Thúy lắc đầu: Tôi vẫn chưa tin, trừ khi nào tôi được đọc bản nhận tội của Phạm Bình. Còn cho đến giờ này theo tôi biết, Phạm Bình vẫn chưa hề nhận rằng mình đã giết người.

dac biet nguy hiem ky 57 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 56)

Linh cúi đầu với vẻ phục thiện và nói: Nếu các anh đã thấy như thế thì ngày mai tôi sẽ điều chỉnh mức ăn ...

dac biet nguy hiem ky 57 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 55)

Bình bị giam biệt lập ở trại giam công an một huyện. Tuy huyện ấy chỉ cách thành phố chừng hai mươi cây số nhưng ...

Tổng biên tập Tuân nói:

- Tôi cảm thấy cô Thúy càng nói càng mâu thuẫn. Cô làm phóng viên điều tra chuyên viết về nội chính bao năm nay, chẳng lẽ cô không biết rằng có mấy kẻ phạm tội mà lại thú nhận tội lỗi của mình đâu. Thôi, bây giờ việc đấy cô Thúy có quan điểm như thế nào là tùy cô. Nhưng từ nay việc viết bài về vụ Phạm Bình tôi thấy không nên giao cho cô Thúy nữa. Bây giờ tôi giao cho Trưởng phòng Bạn đọc là anh Hoan chịu trách nhiệm. Anh Hoan có đảm nhiệm được không?

Hoan đứng lên:

- Báo cáo tổng biên tập, tôi thấy rằng nếu như để viết vụ án này cho tới đầu tới đũa, viết lại có chi tiết, thậm chí lại có chất văn nữa thì không ai có thể hơn được đồng chí Thúy. Tuy nhiên, qua những lời phát biểu của đồng chí Thúy vừa rồi thì tôi thấy trong quan điểm của đồng chí Thúy về vụ án này có những vấn đề theo tôi là không bình thường. Cho nên, nếu vì danh dự của tờ báo, nếu như tổng biên tập giao thì tôi xin nhận.

Thúy quắc mắt nhìn Hoan và nói:

- Anh bảo vì danh dự của tờ báo? Thế là thế nào? Chẳng lẽ tờ báo ta mất danh dự vì vụ án này à?

Hoan nói:

- Đúng đấy. Báo ta đang mất danh dự vì vụ án này đấy. Người ta sẽ thắc mắc rằng, tại sao một vụ án như vậy mà báo ta lại tuyên truyền hết sức hời hợt. Trong khi những tờ báo khác viết rất sâu, rất kỹ.

Rồi Hoan nói thêm:

- Báo cáo tổng biên tập, tôi đề nghị trong vụ án này lực lượng Công an điều tra cực kỳ vất vả. Theo tôi nắm được thông tin thì phải chịu rất nhiều áp lực từ một số người đã bảo vệ Bình. Bây giờ đã lộ diện bản danh sách đen những quan chức ở tỉnh nhận tiền của Phạm Bình. Tôi đề nghị chúng ta sẽ làm một loạt bài điều tra họ đã nhận tiền của Phạm Bình như thế nào.

Tổng biên tập Tuân nói:

- Nếu như làm được thì rất tốt. Nhưng việc này cậu phải rất cẩn thận. Bởi vì đây chỉ là lời khai của phía Trần Vũ, còn nhân chứng, vật chứng đâu? Thế bây giờ nó khai tôi nhận tiền của nó thì các cậu cũng tin à? Thế nó lỡ tay nó viết cậu Hoan đây đã nhận của nó vài trăm nghìn hay vài chục nghìn đô thì cũng tin sao?

Một phóng viên nói leo:

- Nếu nói anh Hoan nhận tiền thì tin ngay.

Hoan quay lại, quắc mắt nhìn anh phóng viên đó nói:

- Tôi đề nghị anh ăn nói cho cẩn thận.

Anh phóng viên kia nhăn nhở cười và bảo:

- Đùa tí, làm gì mà nổi nóng. Ở tòa soạn này, ai như thế nào thì mọi người biết cả. Chứ có nói anh không ăn tiền mà người ta tin đâu. Mà ngược lại, anh có nói anh ăn tiền mà người ta cũng chẳng tin. Còn nghề làm báo là nghề múa võ giữa chợ, là nghề bánh đúc bày sàng. Ai viết được hay không viết được, ai như thế nào, thiên hạ biết cả. Chứ có phải nghề lãnh đạo chỉ tay năm ngón đâu. Cái gì cũng cứ phải, phải...

dac biet nguy hiem ky 57

Tổng biên tập Tuân gõ tay xuống bàn rồi nói với giọng nghiêm khắc:

- Hôm nay tòa soạn mình làm sao vậy nhỉ? Tôi thấy mọi người hình như chỉ rình cơ hội để đả phá lẫn nhau. Thôi, bây giờ cứ quyết như thế. Một là cô Thúy không theo dõi về vụ Phạm Bình nữa và việc này giao cho cậu Hoan. Hai là về vụ bản danh sách đen thì cần phải xác minh rõ. Và tôi đề nghị Hoan lên gặp thẳng Giám đốc Công an tỉnh và nếu gặp được cả Bí thư Tỉnh ủy thì tốt.

Hoan tái mặt. Anh nghĩ một lúc rồi nói:

- Báo cáo anh, tôi chỉ sợ Giám đốc Công an tỉnh không tiếp. Hơn nữa, tôi với lại ông Thiều từ trước đến nay không có quan hệ gì. Bây giờ lên phỏng vấn chắc cũng khó đấy.

Ông Tuân nhíu mày:

- Khó thì phải lăn vào mà làm chứ làm báo có cái gì là dễ.

Rồi ông nói:

- À, nhân đây tôi cũng nói luôn. Vừa rồi có mấy tay nhà báo bị ăn đòn. Các anh, các chị đi tác nghiệp phải hết sức cẩn thận. Nhất là đi làm những vụ điều tra tiêu cực. Làm gì cũng phải khéo. Đừng có cậy ta đây là nhà báo mà rồi ăn nói ngọng ngạnh, tinh tướng. Không khéo bị ăn đòn, đến lúc đấy không ai bênh được đâu.

Một phóng viên nói luôn:

- Ôi, cái thứ ngông nghênh ấy. Đi viết về bọn buôn lậu, bọn xã hội đen mà lại giơ máy ảnh vào tận mặt nó chụp mà không bị nện cho mới là lạ.

Tổng biên tập Tuân nói:

- Thôi, các đồng chí họp tiếp đi. Tôi đi sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đây.

Một lát sau cuộc giao ban đầu tuần tan.

***

Thúy vừa đi ra ngoài thì Hoan gọi giật lại và nói:

- Thúy ơi, vào đây anh bảo.

Thúy vào phòng của Hoan, nét mặt vẫn lạnh tanh. Cô ngồi xuống ghế.

Hoan bảo:

- Anh dọn đồ đi rồi. Em chịu khó mua đồ mới về cho nhà nó sang.

Thúy nói:

- Điều đấy thì anh không phải dạy. Tôi tự lo thân mình được.

Hoan lấy ra một phong bì và nói:

- Anh gửi em số tiền này để em mua đồ.

Thúy mở phong bì ra, vừa mở vừa nói:

- Hôm nay sao anh lại rộng rãi thế? Có lẽ anh được giải thoát khỏi tôi cho nên giờ tỏ ra là con người hào hiệp.

Rồi Thúy bỗng bật cười và nói:

- Hào hiệp như là cái hồi mới quen nhau ấy. Một lần anh mời tôi đi ăn tối.

Hoan nhăn mặt nói:

- Thôi, thôi. Sao em cứ nhắc lại chuyện ngày xưa. Chúng mình đã không nên duyên nên phận gì, chia tay như thế là êm đẹp rồi.

Thúy mở ra và thấy có năm triệu. Cô nói:

- Ôi giời ơi. Sao anh lại đưa cho tôi nhiều thế này. Năm triệu bạc. Số tiền này là gần bằng một phần ba tháng lương của anh đấy. Thôi, anh cứ giữ lấy mà tiêu. Tôi cũng có đủ tiền để mua đồ đạc.

Cách nói của Thúy cũng làm Hoan bực mình. Hoan cười khẩy:

- Ừ, anh biết. Em thì lắm tiền rồi. Một chuyến đi công tác thì thiếu gì tiền.

Thúy làm như không nghe thấy. Thúy lại hỏi:

- Nào, thế anh mời tôi vào đây, ngoài chuyện định đưa cho tôi năm triệu này ra thì còn việc gì nữa không?

Hoan nói:

- Bây giờ thế này, thôi thì chúng mình cứ để tòa xử lý. Chuyện phân chia tài sản thì thôi, mình đã tự chia rồi. Còn chuyện trợ cấp nuôi con thì anh định thế này: mỗi tháng anh gửi em năm trăm ngàn để phụ giúp em nuôi con.

Thúy hỏi:

- Anh định nuôi nó đến năm nó bao nhiêu tuổi?

Hoan ngập ngừng một lát rồi nói:

- Hình như theo luật pháp thì phải đến năm mười tám tuổi, đúng không?

Thúy nói:

- Anh làm ở phòng điều tra theo đơn thư bạn đọc thì anh phải hiểu luật pháp hơn tôi chứ. Thì cứ cho đến năm nó mười tám tuổi đi. Mỗi tháng anh nuôi nó bằng năm trăm nghìn?

Hoan nói:

- Thế theo em thì bao nhiêu cho vừa?

Thúy thở dài và nói:

- Thôi, giá như anh đừng nói thì tôi lại còn giữ được tí ti tình cảm với anh. Nhưng bây giờ, anh nói mỗi tháng anh nuôi con anh bằng năm trăm nghìn. Thì tôi thấy… Nói thế nào nhỉ? Ngôn từ bây giờ phải nói thế nào nhỉ?

Thúy đay đi đay lại câu đó rồi cô bảo:

- Tôi thấy không có loại đàn ông nào trên đời như anh.

Rồi cô đứng phắt dậy và nói:

- Anh cũng không cần phải nghĩ đến chuyện mỗi tháng cho nó năm trăm nghìn. Mẹ con tôi không cần đến tiền của anh.

Hoan nói:

- Thôi mà em, cũng phải để cho anh có chút trách nhiệm chứ. Thôi, mỗi tháng anh gửi em bảy trăm năm mươi nghìn?

Thúy mỉm cười khinh bỉ và bảo:

- Anh nghĩ đến chuyện đóng góp tiền nuôi con anh mà như đi mua hàng ngoài chợ ấy, mặc cả từng đồng xu cắc bạc. Tôi đã nói rồi, tôi không cần anh phải đóng góp để nuôi con bé.

Hoan vẫn cố nói thêm:

- Nhưng đây là trách nhiệm của anh.

Thúy bảo:

- Thôi bây giờ nói nhiều, nói ít thành ra cò kè. Đã thế thì tôi với anh ra tòa, để cho tòa xử.

Thúy đứng dậy, vừa đi ra thì Hoan lại nói:

- Này nhưng mà hằng tuần em phải để cho con bé nó về chơi với anh nhé.

Thúy với nét mặt lạnh tanh nói:

- Không có chuyện ấy đâu. Anh đừng bao giờ nghĩ đến chuyện gần con bé. Vì tôi không muốn con bé phải nghĩ tại sao nó lại có một người bố bần tiện như thế. Thôi nhé. Tôi đi đây.

Nói xong Thúy xách túi rồi đứng dậy đi luôn. Hoan ngồi thừ ra một lát rồi sang phòng bên cạnh gọi một cô nữ phóng viên sang. Hoan hỏi:

- Này, có việc này anh hỏi em.

Cô phóng viên hỏi:

- Có việc gì thế ông anh?

Hoan:

- Vợ chồng anh vừa chia tay rồi, nhưng chưa ra tòa. Anh hỏi em, hồi xưa em ly dị thì hằng tháng tay chồng em đóng góp bao nhiêu để nuôi con.

Cô phóng viên nói:

- À, hồi bọn em lôi nhau ra tòa. Lão ấy cũng cò kè lắm. Nhưng cuối cùng căn cứ vào mức lương của hắn, tòa quyết định mỗi tháng hắn phải nộp ba triệu để cho em nuôi con.

Hoan trợn mắt:

- Ba triệu. Sao mà nhiều thế?

Cô phóng viên nói:

- Ba triệu thì có gì đâu mà nhiều. Lương tháng mười sáu, mười bảy triệu. Nộp có ba triệu nuôi con mà còn kỳ kèo. À, chắc là anh lại định kỳ kèo với chị Thúy chuyện nuôi con nên mới gọi tôi sang để hỏi chứ gì? Đàn ông các anh tởm thật. Đi với gái một tối, bo con này một triệu, con kia hai triệu thì không tiếc. Con mình đẻ ra, đóng góp nuôi mỗi tháng có vài ba triệu bạc thì đắn đo.

Nói xong cô phóng viên hầm hầm ra về.

***

Thúy vừa dắt xe ra khỏi cửa thì có chuông điện thoại. Cô nhìn thấy số máy lạ.

- Alo, tôi Thúy nghe đây ạ. Xin lỗi ai ở đầu dây đấy?

Ở đằng kia có tiếng nói:

- Thưa chị, em là Kim Chung, trước là kế toán ở chỗ anh Phạm Bình.

Nghe nói đến Kim Chung thì Thúy hiểu ngay. Cô nói:

- Chào Chung. Nghe nói em được ra rồi phải không?

Chung nói:

- Vâng ạ. Họ giam em mấy ngày nhưng Viện Kiểm soát không phê chuẩn. Họ lại phải thả em ra. Bây giờ em có việc, em muốn đến nhờ chị giúp đỡ.

Thúy nói luôn:

- Ừ. Em ra quán cà phê nào đi rồi chị em mình nói chuyện với nhau. Chị cũng đang mong gặp em lắm đây.

Tiếng của Chung nhỏ nhẹ:

- Dạ vâng. Em chờ chị ở quán cà phê ngoài bờ sông nhé. Quán Hải Yến chị ạ.

Khi Thúy phóng xe ra quán thì đã thấy Kim Chung ngồi ở một vị trí rất dễ nhận ra. Chung thấy Thúy đến thì đứng dậy và nói:

- Em chào chị.

Thúy nhìn Chung xót xa và bảo:

- Họ giam em mấy ngày có khổ lắm không?

Chung nói:

- Cũng bình thường chị ạ. Họ giam em một mình một phòng. Ăn uống cũng không đến nỗi nào.

Thúy nói:

- Bây giờ em ra thì họ có theo dõi không?

Chung bảo:

- Em cũng không biết. Mà muốn theo dõi gì em cũng kệ. Họ cấm em không được đi khỏi nơi cư trú, để có gì họ còn gọi.

Thúy nói:

- Từ hôm em ra đến giờ họ có hỏi gì không?

Chung bảo:

- Không thấy gì. Nhưng anh Vũ thì vẫn bị giam. Cả anh trưởng phòng bảo vệ nữa. Khổ thế chứ.

Rồi Chung bật khóc và nói:

- Chị ơi, người ta hại anh Bình đấy. Anh ấy không giết người đâu.

Thúy vỗ về Chung như vỗ về một đứa em rồi nói:

- Em nói như thế thì đó chắc là linh cảm của em. Chứ chứng cứ bây giờ… khó lắm. Cãi thế nào được.

Chung gạt nước mắt và nói:

- Tất cả mọi chuyện là từ lô đất 20ha thôi. Bọn tay Hoàng muốn anh Bình bán cho nhưng anh ấy dứt khoát không bán và sinh chuyện từ đấy.

Thúy bảo:

- Thì cũng có thể đúng như thế. Nhưng chứng cứ có người nhìn thấy anh Bình giết thằng Hoàng. Rồi bây giờ lại có lời của cô Linh kể với thằng Quynh Kova là anh Bình muốn giết thằng Hoàng nữa. Em bảo bây giờ biết nói thế nào? Cãi làm sao? Rồi cả cô người mẫu Thúy Vy, Thúy viếc gì nữa. Nó nói anh Bình với thằng Hoàng đều yêu nó.

Chung gạt nước mắt rồi bảo:

- Lạ thật. Với anh Bình, không có điều gì anh ấy giấu em. Kể cả chuyện ngày xưa anh ấy yêu bà Linh này như thế nào. Nhưng mà em chưa hề thấy anh ấy nói một người nào tên là Vy cả. Sao lại có chuyện đấy? Mà anh Bình với thằng Hoàng mới biết nhau được ít hôm. Cũng chỉ là từ chuyện bên công ty tay Trương muốn mua lô đất.

Hai người ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Đến lúc bừng tỉnh ra thì đã mười một giờ rưỡi trưa. Thúy nói với Chung:

- Bây giờ thế này, chị phải đi về để cho cháu ăn. Em có quen luật sư nào không? Chuẩn bị mời luật sư bào chữa cho anh Bình là vừa đấy.

Chung lắc đầu và nói:

- Em có biết luật sư nào đâu. Nếu chị biết, chị tìm giúp anh ấy. Tốn kém bao nhiêu cũng được.

Thúy nói:

- Em nói tốn kém bao nhiêu cũng được. Thuê luật sư bây giờ có phải ít tiền đâu. Mà chắc gì bà Linh ấy đã chịu bỏ tiền ra thuê luật sư cho anh Bình. Chị nghe nhiều thông tin là mụ ấy đưa thằng Quynh về làm phó tổng giám đốc, rồi âm mưu chiếm hết cơ nghiệp của Phạm Bình đấy.

Chung nói:

- Em cũng biết điều ấy, nhưng không dễ đâu chị ơi. Làm sao mà có thể bán cơ nghiệp của anh Bình đi được. Luật pháp không cho phép.

Thúy nói:

- Em nói luật pháp không cho phép là thế nào?

Chung bảo:

- Trừ trường hợp bây giờ anh Bình ký giấy là giao toàn bộ tài sản cho bà Linh xử lý. Còn nếu anh Bình không ký thì dù đất ấy có bỏ hoang, tài sản ấy chỉ còn đem phát mại xung công thôi, chứ không thể sang tên đổi chủ được đâu.

Thúy à lên một tiếng rồi bảo:

- Thế thì còn may. Nhưng mà ai biết được con này sẽ giở những trò gì.

***

Chiều hôm đó, Giám đốc Công an tỉnh Trần Thiều đang ngồi thừ trước bàn làm việc thì có tiếng chuông điện thoại. Anh nhấc máy:

- Alo, tôi Thiều nghe đây ạ.

Tiếng ở đầu dây bên kia là của Thúy:

- Thưa anh, em là Kim Thúy, phóng viên Ban Nội chính.

Đại tá Thiều nói:

- Ôi, chào cô Thúy. Tôi nghe tiếng cô lâu rồi. Mà hình như từ cuộc họp đầu năm đến giờ tôi chưa gặp lại cô lần nào.

Tiếng của Thúy:

- Dạ vâng ạ. Báo cáo anh, em muốn đến hỏi ý kiến anh. Có một số việc xung quanh vụ án của Phạm Bình.

Đại tá Thiều nói vẻ mệt mỏi:

- Chắc cô lại định hỏi tôi về bản danh sách đen, trong đó có tên tôi chứ gì?

Thúy nói:

- Không anh ạ. Em muốn đến hỏi anh về việc khác.

Đại tá Thiều nói:

- Thôi được rồi. Cô muốn hỏi gì cũng được. Khoảng bốn giờ chiều cô tới văn phòng tôi nhé.

Thúy trả lời:

- Dạ vâng, rất cảm ơn anh. Bốn giờ chiều em sẽ có mặt.

Chiều hôm đó đúng bốn giờ Thúy đến cổng Công an tỉnh. Cô nói với sĩ quan trực ban:

- Tôi vào làm việc với anh Thiều.

Anh sĩ quan trực ban nói:

- Chị cho xem giấy tờ và chị có hẹn trước chưa?

Thúy đưa thẻ nhà báo cho anh ta. Anh sĩ quan trực ban nhìn thẻ và nói:

- À, chị là chị Thúy. Đọc bài của chị trên báo nhiều, hôm nay mới được thấy. Ôi, đọc bài của chị cứ tưởng chị phải là một nhà báo già dặn lắm rồi. Ai ngờ trông còn trẻ như thế này.

Câu nói nịnh khéo của anh sĩ quan trực ban làm Thúy thấy vui vui. Cô bảo:

- Lạ nhỉ. Không biết cách viết của tôi như thế nào mà ai cũng chê là tôi viết già.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 30/05/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân