Ngày tôi đi học, hầu như không có khái niệm văn mẫu.

Lúc đó, sách tham khảo có rất ít, mà thường cũng chỉ ở thành phố hoặc thị xã, chứ hiếm khi về đến vùng nông thôn. Với chúng tôi lúc đó, có bộ sách giáo khoa mới để học đã là may, còn nếu không thì phải mượn lại sách của các anh chị khóa trước để học. Ngày đó, sách tham khảo hay sách nâng cao là thứ gì đó quá xa xỉ với chúng tôi. Ấy thế mà lại hay. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy những ngày đi học của chúng tôi vui sướng hơn thế hệ các con tôi bây giờ rất nhiều.

Không có sách tham khảo, thành ra không có văn mẫu. Trừ mấy bạn trong đội tuyển văn được các thầy cô sưu tập bài văn mẫu để tham khảo và thường là học thuộc. Các bạn thi khối C cũng đi theo con đường tương tự. Còn lại trong năm, cơ bản là nghĩ sao viết vậy.

Văn mẫu trực tiếp triệt tiêu sự sáng tạo và khả năng cảm thụ văn chương của người học. Khi đã học và chép theo văn mẫu rồi, người ta không còn nhu cầu viết ra những cảm nhận và suy tưởng từ sâu xa từ bên trong mình.

Tính sáng tạo của việc chép lại văn mẫu còn thấp hơn cả việc chép tranh, vì khi chép tranh, người ta vẫn còn phải cân nhắc đến luật gần xa, quy tắc phối màu. Còn chép lại một bài văn đã thuộc lòng thì không cần phải nghĩ ngợi gì cả.

Sau này bước chân vào làm nghiên cứu, tôi còn nhận ra rằng, văn mẫu chính là một hình thức đạo văn hợp pháp ở trường học. Học thuộc dàn ý của người ta, thậm chí thuộc cả bài văn của người ta, thêm bớt sửa chữ vài chữ, rồi chép lại là thành ra của mình. Học càng thuộc thì lại càng được điểm cao và được thầy cô khen. Thế mới lạ. Không ai chất vấn như vậy là ăn cắp ý tưởng và văn chương của người khác. Cứ hồn nhiên như thế suốt mười mấy năm học.

Rồi từ đâu lại sinh ra khái niệm “các môn học thuộc” ngồi chễm trệ trong nhà trường. Cả thầy cả trò đều mặc nhiên gọi các Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, thậm chí cả môn tự nhiên như Sinh học, là môn học thuộc.

Có lần không chịu được, tôi ra lệnh cấm con học thuộc những thứ như vậy. Con không biết làm sao, chỉ mếu máo nói rằng bố không hiểu gì cả, mọi người đều thế, nếu con làm vậy thì không có điểm.

Ô hay, ngần này tuổi đầu, đoạn trường thi cử học hành đều đã đi qua, sao lại không hiểu. Nhưng con nhất định nói bố không hiểu gì cả. Tất cả đều phải học thuộc hết, vì đây là môn học thuộc.

Rồi lại có những ngày cầm bài văn của con lên: Meo meo meo nhà em nuôi một con mèo… Em rất yêu con mèo nhà em. Con đã mở đầu và kết thúc bài văn tả con mèo của mình như thế.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu tôi không phát hiện ra, các bạn khác trong lớp cũng tuân theo một mô-típ tương tự: Gâu gâu gâu nhà em nuôi một con chó… Em rất yêu con chó nhà em; Chíp chíp chíp nhà em nuôi một con chim… Em rất yêu con chim nhà em….

Tôi hỏi ra thì biết các con có chung một bài văn mẫu. Chỉ cần học thuộc, chép lại và thay tên con vật là thành bài văn của mình. Vẫn hồn nhiên như đương nhiên phải thế. Nếu không thế, sẽ bị sửa lại thành phải thế. Nếu không, sẽ không có điểm.

Tôi phản đối kịch liệt cách học này. Thời buổi muốn biết thông tin gì thì chỉ cần tra google, thì việc học thuộc này hoàn toàn vô nghĩa. Vì thế, để bảo vệ con, tôi ra luật trong nhà: Cấm con học thuộc các môn học thuộc, trừ thơ! Tôi giải thích, con học thuộc rồi chép lại là đạo văn. Nếu ở nước ngoài, có thể con sẽ bị đuổi học.

Khi lệnh cấm ban ra, ban đầu con phản đối: Bố không đi học. Bố không hiểu gì cả. Không học thuộc thì sẽ bị phạt và không có điểm!

Ái chà chà, từ khi nào việc đi học cứ nháo nhào vì điểm vậy? Từ khi nào mà gần như cả lớp đều là học sinh giỏi và xuất sắc, nếu là học sinh tiên tiến thì bố mẹ xấu hổ không dám đi họp phụ huynh? Ngày tôi đi học, được học sinh tiên tiến là khó khăn và tự hào lắm. Vậy nên, điểm thấp cũng không sao. Nếu con thực sự hiểu điều con viết ra, thì trước sau gì cũng có điểm. Có thể điểm không cao, nhưng đó là điểm thật của con. Ở lại lớp cũng không sao.

Suy cho cùng, văn mẫu cũng chỉ là một triệu chứng của căn bệnh giáo dục chữa mấy chục năm nay vẫn chưa khỏi. Đó là bệnh nói mẫu, nghĩ mẫu, sống mẫu theo những theo những thứ mà nhiều khi không biết từ đâu ra và để làm gì.

Với các thầy cô, từ ngày có bài giảng điện tử thì tình hình càng thêm tệ. Một người biết sử dụng máy tính, soạn bài và nhặt nhạnh đâu đó vài hình ảnh và trích dẫn, phổ biến là không trích nguồn, trang trí qua quýt thế là thành bài giảng điện tử. Chỉ cần copy lại là xong phần soạn bài. Nếu đưa lên mạng thì hàng nghìn thầy cô cùng sử dụng.

Đành rằng phần kiến thức thì không phải là sở hữu của riêng ai, cũng lại phổ biến là chép từ sách giáo khoa mà ra cả. Nhưng các chi tiết khác, như bố cục, phông chữ, màu sắc, cách diễn đạt kiến thức… thì đó là sở hữu của người soạn ra. Nay chép lại hồn nhiên thì cũng là một dạng đạo văn. Thầy cô làm thế, thì học trò cũng làm thế, theo cùng một cách thức.

Vì thế, trong lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này, chương trình phải không được là một dạng “văn mẫu”, tức phải mới hoàn toàn, từ triết lý, đến chiếc lược và cách thức triển khai. Trong đó, cái mới lớn nhất phải là cái làm cho giáo dục được chính là giáo dục, xuất phát từ con người và vì chính con người, chứ không phải là một tập hợp các bài “văn mẫu” xa lạ với đời sống bản chất của một con người lành mạnh.

Một bài văn đúng nghĩa trước hết phải là một bài văn bình thường, chứ không phải là được chép lại từ một bài văn phi thường. Giáo dục cũng vậy. Hãy làm cho giáo dục trở lại bình thường, khi đó giáo dục sẽ phi thường.

Mừng hụt

Nhiều thầy cô tỏ ra hoang mang về yêu cầu không dạy ngoài sách giáo khoa, còn tôi nghĩ đơn giản: Các cháu nhỏ nhớ ...

Viện Đạo đức, tại sao lại không cơ chứ!

Có thể, cái ý tưởng lập một viện gọi là Viện Đạo Đức học được nói ra với một hàm ý, hoặc mai mỉa, hoặc ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dao-van-trong-giao-duc-3660532.html

Ngày đăng: 08:07 | 25/10/2017

/ Giáp Văn Dương/vnexpress.net