Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở gần Hà Nội, lại ở cái vùng không chiến của máy bay ta và máy bay Mỹ cho nên hầu như ngày nào trời quang chúng tôi cũng được xem những trận không chiến.

dac biet nguy hiem ky 4 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 3)

Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có ...

dac biet nguy hiem ky 4 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 2)

Bình lẳng lặng tách Giám đốc Thiều ra, xem giấy mời và ngồi vào vị trí của mình. Nhưng Bình cứ ngọ nguậy không yên, ...

Bà nội tôi bảo, hay gì cái đồ xướng ca vô loài đấy, nhưng ông nội tôi lại đồng tình ủng hộ. Ông nội tôi bảo, “đời người ta muốn sống được với nhau phải có duyên, có nợ. Bố mày, thằng Thiếu (tên của bố tôi) có duyên với con Ất (mẹ tôi tên là Ất) cho nên chúng nó gặp nhau được ở cái chốn đông người. Còn nếu con bé có nợ với thằng Thiếu cụt tay thì không bỏ được nhau đâu, cho nên bà đừng ngăn cản”. Thế rồi mẹ tôi theo bố tôi về làm dâu. Sau này khi lớn lên thì được nghe kể rằng, mẹ tôi mồ côi cha mẹ từ khi còn bé tí, cả ông và bà đều chết đói trong năm Ất Dậu. Vì biết hát xẩm, hát chèo, hát chầu văn, mà giọng lại rất có mầu cho nên ở làng vào hội đình đám thì mẹ tôi bao giờ cũng được mọi người chú ý.

Nghe nói rằng cũng đã không ít các anh chàng ở làng phải lòng mẹ tôi. Bố mẹ tôi sống với nhau hạnh phúc và vui lắm. Ngày tôi còn bé, tôi đã được nhiều lần thấy mẹ tôi vừa hát xẩm, vừa kéo nhị. Còn bố tôi ngồi gõ phách. Có một bài hát xẩm mà mỗi lần nghe, tôi lại thấy buồn rưng rưng, ấy là bài “Lỡ bước sang ngang”, với những câu hát buồn não nề: “Em ơi, em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/ Mẹ già (thời) một nắng hai sương/ Chị đi, một bước, trăm đường xót xa…”.

Chuyện học hành của tôi cũng chẳng có gì đáng nói. Những năm đi học, chưa bao giờ tôi được là học sinh khá cả, năm nào tốt thì được là học sinh trung bình. Môn mà tôi học giỏi hơn cả đó lại là môn địa lý và môn lịch sử, còn tất cả các môn khác tôi học đều chẳng ra gì. Ngay từ nhỏ tôi đã căm ghét môn toán, chính vì thế mà năm nào tôi cũng phải thi lại môn này.

Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở gần Hà Nội, lại ở cái vùng không chiến của máy bay ta và máy bay Mỹ cho nên hầu như ngày nào trời quang chúng tôi cũng được xem những trận không chiến. Mỗi khi có máy bay Mỹ bị không quân ta bắn hạ, chúng tôi từ các giao thông hào hoặc hố cá nhân chạy ùa ra, nhảy cẫng lên reo hò. Tôi nhớ mãi có một lần, một chiếc máy bay bị rơi, chúng tôi chẳng kịp biết đó là máy bay Mỹ hay máy bay ta, cũng hò reo, đến khi cái máy bay đâm xuống đầu làng, nổ vỡ tung ra từng mảnh và nhìn thấy cái đuôi có lá cờ đỏ sao vàng, lúc đó chúng tôi mới biết máy bay ta. Các anh các chị dân quân ở làng tản ra đi nhặt từng mảnh xương, mẩu thịt của người phi công đó. Nhặt xong, các anh, các chị dân quân bọc vào nilon, chôn và đắp một cái mộ và mấy hôm sau có các chú bộ đội ở nơi khác về thắp hương.

dac biet nguy hiem ky 4

Trở lại chuyện học hành của tôi, mặc dù tôi học hành chẳng ra gì, nhưng bố tôi không bao giờ bận tâm. Ông bảo, chẳng ai dạy rằng học giỏi làm quan mà “có chí thì làm quan, có gan thì làm giàu”. Những người học giỏi mà không có chí thì chẳng bao giờ làm quan được. Cho nên cái mà ông dạy tôi đó chính là ý chí chứ không phải là dạy kiến thức. Nhà đông anh em, mỗi khẩu được chia thóc chỉ dăm chục cân cho một vụ, cho nên chúng tôi lớn lên trong cảnh hầu như đói quanh năm. Tôi nhớ mãi khi năm tôi học lớp 5, lớp 6 ước mơ duy nhất của tôi đó là chỉ mong đến ngày tết được ăn một bữa thịt lợn luộc cho chán. Rồi để có cái ăn đút vào mồm, từ khi bé tý tôi đã phải đi câu cá, đi bắt nhái, mò cua, bắt ốc, đi mót lúa, mót khoai… tất cả những cái gì có thể ăn được hay nói theo ngôn từ bây giờ thì gọi là những con gì ngọ ngoạy được thì đều có thể ăn. Dù sao thì nhà tôi cũng còn hơn khối nhà khác, bởi vì cái nghề chữa xe đạp của bố tôi cũng còn kiếm được đồng ra đồng vào.

Năm 1972 thì tai họa ập xuống gia đình tôi.

Tôi nhớ mãi buổi trưa ngày 20/12, máy bay Mỹ bỏ bom Hà Nội. Nhà tôi tuy nằm cách Hà Nội khá xa nhưng chẳng hiểu sao lại bị một loạt bom. Hôm ấy, tôi đang đi mót lúa ở ngoài đồng, khi máy bay đến thì tôi thấy có những tiếng nổ lọång óc vang lên. Tôi run bần bật rúc vội vào cái hốc cây nằm im trong đó. Thế rồi một lát sau, tôi nghe thấy tiếng người hô hét và tiếng những dân quân từ khắp các ngả chạy về hướng nhà tôi. Tôi chạy bổ về nhà đã thấy bố tôi nằm ở vệ đường cùng với một số người khác, hóa ra một loạt bom đánh vu vơ của Mỹ đã ném gần cái quán chữa xe của bố tôi.

Bố tôi mất, khi đó tôi mới 13 tuổi nhưng tôi đã trở thành một lao động chính để giúp mẹ nuôi em. Tôi nhặt nhạnh những đồ nghề của ông còn sót lại và bỏ học ở nhà làm nghề chữa xe đạp. Không hiểu là do tôi mát tay chữa xe hay là mọi người thương gia đình nhà tôi nghèo khó, cho nên nhà nào có xe ở phố huyện bị hỏng cũng mang đến tôi chữa. Mà tôi cũng chẳng bao giờ mà cả với những người mang xe đến chữa rằng, chữa cái này, sửa cái kia hết bao nhiêu tiền. Có người chữa xe xong trả cho tôi tiền, cũng có người chữa xe xong chẳng trả tiền lại chạy về nhà lấy cho tôi bơ gạo, mớ khoai lang hoặc vài củ sắn… cái gì tôi cũng nhận, bởi lúc đấy tôi nghĩ ngô, khoai, sắn cũng là tiền.

Khi chiến tranh phá hoại chấm dứt, một hôm có một ông chú họ của tôi từ Hà Nội về, hôm đó nhân ngày giỗ bố tôi. Ông tên là Biểu, có họ xa về đằng ngoại với bố tôi.

Trong đám giỗ ông nói với mẹ tôi:

- Bác ạ, em nghe nói là thằng Bình nó chữa xe khá lắm.

Mẹ tôi bảo:

- Ông ấy dạy nó chữa xe từ lúc nó mới 4, 5 tuổi.

Ông Biểu bảo:

- Bây giờ thế này, em có một cửa hàng chữa xe ngoài đầu ngõ chợ Khâm Thiên, nhưng mà cái đám thợ thuyền ấy chán lắm. Chị cho thằng Bình ra Hà Nội chữa xe với em. Em làm nghề chữa xe, vợ em thì làm nghề buôn bán nhận cầm đồ, cho nên em sẽ có thể giúp chị được nhiều hơn.

Mẹ tôi băn khoăn bảo, “nó còn bé thế này ra Hà Nội thì biết làm cái gì”. Ông Biểu cười khà khà:

“Chị không phải lo, thằng này em trông mặt mũi và trông cái cách nó làm, em tin rằng nó sẽ thành một tay thợ rất giỏi. Thôi chị cứ giao nó cho em. Còn chị ở nhà tiền nong cũng thiếu, nó làm cho em cũng như là đi làm công nhân vậy. Việc ăn uống của nó em nuôi, còn về lương thì mỗi một tháng em đưa về cho chị 30 đồng”.

Ba mươi đồng - Quả thật nghe con số ấy tôi giật mình. Các bạn trẻ bây giờ có lẽ không hiểu được cái ý nghĩa của 30 đồng ngày ấy. Số tiền đó đã có thể mua được 120kg gạo mậu dịch hoặc mua được 10kg thịt. Với nhà tôi thì 30 đồng lúc đấy cũng là một tài sản.

Nghe nói thế, tôi vội túm lấy áo mẹ và bảo: “Mẹ ơi, mẹ cho con ra Hà Nội đi làm”. Và không hiểu tại sao, ngay trong cái phút giây ấy trong đầu tôi đã lóe lên cái suy nghĩ rằng, ra Hà Nội tôi sẽ trở thành một thợ thật giỏi, kiếm nhiều tiền và rồi tôi sẽ mở một cửa hiệu riêng cho mình.

Mẹ tôi chần chừ suy nghĩ một lát rồi nói bùi ngùi:

“Người ta bảo “chết cha thì còn chú”, mặc dù chú không phải là chú ruột của nó nhưng tôi biết ông nhà tôi rất quý chú. Thôi thì chú đưa nó ra Hà Nội cũng được, chuyện tiền nong, đối với tôi cần thật đấy, nhưng cũng không phải là tất cả. Tôi ở nhà vẫn còn có thể nuôi được các em nó, chỉ mong chú dạy dỗ nó nên người và cho nó cái nghề cái nghiệp tử tế. Nó học hành thì chẳng đến đầu đến đũa bây giờ chỉ trông mong lấy cái nghề mà thôi”.

Ông chú họ tôi cười khà khà và bảo:

- Chị ơi, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” có cái gì đâu mà chị phải lo. Chỉ mới năm trước đây thôi, em về nhà, anh bảo em rằng, tử vi của thằng Bình này là khá nhất nhà, nó sau này sẽ giàu có không biết nhường nào. Nhưng đời nó cũng gian truân lắm, mà bây giờ cũng đã thấy rồi chị nhỉ, mới tý tuổi đầu đã mất cha, rồi bây giờ lại phải đi làm”. Rồi ông lại cười và nói tiếp: “Em nhớ ông anh ngày xưa dạy em câu: “Nhân bất phong sương vị lão tài” – người ta chẳng qua gian nan rèn luyện thì làm sao trở thành người có tài năng được. Thôi chị cứ cho nó ra Hà Nội với em”. Thế là ngày hôm sau tôi từ biệt gia đình đi ra Hà Nội.

***

Sáng hôm sau, ông Biểu chở Bình ra Hà Nội trên chiếc xe máy Jawa 05 cũ kỹ. Bà Ất ra tận đầu làng tiễn con.

Bà bùi ngùi nắm tay Bình dặn dò:

- Con ra ngoài đấy, chịu khó làm và phải nghe lời chú thím nhé.

Bình khẽ gật đầu rồi lên xe. Trong lúc đấy, trong đầu Bình chỉ nung nấu một điều, làm thế nào trở thành một người chữa xe giỏi và rồi mở được cửa hàng, cửa hiệu riêng, kiếm được nhiều tiền để về nuôi mẹ, nuôi em.

Xe chạy được chừng khoảng 2 tiếng đồng hồ thì ra tới Hà Nội. Lần đầu tiên trong đời được ra Hà Nội, Bình thấy cái gì cũng to lớn, rộng rãi, choáng ngợp. Hà Nội sao mà đông thế! Người xe đi lại như mắc cửi.

Ông Biểu đưa Bình về nhà. Đó là một căn nhà sâu hun hút ở trong ngõ chợ Khâm Thiên. Bình vừa bước vào nhà thì thấy ở ngay chiếc phản giữa nhà có một nhóm người đang ngồi đánh tổ tôm. Người ngồi giữa là bà Tuyến, vợ ông Biểu - một người đàn bà to béo, phốp pháp, mặt nung núc những thịt. Chiếu tổ tôm còn có hai người đàn ông trung niên và hai người phụ nữ nữa. Họ đang ngồi đánh tổ tôm say sưa.

Ông Biểu nói:

- Thế nào các vị, ngồi từ bao giờ đấy?

Bà Tuyến ngáp dài trà lời:

- Suốt từ đêm qua đến giờ đây.

Ông Biểu lắc đầu:

- Các ông, các bà giỏi thật. Ngồi như thế mà không gãy lưng, không mỏi gối à?

Một người đàn ông cười nói:

- Chú không cảm thấy cái sự sung sướng của cái chuyện ngồi chờ con bạch thủ chì?

Ông Biểu làu bàu:

- Chẳng lo làm, lo ăn, suốt ngày cờ bạc thế này. Mà tôi nói cho các vị biết, rồi không khéo cứ chơi bời kiểu này, lộ ra, có ngày công an đến, họ tóm cả nút thì nhục mặt.

Bà Tuyến quắc mắt nhìn chồng:

- Ối giời, ông tưởng rằng cái cửa hàng chữa xe của ông kiếm được nhiều lắm đấy à? Cái nhà này mà không phải tay tôi lo liệu thì có kiếm đủ tiền húp cháo không?

Thấy vợ quắc mắt nhìn, ông Biểu vội vàng im bặt một lúc rồi dịu giọng:

- Đây là thằng Bình, con bác Thiếu. Nó chữa xe giỏi lắm. Bác ấy mất, nhà khó khăn quá, tôi đưa nó ra đây để nó chữa xe, rồi đào tạo nó sau này trông nom cửa hàng cho nhà mình.

Bình cúi đầu, khoanh tay lễ phép:

- Dạ. Cháu chào thím ạ.

Bà Biểu nhìn Bình từ đầu đến chân rồi quay sang hỏi ông Biểu:

- Năm nay nó bao nhiêu tuổi rồi?

Ông Biểu:

- Mười bốn.

Bà Biểu bĩu môi:

- Mười bốn…, cái tuổi này chỉ có ăn với ngủ, chạy đi chơi là giỏi. Chứ nó mà lại chịu ngồi chữa xe cho nhà ông đấy.

Ông Biểu bảo:

- Bà không biết thôi. Nó chữa xe giỏi nhất phố huyện đấy. Ngày xưa có bao nhiêu nghề, bác Thiếu dồn hết cho nó.

Một người đàn ông khác trong hội tổ tôm quay ra góp lời:

- Tôi trông thằng này mặt mũi cũng được đấy. Thôi, cứ để cho nó làm. Còn làm được hay không, vài ba hôm là biết ngay thôi mà. Chỉ có điều là mấy thằng ở nhà quê ra, nhìn Hà Nội cái gì cũng hoa mắt lên, cho nên chú cũng phải cẩn thận.

Bình nghe nói thế ấm ức lắm.

Ông Biểu vội vàng bảo:

- Thôi được rồi. Các vị cứ chơi đi. Mà tôi nói các vị nói bé mồm thôi. Lúc nãy tôi ở ngoài ngõ kia mà tôi còn nghe thấy vị nào ù, hét to thế.

Một bà cười khoái chí:

- Em đấy ông anh ạ. Gớm, em đánh tổ tôm ở nhà anh mấy năm rồi, bây giờ mới được một ván ù chi nẩy.

Rồi bà ngáp dài và bảo:

- Ù xong định về nhưng mà bà chị đây lại bảo à ăn non, ăn bẩn, cò gỗ mổ cò thật, tay không bắt giặc, cho nên em cũng phải ngồi thêm tí nữa. Hôm nay mà về, khéo thằng chồng em nó tống cổ ra khỏi cửa.

Bà Tuyến đốp luôn:

- Cô chẳng tống nó đi khỏi cửa thì thôi chứ nó làm sao mà tống được cô đi khỏi cửa.

Ông Biểu bảo vợ:

- Mình để cho nó ngủ trên cái gác xép kia nhé?

Bà Tuyến phẩy tay, nói vẻ bất cần:

- Tùy. Ông muốn cho nó ngủ chỗ nào cũng được.

Ông Biểu nói:

- Ừ thì chỉ còn mỗi cái gác xép nhà mình thôi là có thể ngủ được. Trên đấy mùa hè hơi nóng tí nhưng mùa đông thì lại ấm đáo để.

Thế rồi ông Biểu đưa Bình ra sau nhà, chỉ lên cái gác xép, bắc cho Bình một cái thang tre đã long mộng và bảo:

- Cháu lên trên đấy, dọn cho sạch sẽ rồi mà ngủ. Coi như là cái phòng riêng của mày.

Bình trèo lên trên gác xép và suýt sặc vì đám bụi phủ lâu ngày đang lắng dính hơi người có dịp phát tán.

Bình cúi đầu xuống, bịt mồm nói:

- Chú ơi, trên này bẩn quá!

Ông Biểu bực mình:

- Thế mày định ở khách sạn à? Bẩn thì phải dọn chứ. Gớm, tao thấy cái gác xép này cũng còn bằng mấy cái nhà quê nhà mày. Xuống dưới nhà, lấy chổi lên quét, rồi vò giẻ mà lau cho sạch sẽ để tối ngủ. À, kiểm tra cái công tắc điện ở đó xem còn sáng không?

Bình lần lần và rờ thấy một công tắc điện, loại công tắc có cái dây để giật. Bình giật điện. Cái bóng điện 24W đỏ đục như mắt con thú ở rừng lóe lên. Rồi Bình xuống nhà lấy chổi, lấy khăn vò nước lên quét dọn, lau chùi sàn, quơ mạng nhện và phải rất lâu sau, căn gác xép mới bớt mùi hôi.

Lúc bấy giờ, Bình mới có dịp quan sát kỹ hơn “căn phòng nhỏ” của mình. Căn gác xép đấy dài chừng 4m, chiều ngang chỉ rộng hơn 1m. Ở phía tít trong cùng, ông bà Biểu xếp một đống lẫn lộn bình với lọ. Bình soi nhìn kỹ, hình như đó là đồ cổ. Bình hỏi:

- Chú ơi, sao trên này lắm bình lọ thế?

Ông Biểu nói:

- Này, mày phải rất cẩn thận đấy nhé. Đống bình lọ đấy là của một đống tiền đấy. Toàn đồ cổ cả đấy.

Bình thắc mắc:

- Sao đồ cổ mà chú lại để thế này?

Ông Biểu làu bàu:

- Mày hỏi gì mà hỏi lắm thế? Hẵng cứ biết thế đã. Mà tất cả cái đống đồ cổ ấy là đã được vào sổ kê biên rồi cả đấy. Mất cái nào là chỉ có mày thôi.

Bình cười bảo:

- Có cho cháu, cháu cũng chẳng lấy những thứ này. Có đựng được cái gì đâu mà, làm tương ở nhà quê thì không được, đựng nước uống cũng chẳng xong.

Bình dọn dẹp sạch sẽ gác xép rồi lại xuống đi tìm, nhặt nhạnh dây thép buộc lại cái thang cho chắc chắn. Là người có tay nghề cơ khí, lại khéo tay, chẳng mấy chốc Bình đã làm lại được cho mình một cái thang tử tế.

Ông Biểu nhìn chiếc thang, lấy chân đạp đạp lên rồi gật gù:

- Thằng này khá thật.

Bình dọn dẹp xong, trải manh chiếu xuống ra, lấy hai bộ quần áo gấp lại để gối đầu và nằm ngủ, cho tới lúc nghe tiếng ông Biểu gọi:

- Bình, xuống ăn cơm. Chưa gì đã ngủ rồi.

Bình xuống nhà thì đã thấy có mâm cơm chờ sẵn. Mâm cơm có một đĩa đậu phụ rán, một đĩa thịt chó luộc và một đĩa cá kho. Mặc dù ăn cơm vẫn còn độn mì sợi nhưng với Bình, bữa cơm như thế này là đã quá thịnh soạn.

Vừa ngồi vào mâm, ông Biểu hỏi vợ:

- Con Thủy Tiên nó đi đâu mà giờ này chưa về?

Bà Tuyến thủng thẳng:

- Nó mà đã đi thì giời biết. Ngày hôm kia ông đi về quê thằng Bình thì nó cũng đi luôn.

Ông Biểu lắc đầu:

- Thế này thì chết thôi. Con với cái.

Rồi như chợt nhớ ra, ông hỏi tiếp:

- Thế còn thằng Phú? Nó cũng đi nốt à?

Bà Tuyến nói:

- Nó đi từ sáng. Mà cũng chẳng biết đi đâu.

Bình khép nép ngồi xuống bên cạnh. Bà Biểu bảo:

- Thế mày không biết xới cơm ra à? Hay là để thím phải mời?

Bình vội vàng mở vung nồi cơm và đánh cơm lên.

Bà Biểu lại lườm:

- Ơ, thằng này. Mày không biết hớt cơm chó à? Ở nhà có con chó đằng sau ấy.

Bình líu ríu làm theo. Nhưng rồi, ngay bát cơm đầu tiên, bỗng nhiên trong Bình lóe lên một suy nghĩ rằng cần phải sống như thế nào để cho họ khỏi khinh mình. Mặc dù rất đói và thức ăn thì rất ngon nhưng Bình cố gắng ăn một cách từ tốn, chậm chạp.

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 4 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 3)

Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có ...

dac biet nguy hiem ky 4 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 2)

Bình lẳng lặng tách Giám đốc Thiều ra, xem giấy mời và ngồi vào vị trí của mình. Nhưng Bình cứ ngọ nguậy không yên, ...

Nguyễn Như Phong

Ngày đăng: 06:00 | 07/04/2018

/ Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân