Tòa nhà Panorama, cục bêtông 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng, khẳng định là phải xử lý. Nhưng nếu Mã Pí Lèng hay bất cứ di sản thiên nhiên nào khác cứ mãi... hồng hoang, hồng hoang và chỉ hồng hoang thì nó sẽ trở thành áo cơm thế nào cho đồng bào ở một trong những vùng đất nghèo và đang hy sinh nhiều nhất đất nước?
Nhắc lại chút chuyện tòa nhà 8B Lê Trực. Khi việc xử lý tòa nhà vượt tầng này được đặt trên bàn chính quyền, chủ đầu tư có một ý tưởng là sẽ “hiến” phần sai phạm cho nhà nước sử dụng vào mục đích công cộng. Ai cũng thấy rõ đó là tiền bạc, chắc cũng hàng trăm tỉ.
Nhưng Hà Nội đã từ chối. Bí thư Thành ủy khi ấy là ông Phạm Quang Nghị đã thẳng thừng rằng, quan điểm của thành phố là không bao giờ tạo ra một tiền lệ nhận, sử dụng phần sai phạm, “đúng là sự lãng phí nào cũng đáng tiếc, nhưng đừng làm sai thì tốt hơn. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước làm như vậy thì lần sau sẽ có nhà đầu tư khác làm sai”.
Có nghĩa rằng pháp chế nhà nước không thể bị phá hoại vì giá trị bao nhiêu bao nhiêu tỉ sai phạm.
Có nghĩa rằng chính quyền muốn khẳng định thông điệp đã sai là đập, không chấp nhận, không cho phép, không tạo tiền lệ xấu để nuôi dưỡng cho những ý định về sai phạm. Hãy nhớ Bộ trưởng Xây dựng vừa tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận hình thức phạt cho tồn tại nữa.
Và đó còn là lẽ công bằng nữa. Sự công bằng giữa “nhà dân” và “phủ quan”, giữa dân với dân. Giữa tiền ít và “tiền đè chết người”.
Tòa nhà Panorama, cho dù đã được tư vấn “phủ xanh để hài hòa với thiên nhiên”, vì thế, cũng vẫn chỉ có một cách để xử lý mà thôi, dù đó là tiền, rất nhiều tiền.
Không ít liên quan, hôm qua, dư luận tiếp tục nổi sóng khi một Facebooker và bạn bè đã gần như khỏa thân trước tòa nhà Panorama ấy để “bảo vệ môi trường”.
Ý tưởng của anh ấy là một ẩn dụ: Nếu giữ nguyên trạng thiên nhiên cũng có khác gì con người thủa hồng hoang... Một ý tưởng không tệ, dù phản cảm và chắc chắn là gây tranh cãi.
Có lẽ khối u bêtông trên đèo Mã Pí Lèng lần này ngoài câu chuyện thời sự là những công trình không phép phá vỡ cảnh quan (và việc đập bỏ hay cho phép phạt tồn tại) còn đặt ra một vấn đề nữa: Cảnh quan, thiên nhiên cần được phát huy, được tận dụng thế nào để vừa mang lại những lợi ích cho người dân, vừa gìn giữ được những báu vật của thiên nhiên.
Có một sự thật qua scandal khỏa thân để bảo vệ môi trường là nếu Mã Pí Lèng hay bất cứ di sản thiên nhiên nào khác cứ mãi... hồng hoang, hồng hoang và chỉ hồng hoang thì nó sẽ trở thành áo cơm thế nào cho đồng bào ở một trong những vùng đất nghèo và đang hy sinh nhiều nhất đất nước?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi đồng bào ở đâu trong những bức ảnh selfie chúng ta chụp ở Mã Pí Lèng?
Ngày đăng: 16:16 | 09/10/2019
/ laodong.vn