Gần đây, có nhiều diễn đàn tranh luận về sách Tiếng Việt 1 theo Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ủng hộ có và phản đối cũng có. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - liên quan đến cuốn sách này.
GS Nguyễn Văn Hiệp cho biết:
- Với tư cách là một người được đào tạo về ngôn ngữ học và hiện nay làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ, tôi chỉ bàn luận về cách dạy học đánh vần ở lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của Công nghệ Giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ trương.
Trước khi trao đổi cách dạy học đánh vần của Tiếng Việt 1-Công nghệ Giáo dục (từ đây gọi tắt là TV1-CNGD), tôi thấy cần khẳng định chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” sắp được triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn. Theo đó, cách dạy học đánh vần của một cuốn sách giáo khoa cụ thể chỉ là một trong nhiều cách khác nhau để đạt đến mục tiêu được xác định trong chương trình giáo dục.
Nói cách khác, chương trình chỉ nêu ra đích đến, còn đi đến đó bằng cách nào thì do các tác giả sách giáo khoa lựa chọn và thể hiện trong sách của mình. Theo quan điểm đó thì cách dạy đánh vần của TV1-CNGD chỉ là một lựa chọn, và nếu được chấp nhận, sẽ tồn tại song song với những cách dạy đánh vần khác, ở trong các bộ sách khác.
Hiện nay, nhiều người “cãi nhau” về cách đánh vần theo sách TV1-CNGD, GS có thể phân tích rõ hơn về ngôn ngữ học?
- Để đánh giá cách học vần theo “ngữ âm học” của TV1-CNGD, cần nắm được một số khái niệm rất cơ bản, trong đó quan trọng nhất là phân biệt được tên của con chữ (hay chữ cái), và âm vị mà chữ cái ấy ghi lại.
Chẳng hạn, chữ cái C trong hệ thống chữ viết tiếng Việt có tên gọi là “xê”, chữ cái K có tên gọi là “ca”, chữ cái Q có tên gọi là “cu” (hay “quy”) . Tuy nhiên, trong tiếng Việt, cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/, đọc là “cờ”. Đằng sau hệ thống chữ ghi âm bao giờ cũng có một giả thuyết âm vị học.
Cũng cần phân biệt “âm vị” hiểu nôm na là cái chung, cái trừu tượng được trừu xuất ra từ những biểu hiện ngữ âm cụ thể, “âm tố” với tư cách là cái biểu hiện ngữ âm cụ thể. Chẳng hạn, với từ “mẹ” thì người Hà Nội và người Nam Định có thể phát âm khác nhau về nguyên âm (âm tố khác nhau), nhưng đằng sau sự khác biệt đó, có một âm vị chung, cho phép ta phân biệt mẹ≠mạ≠mệ≠mộ.
Tương tự, phụ âm đầu trong các từ “ca”, “kỳ”, “quê” khi phát âm có khác nhau đôi chút, nhưng trong cả ba trường hợp, xét ở phương diện âm vị học, chúng đều là âm vị /k/, và đây là giả thuyết âm vị học được đa số các nhà ngôn ngữ học chấp nhận.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cách đánh vần từ trước đến nay đã ổn định, người Việt học tiếng Việt đều đọc được tốt, không cần phải thay đổi, còn quan điểm giáo sư?
- Tạm bỏ qua những cách đánh vần đã có từ đầu thế kỉ hoặc giai đoạn ngay sau 1945 (gắn với phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ), ta thấy cách dạy đánh vần trong TV1-CNGD không khác nhiều lắm so với cách đánh vần hiện nay, chủ yếu là dựa trên hệ thống âm vị mà con chữ biểu thị. Theo tôi, sự khác biệt quan trọng (mà mạng xã hội bàn rất nhiều trong những ngày qua), liên quan đến việc dạy đánh vần những từ có C, K, Q . Sự khác biệt này cho thấy điểm mạnh và điểm chưa được của TV1-CNGD.
Tôi cho rằng cách của TV1-CNGD là cách triệt để tuân theo phương pháp âm vị học. Cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/ trong tiếng Việt.
Trong khi đó, cách dạy phổ biến hiện nay của Tiếng Việt, lớp 1 đại trà (khác với TV1-CNGD) hướng dẫn học sinh, đối với từ “cá” phải đánh vần là “cờ-a-ca-sắc-cá”, đối với từ “kể” phải là “ca-ê-kê-hỏi-kể”, đối với từ “quê” phải là “quờ-ê-quê”. Cách dạy này không nhất quán: Vừa muốn dạy cách đọc từ (kết quả cuối cùng là học sinh phải đọc đúng âm mà các từ “cá”, “kể”, “quê” biểu thị), vừa muốn dạy tên con chữ, thay vì đọc âm là “cờ” thì Tiếng Việt, lớp 1 đại trà hướng dẫn học sinh đọc tên chữ cái là “ca” (K). (Đối với trường hợp Q, do Q luôn đi với U, TV1 đại trà xử lí “QU” như là âm vị riêng và hướng dẫn học sinh đọc là “quờ”).
Trong tiếng Việt, cũng như trong các thứ tiếng dùng hệ thống chữ viết ghi âm khác, việc dạy tên các con chữ của bảng chữ cái là rất cần thiết để có thể: ghi đúng tên người, địa danh (thường không có nghĩa, tức không có cái cơ sở giúp cho việc suy đoán nên viết như thế nào cho đúng) hay đọc các tên gọi được viết tắt. Ví dụ: Đài VOV (đài “vê ô vê”, chứ không phải đài “vờ ô vờ”), ngân hàng ADB (ngân hàng “a đê bê”, chứ không phải ngân hàng “a đờ bờ”).
Tuy nhiên, việc dạy tên con chữ khác với việc dạy đánh vần để đọc đúng âm do chữ biểu thị. Nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ hàng ngày mà chữ viết ghi âm thực hiện là mã hóa dưới dạng kí tự cái ý nghĩa của ngôn ngữ (trước hết là ý nghĩa của các từ trong kho từ vựng).
Nhưng ngoài nhiệm vụ ấy, các con chữ còn có thể dùng để gọi tên sự vật, thực hiện chức năng quy chiếu. Chẳng hạn, khi nói “Hôm nay họp ở Hội trường B” thì con chữ B (“bê”) cho biết sẽ họp ở Hội trường nào.
Xin cám ơn giáo sư.
(Còn tiếp)
Đánh vần theo công nghệ giáo dục: Khái niệm ngữ âm mang tính nửa vời, chơi vơi
Giáo sư Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vừa chỉ ra những bất cập ngay trong hệ ... |
Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục: Vì sao 3 chữ c/k/q đều đọc là "cờ"?
Với môn Tiếng Việt 1 CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm ... |
Sách công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa là SGK chính thức
Nhiều địa phương trên cả nước hiện vẫn đang sử dụng cuốn sách Công nghệ giáo dục mà thời gian gần đây nhiều phụ huynh ... |
Giáo viên cũng tranh cãi về cách đánh vần Tiếng Việt theo sách Công nghệ giáo dục
Không chỉ phụ huynh, mà giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn học sinh đánh vần tiếng Việt theo sách “Công ... |
Ngày đăng: 11:39 | 04/09/2018
/ https://laodong.vn