Kể từ đợt mưa lũ lớn sau bão số 12, nhiều cửa biển miền Trung vừa bồi lắng vừa lở bất thường, trong khi các kết quả nghiên cứu để ứng phó vẫn đang trong giai đoạn 'tiền khả thi'.

Tàu công suất 30CV trở lên phải nằm bờ gần 1 tháng qua.

Chậm nạo vét

Đến hôm qua 4.12, kế hoạch nạo vét luồng lạch cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) vẫn chưa thể triển khai do diễn biến mưa lũ kéo dài liên tiếp. Trước đó, hôm 17.11, Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) phối hợp với UBND TP.Hội An cùng ngư dân địa phương đã khảo sát, tạm thống nhất sẽ nạo vét khai thông luồng tuyến theo hướng bắc. Đây là hướng lưu thông “cũ”, trong khi luồng tuyến sử dụng gần đây dẫn theo hướng nam. Ước tính, chủ đầu tư (Cục Đường thủy nội địa) sẽ phải nạo vét khoảng 80.000m3 cát dọc chiều dài 800m, rộng 40 m, sâu tối thiểu 3 m… Mặc dù vậy, giải pháp cấp bách này buộc phải tạm hoãn dài ngày.

Như vậy, đã gần 1 tháng qua kể từ sau đợt mưa lũ lớn do ảnh hưởng bão số 12 ở miền Trung, ít nhất 746 thuyền công suất 30CV trở lên của ngư dân Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình (Quảng Nam) vẫn đang mắc kẹt bên trong cửa Đại. Biên bản kiểm tra luồng cửa Đại hôm 13.11 từ Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đại về hướng đông khoảng 2km (do Đồn biên phòng Cửa Đại chủ trì) xác nhận luồng biển Cửa Đại bắt đầu bị bồi lấp nặng gần 1 km. Cụ thể, từ phao luồng màu đỏ trên thực địa, vết bồi lấp kéo về hướng đông khoảng 200m, về hướng tây khoảng 800m. Mực nước đo tại đoạn bồi lấp (lúc thủy triều đang lên cao) chỗ cạn nhất 1,5m, chỗ sâu 2m. Chính vì thế, tàu thuyền từ 30 CV trở lên không thể ra vào, chỉ có thuyền thúng đi được nhưng phải nương theo con nước vì khu vực cửa biển sóng to gió lớn, rất nguy hiểm. Chính vì vậy, UBND TP.Hội An đã gửi tờ trình đề nghị các cơ quan liên quan khẩn cấp nạo vét cửa biển và thả phao phân luồng giao thông.

cua bien xoi lo bat thuong

Năm ngoái, biển Hội An có dấu hiệu bồi cát, thấy hơi vui vui, nhưng qua đợt bão lũ vừa rồi thì lại phá. Chưa có gì ổn định

cua bien xoi lo bat thuong

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Trước đó, dự án nạo vét luồng lạch do Cục Đường thủy nội địa thực hiện đã hút 70.000 m3 trong tổng số khoảng 120.000 m3 cần nạo vét, nhưng đợt mưa lũ vừa qua đã khiến tình trạng bồi lấp trở nên nặng hơn. “Chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam để Đoạn quản lý đường thủy nội địa tỉnh Quảng Nam đo đạc, khảo sát, nạo vét khẩn cấp khoảng 50.000 m3 để giải cứu hàng trăm tàu thuyền đang mắc cạn”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, nói.

Tàu nằm bờ, ngư dân lo đói

Tàu thuyền mắc cạn kéo theo nhiều hệ lụy. “Sẽ có đến 1.000 lao động bị đói. Năm ngoái, luồng cửa Đại cũng đã bị bồi lắng khiến tàu cá nằm bờ suốt 4 tháng. Hội An đã tổ chức nạo vét cùng với Cục Đường thủy nội địa, nhưng bây giờ bị lấp lại rồi”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Gần 1 tháng trôi qua nhưng tại cảng cá Cửa Đại (TP.Hội An), tàu thuyền công suất từ 30CV trở lên neo đậu san sát. Ở một vài thời điểm, tàu thuyền công suất nhỏ hơn (dưới 30CV) khi “liều mình” ra khơi đã phải vừa chạy vừa "dò đường" bằng sào tre. Các chuyến ra khơi bị ách tắc khiến ngư dân lo lắng. Theo ngư dân Nguyễn Ngọc Mỹ (45 tuổi, P.Cửa Đại, TP.Hội An, chủ tàu QNa 92.440 công suất 410CV), đây là lần cửa Đại bị bồi lấp nặng nhất. “Với cảnh thường xuyên nằm bờ thế này, chúng tôi biết lấy chi để ăn?”, ông Mỹ buồn bã.

Ngư dân Lê Hải (42 tuổi, trú P.Cửa Đại, TP.Hội An, chủ tàu QNa 93.195 công suất 420CV) vẫn đang theo dõi sát diễn biến bồi lấp. Theo anh Hải, nhiều khu vực luồng lạch cạn chừng 0,5m khi thủy triều xuống, trong khi tàu lớn của anh muốn ra biển thì khu vực cửa phải có mức nước tối thiểu 2,5m. “Bão hết, lũ rút nhưng tàu vẫn tiếp tục nằm bờ vì luồng bồi lấp. Chủ trương nạo vét, thông luồng cửa biển trước đó xem ra không ăn thua”, ngư dân Hải nói.

cua bien xoi lo bat thuong

Hàng trăm tàu thuyền từ 30CV nằm bờ do cửa Đại bị bồi lấp nặng Ảnh: M.C

Vẫn chờ “giải pháp tối ưu”

Khởi động từ tháng 1.2016, dự án quan trắc cửa biển Hội An vừa kết thúc hồi tháng 9 với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp AFD (300.000 euro) cùng nguồn vốn đối ứng 5 tỉ đồng của tỉnh Quảng Nam. Dự án này được kỳ vọng sẽ đưa ra được các luận cứ khoa học vững chắc về cơ chế xói lở và bồi tụ ở khu vực bờ biển Cửa Đại, từ đó có đánh giá một cách khoa học và xác định giải pháp quan trọng mang tính bền vững cho việc phục hồi bãi biển Cửa Đại… Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp, phân tích nguyên nhân xói lở… nhưng hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau và cần tiếp tục phản biện. “Năm ngoái, biển Hội An có dấu hiệu bồi cát, thấy hơi vui vui, nhưng qua đợt bão lũ vừa rồi thì lại phá. Chưa có gì ổn định. UBND tỉnh Quảng Nam đang giao Viện Khoa học thủy lợi tiếp thu kết quả từ các đề tài nghiên cứu, cuối năm 2017 trình giải pháp chống xói lở cấp bách”, ông Thanh nói. Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ báo cáo để Bộ NN-PTNT chủ trì, bàn thảo giải pháp chống xói lở tại khu vực biển Cửa Đại, song song với phương án kè cứng dọc biển Hội An đang triển khai.

Đáng chú ý, kết quả quan trắc sau 1 năm cho thấy việc xây dựng thủy điện bậc thang ở thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn chỉ là một trong số các nguyên nhân. Theo ông Lê Trí Thanh, các nhà khoa học nhận thấy có nhiều vấn đề cần theo dõi về chế độ dòng chảy ven bờ, chế độ sóng, tính phức tạp cửa sông - cửa biển… Kết quả phân tích này tiếp tục “đẩy” câu chuyện ứng phó sạt lở vùng hạ du Vu Gia - Thu Bồn vào tình thế mới khi chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể để có giải pháp tối ưu. Cần nhắc lại, trước khi khởi động dự án quan trắc này, hàng loạt cuộc hội thảo do chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã mở, nhưng ý kiến của những chuyên gia hàng đầu vẫn “phân tán” khi đề xuất giải pháp và cơ chế chống xói lở bờ biển Cửa Đại.

Như vậy, Quảng Nam tiếp tục “trễ hẹn” khi thời điểm triển khai đồng bộ chống xói lở tại khu vực bờ biển Cửa Đại kể từ tháng 6.2017 mà chính quyền địa phương từng dự tính triển khai đã không thực hiện được. Trong khi chờ một “giải pháp tối ưu”, những người quan tâm đến diễn biến bất thường tại biển Hội An lo lắng khi nhận thấy cửa chính và cửa phụ đều mở rộng hơn kể sau đợt mưa lũ hồi đầu tháng 11.

Hệ lụy từ các cửa biển mới

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam) cho biết chính quyền địa phương vẫn “chưa hình dung” lý do vì sao bờ biển Hội An bị xói lở bất thường như vậy. Ngoài cửa phụ Cửa Đại (cách cửa chính khoảng 100 m) bị mở từ đợt lũ lớn cuối năm 2016, thì ở dải bờ biển về phía bắc đoạn khách sạn Victoria cách cửa Đại hơn 3km, tình trạng xâm thực cũng đang diễn biến bất thường. Cửa phụ ở Cửa Đại bị mở mới có thể luồng nước mạnh từ thượng nguồn Thu Bồn đổ về tìm hướng thoát mới ra biển, do luồng cửa chính bị bồi lấp. “Nhưng đợt lũ năm nay, cả cửa chính lẫn cửa phụ đều bị bồi lấp. Ngư dân địa phương rất lo”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, cơ quan chuyên môn bước đầu ghi nhận nguy cơ mở cửa biển mới ở H.Phú Lộc là do biển xâm thực mạnh và sâu vào đất liền. Thậm chí, có điểm nước biển đã tràn vào đồng ruộng, nguy cơ mở thêm một của biển mới, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ đông xuân năm 2017-2018. Ông Nguyễn Hữu, quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải (H.Phú Lộc), cho biết nước biển băng qua tỉnh lộ 21 làm ngập mặn khoảng 300ha đất nông nghiệp, hoa màu và khoảng 15 ha thủy sản ở vùng cao triều của người dân nuôi vượt lũ cho vụ tết.

H.X.Huỳnh - Bùi Ngọc Long

cua bien xoi lo bat thuong Dân Quảng Ngãi thẫn thờ nhìn nhà cửa đổ ập xuống sông, xuống biển

Tại tỉnh Quảng Ngãi từ đầu tháng 11 đến nay, mưa lũ kéo dài cộng với triều cường làm bờ sông, cửa biển sạt lở ...

cua bien xoi lo bat thuong Sông Chà Và xuất hiện dày đặc \'chất lạ\'

Ngày 21.8, từ cửa biển vịnh Gành Rái vào sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), các ngư dân bỗng nhiên ...

Ngày đăng: 06:00 | 06/12/2017

/ Thanh niên