thuế gà Mỹ từ năm 2010 và cấm nhập hoàn toàn từ năm 2015, khi dịch cúm bùng phát. Cho đến nay, nông dân Mỹ vẫn mong mỏi lệnh cấm được dỡ bỏ để kiếm thêm thu nhập từ 20 tỷ chiếc chân gà mà họ sản xuất mỗi năm, đang phải bán rẻ làm thức ăn chăn nuôi.
Tương tự, Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu gà Mỹ đã được khử trùng bằng clo vào năm 1997, do lo ngại việc rửa bằng clo tạo điều kiện lơ là tiêu chuẩn vệ sinh trong trang trại. Những tranh cãi về gà làm sạch bằng clo là một trong những trở ngại lớn khi đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU. Một số người Anh còn lo ngại rằng, nếu nước này rời EU thì bất kỳ hiệp định nào Anh ký với Mỹ cũng sẽ phải bàn đến việc chấp nhận mua những con gà rửa bằng clo.
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp thịt gà cũng kéo theo lo lắng của những người ủng hộ phúc lợi động vật. Giám đốc Vicky Bond của tổ chức Humane League cho rằng, kích thước của những con gà hiện đại là nguyên nhân của những vấn đề tồi tệ nhất. Gà thịt có cơ ngực quá to so với xương của chúng. Ở Colchester (Anh), những con gà không phản ứng với con người đến nỗi chúng giống như thây ma. Gà công nghiệp hiện đại đã to đến mức cơ bắp của chúng gây khó khăn cho giao phối.
Nhờ sự vận động của các tổ chức phúc lợi động vật cũng như giá thịt đã rẻ, ngày càng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền cho loại thịt gà được nuôi trong điều kiện tốt hơn. Doanh số bán gà nuôi thả tự nhiên và gà hữu cơ đang tăng mạnh. Ở Hà Lan, thị phần của loại gà plofkip khổng lồ đã giảm mạnh từ khoảng 60% trong năm 2015 xuống còn 5% trong năm 2017. Tại Anh, doanh số bán trứng gà nuôi thả tự nhiên đã vượt trứng gà công nghiệp.
Phiên An (theo The Economist)
Đội hình Nhật Bản có giá trị gấp hơn 260 lần tuyển Việt Nam
Đối thủ tiếp theo của thầy trò HLV Park Hang-seo là Nhật Bản, đội tuyển giàu thành tích nhất tại Asian Cup và sở hữu ... |
Nga điều tàu theo dõi khu trục hạm Mỹ tại Biển Baltic
Hạm đội Baltic Nga điều lực lượng giám sát chặt chẽ hoạt động của hai tàu khu trục được hải quân Mỹ triển khai tới ... |
Thanh niên Hàn Quốc ngại hẹn hò, sợ kết hôn, không sinh con
Thanh niên Hàn Quốc lựa chọn độc thân vì gánh nặng kinh tế và áp lực của cuộc sống lứa đôi. |
Dự báo thời tiết 22/1: Không khí lạnh tiếp tục gây rét đậm rét hại ở Bắc Bộ
Dự báo thời tiết 22/1, các tỉnh miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, trời rét đậm nhiệt độ thấp nhất ... |
Ngày đăng: 08:27 | 22/01/2019
/