Từ sau hôm đấy, Bình trở thành một trợ thủ đắc lực của bà Tuyến. Ngày thì quần quật chữa xe, tối thì ngồi chia bài. Và cũng chỉ sau một tuần ngồi chầu rìa thì Bình đã biết đánh tổ tôm.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 9)
Từ ngày có Bình về, cửa hàng ông Biểu đông khách hơn hẳn. Tiếng tăm về một cậu bé mới ở quê ra, chữa xe ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 8)
Bình nhăn mặt: "Thằng Trúc này tôi lạ gì. Học hành thì chẳng tới đâu, chữ nghĩa thì giắt lưng được mấy chữ. Bây giờ ... |
Thủy Tiên cười rinh rích bảo Bình:
- Thích nhỉ. Ông ấy lại bảo em với anh đẹp đôi chứ. Em nói thật nhé, giá mà anh không phải là anh họ em thì…
Bình nhìn Thủy Tiên ngạc nhiên:
- Thì cái gì?
Thủy Tiên nói luôn:
- Thì em sẽ lẳng quả tình.
Nghe nói thế, Bình ngượng đỏ mặt, vội chữa:
- Mày hay thật.
Thủy Tiên biết Bình ngượng, nên cô lảng sang chuyện khác.
Thủy Tiên:
- Anh ạ, ông bô, bà bô em tin anh rồi đấy. Nhưng mà anh cũng phải rắn nhé, tháng vừa rồi anh đã kiếm được cho ông bà những hơn 400 đồng tiền công sửa chữa xe, thế mà ông ấy mang về cho mẹ anh được vài cái chục bạc. Không được. Bây giờ anh phải đòi tiền công cao lên.
Bình hỏi:
- Tiền công cao lên là bao nhiêu?
Thủy Tiên ngồi nhẩm tính một lát rồi bảo:
- Anh cứ bảo ông ấy rằng, mỗi tháng phải trả cho anh 60 đồng. Còn nếu không nói được, để đấy em. Mà anh thật thà quá. Đây này, những ngày như hôm nay, có khách chữa xe nhiều, anh giấu bớt đi vài đồng thì có làm sao, ai biết đấy là đâu. Em thấy anh đưa tiền, có bao giờ ông ấy hỏi là ngày hôm nay chữa được bao nhiêu xe, giá cả như thế nào đâu. Mà từ hôm qua ông ấy giao hết cửa hàng cho anh rồi còn gì, còn ông ấy tranh thủ lúc chạy đến vợ bé, lúc ở nhà ngồi sới. Anh thật thà như thế không được. Người ta bảo nhanh nhảu đoảng, thật thà hư, anh biết không?
***
Ông Biểu phóng xe về nhà Bình. Bà Ất rất vui khi thấy người em họ từ Hà Nội về. Ông Biểu bày ra bàn nào là nước mắm, mì chính, bánh kẹo, rồi cả mấy bộ quần áo cũ nữa.
Ông Biểu vui vẻ nói:
- Lẽ ra hôm nay thằng Bình nó về thăm chị đấy, nhưng mà khách đến sửa xe đông quá, em phải bảo nó ở lại.
Bà Ất mừng ra mặt, hỏi:
- Những thứ này là nó gửi về đấy hả chú?
Ông Biểu bảo:
- Không. Đây là tiền lương của nó. Như em đã hứa trước với chị, mỗi tháng, em trả nó 32 đồng. Nhưng mà nó làm rất tốt, nên cửa hàng bây giờ đông khách. Đây ngoài lương ra, em đưa cho chị 50 đồng gọi là tiền thưởng để chị phấn khởi?
Bà Ất nhìn mớ tiền sáng cả mắt. Bà chỉ đống quà hỏi:
- Thế còn những thứ này?
Ông Biểu nói:
- Không. Những thứ này là vợ em gửi biếu chị. Mấy bộ quần áo cũ này là của trẻ con, chị xem đứa nào mặc vừa thì cho nó. Còn thằng Bình ở ngoài đấy với bọn em, chị cứ yên tâm.
Nói rồi, ông Biểu gật gù:
- Phải nói ông bác dạy con khéo thật. Nó chữa xe mà thợ Hà Nội còn phải lác mắt.
Bà Ất nói vẻ bùi ngùi:
- Cũng tội nghiệp thằng bé. Mới có một tí tuổi đầu đã phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi mẹ, nuôi các em. Nó biết chữa xe từ khi nó bé lắm. Tôi nhớ, khi nó mới có 5 tuổi, ông ấy chỉ nói một lần là nó biết ngay. Ông ấy bảo nó lấy cho ông cái cờ lê 10 là nó lấy được ngay cái cờ lê 10; bảo lấy cho cái tuýp 12 là nó lấy được ngay cái tuýp 12. Chú thấy đấy, anh chú thương binh, bị cụt mất một tay. Có những việc phải làm cả 2 tay, nhưng không làm được phải nhờ nó giữ hộ. Thằng bé được cái sáng dạ, mà cũng biết thương bố mẹ, cho nên nó chịu học, chịu làm lắm.
Ông Biểu nhìn quanh quất nhà rồi hỏi:
- Thế bây giờ còn mấy đứa ở nhà với chị?
Bà Ất trả lời:
- Ở nhà còn 3 đứa. Con Thu Ngân, thằng Triệu thì vẫn đang đi học nhưng thằng này khéo hỏng mất chú ạ. Nó học hành lười lắm. Năm nào cũng là học sinh cá biệt. Tôi đang lo sau này chẳng biết nó sẽ thế nào. Thế còn con Thu Tiền thì vẫn còn bé.
Ông Biểu nói:
- Con nhà chị xem ra đứa nào cũng ngoan. Em ở ngoài kia nhiều việc lắm. Nếu như chị thấy đứa nào học hành không được thì chị cứ gửi ra cho em. Hà Nội thiếu gì việc. Người ta bảo: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”. Đấy, chị thấy không, thằng Bình nó làm đấy, tháng gửi cho chị được ngần này tiền. Chị xem, ở nhà quê, làm chừng nào mới kiếm ra được.
Bà Ất nói:
- Thì cũng biết thế, nhưng con cái phải cho nó học hành đến đầu đến đũa. Chứ sau này nó khổ vì không có nghề, có nghiệp tử tế thì nó lại oán bố, oán mẹ. Thôi thì đành hy sinh thằng Bình, để cho nó đi kiếm tiền nuôi các em ăn học.
Thế rồi bà nói tiếp:
- Chú ngồi chơi. Tôi đi nấu cơm nhé.
Ông Biểu lắc đầu:
- Thôi, chị không phải cơm nước gì đâu. Em đi luôn đây. Hôm nay là ngày nghỉ, khách sửa xe đông lắm.
Bà Ất vội vàng chạy xuống bếp, gói một ít khoai lang, khoai sọ cho vào cái bao tải, buộc túm lại, mang lên bảo:
- Ở nhà quê chúng tôi chẳng có gì. Chú chở cái này ra, nói với thím, tôi có chút quà quê biếu thím.
Ông Biểu hỏi:
- Chị cho cái gì đấy?
Bà Ất nói:
- Có mấy củ khoai lang, khoai sọ. Thế thôi, có gì đâu.
Ông Biểu gật gù:
- Em xin chị. Cái thứ khoai này, em thích lắm. Khoai sọ luộc chấm vừng ăn thì nhất.
Ông Biểu đi rồi, bà Ất nhìn những thứ con gửi về mà nom gương mặt bà trẻ đến mấy tuổi. Bà giở tệp tiền của Bình mà ông Biểu vừa đưa cho ngồi đếm. Vừa lúc đấy, em gái lớn của Bình là Thu Ngân đi làm ruộng về. Thấy mẹ ngồi đếm tiền, Thu Ngân ngạc nhiên hỏi:
- Ơ, sao hôm nay mẹ nhiều tiền thế?
Bà Ất bảo:
- Tiền anh mày gửi về đấy. Thôi, thế này cũng là mừng rồi. Cô chú ấy lo cho nó cũng tốt. Mà nghe chú ấy nói bây giờ nó là thợ giỏi lắm.
Thu Ngân bảo:
- Con biết ngay mà, mẹ cứ phải lo. Rồi mẹ xem, anh Bình sẽ rất là giàu có.
Bà Ất lườm con gái bảo:
- Làm thợ thì có bao giờ giàu hả con? Ráo mồ hôi là hết tiền.
***
Trở lại nhà ông Biểu. Buổi tối hôm ấy, Bình ngồi xem bà Tuyến cùng với mấy người trong hội đánh tổ tôm.
Bình ngồi nhìn mà chả biết gì cả. Chợt bà Tuyến bảo:
- Thằng Bình, mày ngồi đây chia bài. Nếu ù được gà thì mỗi người cho nó một hào.
Bình bảo:
- Chia bài như thế nào ạ?
Bà Tuyến lấy ra một cỗ bài khác đưa cho Bình, rồi dạy Bình cách chia:
- Đây nhé. Mày chia như thế này. Chia làm năm phần. Biết cách chưa?
Bình chia bài bằng hai tay một cách rất thận trọng.
Bà Tuyến xua tay:
- Lúc đầu chưa quen thì phải chia hai tay nhưng về sau thì phải chia bằng một tay, chứ chia hai tay người ta cười cho.
Bình chia bài xong, xếp ngay ngắn cho mọi người đâu vào đấy. Thế rồi Bình ngồi bên cạnh hỏi bà Tuyến:
- Thím, thím, con này là con gì?
Bà Tuyến bảo:
- Ơ cái thằng này. Lộ hết bài của tao.
Thế rồi thấy con bài nào lật ngửa thì bà Tuyến giảng giải:
- Mày nhìn đây này. Con này là con nhất văn. Chữ này là chữ văn nhé. Chữ này là chữ nhất nhé. Nhưng để cho nó đẹp thì họ viết khác đi. Chữ này là chữ vạn… Chữ có cái ngoắc lên này là chữ sách.
Là người được học chữ Hán, Bình “à” lên một tiếng rồi bảo:
- Ối, thế thì cháu biết rồi.
Thế rồi nhìn những con khác, Bình nhận ra ngay:
- À, đây là con nhị vạn.
- Đây là con chi chi.
Bình ngồi đọc vanh vách từng con như thế.
Một ông ngồi cùng sới với bà Tuyến nói:
- Ơ, thằng này tài thật. Lần đầu tiên nhìn mặt quân mà nó thuộc ngay.
Bình bảo:
- Thì cứ đọc theo như chữ Trung Quốc là ra ngay thôi mà.
Bình ngồi chia bài. Ai ù được ván bài có gà thì lại cho Bình một hào. Đến gần nửa đêm thì bà Tuyến đếm số tiền trong lòng Bình.
Bà reo lên:
- Thằng này hôm nay bở quá nhỉ, được những một đồng rưỡi. Ba bữa ăn phở sáng đấy nhé.
Bình cười ngượng nghịu.
Đến lúc Bình buồn ngủ díp mắt lại thì đã là hơn 12 giờ đêm.
Bình nói với bà Tuyến:
- Thím ạ, cháu đi ngủ đây, mai cháu còn phải làm. Cháu buồn ngủ lắm.
Bà Tuyến bảo:
- Thằng này, ngồi bài như thế này, vừa góp vui, biết thêm một nghề, lại vừa được tiền. Chưa gì đã muốn ngủ.
Ông Biểu lúc đó đi đâu về bảo:
- Bà lại định đưa nó vào con đường cờ bạc của bà đấy à?
Bà Tuyến bĩu môi nói:
- Biết được cái gì mà chả tốt. Học thì ấm vào thân. Tôi hỏi ông ngần này tuổi rồi, nếu như không biết ngồi sới thì còn làm cái gì? Chẳng lẽ tôi với ông ngồi ngắm nhau cả tối à. À mà ông bây giờ cần gì ngắm tôi. Ngắm cái con mẹ bán thịt lợn, nó mới có mỡ có màng.
Mấy người đang ngồi đánh tổ tôm cười phá lên.
Từ sau hôm đấy, Bình trở thành một trợ thủ đắc lực của bà Tuyến. Ngày thì quần quật chữa xe, tối thì ngồi chia bài. Và cũng chỉ sau một tuần ngồi chầu rìa thì Bình đã biết đánh tổ tôm.
Cũng phải nói thêm rằng, vào thời đấy, rất ít người đánh chắn mà người ta đánh tổ tôm là nhiều. Đánh tổ tôm còn được coi là thú vui tao nhã của nhiều người. Nhưng ở đây thì chẳng có tao nhã nào cả, mà là cờ bạc hẳn hoi.
Một lần, bà Tuyến đang ngồi chơi bài thấy đau lưng, bà bảo Bình:
- Bình, mày cầm thử cho thím một ván.
Bình cầm bài rồi lên bài nhoăn nhoắt, rồi xếp phu dọc, phu ngang. Bà Tuyến nhìn bảo:
- Ô, thằng này tài thật, nó xếp bài rất chuẩn.
Thấy Bình xoay phu nhanh, bà lại càng ngạc nhiên hơn. Ván đầu tiên Bình ù luôn, mặc dù là ù xuông.
Một ông bảo:
- Á, cờ bạc đãi tay mới. Thằng này xem ra có năng khiếu cờ bạc đây.
Ván đầu tiên ù. Ván thứ hai lại ù có lèo. Rồi lại ù thông tam khôi ván thứ ba.
Một ông trong sới bảo:
- Ô, thằng này. Mày chơi như cờ bạc bịp ấy.
Bình cười bẽn lẽn và bảo:
- Bác chẳng vừa bảo là cờ bạc đãi tay mới là gì.
Tối hôm đó, bà Tuyến thắng được 30 đồng.
Bà cho Bình ngay 10 đồng và bảo:
- Đây, thím thưởng cho mày. Hay lắm. Từ nay, mày phải ngồi bên cạnh thím. Thím thua với bọn này nhiều lắm rồi.
Bình lúc này mới nói:
- Thím ạ, cháu thấy hình như họ canh ti nhau đấy.
Bà Tuyến hỏi:
- Canh ti kiểu gì?
Bình đáp:
- Cháu cứ thấy hai người ngồi chéo cánh bên kia đưa mắt cho nhau và cứ sau vài lần họ đưa mắt thì thế nào một trong hai người cũng có người ù.
Bà Tuyến hỏi:
- Nếu vậy thì họ phải ra ám hiệu kiểu gì chứ?
Bình nói:
- Cháu cũng chưa biết họ ra ám hiệu kiểu gì nhưng cứ mỗi một lần như thế, cháu để ý là một người lại đặt một quân bài xuống, có khi đặt hai quân.
Tối hôm đó lại đánh chắn. Lần này, Bình ngồi bên ngoài quan sát bà Tuyến chơi.
Bình thấy một người ngồi chéo cánh bên kia đặt một quân bài xuống, đặt nằm ngang và xòe ba ngón tay một cách hờ hững lên đùi. Bình rỉ tai bảo bà Tuyến:
- Hình như là ông ấy chuẩn bị đánh con tam văn.
Bà Tuyến cười nhạt bảo:
- Này, tôi nói các vị nhé. Đánh bài thì lấy vui làm chính. Chứ còn nhà tôi không phải là cái chốn để các vị tới đây rồi quây lại, thịt con già này đâu nhé.
Mọi người ngớ ra, một người nói:
- Ơ, hôm nay bà Tuyến làm sao đấy? Sao lại nói như thế?
Bà Tuyến cười khẩy:
- Bây giờ tôi mới biết cái trò văn ngang, sách dọc, vạn để bài của các ông rồi. Ông vừa định đánh con tam văn xuống chứ gì?
Người đàn ông kia giật mình:
- Làm gì có tam văn. Trong tay tôi chẳng có con nào tam văn cả.
Bà Tuyến ném xoẹt cỗ bài xuống:
- Ông đưa bài đây.
Nói rồi bà giằng lấy cỗ bài trên tay ông kia và thoăn thoắt xòe ra.
- Thấy chưa. Ông bảo không có con tam văn, thế thì cái mả cha ông đây à?
Thấy bà Tuyến nổi khùng chửi bậy, người kia vả luôn một cái vào miệng bà ta:
- Mày nói ai là mả cha đấy? Bố láo. Đúng là bài tao có con tam văn thật.
Lúc này bà Tuyến mới đứng dậy xỉa xói mấy người. Thế là một cuộc cờ bạc bỗng trở thành một cuộc cãi nhau chí chóe.
Bình vội vàng can và bảo:
- Thôi, thôi, thôi. Cháu xin các ông, các bà. Nói bé thôi. Ầm làng nước lên thì còn ra cái gì nữa.
Thấy một thằng bé còn ít tuổi can, một bà cũng đứng tuổi bảo:
- Các ông, các bà chơi chán bỏ mẹ. Cờ bạc với nhau, chơi cho nó vui, thế mà lại định làm cái trò bịp bợm này. Thôi, từ nay giải tán sới đi.
Một người đàn ông nói, có vẻ dàn hòa:
- Thôi được rồi. Bây giờ thế này, chúng ta chơi tiếp, xí xóa chuyện cũ đi vàâ cho thằng Bình giám sát, mày phát hiện ai chơi ăn gian mày chỉ luôn.
Bình ngồi nghĩ một lúc rồi bảo:
- Theo cháu, nếu mà chơi góp hội thế này thì ăn gian được. Nhưng bây giờ chơi kiểu khác, đánh quăng, ù ván nào, trả tiền luôn ván ấy. Thế là hết ăn gian.
Một ông ngồi ngạc nhiên bảo:
- Nếu mà đánh quăng như thế, muốn ăn gian cũng được chứ sao.
Bình lắc đầu bảo:
- Cháu hỏi bác, nếu hai người đánh như thế, về sau lại ngồi đếm tiền chia à?
Thấy sáng kiến của Bình hay, mọi người bỏ cách chơi góp hội và chuyển sang đánh quăng.
Tối hôm ấy, bà Tuyến lại thắng được một mớ. Nằm cạnh ông Biểu, bà bảo:
- Cái thằng này tài thật. Cái gì nó cũng biết ông ạ. Hôm nay mà không có nó thì tôi mất khối tiền. Hóa ra bấy lâu nay, mấy con mẹ này, chúng nó lừa mình, nó đánh, nó canh ti với nhau. Thảo nào, lắm hôm mình thấy chúng nó ù cứ như xé vải.
Ông Biểu thở dài bảo vợ:
- Tốt nhất là bà dẹp cái trò này đi. Hôm nào cũng thức đêm, thức hôm.
Bà Tuyến cười rinh rích:
- Bố mày chả hiểu cái gì cả. Các cụ dạy rồi: “Con ơi nhớ lấy lời cha/ Một năm đánh bạc bằng ba năm làm”. Rồi gì nữa nhỉ: “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”, chứ có ai nói đi làm thợ như ông mà kiếm tiền thành giàu được đâu.
***
Thế rồi cái máu cờ bạc trong Bình nó trỗi dậy từ lúc nào không biết. Bình bắt đầu mê mải và trở thành một tay chắn cạ tổ tôm có tiếng. Nhưng đánh mãi trong nhà cũng chán, thế là Bình bắt đầu chơi mở rộng sang hàng xóm ở quanh đấy và bắt đầu đi đánh bạc. Từ cờ bạc rồi Bình cũng biết cách giấu tiền. Làm được 10 đồng thì Bình giấu ông Biểu 3 đồng. Còn ông Biểu thì cứ thấy Bình đưa tiền được về nhiều hơn ngày trước thì phấn khởi lắm.
Nhưng tất cả các trò láu tôm, láu cá của Bình đều bị một người phát hiện. Đó chính là Thủy Tiên.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 12)
Chiều tối hôm ấy, trong bữa cơm, cả nhà chỉ bàn tán về chuyện Bình đánh hai thằng lưu manh đó như thế nào. |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 11)
Nghe nói đến “quân khu Nam Đồng” thì ông Biểu cũng giật mình, bởi từ lâu, đám lưu manh ở khu tập thể Nam Đồng ... |
Ngày đăng: 06:00 | 13/04/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân