Tuy Trump chưa thừa nhận thất bại, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn đã công nhận Biden và đưa ra kỳ vọng của họ với chính quyền mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử. Rất nhiều nghị sĩ Cộng hòa có tiếng nói trong Quốc hội Mỹ cũng vậy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ đã sẵn sàng bước tiếp và đang chuẩn bị cho thời kỳ Joe Biden làm Tổng thống.
Vài tuần qua, lãnh đạo nhiều công ty niêm yết lớn đã công nhận chiến thắng của Biden và đưa ra kỳ vọng của họ với chính quyền mới. "Tôi muốn chốt lại bằng lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden", CEO Walmart Doug McMillon cho biết khi công bố báo cáo tài chính cách đây một tuần, "Chúng tôi mong chờ làm việc với chính quyền mới và Quốc hội để đưa đất nước đi lên, đồng thời giải quyết các vấn đề thay mặt khách hàng và các bên liên quan".
CEO hãng bán lẻ Walmart Doug McMillon. Ảnh: Walmart |
Sự công nhận của McMillon đặc biệt đáng giá, do ông hiện là chủ tịch Business Roundtable - tổ chức vận động hành lang đại diện cho các CEO hàng đầu của Mỹ. Người tiền nhiệm của ông - CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon cũng khẳng định "trách nhiệm của chúng ta là tôn trọng quy trình dân chủ và kết quả của nó", khi Biden được các hãng truyền thông công bố thắng cử.
CEO Intel Bob Swan cũng chúc mừng Biden hôm 23/11. Trong một bức thư mở gửi Tổng thống đắc cử, Swan cho biết chính quyền mới cần đầu tư nhiều hơn vào sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. "Kế hoạch đầu tư vào hàng hóa sản xuất tại Mỹ của ông rất quan trọng với vị thế dẫn đầu về công nghệ và đột phá của Mỹ".
Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khác của Mỹ đã bày tỏ hy vọng vào một môi trường chính trị ổn định hơn sau 4 năm nhiều sóng gió. "Trong suốt sự nghiệp, Biden đã thể hiện mình là người thực tế. Ông ấy không bao giờ quá ngả về một phe và sẵn sàng đối thoại", Kevin Chavous - một giám đốc tại nền tảng học trực tuyến K12 cho biết hôm 18/11.
Các lãnh đạo khác thì cố đoán Biden sẽ áp dụng chính sách nào, đặc biệt với các vấn đề như thương mại và quy định kinh doanh - những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Trump đã gây chiến tranh thương mại với nhiều quốc gia, đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Biden được kỳ vọng ít khoa trương và sử dụng ngoại giao nhiều hơn.
Dù vậy, các giám đốc doanh nghiệp vẫn cho rằng Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ và mở của thị trường cho các hãng sản xuất Mỹ. "Những bình luận của chính quyền Biden không cho thấy lập trường với Trung Quốc sẽ mềm mại hơn", Jeremey Smeltser - Giám đốc Tài chính hãng cung cấp ống nước Spectrum Brands Holdings nhận định.
Bruce Caswell - CEO hãng dịch vụ y tế Maximus thì kỳ vọng Biden tăng chi cho các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các hãng sản xuất lại lạc quan một cách thận trọng về khả năng tăng chi cho cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Việc này sẽ đặc biệt hữu ích nếu nằm trong gói cứu trợ Covid-19 nhằm hồi sinh thị trường việc làm.
"Chính quyền Biden đã nói về tầm quan trọng của ngành sản xuất Mỹ", Blake Moret - CEO Rockwell Automation cho biết hôm 10/11, "Chúng tôi mong chờ được làm việc với họ để tìm ra cách tăng sản xuất, cũng như giải quyết vấn đề về lực lượng lao động".
Hà Thu (theo CNN)
Biden tìm cách khôi phục quan hệ Mỹ - châu Âu |
Biden đối mặt lễ nhậm chức "vô tiền khoáng hậu" |
5 đặc quyền Biden nhận được trong quá trình chuyển giao |
Mỹ sắp có nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên |
Ngày đăng: 17:04 | 24/11/2020
/ vnexpress.net