Một số trung tâm bán đồ điện tử tại châu Á đang "ngập lụt" vì nhiều khách tìm mua thiết bị đào tiền kỹ thuật số.
Trung tâm mua sắm Sham Shui Po của Hong Kong và Sim Lim Square ở Singapore đang trở thành điểm đến của các "thợ mỏ" (người khai thác tiền điện tử) từ khắp nơi trên thế giới tìm mua máy "đào" và linh kiện. Một số "thợ mỏ" chỉ mua các thành phần riêng lẻ như bo mạch chủ, chip, bộ xử lý đồ hoạ (GPU), quạt, nguồn hay ổ cứng... Tuy nhiên, ngay cả khi ráp thành "trâu" (máy đào) hoàn chỉnh với chi phí tăng thêm một chút thì sản phẩm hoàn chỉnh vẫn là "món hời" với nhiều người.
"Nó rẻ hơn 30-50% khi mua thiết bị đào tiền điện tử ở Hong Kong so với mua ở châu Âu", nhà đầu tư Bitcoin đến từ Nga tên Dima Popov nói. Lý do là Hong Kong không tính thuế và vị trí gần với các nhà cung cấp linh kiện. Popov mua card đồ hoạ, bo mạch chủ và nguồn tại Hong Kong rồi mang về đào tiền kỹ thuật số tại Nga, nơi có giá điện khá rẻ và khí hậu lạnh phù hợp cho việc khai thác mỏ.
Một máy đào tiền điện tử được bày bán ở một trung tâm máy tính Hong Kong. |
Nhu cầu trên đã giúp các trung tâm mua sắm công nghệ ở châu Á trở nên nhộn nhịp hơn, nơi trước đó khá trầm lắng vì nhu cầu máy tính cá nhân giảm. Những cửa hàng trước đó chủ yếu phục vụ người địa phương, bán điện thoại và các đồ tiêu dùng giờ đang chào đón khách nước ngoài mua thiết bị phần cứng.
Trong các kho mà Reuters mô tả rằng rộng như cả khoang máy bay, máy đào tiền ảo được xếp chồng lên nhau. Tại Hong Kong, chủ cửa hàng nói, hầu hết người mua ở đây đến từ Nga. Ngoài ra, cũng có khách hàng châu Âu, châu Phi và Hàn Quốc. Trong khi đó, Singapore lại thu hút khách ở các nước lân cận do chi phí rẻ.
Linh kiện máy đào tiền điện tử chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc với chip của AMD (trâu đỏ) và Nvidia (trâu xanh). Các công ty này đang tìm kiếm những khách hàng bên ngoài do lo ngại Bắc Kinh sẽ kiểm soát các "thợ mỏ" tiền ảo.
"Chúng tôi bán được nhiều hơn trong vài tháng nay và thường xuyên trong tình trạng hết hàng", Grant Mak của C. Base Computer, cho biết.
Jerry Wu, quản lý cửa hàng của công ty công nghệ Wisetek, cho hay việc bán thiết bị đào tiền điện tử giúp đem lại lợi nhuận cao hơn 50% so với các linh kiện máy tính khác và mang về cho ông khoản tiền 6.400 - 7.700 USD (khoảng 175 triệu đồng) mỗi tháng.
Mỗi máy đào thường gồm nhiều card đồ hoạ để xử lý các phép toán phức tạp và đây cũng là thành phần tiêu tốn nhiều điện năng cũng như có giá đắt nhất trong một hệ thống. Khi làm việc, thợ mỏ được trao quyền xác nhận giao dịch blockchain và trả công là các đồng tiền điện tử.
Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết có những thời điểm thợ mỏ chỉ mất khoảng ba tháng để lấy lại vốn đầu tư máy móc. Tuy nhiên, với những người khai thác nhỏ lẻ, đặt máy tại nhà thì thời gian này có thể kéo dài hơn.
Khi các thợ mỏ lao vào mua card đồ hoạ là cơ hội cho các nhà sản xuất chip. Mỗi hệ thống máy đào thường có giá từ vài nghìn USD cho đến hàng chục nghìn USD, thậm chí hơn vậy. Và dĩ nhiên chip là thành phần đắt nhất trong đó. Theo Samsung, nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới, nhu cầu bùng nổ với các bộ xử lý đồ hoạ được sử dụng trong việc đào tiền điện tử đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó TSMC (Đài Loan) cũng coi việc phục vụ nhu cầu đào tiền kỹ thuật số là một phần trong mảng kinh doanh của họ. "Nhu cầu của thị trường tiền kỹ thuật số là rất mạnh nhưng dĩ nhiên nó phụ thuộc vào giá của các đồng tiền này. Giá của tiền điện tử lại rất dễ \'bốc hơi\' song nhu cầu hiện tại và trong năm qua rất mạnh và chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng thêm", Chủ tịch TSMC, Morris Chang, cho biết.
Singapore cũng chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu thiết bị đào tiền điện tử. Anuj Agarwal, một chuyên gia với 39 năm làm việc, cho biết đã thực hiện các giao dịch với người mua đến từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nga. "Người nước ngoài đến Singapore vì có sẵn nguồn cung thiết bị đào tiền kỹ thuật số và họ tin tưởng đất nước này", Agarwal nói. "Thậm chí có cả những người trẻ chỉ khoảng 16 tuổi đi cùng cha mẹ".
Liu Xiao Yu, chủ cửa hàng Video-Pro, cho biết anh không đáp ứng đủ nhu cầu. "Có khách hàng đã đặt 500 card đồ hoạ với số tiền lên đến 263 nghìn USD (khoảng 6 tỷ đồng)", Liu nói. "Tuần trước, có người tìm tôi để hỏi về 1.000 GPU nhưng tôi có thể sẽ phải từ chối vì nguồn cung không đủ".
Mặc dù Bitcoin đã mất 60% so với đỉnh điểm 20.000 USD nhưng điều này dường như không làm giảm nhu cầu của những chủ mỏ khai thác quy mô lớn. "Các nhà đầu tư cá nhân có thể lúng túng nhưng các "ông chủ" không thực sự quan tâm. Những người chơi lớn mới là khách hàng chính của chúng tôi", Roy Chan, Giám đốc cửa hàng BNW Technology ở Hong Kong, cho biết.
Tại Singapore, một số cửa hàng nói doanh thu giảm 40% khi giá Bitcoin biến động mạnh, nhưng họ không lo ngại về điều này. "Một khi giá Bitcoin tăng trở lại, chúng tôi sẽ lại nhận được nhiều cuộc gọi và email của khách hàng trên toàn thế giới", Agarwal của trung tâm Bizgram, chia sẻ.
Châu Âu cảnh báo tiền ảo không thích hợp để đầu tư Ba quan chức thuộc Liên minh châu Âu (EU) vừa lên tiếng cảnh báo rằng tiền thuật toán là loại tài sản có rủi ro ... |
Tóm trùm gian lận online, thu giữ 840 triệu USD tiền bitcoin Hàng chục cảnh sát Thái Lan có vũ trang đã tập kích và bắt giữ Sergey Medvedev, ông trùm gian lận trực tuyến điều hành ... |
Ngày đăng: 16:45 | 24/02/2018
/ vnexpress.net