Đàm phán an ninh Nga-Mỹ chưa kết thúc, nhưng NATO tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước những yêu sách của Nga.

Mỹ-NATO trả lời yêu sách an ninh của Nga

Vào cuối năm 2021, Nga đã công bố dự thảo hiệp ước với Mỹ và thỏa thuận với NATO về đảm bảo an ninh. Đặc biệt, Moscow yêu cầu các đối tác phương Tây đưa ra bảo đảm có tính chất pháp lý về việc không mở rộng NATO về phía Đông, từ chối Ukraine gia nhập khối và không thiết lập các căn cứ quân sự ở các nước trong không gian Xô viết.

Các đề xuất cũng bao gồm điều khoản về việc không triển khai vũ khí tấn công của NATO gần biên giới của Nga và rút các lực lượng liên minh ở Đông Âu về vị trí của năm 1997.

Vào hôm 26/1, Mỹ và NATO đã chuyển cho Nga phản ứng đối với các đề xuất đảm bảo an ninh của nước này.

Theo tiết lộ của giới truyền thông, hầu hết những vấn đề mang tính nguyên tắc mà Nga đề ra (ví dụ như không mở rộng sang phía đông, không kết nạp Ukraine, sự hiện diện quân sự ở Đông Âu…) đều bị Mỹ và NATO phủ quyết, Washington chỉ “có ý định” đàm phán tiếp về vấn đề trở lại INF (“Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung”) hay giới hạn quy mô và phạm vi các cuộc tập trận quân sự ở quanh biên giới nước Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố, chính quyền Mỹ không có ý định nhượng bộ Nga về các vấn đề an ninh, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định rằng, khối này sẽ đáp lại đề xuất của Nga về cam kết không mở rộng bằng cách “giữ cho cánh cửa của liên minh rộng mở”.

Đàm phán an ninh Nga-Mỹ: Vũ khí NATO dồn dập đổ vào Ukraine ảnh 1
Đàm phán an ninh Nga-Mỹ có liên quan mật thiết đến căng thẳng Nga-Ukraine

Người đứng đầu NATO nhấn mạnh, khối này sẵn sàng đối thoại với Nga về tình hình xung quanh Ukraine, nhưng trong trường hợp Điện Kremlin vẫn làm leo thang căng thẳng, Moscow sẽ phải “trả giá đắt”, bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị.

Ông Stoltenberg còn nói thêm rằng, liên minh đã bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới phía đông và đang thăm dò khả năng gửi thêm các nhóm tác chiến tới đó.

Tổng thư ký NATO cũng khẳng định, điều này sẽ được thực hiện một cách tương xứng phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của khối, nhằm tăng cường mức độ an ninh ở châu Âu cho tất cả các thành viên. Nga không muốn NATO tăng cường hiện diện ở biên giới phía Tây nhưng nước này sẽ thấy điều ngược lại, nếu cố tình leo thang căng thẳng với Ukraine.

NATO hành động nóng trước đòi hỏi của Nga

Hôm 29/1, Reuters đưa tin rằng, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch triển khai quân đội Mỹ tới các nước Đông Âu và NATO, Tổng cộng, 8.500 quân nhân Mỹ được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ để củng cố "sườn phía đông" của liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Chính quyền Mỹ nhấn mạnh rằng, đội quân này được triển khai nhằm mục đích cam kết khả năng bảo trợ của NATO đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên liên minh vốn đang lo ngại về an ninh của họ trước tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine.

Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng tăng cường viện trợ vũ khí trang bị sát thương cho Quân đội Ukraine, các máy bay vận tải quân sự NATO liên tục hạ cánh ở sân bay gần thủ đô Kiev, trong khi quân nhân phương Tây đã xuất hiện trên đường ranh giới ở Donbass.

Chỉ từ ngày 22 đến 25 tháng 1, Mỹ đã đưa sang 250 tấn hàng hóa quân sự. Danh mục cung cấp cũng đa dạng hơn nhiều so với trước đây: Ngoài 3 trăm tên lửa chống tăng Javelins, súng carbine và súng bắn tỉa cỡ nòng lớn, còn có các bệ phóng tên lửa dùng một lần M141 Bunker Defeat Munition.

M141 Bunker Defeat Munition chuyên dùng để phá hoại các boongke, hầm đào và các công sự dã chiến cố định khác, tương tự như vũ khí của Nga là súng phun lửa bộ binh RPO-A Shmel.

M141 tỏ ra rất xuất sắc ở Afghanistan, khi lính thủy đánh bộ Mỹ dọn sạch quần thể hang động Tora Bora của Taliban và các tay súng al-Qaeda. Quân đội Ukraine có thể sử dụng những vũ khí này trong cuộc tấn công vào các khu dân cư DPR và LPR. Đến nay, lực lượng vũ trang Ukraine (APU) mới có rất ít vũ khí như vậy (chỉ khoảng 1 trăm khẩu).

Ngoài ra, Lầu Năm Góc bàn giao hàng chục tấn đạn dược nhiều cỡ nòng, áo giáp, thiết bị nhìn đêm, điện đài và radar. Nhà Trắng cũng hứa sẽ cung cấp một số máy bay trực thăng Mil Mi-17 trước đây Mỹ đã mua của Nga để cung cấp cho quân đội Afghanistan.

Còn Anh đã cung cấp cho Ukraine 2 nghìn tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW (Next Generation Light Anti-tank Weapon). Rất tiếc là loại “vũ khí tối tân” này sẽ chẳng đóng góp được mấy cho Quân đội Ukrainne, vì thời hạn sử dụng của lô súng phóng lựu sẽ hết hạn vào năm 2022.

Các nước Baltic và Đông Âu cũng không đứng sang một bên. Cộng hòa Séc sẽ sớm đưa một lô lớn đạn pháo 152 ly sang cho Ukraine, vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng loại đạn này. Ngoài ra, Mỹ cho phép Latvia và Litva gửi máy tầm nhiệt và hệ thống phòng không di động Stinger cho Ukraine, trong khi Canada, Ba Lan và Hà Lan cũng gấp rút giúp Ukraine vật tư quân sự.

Cần nhắc lại Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vừa qua đã thông báo rằng, có hơn 120 cố vấn từ các công ty quân sự tư nhân phương Tây đã được triển khai đến chiến tuyến ở miền đông, nơi Quân đội Ukraine đang chuẩn bị các cuộc khiêu khích chống lại DPR và LPR (hai nước Cộng hòa ly khai ở vùng Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk).

Nguyễn Ngọc

Tổng thống Zelensky hé lộ về tình hình hiện tại ở Ukraine Tổng thống Zelensky hé lộ về tình hình hiện tại ở Ukraine
EU chia rẽ quan điểm về mức độ trừng phạt Nga EU chia rẽ quan điểm về mức độ trừng phạt Nga
Mỹ, Ukraine bất đồng về mối đe dọa từ Nga Mỹ, Ukraine bất đồng về mối đe dọa từ Nga

Ngày đăng: 19:00 | 30/01/2022

/ www.anninhthudo.vn