Người hâm mộ muốn VFF hay các nhà tài trợ đầu tư nhiều hơn cho bóng đá nữ, nhưng phải đầu tư thế nào khi chính khán giả cũng không mặn mà đến sân cổ vũ cầu thủ?
Một lần nữa, bóng đá Việt Nam khiến Thái Lan ôm hận. Lần này, đội tuyển nữ do HLV Mai Đức Chung dẫn dắt đánh bại Thái Lan ngay trên đất Thái để bước lên ngôi hậu Đông Nam Á 2019. Quật ngã đại kình địch trên sân khách là một vinh dự, thắng một ĐTQG dự World Cup 2019 và ghi bàn vào lưới Thuỵ Điển càng là chiến tích được đánh giá cao hơn nữa.
Những lời chúc tới tấp được gửi đến các tuyển thủ. Sự cổ động tinh thần cực lớn qua... mạng xã hội. Nhưng trên sân Chonburi hôm qua, đội tuyển nữ phải nâng cao danh hiệu vô địch giữa những khán đài hầu như không còn khán giả. Cổ động viên Thái Lan bỏ về vì thất vọng đã đành, cổ động viên Việt Nam cũng hầu như mất hút trong chiến công của những cô gái vàng. Một chức vô địch cô đơn.
Tuyển nữ Việt Nam vừa vô địch Đông Nam Á. |
Thi đấu trên đất khách không phải lý do khiến bóng đá nữ ít người theo dõi. Còn nhớ đợt King's Cup vừa qua, hàng nghìn cổ động viên Việt Nam đã đặt vé sang Buriram, nhuộm đỏ một góc khán đài để tiếp sức tinh thần cho tuyển Việt Nam ở một trận đấu giao hữu. Cuộc so tài tại Bangkok tới đây, rất nhiều cổ động viên, phóng viên cũng sẽ có mặt tại Thammasat để ủng hộ ĐTQG.
Vé cho cổ động viên Việt Nam vừa mở bán đã hết, dẫu mức giá đắt gấp nhiều lần vé của chủ nhà ở cùng hạng mục vị trí ngồi.
Khán giả có thể dành tình cảm cho bóng đá nam nhiều hơn bóng đá nữ, ít người trách móc, vì ở đâu trên thế giới cũng thế. Song giống như câu chuyện "con gà có trước hay quả trứng có trước", muốn bóng đá nữ được quan tâm và đầu tư nhiều như bóng đá nam, khán giả cũng phải đến sân cổ vũ. Nhà tài trợ nhìn vào đó mới có thể hành động.
Còn khán giả cứ... ngồi nhà, hầu như không để ý và chỉ xuất hiện khi tuyển nữ có một chiến công nào đó, rất khó để các cô gái vàng "đổi đời", dù giành rất nhiều vinh quang trước đây.
Huỳnh Như (số 9) cùng đồng đội chiến đấu giữa khán đài trống vắng khán giả Việt Nam. |
Giải VĐQG nữ được duy trì bởi độc nhất một nhà tài trợ trong 8 năm, nhưng không hẳn vì sức hút, mà là vì nhà tài trợ muốn "thực hiện nghĩa vụ với xã hội". Lượt đi giải nữ kết thúc trong thầm lặng ở Nha Trang với số khán giả gần như chỉ tính bằng chục hay trăm. Cúp Quốc gia nữ được tổ chức ở sân tập số 3 VFF cũng chỉ thu hút được... bạn bè, người nhà cầu thủ.
Hay mới đây nhất, giải U16 nữ QG tổ chức trên Sơn La. Khi được hỏi tại sao phải đi xa xôi thế, một người bạn theo tuyển "tặc lưỡi": "Có tổ chức ở Hà Nội cũng không ai xem, thì thà đưa đi xa để có phong trào địa phương".
Một thành viên trong ban huấn luyện tuyển nữ từng chia sẻ: "Vắng khán giả, các cầu thủ cũng quen rồi". Không thay đổi được thì phải chấp nhận.
HLV Akira Ijiro của U19 nữ Việt Nam cùng HLV Mai Đức Chung thường có thói quen chắp tay cảm ơn thiện chí của phóng viên hay khán giả mỗi khi quan tâm đến tuyển nữ, bởi vốn dĩ, được chú ý và động viên là điều xa xỉ với các cô gái. Sức hút bóng đá nữ không thể so với bóng đá nam, song đến mức các cầu thủ phải ăn mừng trong đơn độc, tự chia sẻ niềm vui với nhau dù quật ngã một đội tuyển vừa dự World Cup như Thái Lan, có lẽ ai thấy cũng phải chạnh lòng.
Các cô gái vàng tự chia sẻ niềm vui với nhau. |
Cổ động viên Việt Nam từng phủ đỏ các sân bóng tại Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc hay chính Thái Lan để mong các cầu thủ cảm thấy đá sân khách cũng như sân nhà. Tại sao trong buổi tối ở Chonburi, điều đó không xảy ra? Tại sao ủng hộ bóng đá nữ, lại không đến sân để xem giải nữ? Đó vẫn là những câu hỏi khó trả lời.
Bóng đá nữ vừa vinh dự nhận lời chúc mừng từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau đây vài tháng, toàn đội sẽ bước vào chiến dịch chuẩn bị cho World Cup 2023. Giải đấu lớn nhất thế giới dành cho nữ sẽ tăng suất tham dự lên 32 đội, cơ hội cho Việt Nam sẽ lớn hơn trước rất nhiều. Đừng để các nữ cầu thủ lại chuẩn bị và cố gắng trong đơn độc, thầm lặng. Bóng đá nữ cần hơn sự chung tay ủng hộ, thay vì ca ngợi, tâng bốc rồi thôi.
Nâng cúp trên đất khách, vinh dự lắm, mà cũng cô đơn nhiều lắm.
Ngày đăng: 14:38 | 28/08/2019
/ vtc.vn