Thủ tướng Anh cho rằng rất có thể Nga đã sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái hồi đầu tháng này tại thị trấn Salisbury bằng chất kịch độc Novichok
Nhà hóa học Nga nói từng chế tạo chất độc thần kinh Novichok
Nga được cho là từng vận hành một phòng thí nghiệm nghiên cứu Novichok, chất độc bị nghi dùng để ám sát cựu điệp viên ... |
Vụ điệp viên hai mang bị đầu độc: Chuyên gia Nga tố Anh cố ý hãm hại Moscow
Theo chuyên gia, việc London không cung cấp cho Moscow mẫu hóa chất đã đầu độc điệp viên hai mang Sergei Skripal bởi vì họ ... |
Putin: Nga không chạy đua vũ trang, muốn giải quyết bất đồng
Tổng thống Putin nói Moscow không muốn chạy đua vũ trang và sẽ làm mọi cách để giải quyết mâu thuẫn với các nước khác ... |
Novichok là tên chung của một nhóm chất độc hóa học - cả trăm loại - sản xuất trong những thập niên cuối thời chiến tranh lạnh tại Liên Xô. Đây là lần đầu tiên nó được đề cập và ngay lập tức làm quan hệ ngoại giao giữa Anh và Nga căng như dây đàn.
Từng nằm ngoài danh mục CWC
Theo nhà dược học Gary Stephens, giáo sư Trường ĐH Reading (Anh), Novichok được triển khai từ thập niên 1970. Đến nay, chưa có báo cáo nào về việc dùng Novichok tấn công con người cho tới khi cha con nhà Skripal "dính chưởng".
So với khí sarin, chất độc giết người làm chấn động thế giới năm 1995 ở Tokyo - Nhật Bản và khí VX, vốn mạnh hơn sarin cả trăm lần dùng để sát hại ông Kim Jong-nam ở Malaysia đầu năm ngoái, Novichok nguy hiểm hơn gấp bội. Bà Michelle Carlin, nhà hóa học và tội phạm học ở ĐH Norhthumbria (Newcastle - Anh), nhấn mạnh Novichok vô cùng nguy hiểm vì "phương thức hoạt động của nó cho đến giờ vẫn chưa rõ ràng bởi đây là thế hệ chất độc thần kinh mới nhất".
Nhà hóa học Vil Mirzavanov, người đầu tiên tiết lộ bí mật của chương trình Novichok, đang sống tại Mỹ Ảnh: YOUTUBE
Do Novichok từng được sản xuất tại Liên Xô cách nay 30-40 năm mà Thủ tướng Anh Theresa May mạnh miệng tố cáo Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cha con nhà Skripal. Tuy nhiên, theo trang tin HuffPost (phiên bản Anh), giới ngoại giao Anh cho rằng có 2 khả năng: Hoặc chính quyền Nga chủ mưu vụ ám sát hoặc họ mất kiểm soát, để nó rơi vào tay bên thứ ba. Theo quan điểm của London, dù trong trường hợp nào, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về chính quyền Moscow.
Truyền thông Nga cho biết Novichok do các nhà khoa học Liên Xô ở Học viện Hóa học và Công nghệ (GNIIOKhT) điều chế. Thành lập năm 1924, học viện này đã được sắc lệnh của tổng thống Nga năm 2004 xếp hạng doanh nghiệp chiến lược chuyên trách giải trừ vũ khí hóa học Nga.
Trong tiếng Nga, Novichok có nghĩa là "tân binh". Danh xưng này hoàn toàn thích hợp bởi nó nằm ngoài danh mục chất độc hóa học của Hiệp ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1990, theo tạp chí khoa học Science Direct. Novichok ra đời sau CWC nên không bị cấm đoán một thời gian dài. Nó cũng được chế tạo sao cho mọi thiết bị tiêu chuẩn và thiết bị bảo vệ khí độc cổ điển đều không thể phát hiện.
Nhật báo Đức Die Welt dẫn lời bà Michelle Carlin cho biết trong nhóm Novichok, Novichok-5 và Novichok-8 là 2 chất kịch độc nguy hiểm nhất, mạnh gấp 8 lần khí độc VX. Độc nhất là các nhóm chứa hóa chất phốt pho hữu cơ.
Theo bà Carlin, một số dòng Novichok chứa phốt pho hữu cơ từng được giới thiệu với công chúng như là thuốc trừ sâu thời Liên Xô. Đây là một cách ngụy trang chương trình nghiên cứu quân sự dưới dạng dân sự. Thật ra, nó là một loại vũ khí hóa học mới mà cách đây hơn 20 năm, phương Tây hoàn toàn mù tịt.
Vũ khí nhị nguyên
Nhìn chung, Novichok phức tạp nhưng khá đơn giản, theo lời đại tá Hamish de Bretton-Gordon, cựu Thủ trưởng Binh đoàn Hóa học, Phóng xạ sinh học và Vũ khí hạt nhân Anh. Ông giải thích trên tờ Express: "Nó được chế tạo theo dạng "vũ khí nhị nguyên", gồm 2 hợp chất hóa học mà đứng riêng thì vô hại (nằm ngoài danh sách chất cấm hóa học) nhưng trộn lẫn vào nhau sẽ trở thành chất kịch độc".
Nhờ Novichok có đặc tính này, sát thủ mang nó trong người để hành sự rất dễ dàng dưới dạng bột mịn. Sát thủ mang nó qua các cổng kiểm tra an ninh mà không sợ bị lộ hay bị lây nhiễm. Thời gian bảo quản nó cũng lâu hơn các chất độc thần kinh khác.
Đó là bí quyết mà các nhà khoa học Xô viết đã sử dụng khi điều chế Novichok, theo nhận định của bà Carlin. Nhờ vậy, trong một thời gian dài, nó không bị cấm vì hoàn toàn hợp pháp. Giờ đây, 2 hợp chất kể trên của Novichok đã bị CWC cấm. Tuy nhiên, bà Carlin thừa nhận về mặt hóa học, người ta biết rất ít về Novichok. Biến thể của Novichok dùng để hạ độc cha con nhà Skripal là gì hiện chưa rõ. Chất kịch độc này có 3 dạng: thể khí, lỏng và bột.
Novichok chủ yếu làm cho con người khó thở, liệt cơ và động kinh dẫn tới tử vong nếu liều lượng đủ cao hoặc thời gian tiếp xúc đủ lâu. Nó xâm nhập cơ thể con người qua đường hô hấp hoặc da khi tiếp xúc. Do Novichok là chất kịch độc, mạnh hơn tất cả loại vũ khí hóa học khác nên chỉ cần một liều nhỏ, nạn nhân cũng có thể chết không kịp ngáp.
Tất nhiên, Novichok cũng có thuốc giải. Các bác sĩ có 2 lựa chọn: Một là thuốc Pralidoxime kích thích sản xuất chất enzyme có tên gọi Cholesterase bị Novichok ngăn chặn; hai là thuốc Atropine không chỉ giải độc Novichok mà còn giải độc thuốc trừ sâu và thuốc diệt côn trùng. Về lý thuyết là vậy nhưng trong trường hợp cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông, cuộc giải độc rất khó khăn. Tính mạng 2 người được cho là đang nguy kịch.
Độc như vậy nhưng Novichok cũng có điểm yếu. Bà Carlin tiết lộ: "Trong môi trường có độ ẩm cao, nó suy yếu rất nhanh. Dùng nước rửa nơi nhiễm độc Novichok cũng dẫn tới kết quả tương tự".
Novichok cũng gây nguy hiểm cao cho người sử dụng. Dù rất dễ mang đi trong điều kiện không trộn lẫn nhưng nó trở nên vô cùng nguy hiểm khi hòa trộn vào nhau. Trộn không đúng liều lượng, nó sẽ làm cho sát thủ chết trước khi hành động!
"Người thổi còi"
Phương Tây chỉ biết đến sự hiện diện của Novichok vào năm 1992 qua một bài viết trên tuần báo Moskovskiye Novosti (Nga). Tác giả bài báo là nhà hóa học Nga gốc Tatar Vil Mirzavanov và đồng nghiệp Lev Fedorov. Lúc đó, Mirzavanov giữ chức trưởng ban phản gián của GNIIOKhT với nhiệm vụ ngăn chặn mọi sự rò rỉ tin tức về chương trình Novichok nhưng chính ông là người đầu tiên tiết lộ bí mật vì cho rằng nó vi phạm CWC.
Mirzavanov bị cách chức và bị bắt ngay sau đó về tội phản quốc. Bị đưa ra tòa án Moscow xét xử về tội tiết lộ bí mật quốc gia nhưng Mirzavanov bất ngờ được tha bổng với lý do "tên và công thức của các độc chất viết trên báo không hề xa lạ trên các phương tiện truyền thông Liên Xô, ngay cả nơi sản xuất thử nghiệm cũng vậy". Theo các nhà bình luận phương Tây, Nga không muốn làm to chuyện.
Được trắng án nhưng ông Mirzavanov vẫn bị quản thúc tại nhà. Sau đó, ông được phép sang Mỹ, ở bang New Jersey và giảng dạy tại Trường ĐH Rutgers từ năm 2000. Năm nay ông 83 tuổi, còn ở Mỹ.
Kỳ tới: Điệp viên mang túi xách Louis Vuitton
Nguyễn Cao
Ngày đăng: 07:06 | 21/03/2018
/ Người lao động