Đường sắt là tuyến giao thông huyết mạch, nối liền Bắc Nam phải có cơ chế quản lý, kiểm soát rất đặc biệt.
PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, kế hoạch muốn hợp tác, kêu gọi tư nhân góp vốn nâng cấp nhà ga kết hợp với thương mại, xây dựng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại để đa dạng hoá dịch vụ tại những ga thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải được xem xét dựa trên góc độ pháp lý và hiệu quả.
Kiểm soát ngành đường sắt sẽ có nguy cơ kiểm soát cả nền kinh tế. Ảnh: thesinhtour.com |
Phân tích cụ thể từng điểm PGS Lê Cao Đoàn nói rõ:
Thứ nhất, về góc độ pháp lý phải xác định rõ quyền sử dụng đất của ngành đường sắt.
Hạ tầng đường sắt hiện có quỹ đất khá lớn, với tổng diện tích đất trên 6.000 ha. Đây là một lợi thế, nếu khai thác tốt các khu vực nhà ga, bãi hàng, kho hàng... sẽ tạo được nguồn thu không nhỏ cho ngành đường sắt, từ đó tái đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tạo thêm nguồn thu từ vận tải và dịch vụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, sở hữu quỹ đất lớn nhưng không phải ngành đường sắt sử dụng thế nào, xây dựng cái gì cũng được mà phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Tức là ngành đường sắt được quyền sử dụng và khai thác đất đai thuộc phạm vi được giao quản lý tới mức nào, xây dựng cái gì và không được phép xây dựng cái gì, việc này được quy định rất rõ.
Một thực tế là thời gian qua sai phạm liên quan tới đất đai của ngành đường sắt đã xảy ra, đó là tình trạng liên doanh, liên kết, cho thuê, giao đất không đúng thẩm quyền, trách nhiệm dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát, lãng phí nguồn lực về đất đai rất lớn.
Điển hình là việc giao đất cho 14 hộ ngoài ngành của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tại phường An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dẫn tới bị lấn chiếm, sang nhượng, xây dựng không phép việc này đã bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải xử lý hình sự. Sai phạm tương tự liệu có lặp lại không?
Thứ hai từ góc độ kinh doanh, nhà đầu tư thấy có lợi mới đầu tư.
Muốn khai thác hiệu quả phải nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn, vệ sinh, tiện lợi, thu hút được nhiều hành khách mới tạo ra nguồn thu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành đường sắt đang làm việc này không tốt, yêu cầu bảo vệ các hành lang an toàn của hệ thống đường sắt không bảo đảm, tình trạng tai nạn, sự cố kỹ thuật gây tai nạn, chết người vẫn xảy ra. Trong khi đó, hạ tầng xuống cấp, dịch vụ nhếch nhác nhưng giá vé lại quá đắt khiến hiệu quả khai thác của ngành đường sắt không cao, không cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác.
Nếu chỉ trông vào các điều kiện hiện tại sẽ không có nhà đầu tư nào muốn bỏ vốn tham gia.
"Lâu nay ở nước ta luôn có câu chuyện là làm dự án để kinh doanh đất. Khi công tác quản lý quỹ đất dành cho hạ tầng đường sắt thời gian qua chưa có cơ chế rõ ràng, chặt chẽ thì nguy cơ nhập nhèm, hóa giá rất dễ xảy ra.
Nguy cơ này không chỉ xảy ra với riêng ngành đường sắt, mà là sai phạm điển hình tại hầu hết các diện tích đất vàng trực thuộc các công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Ví dụ như sai phạm tại Công ty CP Vật liệu xây dựng – Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng; Khu đất 38.155,9m2 tại 423 Minh Khai của Công ty CP Dệt Minh Khai; Khu đất 2.746,9m2 tại số 358 đường Láng của Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế; Khu đất 2.001m2 số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội...
Sở dĩ có chuyện như vậy là do công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trông vào. Khi nhìn thấy đất vàng có thể đẻ ra "siêu kim cương" thì đại gia nào lại không muốn", PGS Lê Cao Đoàn nhận xét.
PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, cần phải thận trọng, làm rõ mục đích, động cơ của nhà đầu tư khi đầu tư vào đây vì nếu không nhìn thấy lợi ích từ "ba bề bốn bên" chắc chắn nhà đầu tư sẽ không đổ tiền đầu tư làm trung tâm thương mại tại các nhà ga.
Bên cạnh đó cũng phải đặt đề xuất trên trong chiến lược phát triển ngành đường sắt trong những giai đoạn 2030, trong đó có tính tới phương án triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Khi đó, quy hoạch đất đai của ngành đường sắt sẽ có sự thay đổi rất lớn. Đây là thời điểm rất dễ xảy ra chuyện nhập nhèm, thất thoát. Rõ ràng, khi đầu tư nhà đầu tư bao giờ cũng phải "trông giỏ mới bỏ cua", phỉa nhìn thấy tiềm năng, lợi ích khác ngoài dịch vụ thương mại thì họ mới đầu tư.
"Vì thế, phải xem đề xuất trên của ngành đường sắt có phù hợp với thực tế quy hoạch không? Trong trường hợp, gọi vốn tư nhân đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị nhưng nếu không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp với yêu cầu phát triển mới thì xây rồi lại phải đập bỏ, sẽ rất lãng phí.
Trong trường hợp xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả cũng sẽ có nguy cơ xin chuyển đổi mục đích, hóa giá, bù lỗ cho nhà đầu tư... Bài học đầu tư để "ăn vào đất" xảy ra rất nhiều, không thể loại trừ nguy cơ trong trường hợp này", PGS Lê Cao Đoàn nghi ngại.
Vị PGS cho biết, ông đã đi rất nhiều đường sắt của các nước hiện đại như Nga và chưa từng thấy nước nào xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại trong các nhà ga mà họ chủ yếu đầu tư vào hạ tầng, chất lượng dịch vụ phục vụ trên tàu, tăng khả năng vận chuyển hành khách để tạo nguồn thu.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Cao Đoàn còn đề cập tới một mối lo khác vì đường sắt Bắc - Nam là hệ thống giao thông xương sống, xuyên suốt Bắc - Nam, là trục giao thông rất quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế quốc gia.
Trong trường hợp để nhà đầu tư tư nhân tham gia qua sâu vào các hoạt động của ngành đường sắt không những có nguy cơ bị giàng buộc về lợi ích mà còn bị kiểm soát cả về tổ chức hoạt động của cả lĩnh vực này, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài đứng sau rót tiền cho nhà đầu tư trong nước góp vốn đầu tư vào đây.
"Đường sắt Bắc - Nam có một đặc điểm là nối tiếp với tuyến đường sắt Trung Quốc, khả năng tạo ra một hệ thống giao thông liên hoàn, vì vậy bắt buộc phải đặt ra một cơ chế kiểm soát, quản lý rất đặc biệt", vị PGS nhấn mạnh.
Lam Nguyễn
Kiểm toán Nhà nước: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm do Bộ Giao thông
Việc Bộ Giao thông Vận tải cho thiết kế kỹ thuật từng phần dẫn đến tình trạng chắp vá, ảnh hưởng tiến độ, theo Kiểm ... |
Đại dự án nhức nhối nhất Thủ đô, đội vốn 10 ngàn tỷ, 8 lần vỡ tiến độ
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn “khủng” lên tới 10 ... |
Ngày đăng: 08:51 | 08/07/2019
/ baodatviet.vn