Nếu không được chuyển dữ liệu về Mỹ, Facebook và Instagram có thể biến mất tại châu Âu.
Trong báo cáo thường niên công bố tuần trước, Meta đưa ra hàng loạt cảnh báo, trong đó có vấn đề dữ liệu tại châu Âu. Cụ thể, nhà chức trách châu Âu đang soạn thảo quy định mới, quản lý cách dữ liệu của công dân châu Âu được chuyển qua Đại Tây Dương.
Meta đang xử lý dữ liệu trên cả máy chủ đặt tại Mỹ và châu Âu. Hoạt động này đặc biệt quan trọng với quảng cáo mục tiêu và các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng của mạng xã hội này. Song, quy định mới của châu Âu muốn yêu cầu doanh nghiệp thu thập dữ liệu người dùng châu Âu phải lưu trữ và xử lý dữ liệu đó trên máy chủ châu Âu.
CEO Meta Mark Zuckerberg. (Ảnh: Pocketnow) |
Meta, công ty mẹ Facebook và Instagram, cho rằng, nếu khuôn khổ truyền dữ liệu mới xuyên Đại Tây Dương không được thông qua, họ không thể tiếp tục dựa vào các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn (SCC) hoặc các phương tiện truyền dữ liệu thay thế từ châu Âu đến Mỹ. Vì vậy, công ty có thể không cung cấp được một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất, bao gồm Facebook và Instagram, tại châu Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và gây bất lợi đến điều kiện kinh doanh, tài chính và kết quả hoạt động.
Người phát ngôn của Meta khẳng định, họ không muốn và không có kế hoạch rút khỏi thị trường châu Âu. Tuy nhiên, thực tế đơn giản là Meta, cũng như nhiều doanh nghiệp, tổ chức và dịch vụ khác, đều dựa vào truyền dữ liệu giữa châu Âu và Mỹ để vận hành các dịch vụ toàn cầu.
Tháng 8/2020, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu (DPC) Ireland từng gửi lệnh sơ bộ đến Facebook, yêu cầu dừng chuyển dữ liệu từ châu Âu sang Mỹ, theo Thời báo Phố Wall. Thời điểm đó, Nick Clegg, Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và các vấn đề toàn cầu của Facebook, viết trên blog rằng, ủy ban đã tiến hành điều tra về việc chuyển giữa liệu giữa Mỹ - châu Âu và gợi ý không sử dụng SCC cho hoạt động này.
DPC Ireland được dự đoán sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào nửa đầu năm 2022. Nếu không thể dùng SCC làm cơ sở pháp lý cho việc chuyển dữ liệu, Facebook sẽ phải loại bỏ phần lớn dữ liệu mà họ thu thập từ người dùng tại đây. DPC có thể phạt Facebook tối đa 4% doanh thu thường niên hoặc 2,8 tỷ USD nếu công ty không chấp thành.
Tháng 7/2020, Tòa án Tư pháp Châu Âu – cơ quan pháp lý cao nhất tại châu Âu - ra phán quyết tiêu chuẩn truyền dữ liệu giữa châu Âu và Mỹ không bảo vệ quyền riêng tư của công dân châu Âu một cách đầy đủ. Tòa hạn chế các phương thức mà doanh nghiệp Mỹ dùng để gửi dữ liệu người dùng châu Âu tới Mỹ.
Về lý thuyết, các nhà chức trách Mỹ như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có thể yêu cầu doanh nghiệp Internet như Facebook, Google trao dữ liệu về một công dân châu Âu mà công dân ấy không hay biết.
Tòa án làm vô hiệu thỏa thuận Privacy Shield giữa châu Âu và Mỹ, thỏa thuận giúp các doanh nghiệp gửi dữ liệu của công dân châu Âu qua Đại Tây Dương. Vì vậy, các công ty hiện chỉ có thể dựa vào SCC.
(Nguồn Ictnews)
Ông chủ Facebook rớt thảm trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới |
Dọn “rác” facebook |
Ngày đăng: 09:07 | 08/02/2022
/ vtc.vn