Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Bộ Giáo dục làm rõ việc thí điểm tốn tiền tỉ, học sinh là "chuột bạch", bất cập trong mô hình trường học.
Trong phiên họp sáng nay tại Quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá thời gian qua vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm, có một số chỗ không đạt yêu cầu.
"Lấy học sinh ra làm "chuột bạch", được thì tốt, không được thì không biết học sinh sẽ đi về đâu. Sai một ly đi một dặm. Chúng tôi có đặt vấn đề thí điểm thực nghiệm phải được thông qua Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng đã có nhận định cần phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến hoặc phê duyệt trước khi thí điểm.
Tiếp thu ý kiến này, Ban soạn thảo đưa vào hai văn bản, một văn bản tiếp thu, một tài liệu hỏi đáp, cũng tiếp thu ý kiến, tức là đặt vấn đề về thí điểm. Tuy nhiên, mới nghe qua ta nghĩ Ban soạn thảo rất cầu thị nhưng đọc kỹ vào câu chữ thì thấy cách viết lòng vòng, không thể hiện sự cầu thị.
Đại biểu Dương Minh Tuấn.
Tôi xin đọc nguyên văn ở Điều 103: "Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công". Đồng nghĩa đại trà mới xin, còn thí điểm thì không xin. Tôi đọc câu này, mới nghe qua rất hay, nhưng thực chất quan điểm của Ban soạn thảo vẫn bảo đảm giữ ý chí thí điểm thực nghiệm, thử nghiệm là không thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tôi cho việc này là không được. Thực tế, tốn bao nhiêu tiền tỉ nhưng cuối cùng hết giai đoạn 2015 - 2016 nhưng không tổng kết và công việc diễn ra do nóng vội, tập huấn chưa đầy đủ, những bất cập trên trong mô hình trường học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thế thì học sinh đi về đâu?", đại biểu Dương Minh Tuấn bày tỏ.
Ông đề nghị Ban soạn thảo phải có ý kiến về nội dung này. Nếu tiếp thu thì chỉnh sửa thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào để phê duyệt. Nếu không tiếp thu thì Ban soạn thảo cũng phải nói rõ rằng việc thí điểm này tốn tiền tỉ, học sinh là chuột bạch nhưng do nguyên nhân gì đó, không phải xin Thường vụ Quốc hội thì cũng phải nói rõ lý do, đừng viết lòng vòng để cuối cùng cũng là không phải xin Thường vụ Quốc hội.
"Đề nghị Ban soạn thảo hết sức cầu thị. Chuyện đầu tiên chúng tôi tiếp cận luật này là chúng tôi đi tìm chữ này, tìm rất khó mới thấy được, lần trước "thực nghiệm" bỏ, đến nay thay bằng chữ "thí nghiệm". Tôi xin nhấn mạnh sự bức xúc về việc này.
Liên quan đến điều này có một điểm nữa là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước. Mới nghe thì hay nhưng thực chất rất khó. Như thế nào là chủ trương lớn? Như thế nào là chủ trương nhỏ? Để thực hiện được chủ trương lớn phải đi kèm với nghĩa vụ học tập công dân trong phạm vi cả nước, 5 tỉnh, 10 tỉnh, 50 tỉnh, điều kiện này rất khó áp dung. Tôi đề nghị sửa lại đơn giản là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về giáo dục đào tạo, như vậy đã bao hàm hết tất cả mọi chuyện. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét.
Tất cả nội dung góp ý trên, đề nghị Ban soạn thảo trả lời rõ: Một là tiếp thu; Hai là giải trình nói rõ để chúng tôi biết", đại biểu Tuấn đề nghị.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng địnhtrong thời gian tới cần phải rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục để từ đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề nào cụ thể được thì cụ thể luôn ở trong luật để khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn, phải đảm bảo được tính khả thi và luật đi vào cuộc sống.
"Có một số vấn đề lớn mà chúng tôi cũng ý thức được là cần phải nghiên cứu thật thấu đáo trong đánh giá tác động như sáng nay nhiều đại biểu nêu, ví dụ chính sách mới về nâng chuẩn giáo viên mầm non, những chính sách đối với miền núi, vấn đề xã hội hóa.
Đây là những vấn đề rất lớn cần phải nghiên cứu thấu đáo đánh giá tác động đến các đối tượng. Cũng có những vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội cũng như các đại biểu liên quan đến vấn đề về triết lý giáo dục. Đây là vấn đề liên quan đến quan điểm, rất nhiều nội dung mà các đại biểu nêu ở các khía cạnh khác nhau liên quan đến triết lý giáo dục", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Đà Nẵng không áp dụng thí điểm sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục
Đà Nẵng hiện đang áp dụng chương trình phổ thông đại trà của Bộ GD-ĐT và không có bất kỳ trường tiểu học nào áp ... |
Sách công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa là SGK chính thức
Nhiều địa phương trên cả nước hiện vẫn đang sử dụng cuốn sách Công nghệ giáo dục mà thời gian gần đây nhiều phụ huynh ... |
Ngày đăng: 21:49 | 15/11/2018
/ https://vtc.vn