Khi nó bé thì nó yêu mình, nhưng khi lớn thì nó yêu rừng, nó yêu đồng loại của nó. Mình không giữ nó được đâu.
Con hổ Leng (Kỳ 46) |
Con hổ Leng (Kỳ 45) |
Con hổ Leng (Kỳ 44) |
Thoong Kẹo lại thủng thẳng:
- Tôi và anh giống nhau, là đều yêu rừng, thương các con thú. Nhưng nếu chỉ có một mình thì có thương, có quý cũng chẳng làm gì được. Hôm nọ, tôi nghe đồng chí Chủ tịch tỉnh bên ấy sang thăm và nói chuyện rằng Việt Nam sắp phá hết rừng rồi. À, mà người ta lại còn cho phá rừng trồng cao su, thế là chết cả rồi, lấy đâu chỗ cho con chim, con thú nữa.
Ông Tài nghe mà chợt thấy lạ:
- Sao bảo trồng cây cao su là xóa đói giảm nghèo?
Thoong Kẹo bật cười:
- Đấy là thủ đoạn, là giọng lưỡi của mấy thằng doanh nghiệp. Nó muốn phá rừng hợp pháp, nên nói là để trồng cây cao su, nó rót cho người dân ít tiền để trồng cao su, nó hối lộ chính quyền để được ủng hộ. Rừng nguyên sinh đang che kín đất, nó phá sạch và chở gỗ đi bán. Rồi dân trồng cao su, sống hay chết, có mủ hay không có, bán cho ai… nó chả quan tâm nữa. Mà có loài chim thú nào sống được trong rừng cao su đâu. Đến con chuột cũng không sống nổi trong rừng cao su.
Ngừng một lát, Thoong Kẹo nói vẻ thông cảm:
- Tôi nghe nhiều người kể về việc anh nuôi con hổ. Anh cứu sống nó, nuôi được đến giờ là công lao trời biển rồi. Nhưng cũng phải bán nó đi thôi, không nuôi được đâu. Lo cho nó ăn, mình mua đâu ra thịt. Rồi nhỡ nó xổng chuồng, tát chết người thì họa lớn lắm… Nên bán nó đi anh Tài ạ. Cứ nghĩ cho kỹ, tôi nuôi nhiều thú rồi tôi biết. Mà đau lắm anh Tài ạ. Có con gấu tôi cứu được nó, nuôi nó khỏe mạnh, mình mang vào rừng thả. Mấy ngày sau, nó bị thợ săn bắn chết. Chúng chỉ lấy mật và chặt bốn bàn chân…Trước đó, cũng có gánh xiếc đến mua nó, tôi không bán.
Kể đến đấy, nét mặt Thoong Kẹo dại hẳn đi. Ông rót cho mình đầy bát rượu rồi ngửa cổ uống hết sạch. Biết ông Tài đang phân vân, Thoong Kẹo lảng đi chuyện khác:
- Ở đây chơi với tôi vài ngày. Tôi đưa anh về Luông Nậm Thà chơi. Dưới đó bây giờ vui lắm. Người Trung Quốc kéo sang làm đường, buôn bán, lập làng, lập bản.
Ông Tài cũng rót cho mình bát rượu và uống hết. Ông bảo Thoong Kẹo:
- Tôi không đi chơi được. Thằng Minh nhà tôi chuẩn bị đi học Liên Xô, tôi phải về.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Bát rượu làm ông Tài choáng váng. Ông phải ngồi dựa lưng vào cột nhà. Và tự dưng ông thấy như con Leng hiện ra trước mặt. Nó nhìn ông bằng ánh mắt buồn rười rượi… Miệng nó mấp máy như muốn nói gì với ông. Và từ trong sâu thẳm của tâm trí, ông nghe thấy nó van vỉ: “Ông ơi, ông đừng bán con ông nhé. Ông cho con ở với ông, con ở với rừng”. Bóng hình con Leng làm ông Tài như kẻ ngủ mê sực tỉnh. Ờ, mà sao đã lóa mắt lên vì mấy lạng vàng hả Tài - Ông tự nói với mình - Từ ngày mang nó về, mi đã coi nó như con, mi đã thề là phải thả nó về rừng để cứu rừng, để rừng Mường Mun không phải là khu rừng chết… Rừng mà không còn tiếng hổ gầm thì rừng chỉ còn là rừng chết. Mi đã coi nó như con, vậy có thằng bố nào nào lại mang con mình đi bán không?
Thoong Kẹo lại cười khà khà, nâng bát rượu lên, uống một hơi hết sạch rồi nói với ông Tài vẻ tự hào:
- Vừa rồi, tôi được cái ủy ban gì đấy nó cấp cho tôi cái bằng khen và họ mời tôi đi sang Myanmar để dự một cái cuộc gặp mặt những người có công nuôi dưỡng thú quý. Ôi, tôi chả đi đâu, vì mình phải tự túc chi phí đi lại, ăn ở. Họ cần thì đến đây, mình kể cho họ nghe, chứ việc gì mình phải đi đâu mà kể. Tôi đã thả về rừng hai con hổ. Gấu thì tôi thả nhiều lắm, không đếm được.Tôi còn thả một con báo nữa và hai con voi.
Ông Tài như choàng tỉnh:
- Sau này, ông có gặp lại con nào không?
Thoong Kẹo ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Bọn gấu thì hay gặp, vì gấu nó không đi xa. Có con nó nhớ mình, nhưng có con thì không. Còn hổ, thì chỉ gặp có một con. Hôm đó, nếu như mình không nhớ tên con hổ đấy thì có khi nó vồ chết mình rồi. Con hổ ấy tôi đặt tên cho nó là Samakhi. Sở dĩ nó có cái tên đấy là vì có một tổ bộ đội Việt Nam nhặt được nó ở rừng, chắc mẹ nó bị chết. Họ mang đi rồi gặp tôi thì họ nhờ tôi nuôi. Thế là tôi và các anh bộ đội Việt đặt tên cho nó là Samakhi (đoàn kết). Tôi nuôi nó được gần một năm thì tôi thả nó đi. Ngày còn bé, tôi cắt một góc tai của nó để đánh dấu, khi thả nó đi, nó đã được khoảng 70 cân. Hôm tôi gặp nó ở rừng, nó đã nhún chân, quật đuôi để vồ tôi. May mà tôi nhìn thấy góc tai của nó bị xẻ, nên tôi gọi “Samakhi, Samakhi, Thoong Kẹo đây”. Thế là nó đến với tôi, nó nhìn tôi một lát rồi bỏ đi, tôi chẳng nói chuyện được với nó.
Nghe Thoong Kẹo kể vậy, ông Tài sáng mắt lên, ông hỏi:
- Thế lúc thả nó đi, anh làm thế nào?
Thoong Kẹo nói:
- Khi nó còn nhỏ thì ở bản này, nó cũng chơi đùa với chó với lợn, với cả trẻ con. Nhưng khi nó càng lớn, thì nó càng nhớ rừng và hay nổi cáu. Tôi sợ nó gây họa cho trẻ con ở bản nên buộc phải thả nó sớm. Tôi cho nó theo vào rừng, thấy nó tự vồ được lợn để ăn là tôi biết nó có thể tự kiếm sống được. Thế là tôi đưa nó đi qua suối, sang bên khu rừng bên, rồi thả nó ở đấy, cũng phải đi mất gần một ngày đường đấy.
Ông Tài ngạc nhiên:
- Thế lúc ông về, nó không theo ông à?
Thoong Kẹo lắc đầu:
- Khi nó bé thì nó yêu mình, nhưng khi lớn thì nó yêu rừng, nó yêu đồng loại của nó. Mình không giữ nó được đâu. Lúc đầu, cũng sợ nó lại theo về, nhưng tiếng của rừng đã giữ nó lại.
Ngừng một lát, Thoong Kẹo lại hỏi:
- Anh sẽ bán nó chứ?
Ông Tài lắc đầu kiên quyết:
- Tôi không bán đâu. Tôi thả nó về rừng. Tôi sang đây là cũng chỉ để hỏi anh việc ấy thôi.
Thoong Kẹo cười sảng khoái:
- Xin lỗi người anh em. Tôi lại tưởng anh sang đây là muốn tìm bán nó. Đúng rồi. Phải trả nó về rừng. Nó là của rừng, nó không phải là của mình. Còn như anh em mình, có thêm vài lạng vàng cũng chả giàu, mà bớt đi vài lạng cũng chẳng chết. Trời Phật cho mình thế nào, mình hưởng vậy.
Rồi Thoong Kẹo rót rượu đầy bát của mình và bát của ông Tài. Thoong Kẹo đưa bát rượu lên:
- Kiếp trước, chắc anh cũng là con hổ hoặc kiếp trước con Leng của anh là người.
Câu chuyện với Thoong Kẹo khiến ông Tài thấy nhẹ nhõm trong người, bởi ông hiểu rằng việc đưa con Leng trở lại rừng là hoàn toàn được.
***
Trong những ngày ông Tài đi sang Lào gặp Thoong Kẹo thì Minh ở nhà với đàn thú và đã có một chuyện bất ngờ đến kỳ lạ xảy ra, khiến Minh không làm sao hiểu nổi.
Ngay sáng hôm ông Tài đi, con Leng bị nhốt vào trong khu chuồng. Đầu tiên thì nó lồng lộn chạy quanh và mấy lần nhảy lên để tìm cách thoát ra ngoài chạy theo ông Tài. Nhưng hàng rào bằng gỗ ken dày chắc chắn, cao đến gần bốn mét, mà lại được dựng theo kiểu cắm ngả vào trong cho nên, cố lắm nó cũng chỉ với được một chân trước lên và không đủ sức đu cả mình lên hàng rào. Từ bên ngoài, Minh nhìn qua lỗ cửa, anh hoảng sợ thấy con Leng mắt long lên sòng sọc và có những lúc nó lao như đâm sầm vào cánh cửa, làm Minh bật người ra. Minh gọi con Lếch đến dỗ dành: “Lếch à, con Leng nó nhớ ông, nó muốn đi theo ông đấy. Mày vào an ủi nó và bảo nó ông chỉ đi hai ngày ông về thôi”. Con Lếch vào chuồng và nó nhìn con Leng bằng ánh mắt chứa đầy sự thông cảm, bao dung và thương yêu. Con Leng thấy mẹ nuôi vào thì máu nóng trong người nó nguội hẳn đi. Nó nằm phủ phục xuống, đầu gối lên chân trước, ánh mắt dõi về hướng ông Tài đi. Nhìn ánh mắt của nó, Minh không cầm được lòng, anh không dám nhìn nữa. Con Leng và con Lếch nằm một tư thế giống nhau, và cả hai đều im lặng. Trong lòng con Lếch chắc chắn biết rằng, con Leng đang nhớ ông Tài lắm và nó cũng không hiểu tại sao hôm nay ông Tài đi đâu mà lại không cho nó đi theo. Nó biết bây giờ có hành động gì với con Leng, có an ủi gì cũng không làm nó dịu đi được mấy, cho nên tốt nhất là im lặng.
Còn con Leng, nó nằm đó mà hồn nó như đang đi theo ông Tài. “Hôm nay ông đi đâu nhỉ? Tại sao ông không cho nó đi theo? Chắc chắn không phải là ông đi nương rồi, nếu đi nương thì ông đã không có balô, còn đi nương thì ông không bao giờ mang theo khẩu súng”. Nó linh cảm rằng, ông đang đi đâu đó rất xa và để làm một việc gì đó quan trọng. Từ trong sâu thẳm trí nhớ, từ những tia sáng tâm linh ở đâu đó mách bảo, nó chắc chắn chuyến đi này của ông sẽ liên quan đến vận mệnh của nó. Nó có cảm giác, nó không thể nào sống xa ông được . Bởi lẽ, mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười, mỗi lời nói của ông đối với nó đều có một sự gắn bó máu thịt nào đấy. Mỗi lần ở gần ông, trong thâm tâm nó chỉ muốn làm một điều gì đó để cho ông vui, rồi để được bàn tay thô ráp của ông xoa đầu, rồi để được ông vật ra, vạch mồm nó đếm từng cái răng, thậm chí còn lắc lắc cái răng nanh xem chắc hay không. Nó rất thích thè lưỡi liếm bàn tay của ông, bàn tay thô ráp sần sùi vì chai sạn. Mỗi khi bàn tay của ông vuốt lên lưng, lên đầu nó là nó thấy như có một luồng sức mạnh nào đấy chạy đến từng tế bào, ngấm đến từng đường gân thớ thịt và nó chỉ muốn ông đừng rời bàn tay ra. Nó muốn phá tung cái chuồng này để được chạy theo ông. Nó biết, bây giờ ông đã đi xa lắm rồi. Nhưng, hơi của ông, mùi của ông sẽ còn vương trên những lá cây, ngọn cỏ trên con đường ông đi, mà hơi hướng của ông thì nó không thể nào quên được. Ngay cả đối với Minh, ngay từ khi gặp, từ Minh tỏa ra một mùi hơi người, có phảng phất giống như hơi của ông Tài, chính điều đấy đã làm cho nó nhanh chóng thân thiện với Minh. Nhưng khi ông Tài đi rồi, đối với nó Minh cũng đã bắt đầu xa lạ.
Buổi chiều hôm đó, Minh sang nhà kiểm lâm Phú mua một con lợn khoảng mười lăm cân mang về. Minh ôm con lợn thả vào chuồng và nói với con Leng: “Leng ơi, tao mang lợn về đây cho mày ăn này”. Vừa thả con lợn vào, con Leng chồm phắt dậy. Và nó hướng cặp mắt có những ánh vàng nhìn như xoáy vào con lợn, nhưng nó đứng lặng im. Còn con Lếch thì hoàn toàn dửng dưng. Nó nằm im, lặng lẽ theo dõi thái độ của con Leng. Con Leng lừ lừ đến gần con lợn. Nhìn thấy hổ, con lợn sợ hãi kêu chóe lên một tiếng thất thanh rồi cắm đầu chạy, nhưng trong cái chuồng này thì chạy đâu cho thoát, con Leng hờ hững nhìn con lợn không đuổi. Đến khi con lợn mệt quá không chạy nữa, rúc đầu vào một góc chuồng thì con Leng đến gần, nó đứng cách con lợn hai mét, nhìn con lợn bằng ánh mắt thương hại và bất cần. Con lợn co rúm lại nhìn con hổ và chờ đợi phút giây tử thần đến với nó. Nhưng con Leng ngắm nhìn con lợn một cách uể oải rồi đi ra chỗ con Lếch nằm. Thái độ của con Leng khiến con Lếch hiểu rằng, nó nhớ ông Tài đến mức không muốn ăn gì, làm gì nữa. Lúc này, trong lòng còn Lếch dấy lên bao nhiêu cảm giác, nó cũng nhớ ông Tài lắm. Và bây giờ, bên cạnh nỗi nhớ ông, còn có nỗi thương con Leng.
Con Lếch ở với ông Tài đã lâu, có những lúc ông cho nó đi theo vào rừng, nhưng cũng có lúc ông bảo nó trông nhà. Với nó, đi theo ông vào rừng vừa là niềm vui và nó cũng tự thấy mình có nhiệm vụ phải bảo vệ ông. Trên đường đi không bao giờ nó đi sau ông mà phải đi trước, nó có thể phát hiện ra những con rắn khô mộc nằm còng queo bên vệ đường, hoặc những con trăn gió đang trườn mình trên cây. Nó có thể đánh hơi, nhận biết được có con gấu đang ở đâu đó cách hàng trăm mét. Nó đi trước ông, đuôi ve vẩy, bốn chân tung tăng như bay trên đường, nhưng thực ra toàn thân nó căng lên để nhận biết từng mối hiểm nguy, từng sự bất trắc mà có thể đến với ông. Rồi buổi trưa, khi ông Tài ngủ ở trên nương hay ngủ trong rừng, mà nơi ông ngủ có khi là dựa lưng vào một gốc cây hay nằm trong chòi canh nương, thì con Lếch bao giờ cũng nằm bên cạnh, nằm cách ông khoảng vài mét. Nó nhắm mắt, nhưng từng tế bào trong con người nó vẫn thức. Bảo vệ ông, đó là bổn phận, trách nhiệm và sứ mệnh cao cả thiêng liêng của nó. Nó không muốn chia sẻ trách nhiệm này cho bất cứ một ai, dù đó là con người hay con vật. Còn khi nó được giao trông nhà, nó thực sự là ông chủ. Bằng một khả năng thiên phú, nó có thể sai bảo được con gấu May, con Tiểu Hầu; nó có thể ra lệnh cho hai con đấy không được đi chơi, mà phải cùng nó ở nhà trông nhà...
Ngày thứ nhất trôi qua, con Leng và con Lếch không đoái hoài gì đến con lợn cả. Minh ngạc nhiên vô cùng, bởi anh đã từng chứng kiến con Leng tát một con lợn văng đi như thế nào. Vậy mà sao giờ đây cả con Lếch và con Leng lại không đoái hoài cái miếng ăn đưa đến tận mồm như thế vậy.
Anh chạy đến hỏi Kiểm lâm Phú, Phú nói:
- Có lẽ nó còn no đấy. Cái giống hổ là thế, khi no thì nó thành lười nhác. Để ngày mai xem sao.
Còn con lợn, sau một đêm ngủ chập chờn nửa mê, nửa tỉnh vì phải luôn luôn cảnh giác với từng động tĩnh của con Leng, con Lếch thì nó đã thấy rằng, cả hai con vật kia đều không có ý hại mình. Thế là nó bắt đầu đi lại trong khu chuồng, rồi ủi chỗ đất mềm có những bụi cây dã quỳ để tìm cái ăn. Nhìn thấy con lợn ủi gốc dã quỳ, Minh liền ném vào cho nó mấy củ sắn. Nó thong thả gặm sắn ăn. Con Leng cũng mon men đến nhìn con lợn ăn sắn bằng ánh mắt ngạc nhiên và tự hỏi: “Sao cái thằng này lại có thể ăn được thứ củ này nhỉ? Mà sao nó không ăn thịt như mình?”. Rồi bỗng dưng con Leng đổi thái độ, nó ngoe nguẩy đuôi đến gần con lợn. Nó ngửi ngửi con lợn. Thái độ thân thiện của nó làm con lợn thấy yên tâm hẳn.
Phú về kể chuyện con Leng không ăn thịt lợn với mấy người, thế là bà con dân bản kéo đến xem cảnh, một con hổ ngắm nhìn một con lợn gặm sắn. Người ta bàn tán với nhau rằng, con hổ Leng bây giờ đã biến thành hổ nhà rồi. Nó không biết đi săn mồi nữa. Nó quen ăn sẵn, quen được ông Tài mang thịt đến tận mồm. Nếu như vậy, thì con hổ cũng chẳng được coi là hổ nữa. Người ta đua nhau đưa ra những giả thiết là tại sao con Leng lại không ăn thịt con lợn. Mỗi người nói một kiểu. Minh lắng nghe, nhưng anh thấy nói kiểu gì, nguyên nhân gì cũng đều không phải. Nhưng tại sao nó không ăn con lợn. Chính anh cũng không hiểu nổi.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 31/10/2017
/ Năng Lượng Mới