Tại một quán cà phê, Trương cùng hai gã đệ tử, ngồi với một người khoảng hơn bốn mươi tuổi. Đó là Đội trưởng Đội Quản giáo trong trại tạm giam Công an tỉnh. Anh ta tên là Quyền.

dac biet nguy hiem ky 44 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 43)

Hai tay Bình được khóa về phía trước, việc lấy lời khai bắt đầu. Trong khi đó thì Đại tá Hường, sau khi nghe báo ...

dac biet nguy hiem ky 44 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 42)

Bình rời cuộc nhậu ở chỗ Trương về nhà và thấy cơn giận từ đâu bốc lên ngùn ngụt. Lúc này Linh đã ngủ, Bình ...

Rồi Trương bảo một gã:

- Mày chuẩn bị cần câu cho anh.

Gã kia chạy đi thả thính, đo phao để Trương câu. Trương ngồi câu và hớn hở rung đùi nghĩ: “Ồ sao cuộc đời lại may mắn thế, phù hộ cho mình, đang cần cái lô đất đấy thì thằng Bình lại mắc cái tội này. Mà tội này thì thế nào nhỉ?”. Trương gọi cho một luật sư tên là Hiếu:

- Alô, xin lỗi có phải luật sư Hiếu không ạ?

Tiếng đầu dây bên kia:

- Vâng, tôi luật sư Hiếu đây. Xin lỗi, ai đấy ạ?

Trương nói:

- Dạ, tôi Trương đây anh Hiếu.

- Ôi, lâu quá rồi không gặp, dạo này anh khỏe không?

Trương nói:

- Tôi khỏe anh ạ.

- Này tôi muốn hỏi anh một việc. Loại tội như thằng Phạm Bình thì tính như thế nào?

Ông Luật sư bảo:

- Ý anh nói là sao?

Trương hỏi:

- Thằng Bình trước đây phạm tội giết người ngồi tù 15 năm đã được ra tù, bây giờ nó lại giết người nữa thì khung hình phạt sẽ áp ở mức nào?

Luật sư Hiếu nghĩ một lát và nói:

- Nếu như đúng vậy mà nó giết người có tính chất côn đồ thì ăn chắc là dựa cột rồi.

***

Ông Sâm gọi điện cho Trương.

Trương đang ngồi uống rượu với hai gã đệ tử. Có tiếng chuông điện thoại, Trương cầm máy, nhìn thấy số của bố. Trương ra hiệu cho cả bọn im lặng và nói:

- Ông già gọi, chắc lại chuyện thằng Bình đây.

Rồi Trương trả lời:

- Dạ con nghe đây ạ.

Ông Sâm nói :

- Vụ thằng Bình mày biết hết rồi chứ?

Trương bảo:

- Con cũng nghe loáng thoáng. Mà cũng chẳng hiểu thằng này điên dại thế nào lại giết thằng Hoàng. Không hiểu chúng nó có thù oán gì với nhau từ trước không.

Ông Sâm cười nhạt:

- Công an họ sẽ điều tra. Tất nhiên là nếu như thằng Bình có mâu thuẫn gì đó với thằng Hoàng thì nó cũng sẽ khai thôi. Nhưng mày cũng phải rất cẩn thận đấy. Phải nhớ lấy câu “Lửa cháy rồi thì chạy xa đống rơm”.

dac biet nguy hiem ky 44

Trương bảo:

- Dạ vâng, con nhớ ạ.

Ông Sâm lại nói tiếp:

- Phải rất cẩn thận, không khéo nó mà khai lung tung ra. Dễ có khi liên quan tới chúng mày, rồi công an lại gọi hỏi. Mang tiếng lắm.

Trương trả lời:

- Dạ vâng ạ, bố cứ yên tâm. Con cũng đang nhờ mấy thằng đệ tử nó tìm hiểu xem là chúng nó có mâu thuẫn gì với nhau. Con chưa bao giờ nghe thấy thằng Hoàng nói có mâu thuẫn gì nặng nề với thằng Bình cả. Chẳng hiểu tại sao chúng nó lại như vậy.

Ông Sâm lạnh lùng:

- Được thôi. Nếu như chúng mày không liên quan tới vụ này thì tao cũng yên tâm. Nhưng mà tao nhắc lại, phải cẩn thận.

***

Bình kể đến đó, tự dưng anh thấy ngột ngạt. Bình bảo Thúy:

- Em có thấy bức bối không?

Thúy bảo:

- Không ạ. Hôm nay thời tiết mát mẻ thế này. Nếu anh thấy khó chịu thì ngừng lại.

Bình lắc đầu và bảo:

- Thôi, đi ra ngoài vườn. Vừa đi vừa kể chuyện.

Thúy mỉm cười ranh mãnh:

- Vừa đi vừa kể chuyện thì em ghi chép được à?

Bình xua tay:

- Phải nhớ chứ. Có những cái không cần phải ghi ghi chép.

Thúy gật đầu, gấp sổ lại rồi đi cùng Bình ra vườn. Hai người thủng thẳng đi.

Bình nói tiếp:

- Cho đến bây giờ, lắm lúc anh vẫn tự hỏi, tại sao ngày ấy anh lại có đủ sức chịu đựng như vậy. Người ta bảo “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Đúng là điều may không đến hai lần, còn điều rủi không phải một lần là hết. Nhưng có một điều lạ là tai họa ập xuống với anh dồn dập, giống như một cơn bão ập đến mà mình không có cách nào để chống đỡ. Anh bị bắt ngày hôm trước, sau khi khám xét văn phòng, rồi khám nhà, họ thu hết tất cả sổ sách, giấy tờ, nhặt nhạnh tất cả những gì có thể mang đi được. Và chiều hôm đó, mọi thủ tục hoàn tất, họ tống anh vào trại tạm giam Công an tỉnh.

***

Tại một quán cà phê, Trương cùng hai gã đệ tử, ngồi với một người khoảng hơn bốn mươi tuổi. Đó là Đội trưởng Đội Quản giáo trong trại tạm giam Công an tỉnh. Anh ta tên là Quyền.

Trương nói với Quyền:

- Ông anh ạ, em nghe nói chiều hôm nay bắt đầu cho thằng Bình nhập trại, đúng không?

Quyền gật đầu:

- Nghe Phòng Cảnh sát điều tra nói rằng, chuẩn bị buồng giam để cho nó vào đấy.

Trương nói với vẻ ngạc nhiên:

- Tại sao lại phải chuẩn bị buồng giam?

Quyền nói:

- Nói thật với chú. Trước đây, thằng Bình giúp đỡ trại giam rất nhiều. Tất cả những chuyện làm ăn kinh tế của trại, san ủi vườn tược, đào ao thả cá, rồi cấp cây giống, con giống, cần gì nó giúp đỡ hết. Phòng Cảnh sát hình sự cũng vậy, nó cũng đã từng cho khá nhiều thứ. Hệ thống máy tính nó giúp, rồi hệ thống bộ đàm, rồi nó giúp cho cả xe máy nữa. Thôi thì bây giờ nó làm nên tội, nó vào trại. Tội nó đến đâu, nó phải chịu đến đấy. Nhưng dù sao, cũng cho nó ở buồng giam tử tế một chút.

Trương cười khẩy và bảo:

- Đúng là công an bây giờ cũng lại trọng chữ “tình” hơn chữ “lý” nhỉ? Mà thôi, việc đấy thì tùy ông anh. Nhưng mà em nói thật nhé, các anh không biết sự nham hiểm và nguy hiểm của thằng Bình đâu. Rồi anh xem, nó vào trại chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày, nó lại thành đầu gấu cho mà xem. Ngày xưa nó ở trại như thế nào, các anh đâu có biết. Hơn nữa, lần này nó lại phạm tội giết người. Nếu nó phạm tội kinh tế, nó tham ô, hối lộ hay chuyện gì đó, thì đưa nó vào buồng giam với đám tội phạm kinh tế cũng chẳng sao. Đây nó giết người, mà lại phải lo cho nó chỗ ăn chỗ nghỉ tử tế thì xem ra không được.

Quyền lờ mờ hiểu ý và hỏi:

- Thế ý các chú định giam nó vào đâu?

Trương bảo:

- Việc giam nó ở đâu là việc của Ban giám thị, chứ em làm sao dám có ý kiến. Nhưng theo em có những loại phải lấy độc trị độc. Phải giam nó vào buồng nào để cho nó biết thế nào là nhà giam.

Quyền cười nhạt vào bảo:

- À, anh hiểu ý các chú rồi. Các chú là muốn mượn tay công an, để giải quyết ân oán giang hồ chứ gì. Thế ở ngoài nó với chú có thù hằn gì nhau?

Trương lắc đầu và nói:

- Em với nó chẳng có thù hằn gì. Thậm chí nó còn có ơn với em là khác. Chỉ có điều, với những hiểu biết của em thì thằng này ghê gớm lắm, cho nên các anh cũng phải đề phòng.

Quyền gật đầu nói:

- Được rồi. Chú cứ yên tâm. Anh về sẽ hỏi Ban giám thị xem định giam nó như thế nào, rồi có gì anh phone chú.

Quyền nói xong rồi đứng dậy:

- Thôi, các chú ngồi chơi. Anh đi về trước đây.

Trương vồn vã:

- Vâng ạ, ông anh về nhé. Lúc nào ông anh rỗi, qua chỗ bọn em chơi. Nghe tiếng ông anh nhiều nhưng ít khi được gặp. Các anh ở trong trại, khép kín quá.

Quyền nói:

- Tốt nhất là không nên gặp bọn anh. Chú thấy đấy, nghề của bọn anh là cái nghề coi kho tù, có gì hay đâu. Gặp nhau ở ngoài thì tốt, chứ gặp nhau trong đấy thì chán. Người ta bảo, ở đời có hai chỗ mà không bao giờ nên gặp nhau. Thứ nhất, không nên gặp nhau trong bệnh viện. Thứ hai, không nên gặp nhau trong nhà tù. Thôi, anh về đây.

Trương ra hiệu cho một gã đệ tử. Gã tiễn Quyền ra, rồi dúi vào tay Quyền một phong bì khá dày rồi nói:

- Ông anh ạ, anh Trương không muốn nói. Nhưng mà, em nhờ ông anh, anh phải cho thằng Bình vào buồng giam nào để cho nó tỉnh ra một chút. Em nói thế để ông anh hiểu.

Quyền cầm phong bì, tung tung trên tay và nói:

- Cái này không được. Các chú định mượn tay bọn anh để chơi thằng Bình chứ gì. Thôi, việc nó làm đến đâu nó chịu đến đấy.

Nói xong Quyền trả lại phong bì cho gã. Gã nằn nèo:

- Thôi bây giờ thế này, em nói thật với ông anh. Em với thằng Bình ngày xưa là ân oán lắm, em đã từng ở tù cùng với nó. Nó cậy thế ông Can, nó đánh em nhiều trận gần chết.

Quyền ngạc nhiên nói:

- Ngày xưa mày cũng ở tù cùng với thằng Bình?

Gã kia nói tỉnh bơ:

- Vâng. Em ngày xưa án tám năm. Nó bị án mười năm. Bây giờ, em thù nó lắm. Nói thật với ông anh, em mà có cơ hội thì em phải băm nó ra thành từng mảnh. Nhưng thôi, bây giờ nó vào trong đấy rồi. Mà tội thằng này như vậy, chắc là cũng sẽ dựa cột thôi. Nhưng em vẫn muốn cho nó nếm những ngày tủi cực trong tù. Ông anh giúp em.

Nói xong gã lại dúi phong bì vào túi Quyền. Quyền vẫn cương quyết gạt tay hắn ra và nói:

- Được rồi, anh hiểu ý tứ của chú rồi. Chú cứ cầm đi, có gì anh sẽ gọi.

Nói xong Quyền đi về.

***

Bình làm thủ tục vào trại giam và được đưa vào một buồng giam khá rộng rãi và không nhiều phạm nhân. Chỉ có khoảng hai chục phạm. Thấy Bình vào, cả bọn đang ngồi giương hết cả mắt lên nhìn Bình. Một gã xem chừng là đầu gấu ở đấy, gườm gườm nhìn Bình và nói:

- Này thằng kia, mày mới vào mà mày nhìn các bố mày ở đây bằng con mắt đấy à?

Bình mệt mỏi ôm túi quần áo ra một chỗ và hất hàm hỏi lại:

- Chúng mày xếp tao ngủ ở đâu?

Gã kia nói:

- Ơ, thằng này. Mày lại dám xưng hô với các ông ở đây như thế à?

Nét mặt Bình vẫn dửng dưng như không. Bình hỏi:

- Tao hỏi là tối nay tao sẽ ngủ ở đâu?

Thấy Bình có thái độ cứng rắn, gã kia sừng sổ đứng dậy thì bỗng có một thằng vội vã đến can và nói:

- Em xin đại ca. Đại ca có thể chưa biết thằng này nhưng em biết, nó là Phạm Bình.

Gã đầu gấu thốt lên:

- Ơ, có phải Bình - Tổng giám đốc Hưng Thịnh không?

Bình nói:

- Đúng đấy.

Gã kia à lên một tiếng rồi bảo:

- Có phải hôm qua mày đánh chết thằng Hoàng không?

Bình gật đầu và nói:

- Tao không đánh.

Gã bảo:

- Mày không đánh, thế sao tao nghe người ta nói rằng mày đánh chết thằng Hoàng, hôm nay mới phải vào đây?

Bình thở dài và bảo:

- Chuyện đó thì còn dài. Tao sẽ kể sau. Thế còn bây giờ tao hỏi chúng mày này, đã vào chốn này thì cũng nên sòng phẳng. Tao chắc rằng chúng mày ở đây thằng nào cũng đã ngồi tù một hai lần. Tao cũng đã ngồi. Chúng mày biết rồi đấy. Thế còn nếu như hôm nay tử tế thì cũng tử tế với nhau. Chúng mày cần gì, tao đáp ứng. Còn nếu không tử tế, chúng mày thích làm gì thì làm.

Một gã vội vàng đứng lên và nói:

- Thôi thôi, anh Bình. Anh không phải nói nữa, bọn em biết anh rồi. Ngày xưa anh ở trại III, chúng em lạ gì nữa. Chuyện án từ các thứ là chuyện sau này. Thế còn hôm nay ông anh vào đây, thì thôi cứ làm cái lễ ra mắt đã.

Bình hỏi:

- Lễ ra mắt ở đây chúng mày thủ tục thế nào?

Một gã bảo:

- Thì anh em mình có cái gì thì nhậu, rồi thì mọi việc ở ngoài sẽ có người khác lo.

Bình hiểu ý và nói:

- Chúng mày thích gì cũng được. Nhưng mà nhậu kiểu gì?

Gã buồng trưởng nói:

- Nhậu bằng tiền.

Bình ngạc nhiên hỏi:

- Chúng mày nhậu bằng tiền là nhậu thế nào? Đốt tiền ra hòa nước uống à?

Gã lắc đầu và nói:

- Thì cứ coi như mỗi anh em vui vẻ đi. Ở ngoài thì phải đi mua rượu, mua đồ nhắm còn trong này thì không có. Thì thôi cứ quy ra thóc. Thường ở đây chia làm ba loại. Loại cán bộ như tao thì một bữa nhậu là hai triệu. Loại bọn trợ lý này - gã chỉ sang hai thằng ngồi hai bên - là triệu rưỡi. Còn lại anh em mỗi người một triệu. Thế là tổng cộng số này ở đây, mày chỉ hết chừng độ khoảng hơn ba chục triệu. Chuyện nhỏ như con thỏ, đúng không?

Bình gật đầu và bảo:

- Rồi. Vậy thì thằng nào làm sĩ quan liên lạc?

Gã buồng trưởng ra hiệu cho một tên cầm ra một tờ giấy và cái bút.

Gã nói:

- Mày ghi địa chỉ người gửi tiền vào đây. Số điện thoại nữa. Nếu nhớ được thì tốt. Rồi khác có người liên hệ.

Bình ghi tên Phạm Thu Ngân và viết mấy dòng ở dưới: “Em đưa cho người cầm tờ giấy này năm mươi triệu”.

Rồi Bình ký tên.

Gã kia nhìn thấy Bình ghi con số năm mươi triệu thì nói:

- Ôi, ông anh chơi đẹp quá nhỉ? Đúng là đại gia có khác. Mà này, tại sao họ lại giam ông anh vào đây? Ông anh nhiều tiền như thế, sao không bảo nó giam vào buồng tử tế. Chứ ngồi giam ở cái thứ buồng này khổ lắm.

Bình nói:

- Tao chịu khổ quen rồi. Chúng mày khỏi phải lo. Thôi bây giờ, tối nay xếp cho tao nằm ở chỗ nào?

Gã buồng trưởng nói:

- Thôi, mày nằm cạnh tao, ở góc này.

Gã chỉ một góc tử tế hơn cả và xa nhà vệ sinh.

Bình gật đầu và bảo:

- Thôi, nhập gia tùy tục. Tao nằm gần hố xí cũng quen rồi. Cứ để tao nằm ở dưới kia. Chỉ có điều là, sáng sớm chúng mày dậy đi toilet thì nhớ đi nhẹ nhàng thôi, để cho tao ngủ.

Đêm hôm ấy, Bình trằn trọc không ngủ được. Trong đầu anh cứ hiển hiện chuyện thằng Hoàng bị đánh. Và Bình tự hỏi: “Lạ thật. Tại sao bọn nào lại giết thằng Hoàng, ra tay động thủ với thằng Hoàng như vậy. Chắc chắn đây không phải là bọn thằng Trương, mà cũng không phải là chúng nó bày ra cái trò này để giăng bẫy mình. Trong vụ này, có uẩn khúc thế nào đó. Mình bị bắt thế này, không hiểu rồi mẹ ở nhà có chịu nổi không? Thật khổ thân bà quá. Gần bảy mươi tuổi rồi, bây giờ lại phải chứng kiến cảnh thằng con bị bắt đi tù như thế này. Không hiểu rồi mẹ có chịu được nỗi đau này không. Rồi lại còn cái Ngân nữa. Nếu như mình không bị bắt thì cuối năm nay nó sẽ cưới và nó lấy một anh chồng công an. Mọi chuyện tốt đẹp biết bao. Bây giờ như thế này, không biết người yêu nó có đủ dũng cảm để lấy nó hay không?”.

Bình cứ nghĩ miên man như thế, đến khoảng ba giờ sáng thì thiếp đi. Và khi tiếng kẻng báo thức ở trại giam vang lên gióng giả, Bình vùng dậy và bỗng nhiên Bình thầm nói với mình: “Bây giờ là lúc phải cẩn thận từng đường đi nước bước đây. Muốn gì thì cũng phải tĩnh tâm đã”.

Nói xong Bình ngồi theo tư thế kiết già và nhắm mắt ngồi thiền. Đám phạm nhân thấy Bình ngồi thiền thì thấy rất lạ, nhưng chúng biết Bình không phải là vừa. Hơn nữa, hôm trước Bình đã ký cho chúng nó năm mươi triệu thì chúng cũng không nỡ nào hành hạ Bình.

***

Tại một căn nhà khá lớn, nằm cách xa nhà Bình. Đó là nhà Bình xây cho bà Ất cùng các em. Bà Ất nằm ở trên giường li bì. Từ hôm Bình bị bắt, bà không ăn không uống gì được. Cứ hễ tỉnh thì bà lại nói: “Trời ơi. Sao trời không để cho tôi chết đi, mà để con tôi khổ như thế này”.

Ngân ngồi bên cạnh và bảo mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ cố ăn đi một tí. Con tin rằng anh Bình không phạm tội đâu. Rồi thế nào người ta cũng thả anh ấy ra.

Triệu, em trai Bình nói:

- Em có nghe bọn chúng nó đồn thổi ở bên ngoài là anh Bình với thằng Hoàng có thù với nhau từ lâu rồi. Hình như là thằng Hoàng ngày xưa với anh Bình là cùng yêu một con nào đấy.

Ngân gạt phắt đi và bảo:

- Mày cứ nghe linh tinh. Làm gì có chuyện.

Rồi Ngân nói:

- Thôi, bây giờ chuẩn bị đưa mẹ đi viện đi. Chứ bây giờ mẹ không ăn, không uống gì như thế này mà ốm sập xuống thì chết đấy.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 17/05/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân