Một trại bò rộng khoảng 500m2 được dựng lên, hàng rào là những cây gỗ to như bắp đùi, cao khoảng hơn 2m. Ấy thế mà chẳng hiểu sao lại cứ bị mất bò. Mãi sau anh em mới phát hiện ra có một con hổ cực lớn nhảy từ ngoài vào, tát chết những con bê, rồi lôi con bê nhảy qua hàng rào ra ngoài.
Con hổ Leng (Kỳ 15) |
Con hổ Leng (Kỳ 14) |
Con hổ Leng (Kỳ 13) |
Dưới quầng sáng xanh của cây đèn pin, một vết lở loét sâu đến tận xương hông và ăn rộng gần hết khoảng mông con hổ nhung nhúc những con dòi, máu, mủ, lẫn bùn, đất.
Nước mắt ông Tài ứa ra.
- Con ơi, ta có ngờ đâu lại đến nông nỗi này. Ai đã làm con bị thương, kẻ nào đã làm cho con thế này...
Ông cuống quýt nhóm bếp đun nước, rồi ông chạy ra sau nhà tuốt một nắm lá hương nhu đem vào. Không kịp rửa lá, ông tọng từng nắm lá vào mồm nhai vội vã rồi đắp vào vết thương... Mùi lá hương nhu làm lũ dòi vội bò ra, rơi xuống đất.
Trong lúc ông làm sạch vết thương cho con hổ thì con Lếch ra ngửi con hổ. Nó đã nhận ra đứa con nuôi... và thế là nó rít lên ư ử, cuống quýt chạy quanh, rồi liếm quanh vết thương cho con Leng. Con Tiểu Hầu vẫn sợ run cầm cập, hai tay ôm chặt lấy xà nhà, ngó đầu xuống, tò mò theo dõi từng cử chỉ của ông Tài. Con trăn Gió thì quấn quanh cột nhà, dấu đầu vào giữa đám thân cuộn khúc, còn con gấu May khiếp đảm đến nỗi nó len lén trèo lên giường, rúc vào chiếc chăn bông.
Nhưng khi thấy con Lếch săn sóc con hổ, con May biết đó là bạn bè, nó cũng mon men đến gần.
Con Leng vẫn nằm bất tỉnh, nhờ thế ông Tài đã dễ dàng vệ sinh sạch sẽ cho vết thương khủng khiếp. Ông lấy một nắm lông nhím cho vào bếp đốt rồi lấy tro rắc vào, sau đó ông rịt bên ngoài bằng nắm lông cu ly. Ông lấy hết ổ trứng gà hơn chục quả đập ra rồi cạy miệng con Leng đổ vào. Lục tủ thuốc còn mấy viên pênixilin và ít B1, ông cho con Leng uống tất. Sau đó ông kéo nó lại gần bếp lửa và đốt to lửa sưởi cho nó. Ông lấy khăn, lấy quần áo để lau khô cho con Leng. Ông nhìn con Leng với tất cả nỗi xót xa của mình. Dường như nỗi đau đớn mà nó phải gánh chịu chính là nỗi đau của ông. Khi bộ lông con Leng đã khô, ông vuốt ve nó và bàn tay ông đụng vào hai hàng vú đã hơi xệ xuống.
- Trời ơi! Nó lại có chửa - Ông thốt lên và bất giác ông ôm ghì lấy đầu nó - Con ơi, thế là con vẫn không quên ta. Con đã về đây, lần này ta không để con đi nữa. Ta sẽ nuôi và chăm sóc đàn con nhỏ... Con sẽ không được xa ta nữa... Con là của ta.
Cho đến bây giờ, mặc dù đã 5 năm trôi qua, ông Tài vẫn nhớ như in cái ngày mưa rầu rĩ ấy. Ông Tài cùng với bốn nhân viên trạm kiểm lâm bảo vệ khu rừng cấm Mường Mun đang ngồi uống rượu với cẳng bò ninh với măng.
Họ ngồi uống rượu và kể cho nhau nghe những hiểu biết của mình về rừng. Trạm trưởng Quân, một anh chàng cao lớn có bộ râu quai nón rậm rì ôm lấy khuôn mặt tròn đã ngà ngà say. Anh ta ôm lấy vai ông Tài:
- Bố già ạ. Hôm nọ con đi họp ngoài huyện, người ta đã bàn chuyện cho bố về hưu. Giảm biên chế mà. Nhưng con xin mãi. Con bảo họ là ở Mường Mun ta, có ai hiểu rừng hơn bố Tài, ai chăm lo cho rừng, bảo vệ rừng tốt hơn bố Tài. Nếu không có bố thì khu rừng cấm này đã thành rừng hoang phải không bố? Ðầu tiên, thằng cha Trưởng phòng Tổ chức của Chi cục không nghe. Hắn bảo là “Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Vả lại, bố tuổi cao sức yếu, làm sao đảm đương được công việc. Còn chuyện bảo vệ rừng, họ đã tính đến nước hợp đồng với bộ đội biên phòng và giao khoán cho xã. Con phải giải thích cho họ là giao đất, giao rừng cho dân thì còn có thể được, nhưng rừng Mường Mun là rừng cấm, có thú... nếu giao như vậy chỉ một năm sau đến con gà rừng cũng không còn... Cuối cùng Hạt trưởng Mường Báng phải tuyên bố: “Riêng trường hợp đồng chí Tài, khi nào đồng chí ấy không còn đủ sức đi rừng nữa thì mới để nghỉ hưu”. Bố thấy không, quan liêu, dốt nát thì không ai bằng đám cán bộ tổ chức. Cả đời cái tay trưởng phòng đó đã bao giờ ngó mặt đến xứ này. Nó biết gì về bố, về rừng Mường Mun, chẳng qua nó chỉ nghe báo cáo, nghe đám quân sư quạt mo ở Chi cục rồi phán xét lung tung.
Ông Tài cười khà khà:
- Cám ơn chú mày nhưng tao nghĩ thế này. Tao đâu có sợ về hưu, bởi vì tao có cần sống nhờ vào đồng lương của Nhà nước đâu. Tao sống với rừng cơ mà. Nhưng nếu tao về hưu vào lúc này, nhiều kẻ sẽ mừng lắm. Ai mừng nhất, đó là bọn thợ săn ở Mường Mun, Mường Tùng, Hua Phăn... Chúng mày thấy đấy, ngày xưa rừng Mường Mun ta voi đi thành đàn, hổ báo dám mò vào tận bản bắt lợn. Nai, hoẵng đếm không hết ở mỏ Muối... nhưng nay còn gì. Ðàn voi giờ không thấy nữa, nó đi sang Lào từ sau khi mở đường rồi. Ðàn nai đông như thế nay chỉ còn không đầy trăm... hổ thì may ra còn hai, ba con.
- Nói đến hổ, con mới nhớ ra là con bị thấp khớp bố ạ - Quân kể lể - Hai đầu gối đau nhức suốt. Bây giờ được miếng cao thì hết ngay. Mà chẳng cần cao, chỉ cần mài xương bánh chè của nó ra uống dăm lần là hết. Cái giống hổ có bộ xương quý thật...
Quân nhìn ông Tài rồi bảo:
- Nghe nói ngày xưa bố là tay săn hổ có tiếng và cũng là chuyên gia về nấu cao phải không?
Ông Tài cười buồn nói:
- Ðúng là có một thời tao giết rất nhiều thú. Thời ấy, đồn còn giao chỉ tiêu cho lính bẫy thú, săn thú để cải thiện đời sống. Hổ cũng vậy, cứ phải bắn đi, để nó khỏi vồ trâu bò.
Quân hỏi:
- Bố có nhớ là bố bắn bao nhiêu con hổ không?
Ông Tài nhíu mày suy nghĩ rồi bảo:
- Không nhớ được hết, nhưng có ba con là biết. Một con chuyên vào trại bò của đồn vồ bò. Một con tát chết cô giáo dưới xuôi lên dạy học ở Hua Phăn; còn một con sa bẫy. Tao có bắn chết hai con báo gấm nữa. Xương báo nấu cao cũng tốt ngang xương hổ.
Lý Cha Hù góp chuyện:
- Chỉ vài năm nữa, chả riêng gì mình, mà trên thế giới cũng hết hổ. Báo chả đăng là ở Ấn Ðộ, xưa kia có hàng chục vạn con hổ, nay còn hơn hai ngàn, Liên Xô còn vài trăm, Trung Quốc còn không đầy trăm con... Việt Nam thì chả ai thống kê, nhưng chắc còn vài chục mà tập trung ở rừng Tây Nguyên.
- Hôm nọ, dân huyện Hà bắn được hai con. Họ lột da, nhồi cỏ vào rồi đem về Hà Nội bán cho ngoại thương, mua được ngót ba tạ mì chính. Nghe đâu con hổ đực nặng ngót hai tạ, đo từ đầu đến khấu đuôi là hai mét hai mươi phân.
- Ðoàn xiếc Trung ương về tỉnh đặt mua hổ với giá vài trăm ngàn một con. Chi cục nhận tiền rồi và đang giao cho hạt kiểm lâm của các huyện săn lùng.
- Sao không thấy đưa giấy về đây?
- Các bố ở Chi cục sợ mang tiếng là bắt thú quý ở rừng cấm đem bán chứ sao nữa.
- Sợ cái phải gió. Các lão ấy biết thừa là ở đây chỉ còn vài ba con, nếu bắt nốt thì còn gì là rừng cấm. Lấy gì để báo cáo với cấp trên là vẫn bảo tồn được các loài thú quý. Tao nói thật, nếu cán bộ của Chi cục làm ăn tử tế thì rừng của tỉnh này đâu có bị phá đến mức chỉ còn hai chục phần trăm diện tích rừng đầu nguồn. Bây giờ thử làm một cuộc thống kê xem các cán bộ của Chi cục mỗi người có mấy bộ giường tủ gỗ lát, có bao nhiêu sừng nai, gạc hươu, da gấu, da bò rừng treo làm cảnh. Tao còn biết là tỉnh gợi ý cho Chi cục xuất khẩu ngà voi nữa kia.
Trong lúc mọi người nói chuyện rôm rả về hổ, thì ông Tài lại chìm trong ký ức về những ngày xa xưa.
Ông Tài có thể tự hào rằng ông rành hơn ai hết trên đời này về săn hổ, bẫy hổ và nấu cao hổ. Ngày xưa, khu vực ba xã của Ðồn biên phòng Mường Mun, có diện tích bằng cả một tỉnh ở dưới xuôi. Ði từ đầu xã Mường Tong đến bản Mí của xã Mường Mun là bằng đi từ Hà Nội vào đến Ninh Bình - nghĩa là hơn trăm cây số. Diện tích của ba xã gộp lại là hơn ngàn cây số vuông, mà dân thì chỉ có hơn hai ngàn
Ở vùng này, hổ nhiều vô kể. Mà đâu chỉ hổ, voi, báo, gấu, hươu, nai cũng còn rất nhiều. Chẳng thế mà ở vùng này có những địa danh như suối Voi, bản Gấu, rồi đèo Hổ vồ…
Không hiểu tại sao, là người Mường ở Hòa Bình lên vùng ngã ba biên giới, nhưng ông Tài lại có biệt tài săn thú.
Ngày ấy, anh em ở Ðồn biên phòng Mường Mun nói mũi ông thính như mũi chó, tai thính như tai hổ. Ðang đi rừng mà chỉ thấy ông dừng lại, nghiêng tai là mọi người biết có chuyện xảy ra. Khi thì có một con hổ chạy qua, khi thì một con trăn gió đang trườn trên cành cây. Nhờ tai thính, mũi thính như vậy mà ông Tài và đồng đội đã nhiều lần thoát những trận phục kích của bọn phỉ từ bên kia biên giới tràn sang.
Ngày ấy không có lệnh cấm bắn hổ hay các loại thú rừng, nên việc bắn thú rừng để cải thiện đời sống cho anh em còn được coi là một chỉ tiêu. Bắn nai, bò rừng, trâu rừng thì dễ. Thỉnh thoảng, ông Tài cũng đi bắn hổ để nấu cao với mục đích hết sức trong sáng là có cao để bồi dưỡng cho anh em, hay thi thoảng cán bộ lãnh đạo về dưới xuôi thì có lạng cao làm quà. Không mấy ngày Ðồn biên phòng Mường Mun không nấu cao, khi thì cao ban long, khi cao gấu, khi thì cao ngựa, cao khỉ, rồi cao trăn. Cao hổ thì hãn hữu lắm mới có.
Nhưng không hiểu sao, mỗi lần bắn được hổ là ông lại mất ăn, mất ngủ đến vài ngày vì cứ bị ám ảnh hình ảnh con hổ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ông Tài nhớ vào năm Mỹ bắt đầu đánh phá vùng này, đồn biên phòng phải gom trâu, bò lại, không dám thả rông nữa vì sợ chúng đi mất vì bom đạn. Một trại bò rộng khoảng 500m2 được dựng lên, hàng rào là những cây gỗ to như bắp đùi, cao khoảng hơn 2m. Ấy thế mà chẳng hiểu sao lại cứ bị mất bò. Mãi sau anh em mới phát hiện ra có một con hổ cực lớn nhảy từ ngoài vào, tát chết những con bê, rồi lôi con bê nhảy qua hàng rào ra ngoài. Ai cũng thắc mắc tại sao con hổ có thể tha được con bê nặng hơn trăm ký như vậy nhảy qua hàng rào.
Trong một đêm gác, anh em mới được thực mục sở thị. Ðó là một con hổ nặng tới hơn 2 tạ. Từ bên ngoài, con hổ lấy đà, nhảy vọt vào chuồng bò, rồi một thoáng sau, nó cắn cổ một con bê, nhảy lên, bám hai chân trước vào hàng rào, thả con bê ra ngoài, rồi lại nhảy xuống.
Cũng trong thời gian ấy, có tin đồn rằng, ở khu vực Mường Mun có một con hổ đực to lớn vô cùng ở đâu về, mà người ta chưa từng thấy bao giờ. Trước đây bà con mới chỉ thấy loại hổ Ðông Dương, nặng khoảng dưới 150kg. Còn con hổ này, những người thợ săn Hà Nhì, người Thái, người Mông có kinh nghiệm bảo rằng nó dài từ đầu đến chót đuôi có lẽ phải gần 3m và nếu như vậy, con hổ phải nặng hơn 200kg. Chính vì thế mà bà con không dám đi vào những con đường mòn heo hút nữa.
Thấy tình hình như vậy không ổn, Chỉ huy Ðồn biên phòng Mường Mun quyết định giao cho ông Tài và 2 người nữa đi lùng bắt con hổ ấy. Nhưng mất cả một tháng trời, họ vẫn không thấy tung tích con hổ. Trong khi đó, ở bản này, bản khác, vẫn có chuyện hổ vồ trâu, vồ bò.
Trong một lần đang đi trên đường, bỗng thấy có tiếng động ở phía một lùm cây, ba người bám theo tiếng động thì thấy con hổ đang kéo theo một con lợn. Thấy động, con hổ bỏ chạy, để lại con lợn.
Hai người kia định khênh con lợn về, nhưng ông Tài gạt đi:
- Không được. Giống hổ khi đã vồ được mồi, nếu còn để đấy thì thế nào nó cũng quay lại.
Nói rồi, ông Tài đi vòng xung quanh tính toán xem khi quay lại, con hổ đi theo hướng nào. Sau đó, họ gài bẫy súng bằng 2 khẩu CKC và một khẩu K63. Ông Tài tính toán cẩn thận và buộc dây vào cò súng để khi con hổ kéo xác con lợn, chạm vào cò súng là 3 khẩu cùng nổ một lúc.
Sau khi cài đặt xong, ba người trèo lên cây và ngồi im vì sợ có người dân đi qua, nhìn thấy con lợn, rồi kéo con lợn về thì gay go to.
Trời vừa xẩm tối thì con hổ quay lại và kéo xác con lợn đi. Nhưng nó kéo đi chưa được nửa mét thì 3 khẩu súng đồng loạt nổ, vậy mà chỉ có một viên đạn trúng con hổ. Viên đạn xuyên từ nách trái ngược lên phổi và xuyên qua lưng. Con hổ bị thương, gầm lên một tiếng dữ tợn rồi chạy vào rừng. Sáng hôm sau, ba người mới lần theo vết máu đi tìm con hổ. Giống hổ khi bị thương thế nào cũng tìm ra bờ suối uống nước và quả nhiên, khi ba người lần theo vết máu ra đến bờ suối Leng thì đã thấy con hổ nằm chết ở đấy.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 30/09/2017
/ Năng Lượng Mới