Câu chuyện con ngựa Đốm tự tử theo cô Sáo đã lan truyền khắp vùng và cũng từ đó, người Hà Nhì ở Mường Mun chẳng ai bảo ai họ không ăn thịt ngựa nữa. Nhà nào nuôi ngựa cũng để nó chết già và đưa đi chôn cẩn thận.
Con hổ Leng (Kỳ 43)
Ông am hiểu rừng Mường Báng hơn tất cả những người dân ở đây. Ông thuộc từng ngọn núi, từng vạt rừng, thuộc từng khe ... |
Con hổ Leng (Kỳ 42)
Lần đầu tiên trong đời, Tài hiểu được cảm giác có người thân là thế nào. Huy cũng hiểu nỗi lòng của Tài và thực ... |
Con hổ Leng (Kỳ 41)
Tài có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe tiếng chim kêu, vượn hú trong những cánh rừng già. Tài chìm đắm trong tiếng gió chạy ... |
Thấy ông Tài về, chả hiểu con gấu May, rồi con khỉ Tiểu Hầu đi biệt từ bao giờ đã xuất hiện. Con Tiểu Hầu nhảy tót lên vai Mai và nghịch ngợm quân hàm Trung sĩ của cô. Con gấu May thì khệnh khạng đến bên Mai nhìn dò xét. Thấy quanh mình là hổ, gấu và khỉ, Mai cảm thấy hơi sợ. Minh nói:
- Còn thiếu thằng trăn Gió nữa. Chắc nó đang ngoài kho ngô.
Ông bảo Minh xả con lợn ra làm thêm mấy món. Rồi ông lại bảo con Lếch:
- Sang bên nhà, gọi bà Seo Mẩy, rồi gọi cả Trưởng bản Pờ Văn Minh về đây nhé.
Con Lếch lại phóng đi. Tất cả những gì mà Mai chứng kiến lũ thú ở nhà ông Tài đã làm khiến cô như lạc vào một thế giới cổ tích. Lũ thú trong nhà đưa cô đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cô rụt rè hỏi ông Tài:
- Lúc nãy con Lếch đến gọi bác về ạ?
Ông Tài gật đầu:
- Đúng rồi, nó đến gọi. Bác biết là có khách quý mà, mà chắc chắn là cháu.
Mai hỏi vặn:
- Sao lại biết là cháu? Nhỡ người khác thì sao?
- À, ngày nào mà thằng Minh chả nhắc cháu. Thấy con Lếch ra gọi, bác đoán là chỉ có cháu, nên nó mới vui như thế.
Mai vẫn thắc mắc:
- Nó vui thế nào hả bác?
Ông Tài nhìn Mai vẻ hơi ngạc nhiên:
- Cháu chưa biết con chó khi nó vui thì như thế nào à?
Nghe ông Tài hỏi, Mai chợt nhớ ra ngay điệu bộ của con chó nhà mình khi cô về: Đuôi nó ngoáy tít, ngoáy đến vẹo cả lưng, rồi nhảy cẫng và sủa váng lên từng tiếng ngắn.
Thế rồi khi mâm cơm được dọn ra thì bà Pờ Seo Mẩy là em gái bà Sáo và Trưởng bản Pờ Văn Minh cũng đến.
Minh bảo:
- Cái con Lếch này, tôi đang họp thì nó cứ kéo ống quần lôi đi. Tôi phải bảo nó, mày cứ về trước, họp xong tao đến, nó mới chịu về.
Bà Seo Mẩy thì xoắn xuýt lấy Mai:
- Cháu dâu tương lai của tôi đây phải không? Xinh quá. Đẹp quá. Ông Tài này, có đẹp bằng chị Sáo ngày xưa không?
Bà lùi ra ngắm nghía Mai rồi lại nói liến thoắng bằng tiếng Hà Nhì:
- Giống chị Sáo lắm. Cũng da trắng, môi đỏ, cái mặt cũng bầu bầu như chị Sáo… Sao lại giống nhau đến thế này. À, có khi cao hơn chị Sáo đấy nhỉ. Bà nghe thằng Minh nó kể rồi. Bà vui lắm.
Bà Mẩy cứ ngắm nhìn Mai mãi không thôi và khi nói chuyện, bà tưởng như đang được nói với chính chị mình.
Bà kéo ông Tài ra một chỗ, nói thầm thì:
- Anh này, sao tôi thấy con Mai nó giống chị Sáo thế.
Ông Tài gật đầu:
- Tôi cũng thấy thế. Sao lại có người giống nhau đến vậy.
Mai mở túi lấy ra một hộp sâm nhỏ biếu bà Mẩy, một hộp kẹo biếu Trưởng bản Pờ Văn Minh. Còn ông Tài, cô biếu một hộp sâm nước của Liên Xô. Cách cư xử chu đáo của Mai làm ông Tài hài lòng lắm. Ông nói với vẻ cảm động:
- Hôm nọ thằng Minh đem khăn của cháu đan cho bác. Cảm ơn cháu. Mùa rét này có khăn, không lo lạnh cổ nữa rồi.
Bữa cơm trưa đó thật là vui. Ông Tài ăn cơm và hầu như chẳng nói gì. Ông lặng lẽ ngắm nhìn Mai mà thấy trong lòng xao xuyến lạ thường. Bà Mẩy cũng vậy. Trong bữa cơm, bà nói nhiều nhất và chỉ hỏi Mai về những sở thích của mình.
Bà hỏi Mai:
- Nhà cháu nuôi ngựa nhiều không?
Mai cười:
- Có ba con bác ạ. Nhưng cháu thích con ngựa này nhất. Ngày nó bé, cháu đặt tên nó là Đốm, vì nó màu nâu, nhưng lại có đốm trắng ở trán.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Vừa nghe Mai nói thế, bà Mẩy đánh rơi luôn đôi đũa, còn ông Tài dựng hết cả tóc gáy - Ngày xưa, nhà Sáo cũng có một con ngựa nâu đốm trắng ở trán cũng được Sáo đặt tên là Đốm.
Bà Mẩy lắp bắp:
- Con ngựa có yêu cháu không?
Mai hồn nhiên:
- Có ạ. Ngày cháu còn đi học, lúc bấy giờ nó còn bé, cứ gần giờ tan trường là nó đi đón cháu về. Nó rất thích ăn ngô trên bàn tay của cháu. Bây giờ, cháu đi công tác xa, mỗi khi về nhà, cách cả cây số nó đã biết.
Ông Tài sững sờ và ông nhớ lại cảnh ngày xưa, Sáo tẽ ngô ra lòng bàn tay và cho con ngựa Đốm ăn. Con ngựa vừa ăn, vừa dụi đầu vào ngực Sáo và mỗi khi Sáo thắng yên cương lên lưng nó, chuẩn bị đi thì con Đốm lộ vẻ vui mừng ra mặt.
Chuyện con ngựa Đốm với Pờ Thị Sáo, nếu không phải là người trực tiếp chứng kiến như ông Tài và bà Mẩy thì có nói cũng chả ai tin và người ta cho rằng đó là chuyện thêu dệt. Nhưng với những người lớn tuổi ở bản Mun thì không ai không nhớ câu chuyện ly kỳ đó.
Con ngựa Đốm được ông Pờ Chung, bố của cô Sáo mua về khi nó vẫn còn đang bú mẹ. Mẹ nó bị đàn chó sói lửa quây. Để bảo vệ con, ngựa mẹ lồng lộn chống trả đàn sói cho đến khi sức cùng lực kiệt và bị đàn sói xâu xé. Chú ngựa con chạy thoát và được ông chủ là người La Hủ cứu về. Chú ngựa con thèm sữa, nhớ mẹ cứ hí lên thảm thiết suốt ngày đêm rồi rũ xuống chờ chết. Ông Pờ Chung cõng Sáo, khi ấy mười hai tuổi lên đồn Mường Mun chích cái nhọt ở lưng về, khi qua bản Giẳng của người La Hủ, nghe tiếng ngựa hí, ông ngạc nhiên, vì đó là tiếng hí của sự tuyệt vọng và đau khổ đến cùng cực. Ông cõng Sáo vào nhà ông chủ có con ngựa và không cầm được lòng khi thấy con ngựa nằm gục ở ngoài cửa chuồng, thi thoảng lại ngóc đầu dậy, hí một tiếng ngắn. Ông Chung hỏi chuyện chủ nhà và biết được sự tình. Ông chủ bảo: “Thôi, trời không cho nó sống, thì nó phải chết. Tiếc cũng chả cứu được nó”. Ông Chung dẫn Sáo ra xem chú ngựa con đang lả dần. Sáo múc gáo nước đem đến rồi ngồi thụp xuống, ôm lấy đầu con ngựa dỗ dành: “Mẹ mày chết rồi. Mày phải sống chứ. Nào, nghe tao, uống chút nước đi”. Con ngựa hé cặp mắt không còn sinh khí nhìn Sáo rồi lại nhắm mắt. Sáo vẫn dỗ: “Nào, nghe tao đi. Mày có cái đốm trắng đẹp thế này. Hay về ở với tao nhé, à, về ở với chị. Chị đặt tên em là Đốm… Tên em là Đốm nhé”. Ông Pờ Chung và ông chủ ngựa đứng im nghe Sáo thầm thì dỗ dành con ngựa như dỗ đứa em nhỏ. Rồi bỗng con ngựa mở mắt, nó nhìn Sáo bằng ánh mắt lấp lánh tia sáng. Nó thè lưỡi uống nước trong gáo… Sáo mừng quá, nhìn bố, năn nỉ: “Bố ơi, nó biết nghe con. Nó uống được nước là sống đấy. Bố mua về cho con nhé”.
Con ngựa uống hết gáo nước thì có vẻ tỉnh hơn. Nó gắng gượng đứng dậy, nhưng bốn chân cứ run lẩy bẩy. Ông Chung vội đến đỡ lấy nó đứng dậy. Sáo ôm ghì cái đầu bé nhỏ của con ngựa vào lòng và nhìn ông chủ ngựa bằng ánh mắt van nài. Ông ta khẽ thở dài rồi bảo: “Đằng nào thì nó cũng chết. Nếu cháu thích thì mang về mà nuôi”. Ông Chung bảo: “Tôi cho cháu mang về nuôi, nếu nó sống, tôi sẽ đến trả tiền ông nhé”. Ông chủ xua tay tỏ ý không cần thiết bởi vì tiếng hí của nó cũng làm ông quá nhức óc, nên ông muốn tống khứ nó đi.
Thế là ông Chung bốc con ngựa đặt lên vai rồi cõng Sáo về nhà. Bằng nước cơm, cháo và bằng tình yêu thương vô bờ bến của Sáo, con ngựa đã sống và lớn lên từng ngày. Ông Chung mang hai đồng cân vàng cốm đãi ở suối Leng đến trả cho ông chủ ngựa, nhưng ông ta dứt khoát không lấy.
Con ngựa Đốm lớn lên và nó gắn bó với Sáo tưởng như không rời cô được một bước mà lạ là hầu như nó chỉ nghe lời cô. Khi đi nương thồ ngô về, nếu là ông Chung hoặc người trong nhà xếp ngô lên thì chỉ được ba tải, khoảng 60kg. Nếu hơn một chút là nó lộ vẻ khó chịu ngay. Nhưng nếu là Sáo, thì cô có thể chất lên lưng nó 4 hoặc 5 tải ngô, mà nó vẫn vui vẻ. Sáo đi học trường cấp 1 của xã, cách nhà đến 7 cây số. Hằng ngày, con Đốm đưa cô đi và khi Sáo học thì nó ra bãi cỏ gần trường gặm cỏ và đợi. Lúc tiếng kẻng tan học vừa gióng lên tiếng thứ nhất thì nó đã chạy vào sân trường và đến cửa lớp học của Sáo chờ đợi… Mỗi khi Sáo đi đâu xa vài ngày mới về là con Đốm bồn chồn, bứt rứt, có khi chả thiết ăn. Khi Sáo về, còn cách nhà hơn cây số, nó đã nhận biết. Khi nào thấy nó hí từng hồi dài, đứng lên bằng hai chân sau, là cả nhà biết Sáo sắp về tới nhà.
Khi Sáo mất, con ngựa đi theo đám tang, lúc chôn cất xong, nó dứt khoát không chịu về. Người trong gia đình dỗ dành thế nào cũng không được và hễ ai lại gần là nó tránh ra xa. Anh đồn trưởng bảo Tài ra dỗ nó về, nhưng nếu Tài tới gần là nó chạy ngay. Chờ mãi không được, mọi người phải về và để nó ở lại canh mộ. Đêm hôm ấy, Tài mang mấy bắp ngô ra mộ Sáo. Trong ánh trăng xuông, Tài thấy con Đốm đứng ủ rũ bên mộ Sáo, dáng vẻ đau khổ đến cùng cực. Tài lại gần, nó không bỏ chạy nữa. Ông Tài tẽ ngô ra lòng bàn tay, chìa cho nó: “Đốm à, về thôi. Đằng nào chị Sáo của mày cũng mất rồi. Mày đừng làm thế, mọi người đau lòng lắm”. Con Đốm không ăn ngô, nó nhìn Tài bằng cặp mắt tuyệt vọng. Bỗng nó hí lên một tiếng dài tưởng như vô tận rồi nó ngẩng cao đầu, đập mạnh hàm dưới xuống tấm gỗ làm bia mộ cho Sáo. Lực đập mạnh đến nỗi, lưỡi con ngựa bị hai hàm răng cắn nát… Ông Tài ôm cái đầu đầy máu của nó khóc rú lên, lúc ấy, ông cũng muốn chết theo và nếu như ông chết luôn được thì có lẽ đó là sự giải thoát nhẹ nhàng nhất.
Câu chuyện con ngựa Đốm tự tử theo cô Sáo đã lan truyền khắp vùng và cũng từ đó, người Hà Nhì ở Mường Mun chẳng ai bảo ai họ không ăn thịt ngựa nữa. Nhà nào nuôi ngựa cũng để nó chết già và đưa đi chôn cẩn thận. Mà giống ngựa cũng có lòng tự trọng, không muốn phiền lụy con người. Khi cảm thấy cái chết đã gần kề, nó liền lặng lẽ lê vào rừng, chọn một chỗ đất trống rồi gục xuống chết ở đó. Chủ ngựa khi không thấy ngựa về chuồng nữa là biết chúng đã đi tìm đất để chết. Khi thấy được, họ chỉ việc đào huyệt bên cạnh rồi hất xác con ngựa xuống…
Ông Tài thẫn thờ khi nhớ lại chuyện của Sáo. Và tự nhiên, một ý nghĩ lóe lên, ông ngập ngừng hỏi:
- Cháu ạ. Cháu có nhớ ngày sinh của cháu không?
Mai vẫn hồn nhiên, vì cô đoán là ông Tài muốn hỏi để đi xem bói. Cô lấy chiếc thẻ công an mới được cấp ra đưa cho ông Tài và bảo:
- Mẹ cháu bảo khi sinh cháu là vào lúc Đồn công an Mường Mun gõ kẻng báo thức. Có lẽ khoảng hơn năm giờ sáng.
Ông Tài gật đầu:
- Năm giờ rưỡi cháu ạ.
Ông Tài xem ngày sinh của Mai rồi nhẩm tính. Mai sinh sau ngày Sáo mất khoảng 7 năm. Nhưng ngày sinh của Mai lại trùng với ngày mất của Sáo... Ông đưa cho bà Mẩy:
- Cô xem này, nó sinh trùng ngày Sáo mất...
Ông nói thế rồi nghẹn lời. Ông chực òa khóc, nhưng rồi cắn chặt môi tưởng như bật máu. Ông vội vàng đứng dậy, chạy ra chum đựng nước đầu hồi nhà, múc nước vã lên mặt.
Đến lúc này thì cả ông Tài và bà Mẩy đều nghĩ rằng, có lẽ Sáo đã đầu thai vào người con gái này.
Lý Pờ Minh và Mai cùng Trưởng bản Pờ Văn Minh ngơ ngác không hiểu tại sao ông Tài và bà Mẩy có thái độ lạ lùng đến thế.
Chợt bà Mẩy đứng dậy vội vã:
- Cháu ngồi ăn cơm nhé. Bác suýt quên một việc ở nhà. Thằng Minh nó đi Liên Xô, cháu chịu khó về chăm sóc bố nhé.
Mai cúi đầu khẽ khàng:
- Vâng ạ.
Bà Mẩy đi như chạy đến thẳng bản Pó, ở đấy có thầy mo Tào, người nổi tiếng nhất vùng về xem vận mệnh, tướng số và nói chuyện được với người cõi âm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ở bản Pó có thầy mo Tào là người khá kỳ lạ.
Thầy mo sinh ra trong một gia đình khá giả bậc nhất ở Mường Mun. Bố thầy mo thuộc tầng lớp trên và là người có uy tín trong vùng bởi tham gia Việt Minh từ những ngày đầu chống Pháp. Ông cũng từng nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động bí mật, cho nên sau này đã làm đến Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Vì thế, thầy mo Tào sinh ra, lớn lên ở thị xã Yên Hưng và được đi học đến hết lớp 10. Những tưởng anh Tào ngày ấy sẽ trở thành cán bộ - mà mục tiêu của lãnh đạo tỉnh thì cũng muốn đào tạo Tào cho sau này. Nhưng đang chuẩn bị khăn gói về Hà Nội đi học Trung cấp Tài chính thì trong một lần đi tiếp đạn cho trận địa pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ, Tào bị một quả bom nổ gần hất văng đi hàng chục mét, sau đó trở thành người như mất trí. Tào bỗng nhiên sống rất khác người, ấy là cứ ngồi một mình rồi lẩm bẩm những câu chuyện với ai đó. Rồi Tào bảo là nghe được tiếng chó, lợn, trâu, bò nói chuyện với nhau, rồi chuyện người chết ở đâu đó về báo mộng chuyện này, chuyện khác...
Thời ấy, những chuyện bói toán được coi là mê tín dị đoan, ông bố của Tào hết sức bực mình. Thậm chí, ông đã bàn với công an, có lẽ là phải cho Tào đi tập trung cải tạo. Sở dĩ ông muốn như vậy vì chuyện Tào xem bói được cho người này, người khác ngày một lan rộng và số người đến nhờ Tào xem cho càng ngày càng đông. Rồi thậm chí có người mời Tào đi về nhà mình để xem đất cát nhà cửa. Ai mời Tào cũng đi, nếu xem đúng họ thưởng cái gì Tào cũng nhận. Có khi là tiền, nhưng cũng có khi là mấy củ khoai, củ sắn, thậm chí là một cây mía. Câu chuyện về anh Tào sau khi bị dính bom trở thành người có tài xem bói đã lan truyền khắp tỉnh. Là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông bố Tào cực kỳ bực mình, khuyên bảo con không được, ông quyết định nhờ công an đưa đi tập trung cải tạo. Vì nể ông bố là cán bộ to ở tỉnh, nên công an xã đưa Tào vào danh sách đi cải tạo. Nhưng là người cẩn thận và cũng là người khá am hiểu về văn hóa tâm linh, cho nên anh trưởng công an thị xã quyết định cùng với hai cảnh sát nữa đến hỏi chuyện Tào, xem sự thể ra làm sao rồi mới quyết định. Trong cuộc nói chuyện, họ thấy Tào như là người ở cõi nào về ấy và nói nhiều điều cực kỳ hoang đường. Chợt nghĩ ra một điều, anh trưởng công an xã hỏi Tào:
- Tuần trước, ở đầu thị xã có nhà ông chữa xe đạp có đứa con trai lớn đi đâu đến bây giờ không về. Mày có thể đoán xem nó đang ở đâu không?
Tào nhắm mắt, ngồi lặng đi phải mất đến mười lăm phút rồi bật nói:
- Nó chết rồi. Nó đi buôn thuốc phiện cùng với ba thằng nữa. Nó bị rắn cắn chết. Và bọn chúng nó chôn thằng này ở dưới một gốc cây vả bên suối Lung.
Nghe Tào nói thế thì mấy anh hình sự giật bắn người, bởi người bị mất tích là kẻ đã có tiền án tiền sự về đi buôn thuốc phiện. Anh lại hỏi tiếp:
- Cây vả ở suối Lung đó cách đây bao xa?
Tào lại nhắm mắt một lúc rồi nói:
- Không xa lắm đâu. Chỉ đi hết nửa ngày thôi. Đấy là chỗ ngã ba rẽ sang huyện Mường Phìn. Mà cái đứa biết chỗ chôn nó mới đến hỏi thăm bố nó đấy.
Câu chuyện dừng ở đó. Hai anh hình sự và trưởng công an xã sấp ngửa chạy về và không khó khăn lắm họ tìm ngay ra được gã đến hỏi thăm cũng là một kẻ có tiền án tiền sự về buôn ma túy, tên là Sú. Và Sú cũng mau mắn khai ra nơi chôn thằng kia. Khi khám nghiệm tử thi thì đúng là chết vì bị rắn cắn.
Anh trưởng công an thị xã báo cáo toàn bộ sự việc với lãnh đạo Sở Công an. Ông Trưởng ty Công an ngày ấy trong một buổi họp với các cán bộ lãnh đạo đã bảo:
- Trong thế giới tâm linh có nhiều điều chúng ta không hiểu được và khoa học cũng chưa giải thích được. Chính vì thế khi đụng đến các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh, các đồng chí phải hết sức cẩn thận. Đừng có mang suy nghĩ, tư tưởng của người theo chủ nghĩa duy vật áp đặt. Trường hợp như cậu Tào đấy ai có thể giải thích được không? Hồi tôi đi học ở Liên Xô cũng được biết các cơ quan an ninh tình báo đã sử dụng những người có khả năng đặc biệt, mà họ gọi là những người có giác quan thứ sáu. Chúng ta vận động nhân dân không nên cầu cúng, bói toán theo kiểu mê tín dị đoan, nhưng với những hiện tượng chưa giải thích được thì đừng có nâng quan điểm và quy chụp cho họ tội này, tội khác.
Sau lần đấy, tiếng tăm của Tào càng vang dội, chính công an tỉnh cũng đã nhiều lần nhờ Tào đi tìm thủ phạm gây ra những vụ trọng án, như giết người. Và hầu như vụ nào cũng thành công. Thậm chí có vụ Tào còn miêu tả kẻ thủ ác rõ ràng đến mức là có cả nốt ruồi ở trên mặt như thế nào. Rồi công an thị xã cũng đến nói chuyện với ông bố Tào và còn cấp bằng khen cho Tào. Nhưng ông bố thì thấy rất xấu hổ về thằng con được học hành tử tế, bây giờ lại trở thành thầy bói. Thế là ông tống Tào về quê ở bán Pó, xã Mường Mun, huyện Mường Bán.
Đang ở ngoài thị xã sung sướng, sống đầy đủ, nay bị tống về quê, nhưng Tào cũng chẳng tỏ thái độ gì là khó chịu. Ở suốt vùng Mường Bán, đặc biệt là Mường Mun, người dân có việc gì liên quan đến ma chay cưới hỏi đều đến hỏi thầy mo Tào. Cách xem bói của Tào cũng lạ, nhà không có điện thờ, cũng không có bát hương lớn bé, mà nơi Tào ngồi chỉ có một tấm thảm bông gạo, dệt thổ cẩm. Một cái bàn nhỏ, trên đấy có đúng một bát hương, nhưng bao giờ cũng chỉ cắm có một que. Khi thắp nén hương mới thì nhổ chân hương cũ vứt đi. Ai đến hỏi điều gì, cho cái gì Tào cũng vẫn nhận, không bao giờ đặt giá. Thậm chí có một đại gia ở dưới xuôi lên đón Tào về Hà Nội xem bói cho mình, nhưng khi nói rằng sẽ trả công cho Tào bao nhiêu tiền đấy thì lập tức Tào từ chối.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 28/10/2017
/ Năng Lượng Mới