Đề xuất của một đại biểu Quốc hội về việc đổi giờ làm việc, cụ thể là giờ buổi sáng sẽ bắt đầu muộn hơn, tuy chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói ở đây, từ câu chuyện đổi giờ làm lại được xới lên, là vấn đề chất lượng làm việc, quan trọng là 8 giờ “vàng ngọc” diễn ra thế nào, chứ không phải ở việc nó được bắt đầu khi nào.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, “bệnh” tham nhũng hiện nay đang ở mức độ trầm kha, khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, nhất là những người giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Thậm chí đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền còn ví von một cách hình tượng rằng, tham nhũng hiện đang lây lan nhanh như một loại virus hết sức nguy hiểm, song lại chưa có thuốc chữa đặc trị.
Vị đại biểu này cho rằng, sở dĩ có thực trạng trên một phần là do buông lỏng kiểm tra, giám sát, xử lý chưa nghiêm dẫn tới việc “nhờn luật”.
Đại biểu Hiền nêu ví dụ: Thời gian qua báo chí phản ánh nhiều về một số biệt thự, biệt phủ của cán bộ gây bức xúc trong dư luận.
Ý kiến trên không hề sai, khi mà luật sinh ra là để điều chỉnh mọi hành vi, mọi đối tượng trong xã hội, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, song trên thực tế lại không diễn ra như vậy.
Có đại biểu Quốc hội nêu ví dụ: Người dân vi phạm nặng hay nhẹ thì lập tức bị pháp luật xử lý, trong khi có cán bộ sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, rồi vẫn bình an sau khi nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, hoặc cả tập thể cùng chịu trách nhiệm.
Điều này làm cho người dân hiểu rằng việc áp dụng luật đối với người dân và cán bộ là khác nhau. Đó chính là lý do mà nhiều người không biết sợ, ngang nhiên, cố tình tham nhũng. Đây chính là môi trường lý tưởng, thuận lợi cho virus tham nhũng lan nhanh trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Chính Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã thẳng thắn thừa nhận trước Quốc hội: Thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng chưa thực sự mang tính đột phá, nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư công...
Việc phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm.
Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là thanh tra giao thông, hải quan, cảnh sát, tòa án...
Đương nhiên là virus tham nhũng có môi trường phát triển lý tưởng, để rồi lây lan trong cộng đồng xã hội, khi mà đa số các vụ án tham nhũng đều rất khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Virus tham nhũng làm sao có thể bị suy yếu hay bị tiêu diệt khi mà rất khó bị phát hiện, mà nếu có bị phát hiện thì cũng khó bị xử lý?
Chẳng phải chính Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (TTCP) Phạm Trọng Đạt từng nói: Việc thu hồi tài sản cán bộ tham nhũng hiện nay còn rất hạn chế, mà nguyên nhân chính là do công tác quản lý về mặt con người.
Làm sao có thể thu hồi tài sản tham nhũng khi mà không phân định được đâu là tài sản cá nhân, đâu là tài sản do phạm tội mà có đây?
Điều mà ông Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng nói hoàn toàn không sai. Khi không kê khai tài sản, hoặc có kê khai cũng chỉ là hình thức mà không thể đối chiếu, truy xuất nguồn gốc thì đương nhiên không thể quản lý, giám sát.
Không giám sát được tài sản của cán bộ thì lẽ tất nhiên là khó phát hiện, hoặc không thể phát hiện tham nhũng, nếu có phát hiện cũng khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Nếu như ngay từ đầu, việc cán bộ thực hiện kê khai tài sản được giám sát, quản lý chặt chẽ, nghiêm túc thì khi có tài sản lớn phát sinh sẽ lập tức phát hiện dấu hiệu tham nhũng, đồng thời việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng sẽ trở nên đơn giản, thuận lợi.
Song, đáng tiếc là hiện cơ chế kê khai tài sản đang được làm hình thức, thiếu thực chất nên việc phát hiện tham nhũng, hoặc thu hồi tài sản tham nhũng là cực kỳ khó khăn.
Nhiều người có cách nghĩ rằng, cứ tham nhũng đi chưa chắc đã bị phát hiện, nếu có phát hiện cũng chưa chắc đã bị xử lý, hoặc nếu có xử lý thì cũng chỉ có thể xử lý về hành vi, còn tài sản thì không thu hồi được do đã được tẩu tán, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người thân, con cháu thế hệ sau...
Chính vì thế đã khiến virus tham nhũng không những không có dấu hiệu suy yếu mà có vẻ như ngày càng khỏe, lây lan càng nhanh trong xã hội.
Còn rất nhiều nguyên nhân khác là dung môi tốt cho virus tham nhũng lây lan nhanh, đó là việc chạy chọt vị trí, chức vụ, rồi ngay một số cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng “nhúng chàm” ...
Hy vọng tới đây, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng bằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý, bịt chặt các lỗ hổng quản lý đang tồn tại... virus tham nhũng sẽ bị khống chế và tiêu diệt.
Tham nhũng lan nhanh như virus!
Đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta mới phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, còn cấp tỉnh ... |
Nguy cơ bỏ lọt tội phạm tham nhũng ở cấp tỉnh
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và thảo luận của các đại biểu Quốc hội cho thấy việc phát hiện, xử lý ... |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/diet-virus-tham-nhung-385099
Ngày đăng: 19:00 | 08/11/2017
/ Lê Anh Đức/daidoanket.vn