Các ông lớn trên thế giới, từ Mỹ, Nhật, Hàn cho tới Singapore, Thái Lan,... vẫn dồn dập đổ tiền vào cổ phiếu Việt và triển vọng dòng tiền ngoại vào Việt Nam vẫn tươi sáng trong năm 2019.
Sức hút doanh nghiệp của đại gia Việt
Năm 2018 chứng kiến các thương vụ bán vốn cổ phần đặc biệt lớn. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) là đơn vị đầu tiên khởi động một năm bán cổ phần sôi động cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Ngay sau mùa đại hội cổ đông 2018, Techcombank công bố thông tin đã chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với mức giá rất cao 128.000 đồng/cp, tương đương 5,62 USD/cp, thu khoảng 920 triệu USD, tương đương mức vốn hóa của Techcombank đạt 6,5 tỷ USD.
Thương vụ bán cổ phần Techcombank thực sự là một tín hiệu tích cực từ cộng đồng đầu tư quốc tế. Nó cho thấy, các NĐT ngoại rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ngân hàng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Ngay sau vụ bán cổ phần kỷ lục của Techcombank, tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng đã thực hiện một thương vụ để đời: thương vụ bán cổ phần cho khối ngoại lớn nhất trong năm 2018, hút cả tỷ USD trong một lần chào bán.
Cụ thể, ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5 - đơn vị quản lý mảng bất động sản của Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, các NĐT nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK).
Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống có tỷ lệ vốn ngoại kịch trần 49%.
Theo Vingroup, khoản vốn ngoại tỷ USD vào Vinhomes đến từ quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore.
GIC được biết đến là một trong số nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam với các khoản đầu tư vào các ông lớn như: Masan Group (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, VietJet (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng, FPT của ông Trương Gia Bình, Vinamilk... với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng.
Cũng trong 2018, Vingroup của ông vượng đã thu về 400 triệu USD từ phát hành cổ phần ưu đãi (giá gần 111 ngàn đồng/cp) cho Công ty quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc, một trong 3 công ty quản lý tài sản hàng đầu tại Hàn Quốc.
Trong năm 2018, quỹ Chính phủ Singapore GIC đã chi khoảng 200 triệu USD để mua gần 52 triệu cổ phần Masan (MSN) nâng sở hữu lên xấp xỉ 8,9% và trở thành cổ đông ngoại lớn thứ hai tại Masan, sau SK Group.
Hồi đầu tháng 10, Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã chi gần 11.000 tỷ đồng (470 triệu USD) mua lại 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group với mức giá 100.000 đồng/cp. Sau giao dịch này, SK Group trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất nắm giữ 9,45% cổ phần của Masan Group.
Cũng trong năm 2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) đã hoàn thành các thủ tục để bán 15% cổ phần (sau bán tăng vốn) cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc
Triển vọng 2019: Việt Nam là điểm đến của dòng vốn ngoại
Trên TTCK, sức hút của các doanh nghiệp tỷ USD của đại gia Việt đã níu chân dòng vốn ngoại.
Trong năm 2018, The PAN Group của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng phát hành 10% cổ phần cho tập đoàn Nhật Bản Sojitz.
Cú chào sàn của Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng khá ấn tượng. Ngay sau khi lên sàn, các NĐT ngoại đã lấp đầy, sở hữu tối đa 49% cổ phần của Yeah1 Group với hàng loạt cái tên nổi bật như: Macquarie Bank Limited, Ancla Asset Limited, DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd...
Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào Việt Nam 2018.
Việc SCIC tiếp tục thoái vốn tại Nhựa Bình Minh (BMP) cũng giúp "đại gia" Thái Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG) tăng cường thâu tóm, nắm giữ hơn 54% tại doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam.
Công ty Siam Cement thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan năm vừa rồi cũng chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn (tổng đầu tư 5,4 tỷ USD) sau khi ký hợp đồng với PetroVietnam để mua lại 29% cổ phần nhà máy hóa dầu này.
Năm 2018, tổ hợp giáo dục Topica của Việt Nam hút 50 triệu USD từ một công ty Singapore, Northstar Group. Đây được xem là thương vụ đầu tư lớn nhất cho một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến ở Đông Nam Á.
Hiện tượng các doanh nghiệp Việt hút thành công dòng vốn ngoại lớn trong năm 2018 là một điều khá bất ngờ. Theo SSI Research, dòng vốn bị rút khá mạnh khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2018 và và khó dừng lại trong tương lai gần. Cơ may gọi vốn cho các thị trường mới nổi sẽ ngày càng trở nên eo hẹp.
Trên thực tế, năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng hơn 27 tỷ USD từ 7 thị trường châu Á gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia. Các thị trường mới nổi ở châu Á bị rút vốn mạnh nhất kể từ khủng hoảng 2008 do lãi suất ở Mỹ tăng.
Tuy nhiên, các NĐT ngoại mua ròng 2,89 tỷ USD trên TTCK Việt Nam, xấp xỉ bằng mức vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD). Con số này được đánh giá là rất khả quan nếu so sánh với tình hình chung.
Việt Nam đang trở thành trung tâm của sự chú ý với TTCK phát triển mạnh về quy mô cũng như hàng hóa ngày càng chất lượng. Tốc độ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước nhanh cũng hấp dẫn các NĐT ngoại.
Theo HSC, một nền tảng vĩ mô vững chắc, với GDP phát triển cao, lạm phát được kiểm soát khá tốt, trong khi tỷ giá ổn định và TTCK đang ngày càng mở rộng và hệ thống ngân hàng trở nên ổn định hơn,... là điểm khác biệt rõ ràng của Việt Nam so với các thị trường khu vực. Đây là lý do khiến chứng khoán Việt Nam là kênh đầu tư và trú bão khá an toàn của dòng tiền quốc tế.
Đánh giá về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, HSC cho rằng, thay vì lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của hoạt động thương mại trong ngắn trung hạn thì NĐT đã tỏ ra lạc quan về khả năng chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong trung dài hạn sẽ diễn ra nhanh hơn.
Dù vậy, HSC cũng cho rằng nếu TTCK thế giới điều chỉnh mạnh thì thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi sự giảm điểm. Tuy nhiên cơ sở để tin rằng TTCK Việt Nam là nơi trú ẩn tương đối an toàn đang ngày càng vững chắc.
Liên quan đến hoạt động bán vốn Nhà nước, trong năm 2018 có những thương vụ thoái vốn ấn tượng nhất là bán 78,99% vốn điều lệ tại Vinaconex (SCIC bán 57,71% và Viettel bán 21,28%) thu về hơn 9,4 ngàn tỷ đồng. Đầu năm 2018 có các thương vụ IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn trị giá 5.500 tỷ đồng, PVOil 4.100 tỷ đồng, PV Power 7.000 tỷ đồng. Năm 2019, hoạt động bán vốn và thoái vốn sẽ tiếp tục diễn ra. Các NĐT ngoại vẫn đang quan tâm tới quá trình này, đặc biệt những cổ phiếu tốt như Petrolimex (PLX).
Cô dâu Nam Định: Sau đám cưới, bạn bè mới biết là tiểu thư nhà giàu
Thu Hương cho biết cô khá lo lắng khi nhiều người bàn tán về đám cưới của mình. Hai vợ chồng trẻ muốn dành thời ... |
Mỹ nhân được khao khát nhất Nhật Bản bỏ tình trẻ chạy theo đại gia
Fukada Kyoko từng mạnh miệng tuyên bố không thể ngủ ngon nếu thiếu đàn ông. |
Lâu đài của đại gia Nam Định có con gái đeo vàng trĩu cổ ngày cưới
Gia đình cô dâu sống trong một tòa lâu đài 7 tầng xa hoa tráng lệ, được xây dựng và hoàn thành cách đây hơn 2 năm. |
Lợn đất gần 100 triệu đồng đại gia Hà thành chi tiền rước về có gì đặc biệt?
Lợn đất dát vàng là sản phẩm kết hợp từ nghệ nhân gốm Bát Tràng và dát vàng Kiệu Kỵ. Mỗi sản phẩm được bán ... |
Ngày đăng: 10:46 | 17/01/2019
/