Trại cải tạo số Ba là một trại khá lớn của Bộ Công an. Phạm nhân vào đây, người bị án thấp nhất cũng bảy năm tù. Trại có bốn phân khu, trong đó có một khu nữ. Khu nữ với khu nam cách nhau khá xa và có hàng rào ngăn cách.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 16)
Bình đạp máy thử, thì chiếc xe chỉ nổ rú lên một tiếng rồi khói ục ra và chết lịm. Bình ngồi thừ ra và ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 15)
Chiều hôm đó, đám tang của Thủy Tiên diễn ra một cách lặng lẽ. Trong đám tang không có giọt nước mắt của người thân. ... |
Ở bên khu nhà giam nam cũng nhìn thấy nữ, nhưng nói chung là không có cách gì để có thể liên lạc được, vì từ khu này sang khu kia có đến gần bốn trăm mét.
Bình ở đội sửa chữa ôtô, xe máy và máy nông cụ. Phòng giam của Bình là phòng số bảy. Đó là một căn nhà được xây chắc từ rất lâu rồi, tường bằng đá và bệ để nằm là bệ gạch chứ không phải bệ xi măng.
Phòng giam chừng độ khoảng bốn mươi mét vuông. Ở đó có khoảng mười lăm người, nói chung với diện tích như vậy cũng là khá rộng. Ở góc phòng là buồng vệ sinh. Theo phân công của buồng trưởng Bĩ thì mỗi người trực một ngày, trừ buồng trưởng và buồng phó là không phải trực.
Bình mới vào nên được xếp nằm ngay cạnh khu nhà vệ sinh. Những ngày đầu đối với Bình như một cực hình, vì từ mờ sáng, phạm nhân đã bắt đầu xếp hàng đi vệ sinh. Ở phòng giam, Bình là loại án mười năm tù - gần như loại nhẹ nhất, còn những người khác đều lĩnh án mười tám năm, thậm chí có những người hai mươi năm và có cả án chung thân nữa. Như buồng trưởng Bĩ là bị án chung thân.
Trong phòng giam có một người tên là Trí Thiện, trước đây từng đi tu. Trí Thiện gương mặt nom rất hiền lành. Lúc đầu Bình không hiểu được tại sao một người như vậy lại phạm tội giết người. Về sau khi thân nhau, Trí Thiện mới kể cho Bình nghe về cái vụ giết người của Thiện, Trí Thiện vốn tu ở một ngôi chùa ở gần Lạng Sơn - đó là một ngôi chùa cổ. Trí Thiện được gửi vào chùa từ bé, bởi vì theo như Thiện kể thì Thiện là con cầu tự, Khi đó bố mẹ Thiện đi xem bói và thầy bói phán rằng, nếu như không đưa Thiện vào chùa thì Thiện sẽ chết yểu. Thế nên bố mẹ Thiện gửi anh ta vào chùa và với suy nghĩ rằng, chờ đến năm Thiện hai mươi tư tuổi - tức là hết hai con giáp thì sẽ cho hoàn tục và lấy vợ.
Ngôi chùa mà Thiện ở có tên Sùng Phúc Tự - một ngôi chùa cổ khá lớn nằm ở nơi heo hút, xa dân cư, ngôi làng gần nhất cũng phải cỡ năm trăm mét. Chùa có hơn chục người vừa nhà sư, vừa chú tiểu. Ở chùa có rất nhiều pho tượng cổ.
Thiện ở đấy và hàng ngày Thiện đi làm ruộng, làm rừng. Chả hiểu thế quái nào mà có một bọn thanh niên ở gần đấy đã đến móc nối với Thiện. Chúng tán tỉnh, dụ dỗ bằng rất nhiều cách, và cuối cùng, Thiện đã nhập bọn với chúng và rồi chính chúng đã bày mưu tính kế cho Thiện lén mở cửa chùa vào ban đêm để chúng lẻn vào lấy pho tượng.
Đêm hôm ấy, Thiện mở cửa cho chúng lấy trộm tượng thì bị sư cụ phát hiện, sư cụ kêu la. Để cứu đồng bọn, Thiện bịt mồm sư cụ, và trong lúc ẩu đả, chúng đã giết chết sư cụ. Khi bị bắt, chúng đã khai ra vai trò của Thiện, thế là Thiện cũng bị bắt và kết án hai mươi năm tù.
Vào tù, Thiện thực sự hối lỗi, Thiện không biết gì về xe máy, ôtô nhưng vào tù, Thiện được ở chung với phòng giam này, cũng là để có người sai vặt. Hàng ngày, Thiện làm đủ các thứ việc mà cánh thợ sai. Tối, Thiện ngồi một chỗ, lầm rầm tụng kinh. Gối đầu giường của Thiện có mấy quyển Phật học, Bình nhớ có quyển “Lược sử Phật giáo Việt Nam”. Có một quyển sách cũ rích không biết Thiện lấy ở đâu ra có tên “Tây Tạng huyền bí” của một nhà sách của chế độ Sài gòn cũ xuất bản trước năm 1975, rồi lại có một quyển Tập tu Thiền.
Một hôm Bình hỏi Thiện:
- Anh đọc những sách này phỏng có ích gì?
Thiện nói:
- Em cứ đọc đi, chịu khó đọc đi, mỗi ngày chỉ nửa trang thôi dần dà có thể em sẽ biết được điều gì đấy.
Chẳng hiểu giữa Bình và Thiện có mối nhân duyên nào đó, Thiện cứ dạy Bình về giáo lý nhà Phật. Chỉ sau năm tháng, Bình đã hiểu thế nào là quy y, thế nào là tam bảo, thế nào là ý nghĩa của phép thiền định và cũng tập thiền. Có thể nói, những ngày ở trong trại giam, ở gần Trí Thiện, Bình đã vỡ lẽ ra nhiều điều. Bình đã hiểu được về sự sống và cái chết, đã hiểu thêm về cái gọi là sự tái sinh của kiếp người. Và tự nhiên trong Bình, một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó, nếu kiếp này mình sống không tốt thì kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nữa sẽ vĩnh viễn không bao giờ được sung sướng.
Phải nói sống ở nhà giam thật muôn hình muôn vẻ, Bình lặng lẽ theo dõi những phạm nhân ở đây mỗi người có một cảnh ngộ, một hoàn cảnh, ai cũng kỳ lạ. Có những người phạm tội do họ cố ý gây nên, họ gây tội như thể là do bản chất của họ sinh ra để phạm tội. Nhưng có những người phạm tội do vô tình hoặc do nhỡ tay, nhỡ chân mà gây nên. Có những người ân hận, nhưng cũng có những người không coi cuộc sống nhà tù ra gì. Một trong những người đó chính là buồng trưởng Bĩ.
Người phụ trách trực tiếp ở đây chính là Đại úy Can. Bình sợ ông lắm, ông tính nóng như lửa, lại hay uống rượu. Phạm nhân buồng số bảy nhiều đứa bị đòn, nhất là khi ông uống rượu say.
Bình nhớ có một lần Bĩ chữa xe, và sau khi kiểm tra đồ nghề thấy mất một chiếc cờ-lê. Ông Can đến và lồng lộn, quát tháo bắt phải tìm cho ra bằng được chiếc cờ-lê đó. Mọi người tìm kiếm khắp trong kho không thấy, đến khi mở nắp capo chiếc xe ôtô ba cần 157 cũ kỹ thì phát hiện chiếc cờ-lê nằm ở một góc của máy. Thế là ông túm thằng Bĩ đấm cho một trận, mặc dù bị ông đánh thế nhưng Bĩ không dám chống trả mà chỉ lăn lộn ôm mặt, ôm đầu chịu đòn. Đến khi ông mệt nhoài và bỏ về, Bĩ ngồi lau mồm, nói:
- Thế là hôm nay ông ấy được ngủ ngon đấy.
Bình ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao đại ca lại nói cán bộ được ngủ ngon?
Bĩ thở dài bảo:
- Mày không biết thì thôi, ông ấy khổ lắm. Ngày xưa ông ấy là bộ đội đánh nhau Trường Sơn bị nhiễm chất độc da cam. Khi về ông ấy vợ, đẻ hai bận con thì đều không thành người. Bà vợ biết ông nhiễm chất độc da cam thì bỏ đi lấy chồng khác. Bây giờ ông ấy ở tại căn nhà ngoài trại kia. Ông buồn nên hay uống rượu, và mỗi một lần uống rượu say, ông ấy cũng hay vô cớ đánh phạm và cũng có lần, ông đánh cả cán bộ quản giáo ở đây nữa. Nhưng ở đây ai cũng thương ông nên chẳng ai nỡ trách tội cả.
Đối với Bình, ông Can cũng có tình cảm. Nhiều lần ông ngồi xem Bình sửa chữa xe, và ông thích thú nhất, đó là bảo dưỡng những chiếc xe của quản giáo. Bình tháo ra để một rổ ốc vít. Rồi thoăn thoắt lắp vào. Đến khi chiếc xe nổ máy không được thì nhiều lúc, chính ông lại bảo Bình: “Mày ngồi lên để tao đẩy”. Và rồi một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra, đó là, Bình là thằng phạm nhân ngồi chĩnh chệ trên chiếc xe Honda cũ rích, còn ông thì cong đít đẩy cho xe nổ máy.
Ông Can cũng nhiều lần hỏi Bình về gia cảnh. Và một lần Bình bị sốt nằm trong trạm xá, trong cơn nửa mê nửa tỉnh, Bình thấy có bàn tay âm ấm đặt lên trán. Bình mở mắt ra, thấy ông Can ngồi bên cạnh, ông đặt tay lên trán Bình.
Ông hỏi bác sĩ:
- Thằng này nó sốt vì nguyên nhân gì?
Ông bác sĩ nói:
- Anh ạ, nó bị sốt xuất huyết. Anh cứ yên tâm, mấy ngày là khỏi thôi.
Ông Can gật gù, nhìn Bình với ánh mắt thương cảm.
Ông bảo:
- Thôi, cố mà ăn uống.
Bình tự nhiên thốt lên:
- Thưa Ban, mồm cháu đắng lắm. Cháu không ăn được.
Ông hừ lên một tiếng:
- Đắng cũng phải ăn.
Thế rồi ông lấy ở trong túi ra một hộp sữa, đặt lên bàn và bảo bác sĩ:
- Pha sữa cho nó uống.
Nhìn hộp sữa mà mắt Bình sáng lên mặc dù đang sốt như vậy. Nói thật ở trại giam ngày này, không chết đói đã là may rồi. Thế mà Bình được uống sữa, sữa do cán bộ quản giáo mang cho.
Ông bác sĩ nhìn ông Can rồi bảo:
- Ô, sao anh lại thương thằng ôn con này thế?
Ông Can nói:
- Tôi nhìn thằng này, nó có thiên lương đấy.
Một sáng Chủ nhật, khi đang sửa một chiếc xe công nông thì ông Can tới, ông bảo:
- Thằng Bình đâu?
Bình đứng lên:
- Dạ thưa Ban, có cháu ạ.
- Mày rửa tay đi rồi đi theo tao. Mang theo cả đồ nghề nữa.
Bình hỏi:
- Dạ thưa ban, đồ nghề chữa ôtô hay xe máy ạ?
- Xe máy và cả mấy bộ đồ điện nữa.
Bình nhặt nhạnh đồ nghề chữa xe máy, bút thử điện, tuốc-nơ-vít rồi đi theo ông. Ra đến cổng trại, Bình bị người bảo vệ chặn lại:
- Chú cho kiểm tra giấy ra trại của thằng này.
Ông nói:
- Ừ, có việc đột xuất, anh bảo lãnh cho nó ra. Nó mà trốn, anh ngồi tù thay nó.
Anh cảnh sát bảo vệ ngần ngừ hồi lâu, không biết nói thế nào.
Ông Can bảo:
- Ô hay, các chú không tin anh à?
Hồi lâu sau họ bảo:
- Thôi, thế thì chú viết cho cháu một cái giấy cam kết vào đây.
Ông Can cắm cúi viết tờ giấy. Không biết ông cam kết những gì, nhưng sau khi đọc xong, mấy anh cán bộ bảo:
- Này, nom hai thầy trò nhà anh cứ như hai bố con ấy. Mà nhìn mặt thằng này cũng giông giống anh đấy.
Ông Can cười buồn và nói:
- Ừ, nếu con tao thành người được thì bây giờ cũng gần như thế này.
Nghe ông nói mà Bình cũng thấy nao lòng. Bình cun cút theo ông đi về nhà. Nhà ông là một căn nhà cấp 4 mái bằng nằm ngay trên trục đường và cách trại giam không đầy cây số.
Về nhà thì đã thấy một chiếc xe Honda 67 ở đấy và có hai người đang ngồi chờ ông. Ông Can nói:
- Đây, hôm nay tôi đưa thợ về sửa chữa cho các ông.
Hai người đàn ông cũng đã đứng đứng tuổi nhìn Bình từ đầu đến chân và bảo:
- Thằng oắt này biết chữa xe à?
Ông Can nói:
- Ừ, đừng coi thường. Nó là thằng khá nhất của trại đấy.
Hai người có vẻ không tin, nói:
- Ừ, nếu mà biết chữa thì chữa đi.
Bình lễ phép hỏi:
- Dạ thưa các cán bộ, xe bị làm sao ạ?
Một ông nói:
- Tao cũng chả biết nữa, xe này tao mới mua. Thế mà không biết làm sao đạp nổ nó cứ trơn chuồi chuội.
Bình bật công tắc điện đạp thử, nhanh chóng phát hiện ra là chiếc xe đã bị mất hơi. Bình bảo:
- Dạ thưa, cái này phải bổ máy rồi ạ.
Một ông trợn mắt:
- Cái gì? Mày bảo bổ máy? Bổ thế nào được?
Bình ấp úng:
- Dạ thưa các cán bộ…
Một ông nhăn mặt:
- Cán bộ là mày nói với ông Can chứ không phải nói với chúng tao. Mày bảo bổ máy là bổ như thế nào?
Bình bảo:
- Dạ thưa, phải tháo pít-tông, xi-lanh ra. Vì cháu nghĩ, hoặc là nó bị kênh súp-páp, hoặc là bị rách gioăng quy-lát, hoặc là bị gãy xéc-măng.
Một ông ngán ngẩm bảo:
- Mày làm gì mà hoặc lắm thế? Thôi mày biết tháo thì tháo ra đi.
Bình nói:
- Dạ thưa, Ban kiếm cho cháu một cái chậu, chậu nhôm hoặc chậu sành cũng được, thêm nửa lít dầu ạ để cháu rửa các thứ tháo ra.
Thế rồi Bình thoăn thoắt tháo. Và phát hiện ra chiếc xe đã bị cháy súp-páp hút nên không giữ được hơi. Bình tháo chiếc súp-páp bị đen sì, đóng vẩy đưa cho các ông xem:
- Dạ thưa, chiếc súp-páp bị như thế này nên nó kênh lên, đóng không kín được, đạp mất hơi không nổ được cũng là phải thôi ạ.
Một ông hỏi:
- Bây giờ mày phải làm thế nào?
Bình nói:
- Dạ thưa, phải mài cho nó bóng đi ạ.
Một ông lại hỏi:
- Thế mày mài bằng cái gì?
Bình bảo:
- Dạ các bác kiếm cho cháu bột mài.
- Bột mài là bột gì?
Bình ngẩn người ra, ừ nhỉ ở đây thì làm gì có bột mài. Bột mài là bột amiang, bột đá chế riêng để đánh súp-páp.
Các ông nói:
- Thế lấy đâu ra bột mài bây giờ?
Lúc ấy nghĩ ra, Bình bảo:
- Thế các cán bộ kiếm cho cháu một ít xi-măng ạ.
Ông Can:
- Ờ xi-măng thì có.
Ông chạy đi, sang hàng xóm một lúc, ông mang cho Bình một bát con xi-măng, ông đưa cho Bình và hỏi:
- Đủ chưa?
Bình cười:
- Dạ nhiều quá ạ.
Rồi Bình lấy ít dầu luyn trộn vào xi-măng và bắt đầu ngồi xoáy súp-páp cho bóng đi và lắp vào. Chiếc xe nổ máy giòn tan. Ông chủ xe bảo:
- Ồ, thằng này giỏi thật, thế mà bọn thợ ở ngoài thị trấn đây bảo xe bị vỡ pít-tông.
Bình giải thích:
- Pít-tông thì chẳng bao giờ vỡ được, chỉ trừ trường hợp gãy xéc-măng, nó đâm lên làm xước thành xi-lanh.
Một ông già gật gù:
- Được, thằng này khá.
Chữa xong Bình hỏi ông Can:
- Dạ thưa Ban, còn làm gì nữa không ạ?
Ông Can lầu bầu:
- Ban ban cái gì, mày cứ gọi tao là bác cũng được. À không, bằng chú.
Bình lễ phép:
- Dạ thưa chú, vâng ạ.
Ông lại bảo:
- Mày kiểm tra cho tao mấy cái công tắc điện trong nhà. Công tắc chán quá, cứ lúc được lúc mất.
Bình lại tháo công tắc điện ra, mài giũa, sửa chữa cho ông. Xong xuôi đâu đấy thì ông bảo:
- Hôm nay cho mày ở đây ăn cơm. Mà thôi, bây giờ thế này, mày hầu rượu chúng tao.
Thế là Bình được ngồi ăn cơm chung với ba người. Qua câu chuyện các ông kể, Bình thấy rằng hóa ra ngày xưa ba ông đều ở cùng một đơn vị bộ đội, ngày xưa họ đồng ngũ với nhau. Ông Can chuyển ngành sang công an, làm quản giáo ở trại số Ba, còn hai người kia, một người làm cai thầu xây dựng, còn một người thì buôn bán.
Ba người nói chuyện rất vui, toàn chuyện ngày xưa, họ uống rượu say đến nỗi chẳng còn biết gì nữa. Nhìn ba người lăn ra nhà nằm ngáy khò khò, Bình nảy ra ý định muốn trốn. Trong khoảnh khắc, cái ý nghĩ trốn đi khiến Bình không còn tỉnh táo nữa, đúng là cơ hội ngàn năm có một. Ba ông say quá rồi, chỉ cần ra dắt chiếc xe, phóng đi đến một chỗ nào đó, bán chiếc xe rồi chuồn vào Nam. Thế là xong, có mà giời tìm.
Nhưng nhìn ông Can, tự nhiên Bình thấy trong lòng có điều gì không ổn mà cảm giác rằng sẽ có tội với ông nếu như trốn. Trong lúc Bình đang giằng xé việc trốn hay không trốn thì ông Can cựa mình, lè nhè nói:
- Thằng Bình đâu?
Bình vội vàng trả lời:
- Dạ thưa Ban, cháu đây ạ.
- Rót cho tao cốc nước.
Bình rót nước sôi ở trong phích ra, ông he hé mắt nhìn rồi bảo:
- Ra ngoài bể múc nước mưa, uống cho nó mát.
Bình ra bể nước mưa ở đầu nhà, múc một gáo nước mang vào cho ông. Ông uống một hơi. Rồi ông nói:
- Mày đang nghĩ đến chuyện định chuồn phải không?
Bình líu ríu:
- Dạ thưa Ban không ạ, cháu đang ở đây ạ.
Ông Can nói:
- Tao nhìn cái mắt mày là tao biết mà. Mày có ý định trốn, nhưng chưa dám, đúng không nào?
Bình ngạc nhiên vô cùng, không hiểu tại sao ông say rượu như thế, ngủ ngáy như sấm mà ông lại biết suy nghĩ của Bình.
Bình chối:
- Dạ thưa Ban, không ạ, cháu không dám trốn ạ.
Ông bảo:
- Đừng có chối tao, thôi bây giờ mày có trốn thì trốn luôn đi. Tao cũng say lắm, chẳng đuổi được mày đâu.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 19)
Hôm đó, lâu lắm rồi Bình mới được ở gần mẹ. Cũng dễ đến hơn chục năm rồi Bình mới được ngồi ăn cơm cùng ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 18)
Lá thư Bình viết và ông Can ghi vào bên cạnh được một tuần thì mẹ và em gái Bình là Thu Ngân lên thăm. |
Ngày đăng: 06:00 | 20/04/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân