Rạng sáng 22/8, Đà Nẵng ghi nhận độ mặn cao nhất của nước thô là hơn 5.200 mg/lít, cao hơn 4 lần so với năm ngoái.
Chiều tối 22/8, Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng triệu tập cuộc họp khẩn với các bên liên quan để bàn phương án cung ứng nước sinh hoạt cho người dân. Hôm nay là ngày thứ tư nhiều khu dân cư ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu phải hứng từng xô nước để dùng.
Đây là cuộc họp thứ hai trong vòng 30 giờ qua, khi thuỷ điện Đắk Mi 4 và A Vương (Quảng Nam) đã xả nước với lưu lượng 95 m3/s theo đề nghị của Đà Nẵng nhưng vẫn không đủ độ mặn cho nhà máy nước Cầu Đỏ (nơi cung ứng 80% nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân Đà Nẵng).
Ngày thứ bốn liên tiếp nhiều nhà dân ở Đà Nẵng không có nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Nhiều phương án được đưa ra để ưu tiên dành nước sinh hoạt cho người dân, như lấy nước tại Cầu Đỏ hoà thêm vào nước từ An Trạch bơm về để tăng công suất (nước sẽ bị lợ trong ngưỡng cho phép); cho phép các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác tối đa nước ngầm; điều chỉnh giảm công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất bia, nước ngọt; khuyến cáo các cơ sở du lịch, nhà hàng hạn chế sử dụng nước trong giờ cao điểm từ 17h đến 24h.
Ông Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi đến hết ngày mai, nếu độ mặn tiếp tục cao thì thành phố sẽ triển khai phương án làm đập tạm ngăn mặn ở khu vực Cầu Đỏ. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục liên hệ đề nghị thuỷ điện xả nước đẩy mặn.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết hai thuỷ điện đã xả nước liên tục trong vòng 24h (từ 15h ngày 21 đến 15h ngày 22/8). Tuy nhiên do khu vực hạ du đang hạn hán nên nước bị thất thoát lớn trên quãng đường khoảng 60 km từ các thuỷ điện về đến nhà máy nước Cầu Đỏ.
Nhờ có nước do thuỷ điện xả, công suất cấp nước được cải thiện nhưng cũng chỉ hơn được vài nghìn khối. Hiện tại, Dawaco cung ứng được 237.000 m3/ngày đêm cho người dân. Trong khi nhu cầu thực tế của mùa du lịch là trên 300.000 m3/ngày đêm.
Người dân Đà Nẵng phải đi xách nước tại các điểm cấp nước di động. Ảnh: G.H. |
Trong khi thuỷ điện đang xả nước về thì tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng. Độ mặn nước thô tại cửa thu ghi nhận lúc 3h37 ngày 22/8 lên đến 5.290 mg/lít. Đây là độ mặn cao nhất từ trước đến nay, vượt xa độ mặn ghi nhận lúc 9h30 ngày 2/7 là 4.411 mg/lít. Năm ngoái, độ mặn cao nhất mới chỉ ở ngưỡng 1.207 mg/lít.
Hiện, độ mặn vẫn đang trên 3.000 mg/lít. Trạm bơm phòng mặn An Trạch đang phải hoạt động hết công suất nhưng cũng chỉ cung ứng được 210.000 m3 nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ vận hành."Chúng tôi cũng đang ngồi trên đống lửa nên rất mong khách hàng thông cảm", ông Hương nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường, cho biết do độ mặn quá cao nên phương án thuỷ điện bơm nước trong một ngày chưa đủ để Đà Nẵng có thể lấy nước trực tiếp từ Cầu Đỏ cho việc vận hành nhà máy. "Chúng tôi mong người dân chia sẻ vì thời tiết quá khắc nghiệt. Dự báo trong 10 ngày tới chưa hẳn đã có mưa", ông nói.
Ngày 18/8, Dawaco thông báo đến khách hàng về việc sẽ giảm công suất cấp nước vì nguồn nước thô tại nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Hôm sau, người dân ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn bị thiếu nước sinh hoạt. Nước chảy nhỏ giọt. Cuộc sống đảo lộn, nhiều người phải đi xin, mua nước đóng chai về sử dụng.
Đây là lần thứ ba từ tháng tư đến nay, người dân Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt.
Đà Nẵng thiếu nước, các hồ thủy điện xả nước cầm chừng
Những ngày qua, người dân thành phố Đà Nẵng lại khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. |
Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng, nhiễm mặn kéo dài
Công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải được khoảng 210.000m3/ngày, không đủ cho nhu cầu 300.000m3/ngày của Đà Nẵng. |
Nước nhiễm mặn gấp 8 lần, Đà Nẵng cắt nước diện rộng
Một số khu vực như quận Cẩm Lệ, Sơn Trà và Hải Châu tại Thành phố Đà Nẵng đang tái diễn tình trạng thiếu nước ... |
Ngày đăng: 07:19 | 23/08/2019
/ vnexpress.net