Khi một trận động đất, sóng thần tàn phá châu Á hồi tháng 12/2004, Manmohan Singh, thủ tướng Ấn Độ lúc đó, cho rằng đã đến lúc phải tự lực.
"Chúng tôi cảm thấy có thể tự mình đương đầu với tình huống này. Chúng tôi sẽ nhận giúp đỡ nếu cần", cựu thủ tướng Singh phát biểu hồi năm 2004.
Đây được cho là một trong số những tuyên ngôn chính trị sắc bén về sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Ấn Độ, thể hiện qua việc chính phủ Singh đề nghị viện trợ cho Mỹ sau bão Katrina năm 2005, cũng như cho Trung Quốc sau trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008.
Quyết tâm dựa vào chính mình, ngừng nhận viện trợ từ các nước khác khi đối phó thảm họa được Ấn Độ coi là vấn đề thể diện quốc gia. Đường lối này vẫn được duy trì dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, bất chấp áp lực trong trận lũ lụt tại bang Kerala phía nam hồi năm 2018. Ông cũng liên tục vận động với khẩu hiệu "Atmanirbhar Bharat", nghĩa là Ấn Độ tự chủ, giữa lúc Covid-19 càn quét toàn cầu.
Tuy nhiên, Modi đã buộc phải thay đổi chính sách. Trong bối cảnh người dân gục chết ngay trên đường, các bệnh viện thiếu oxy, lò hỏa táng hoạt động hết công suất vì làn sóng Covid-19 thứ hai, chính phủ Ấn Độ đã chấp nhận đề nghị giúp đỡ từ gần 40 quốc gia khác.
Các thành viên gia đình tập trung gần nơi hỏa táng người thân qua đời vì Covid-19 tại thành phố Allahabad, Ấn Độ, hôm 4/5. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi đã trao viện trợ và bây giờ nhận được sự giúp đỡ. Điều này cho thấy một thế giới đang hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau", quan chức ngoại giao hàng đầu Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết.
Sushant Singh, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Ấn Độ, đánh giá đây là lời biện minh cho bước ngoặt đáng xấu hổ đối với chương trình nghị sự mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa của Thủ tướng Modi 7 năm qua, bao gồm tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc trên thế giới.
Gần đây, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar vẫn nhiệt tình quảng bá cho chương trình "Vaccine Hữu nghị" của chính phủ, trong đó New Delhi đã cung cấp khoảng 66,4 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ cho 95 quốc gia. Số vaccine này nằm trong các hợp đồng thương mại, viện trợ song phương, hoặc thuộc khuôn khổ chương trình Covax, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng tại Ấn Độ lại bị đánh giá yếu kém. Mới chỉ khoảng 2% người dân nước này được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, dù Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Thất bại trong công tác tiêm chủng được cho là một nguyên nhân chính dẫn đến đợt bùng phát dịch không thể kiểm soát.
Ấn Độ giờ đây lại đang chờ đợi 20 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Mỹ, cũng như hỗ trợ từ những đối tác truyền thống khác như Nga. Trớ trêu hơn, họ thậm chí chấp nhận nguồn cung từ Bắc Kinh, quốc gia láng giềng có quan hệ ngày càng căng thẳng với New Delhi dưới thời Modi.
Chuyên gia Singh chỉ ra điều đặc biệt cay đắng với Thủ tướng Ấn Độ là ngay cả Pakistan cũng đề nghị hỗ trợ vật tư và thiết bị y tế. Bên cạnh đó, tình hình đại dịch nghiêm trọng đến mức Ấn Độ hiện phải nhập khẩu oxy y tế từ vương quốc Bhutan nhỏ bé trên dãy Himalaya.
Hầu hết người dân Ấn Độ còn nhận thức được rằng đất nước đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế từ năm ngoái. Do đó, nhận viện trợ song phương là điều bắt buộc phải làm, thay vì một lựa chọn.
"Modi tự hào rằng đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc thế giới và tự mình nâng cao uy tín quốc gia thông qua hàng loạt chuyến công du toàn cầu. Nhiều người ủng hộ ông thậm chí bắt đầu tưởng như Ấn Độ đã ngang hàng với Mỹ và Trung Quốc", Singh đánh giá.
"Nhưng giờ đây, những người ủng hộ Modi nhận ra giấc mộng trở thành cường quốc toàn cầu đã tan biến. Thay vào đó, họ phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng Ấn Độ đang bị coi là quốc gia thuộc thế giới thứ ba, một lần nữa phụ thuộc vào sự hào phóng của kẻ khác", chuyên gia nói thêm.
Đại dịch còn gây tổn hại cho Ấn Độ theo nhiều cách khác. Australia, một thành viên cùng nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ) với Ấn Độ, ban lệnh cấm nhập cảnh đối với toàn bộ những người đến từ Ấn Độ, kể cả công dân Australia, cho đến ngày 15/5, thậm chí đe dọa bỏ tù người vi phạm.
Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo hồi tháng 3, nhóm Bộ Tứ đặt mục tiêu cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho đến cuối năm 2022. Số vaccine này được lên kế hoạch sản xuất tại Ấn Độ, do Mỹ và Nhật Bản tài trợ, Australia phân phối. Đây được coi là sáng kiến nổi bật nhằm chuyển hướng cách tiếp cận tập trung vào an ninh của Bộ Tứ, đồng thời giảm bớt "điều tiếng" về một nhóm chống Trung Quốc.
Tuy nhiên, với việc Ấn Độ đang vật lộn tập hợp vaccine cho công dân của chính mình, Bộ Tứ có khả năng sẽ không thể duy trì tiến độ kế hoạch. Theo chuyên gia Singh, tình huống này khiến vai trò của New Delhi trong Bộ Tứ bị suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, Trung Quốc dường như còn lợi dụng nỗi bất hạnh của Ấn Độ để giành lợi thế trong tranh chấp biên giới giữa hai nước, đồng thời tăng cường quan hệ với các quốc gia Nam Á khác. Hôm 27/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp từ Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka về hợp tác chống Covid-19.
Ấn Độ không có mặt trong cuộc họp này. Mặc dù Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka đã nhận một số lô vaccine Covid-19 từ Ấn Độ và dự kiến tiếp nhận thêm, những nước này giờ đây lại hướng về phía Trung Quốc, trong bối cảnh New Delhi không kịp giao hàng theo các hợp đồng thương mại và chương trình Covax.
Ngoại trưởng Jaishankar từng ca ngợi rằng dưới thời Thủ tướng Modi, con đường ngoại giao của Ấn Độ được tỏa đi nhiều hướng cùng lúc. Tuy nhiên, chuyên gia Singh đánh giá tất cả đều đã đi vào ngõ cụt.
"Đất nước sẽ cần sự khiêm tốn, chân thành và nỗ lực phi thường để vực dậy và làm lại từ đầu", Singh nói.
Ánh Ngọc (Theo Foreign Policy)
Ca tử vong Covid-19 Ấn Độ có thể vượt một triệu vào tháng 7 |
Phái đoàn Ấn Độ sang Anh dự G7 có ca mắc COVID-19, Ngoại trưởng phải cách ly |
Ngày đăng: 07:54 | 06/05/2021
/ vnexpress.net