Trước thông tin cách ly toàn bộ người dân xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc để phòng chống dịch COVID-19 (nCoV) , nhiều người tỏ ra lo ngại khi tiếp xúc với người đến từ Vĩnh Phúc, thậm chí tỏ thái độ kỳ thị.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng: Cách ly địa phương có nhiều ca bệnh là biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19, để hạn chế tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng.
Nếu cách ly như hiện nay thì khi địa phương có những ca nghi ngờ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ hạn chế thấp nhất sự phát tán virus COVID-19 (nCoV), lây cho những người khác. Hơn nữa, bệnh do chủng mới của virus Corona cũng phải lây từ người có nguồn bệnh và nguồn bệnh cũng phải tiếp xúc trong phạm vi 2 mét, hoặc qua tiếp xúc với virus bám ở tay nắm cửa, các vật dụng khác...
"Cách ly xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc không có nghĩa là bầu trời, không khí của địa phương này bị ô nhiễm bởi virus, vi khuẩn mà lây lan ghê gớm như vậy. Chỉ vì cách ly xã Sơn Lôi để phòng chống dịch mà kỳ thị người dân Vĩnh Phúc là rất sai lầm, không hiểu gì về dịch bệnh. Nếu có hiện tượng khách sạn từ chối nhận người dân từ Vĩnh Phúc, theo tôi nên xử phạt khách sạn đó để làm gương. Hiện người dân ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vẫn hoạt động bình thường, đi lại, sinh hoạt bình thường"- ông Phu khẳng định.
Xã Sơn Lôi có vài ca bệnh, hầu hết là ca bệnh xâm nhập, nếu kiểm soát tốt như hiện nay thì dịch bệnh sẽ không lây lan nữa. Hiện đang là "thời kỳ vàng" để các ca bệnh xâm nhập có thể lây lan sang những người khác, nếu chúng ta không kiểm soát tốt những ca tiếp xúc gần đó thì sẽ lây lan cho những người khác nữa.
Ông Phu khẳng định việc quản lý, cách ly xã Sơn Lôi như hiện nay là một biện pháp tốt. "Thời gian cách ly trong khoảng 21 ngày, nếu thời gian này không có các ca bệnh mới thì sẽ không có vấn đề gì, sẽ dừng cách ly. Người dân cần hiểu đúng vấn đề và chung tay với Vĩnh Phúc phòng chống dịch"- ông nói.
Ông Phu cũng chia sẻ, vào đại dịch SARS năm 2003, nhiều người dân rất sợ hãi không dám đi qua con phố Phương Mai, không dám tới gần Bệnh viện Việt Pháp vì nơi đó có dịch, đó là vì ngày đó hiểu biết về căn bệnh SARS còn rất hạn chế. Nhưng đối với dịch bệnh COVID-19 (nCoV), chúng ta đã có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này, nguyên nhân, lây lan của bệnh là do tiếp xúc gần... thì hoàn toàn có thể đề phòng bằng nhiều biện pháp như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ...
Về điều trị bệnh nhân COVID-19 (nCoV), chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm. Theo ông Phu, ca người bệnh đầu tiên từ Trung Quốc là ca bệnh nặng nhất thì đã điều trị khỏi, được ra viện. Các ca dương tính còn lại, kể cả cháu bé 3 tháng tuổi đều là ca bệnh nhẹ, nhưng vẫn đang được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.
Quốc tế chỉ khuyến cáo cách ly 14 ngày
Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31/31 địa phương của Trung Quốc, nhất là với những trường hợp về từ Trung Quốc.
Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.
Hà Nội cách ly một gia đình 5 người trở về từ huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc Gia đình gồm 5 người đi thăm nhà ngoại ở vùng dịch Covid-19 tại Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), đã trở về Hà Nội và được ... |
Thùy Linh
Ngày đăng: 21:42 | 16/02/2020
/ laodong.vn