Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình phản ánh sau khi thi công xong các gói thầu, đến nay FLC còn nợ trên 200 tỷ đồng.
Gần đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) phản ánh về việc FLC nợ tiền thi công dự án trên 200 tỷ đồng.
Công ty Hòa Bình đã rất nhiều lần gửi công văn yêu cầu FLC trả tiền, nhưng cho đến nay sự việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Vào năm 2014, Công ty Hòa Bình và Công ty cổ phần tập đoàn FLC đã ký kết 2 hợp đồng để thi công xây dựng:
Hợp đồng số 57/2014 HĐTC/FLC-HBC ngày 15/10/2014 để thực hiện xây dựng hạng mục: Nhà câu lạc bộ (Club House), Trung tâm hội nghị (nhà đa năng) của dự án; sân gold và Khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Sầm Sơn.
Hợp đồng số 18/2014 HĐTC/FLC-HBC ngày 01/12/2014 để thực hiện hạng mục xây dựng: Khu fusion và khu Alacarte của dự án; Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn do tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại Thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Quần thể du lịch FLC Sầm Sơn. Ảnh: Kinhtedothi.vn
Để thực hiện hợp đồng này, trong hợp đồng chủ đầu tư quy định tiến độ thi công liên tục 3 ca/ngày, không nghỉ Tết Nguyên Đán, kịp thời hoàn thành và bàn giao công trình cho tập đoàn FLC đưa vào khai thác, kinh doanh đúng kế hoạch để tổ chức khai trương quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, sự kiện ngày 12/7/2015.
Để thực hiện những hợp đồng này, Công ty Hòa Bình đã phải vay vốn ngân hàng để trả tiền mua nguyên vật liệu phục vụ cho thi công, thuê máy móc thiết bị xây dựng, thanh toán lương cho người lao động.
Đến nay, toàn bộ các hạng mục thi công đã được nghiệm thu, đưa vào kinh doanh, khai thác sử dụng, nhưng tập đoàn FLC còn nợ vốn gốc của Công ty Hòa Bình là 213 tỷ đồng Việt Nam.
Phối cảnh Khách sạn 7 tầng của FLC. Ảnh: VOV
Mặc dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu Tập đoàn FLC giải quyết thanh toán công nợ nhưng đến nay FLC vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền.
Qua nghiên cứu đơn và các tài liệu mà Công ty Hòa Bình gửi đến, thấy rằng những vấn đề nêu trong đơn kêu cứu là có cơ sở để chuyển tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Ngoài nhiều vấn đề được xác nhận trong hồ sơ kiểm toán về công nợ, về vốn vay của các ngân hàng, trong tài liệu còn có thư xác nhận công nợ phải trả lần thứ nhất ngày 8/2/2018 của cơ quan kiểm toán yêu cầu Công ty Hòa Bình xác nhận nợ đối với Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2017 hơn 213 tỷ đồng.
Trong hoạt động xây dựng việc nợ giữa tổ chức này với tổ chức khác, giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng, giữa nhà thầu thi công xây dựng và các đại lý bán vật liệu xây dựng cũng là việc thông thường.
Nhưng nợ khoản tiền lớn hàng trăm tỷ đồng nhiều năm không trả, ngoài những vấn đề liên quan tới pháp luật thì còn có vấn đề của đạo đức kinh doanh?
Khi FLC triển khai dự án sẽ phải cần đến các nhà thầu – tích cực ngày đêm thi công, nhưng khi đã hoàn thành và đi vào khai thác thì lại chây ì không trả tiền, vậy thì liệu rằng còn có mấy nhà thầu dám hợp tác?
Đây là câu hỏi mà Tập đoàn FLC không thể bỏ qua, bởi vì điều đó có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của FLC.
Nếu sự việc đúng như Công ty Hòa Bình phản ánh thì hành động của FLC và lãnh đạo doanh nghiệp này có khác nào tự lấy đá ghè vào chân mình?
Trong quá trình tìm hiểu về sự việc này, để đảm bảo thông tin đa chiều khách quan, ngày 21/9/2018 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với lãnh đạo của Tập đoàn FLC.
Sau đó, nhân viên truyền thông của FLC tiếp nhận thông tin theo yêu cầu của lãnh đạo FLC và cho biết hai bên đang tiếp tục trao đổi (trong tuần sẽ liên lạc lại để cung cấp thông tin).
Tuy nhiên, tới ngày 1/10, FLC không hề có bất kỳ phản hồi nào về việc bị Công ty Hòa Bình “tố” còn nợ hơn 200 tỷ đồng.
Phản ánh của Công ty Hòa Bình hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ bởi vì thời gian vừa qua FLC bằng cách nào đó nổi lên là doanh nghiệp triển khai nhiều dự án (hoặc dự kiến triển khai - trên giấy) có quy mô (trên giấy) rất lớn – hàng trăm, hàng nghìn héc-ta.
FLC được coi là doanh nghiệp lớn (đang đầu tư xây dựng Hãng hàng không Tre Việt) chẳng lẽ lại ứng xử tồi tệ với các nhà thầu?
Doanh nghiệp đại gia Xuân Trường, Trịnh Văn Quyết nợ thuế
Trong 319 doanh nghiệp nợ thuế bị đưa tên có Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC ... |
FLC xây khu du lịch trên đảo Cồn Cỏ: Khuyến khích, nhưng...
(Thị trường) - Huyện đảo Cồn Cỏ nằm ở vị trí tiền tiêu, quan trọng trong công tác phòng thủ lãnh thổ nên việc phát ... |
Hết kiên nhẫn với “chúa chổm” FLC
Nếu chủ đầu tư vẫn chây ì không thực hiện dự án như đã cam kết thì cần phải thu hồi giấy phép. |
Ngày đăng: 08:07 | 02/10/2018
/ Giáo dục Việt Nam