Con hổ gắng gượng đứng dậy, hai chân trước cào cào để lê cả thân mình nặng nề về phía ông. Một tia chớp lóe lên, ông Tài thấy một chân sau của nó mềm oặt. Ðúng con Leng rồi. Chỉ có con Leng mới dám về nằm ở cửa nhà ông.

con ho leng ky 15 Con hổ Leng (Kỳ 14)
con ho leng ky 15 Con hổ Leng (Kỳ 13)
con ho leng ky 15 Con hổ Leng (Kỳ 12)

III

Đêm đã khuya mà ông Tài vẫn không ngủ được, hai mắt cứ cụp xuống nhưng đầu óc lại tỉnh táo lạ thường. Ông nằm lắng nghe tiếng mưa rả rích. Nước từ mái tranh rơi xuống tàu lá chuối rào rào và trong âm thanh day dứt ấy, là tiếng nước thúc vào ghềnh đá giận dữ của suối Leng đang dâng nước cuồn cuộn đổ ra sông Ðà.

Nằm mãi chỉ đau lưng, ông Tài dậy khêu to ngọn đèn dầu rồi ngồi hút thuốc lào.

Con trăn mắt võng thấy ông dậy, nó thòng người từ trên xà nhà xuống, thở phì phì vào tai ông. Ông Tài búng ngón tay vào đầu nó rồi xòe bàn tay để cái lưỡi chẻ dài của nó liếm nhẹ. Ông kéo nó xuống và để nó quấn quanh cổ. Rít một hơi thuốc lào, ông ngậm đầy mồm khói thuốc rồi phả vào mặt con trăn, khiến nó phải rúc đầu vào nách ông để tránh khói.

Con gấu chó đang nằm cuộn khoanh trên cái nùn rơm ở góc nhà cũng dậy, lắc lư đến bên ông và dụi mõm vào lòng ông. Ông phì cười khi thấy con gấu có vẻ ghen với con trăn, nó cào cào vuốt vào đuôi con trăn và rít lên ư ử. Thế rồi con khỉ đang ngủ say trên giường ông cũng chui ra khỏi màn và cả ba con thú lăn vào lòng ông đùa giỡn. Chúng sung sướng khi được ông vuốt ve ôm ấp. Duy có con chó Lếch là vẫn nằm kê đầu lên bậc cửa mà không hề đoái hoài tới bọn thú đang chơi đùa với ông Tài. Ðó là một con chó săn cao lớn, giống cái, bụng thót ngực nổi vồng và có hai tai to như lá vông rủ xuống. Nó không ghen với ba con kia bởi lẽ nó được ông Tài dành cho những tình cảm đặc biệt hơn. Làm sao con gấu, trăn, khỉ kia được đi theo ông trên khắp các ngả rừng. Làm sao chúng có thể được ông sẻ cho từng miếng cơm, miếng cá nướng.

Bọn chúng chỉ làm cho căn nhà đỡ quạnh hiu còn sát cánh bên ông thì chỉ có con Lếch.

Ði rừng, con Lếch luôn luôn đi trước.

Nó sẵn sàng nhảy bổ vào những con rắn khô mộc nằm còng queo nhý que củi trên đường.

Nó canh cho ông ngủ ngon trong những đêm ông và nó đi đếm thú ngoài mỏ Muối, ngoài suối Voi.

Mỗi khi ông có việc phải đi vắng vài ngày thì cái việc trông nom nhà cửa là nó đảm nhiệm.

Những lúc ông ốm mệt, nó đem về cho ông những con cáo, con chồn, thậm chí cả những con gà rừng.

Nó không chỉ là bạn mà còn là một vệ sĩ trung thành, người trợ thủ đắc lực của ông.

Sự đùa nghịch của bọn thú làm thần kinh của ông đang căng như dây nỏ chùng xuống, làm ông thấy thư thái, dễ chịu.

Mỗi con thú trong nhà của ông đều có một lý lịch riêng và từ con Lếch, con gấu, con khỉ, con trăn… mỗi con đều có hoàn cảnh đặc biệt.

Con gấu chó, nó có tên là May. Sở dĩ nó có cái tên này là vì nó may mắn được gặp ông. Ấy là một lần ông đi về Mường Báng họp. Trên đường đi, ông thấy có một người Mông gánh tòng teng hai con gấu chó mới mở mắt. Lúc ngồi nghỉ, ông Tài hỏi thì mới biết gã này bắn chết con gấu mẹ và giờ mang hai chú gấu con mới mở mắt được khoảng một tuần về chợ Mường Báng bán. Chạnh lòng trắc ẩn, ông Tài hỏi mua và gã người Mông bán luôn cho ông với giá 20 đồng một con. Số tiền ấy, với ông quả là lớn, vì lương của ông chỉ được có 54 đồng. Hai con gấu nhỏ, là hết hai phần ba tháng lương… Cò kè hồi lâu, gã bán cho ông với giá 10 đồng. Ông mang hai con gấu về nuôi, nhưng chỉ sống được một con và thế là ông đặt tên nó là May.

Con khỉ thì lại có cái tên rất Tàu: Tiểu Hầu. Mẹ nó bị sa bẫy chết, khi đó nó vẫn còn bú. Nhìn cảnh chú khỉ con cứ ôm xác mẹ, nhay vú mà ông Tài ứa nước mắt. Ông mang nó về nhà nuôi và đặt cho nó cái tên Tiểu Hầu - Chú khỉ nhỏ. Càng lớn, Tiểu Hầu càng nghịch ngợm, nhưng rất tình cảm. Ngoài con Lếch ra thì Tiểu Hầu là đứa tinh ý nhất phát hiện ra từng thay đổi nhỏ trong tình cảm của ông Tài. Khi ông vui, nó cũng biết cách đùa làm cho ông vui hơn. Còn khi ông có chuyện buồn, nó hay xà vào lòng ông, thi thoảng ngước cặp mắt có con ngươi màu vàng nhìn ông chia sẻ…

Còn con trăn mắt võng… Nó cũng có tên là Gió. Giống trăn này, nơi thì gọi là trăn mắt võng, nơi thì gọi là trăn gấm, nơi thì gọi là trăn gió. Sở dĩ nó có tên là trăn gió là vì người ta đồn rằng, khi con trăn này trườn trên cây, làm cây rung ào ào như bị gió thổi, vì thế mới có tên trăn gió. Con Gió này thoát chết trong một trận cháy rừng. Trăn mẹ phải bỏ lại con để chạy khỏi vùng lửa nhưng rồi bị người đi dập lửa đập chết. Còn nó, tình cờ ông Tài nhìn thấy khi đang quằn quại trên lớp tro nóng, ông cứu được nó và mang về nuôi từ lúc nó chỉ nhỏ hơn ống điếu cày, còn bây giờ, khúc giữa của nó đã to như ống bương và dài hơn ba mét. Nó tự đi bắt chuột, bắt sóc để ăn, tuyệt nhiên không bao giờ bắt trộm gà nuôi. Nó và đàn gà còn thân nhau tới mức nó để cho bọn gà đứng trên lưng rồi trườn đi.

Còn con Lếch, quê hương của nó ở tận tỉnh Phong Sa Lỳ của Lào.

Một lần ông Tài sang Lào thăm người bạn cũ. Thấy ông bạn Lào có con chó săn rất đẹp mới đẻ được 5 con. Ông Tài ngỏ ý xin. Ông bạn cho ngay. Ông Tài đập dập cây nứa, đốt cháy đùng đùng rồi gí vào ổ chó. Con chó mẹ hộc lên, càm ngay một con chạy trốn. Và ông Tài chọn con chó được mẹ tha đi đầu tiên đó. Loài chó rất tinh khôn. Con chó mẹ là hiểu hơn ai hết trong những đứa con của mình, con nào sẽ là thông minh nhất, vì thế phải bảo vệ con đó đầu tiên. Chọn được chó con rồi, ông Tài cắt một đoạn dây rút quần và buộc vào chân trước con chó. Ðây là cách mà người sành nuôi chó tạo cho chó con thói quen biết nhận hơi chủ từ khi còn rất nhỏ. Hằng ngày, chú chó con nằm, gối đầu lên chân và nhiễm hơi người chủ tỏa ra từ sợi dây rút. Cho nên, đến khi được đón về, là nó đã quen hơi và nó không bao giờ quên hơi chủ, dù có phải xa hàng năm trời. Nó cũng sẽ nhận ra hơi chủ có khi còn cách xa cả nửa cây số. Trong các loài vật, khả năng nhận hơi chủ tuyệt vời nhất là chó, ngựa, và voi.

Vì cái bản ông bạn Lào ở là bản Lếch, nên ông Tài đặt tên luôn cho con chó là Lếch. Khi con Lếch ăn thạo cơm, ông Tài sang xin về và mang biếu ông bạn Lào một chiếc đài bán dẫn Xiengmao của Trung Quốc.

Con Lếch về với ông Tài và ngay từ nhỏ, nó đã chứng minh được mình là con chó săn giỏi nhất trong lũ chó ở bản. Nó có biệt tài tìm ra hang chồn, hang tê tê, hang nhím… Không chỉ biết săn thú, nó còn biết bắt cá và dám đánh nhau với cả rắn hổ chúa.

Trong đám thú ở nhà, nó giữ vị trí đặc biệt trong cuộc sống của ông Tài.

Ðã bốn năm rồi, kể từ khi thằng Pé Tư, đứa con độc nhất của ông đi học công an, ông Tài sống một mình nhưng chưa lúc nào ông thấy cô đơn. Khi ông nói điều đó thì những người ở Trạm Kiểm lâm Mường Mun cho rằng vì ông sống tốt với dân bản, với anh em, ông hăng say với nghề nên ông quên đi, nhưng đâu phải thế. Không một tập thể con người nào có thể chia sẻ tình cảm với ông trong những đêm đông giá rét hay trong những ngày mưa ngập rừng thối đất.

Mường Mun nằm ở cực Tây Bắc, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 cho tới tháng 10. Có những năm, vào dịp tháng 7 âm lịch, mưa kéo dài cả tháng.

Giọt mưa lúc rả rích dầm dề, khi ào ạt đổ nước. Trong nhà bước ra sân là như nhúng chân vào chậu bùn. Mưa nhiều, nước ngập, lũ chuột, rắn không còn chỗ trú, chạy cả vào nhà sống chung với người.

Những khi ấy, con Lếch, con gấu, con trăn là hầu như không được ngơi nghỉ. Chúng phải canh chừng không để lũ chuột rúc vào bồ thóc, không để lũ rắn trèo lên mái nhà.

Trời mưa, chỉ còn biết đốt lửa trong nhà, ngồi nghe mưa rơi và đắm chìm trong vô vàn những kỷ niệm của một thời đã qua, hoang mang về một ngày mai vô định. Và có những lúc chán chẳng buồn nghĩ thì lũ vật trong nhà là nơi để ông trút bầu tâm sự, để ông nói chuyện cho trong nhà có tiếng người.

Những khi ông ốm đau, hoặc lúc ông buồn bã, sự có mặt của những con vật bên cạnh thật cần thiết. Chúng biết cách làm cho ông đỡ buồn khi ông buồn và biết nhân thêm niềm vui khi ông vui. Ở trong ngôi nhà ba gian rộng rãi, chỗ nào, lúc nào ông cũng gặp những cặp mắt dõi theo ông. Có bận ông ốm, con khỉ mò vào rừng để đem về cho ông một quả sổ chua rôn rốt có hương vị giống quả đào. Con chó Lếch đi lùng sục đem về một chú sóc hay một con tê tê nào đó chậm chân không kịp chui vào hang. Còn con gấu, đã có lần nó làm cả bản kinh ngạc khi nó bưng về cho ông một tảng tổ ong đẫm mật.

Chúng đâu phải là những con thú bình thường nữa. Sự yêu thương, chăm sóc của ông đã nâng chúng lên thành những người bạn và là những thành viên chính thức của gia đình.

Chúng là con, là cháu, là kẻ ăn người ở, là bè bạn của ông.

Ngày còn nhỏ, ông thường chơi đùa với con chó, con mèo. Những con vật đó là sợi dây nối tuổi thơ của ông với thiên nhiên. Sự tiếp xúc với những con thú từ lúc còn thơ đã tạo nên trong ông lòng nhân ái và trân trọng tình cảm của chúng.

Bây giờ khi tuổi đã xế chiều thì sự có mặt của những con vật là mối giao lưu tình cảm quan trọng của ông, là cầu nối giữa những tế bào bắt đầu khô héo của ông với nhịp thở tràn trề của rừng già.

Ông yêu thương chúng và chúng cũng yêu thương ông, tận tụy trung thành tuyệt đối với ông. Tình cảm chúng dành cho ông hoàn toàn trong sáng, không hề mang tính hai mặt, cảnh giác nghi ngờ lẫn nhau.

Mối quan hệ đó không thể có được giữa con người với con người hay nói gọn hơn là giữa ông với bà con bản Mường Mun hoặc với các nhân viên kiểm lâm.

Những suy nghĩ miên man cứ kéo ông Tài đi lang thang, vô định, như cánh diều bay trên triền đồi. Và rồi ông lại nhớ tới câu chuyện mà ông mới được nghe mấy người ở bản kể về thợ săn bản Pó mới bắn chết một con hổ đực, nặng có đến gần hai tạ. Người ta kể rằng, thợ săn bản Pó thấy hai con hổ đang “phủ” nhau trên đồi ở ngã ba suối Mo Cứ. Họ đốt quả đồi để hai con hổ chạy xuống… Con hổ đực già bị bắn chết, còn con hổ cái tát bay xương hàm của thằng Pấng, đớp đứt cuống họng của một gã là công an viên, là con trai của ông Phó chủ tịch huyện Mường Báng. Cả hai đều bị chết ngay. Khi người ta khênh xác con hổ cùng hai người bị chết về đến bản thì lão Puôn, người thợ săn già, bị gấu tát nát cả mặt cũng đã chết vì bị súng cướp cò… Họ mang xác con hổ về và bán cho một bọn buôn thú ở huyện với giá mười triệu. Ở vùng này, thì đó là số tiền rất lớn mà không một người dân nào dám mơ tới. Ðám thợ săn chia nhau mỗi người được vài trăm ngàn, còn bớt lại một ít để lo ma chay cho hai người bị hổ tát chết.

Nghe câu chuyện đó, ông Tài thấy bàng hoàng trong người và một nỗi lo lắng cứ lớn dần, lớn dần… Lúc nào trong đầu ông cũng lởn vởn hình ảnh một con hổ… Ðã lâu lắm rồi, ông không con thấy nó. Ðã lâu lắm rồi, ông không còn được nghe tiếng hổ gầm trong đêm. Và cũng đã lâu lắm rồi, ông không còn được nhìn thấy những bàn chân hổ in trên nền đất ẩm, thấy thấp thoáng cái lưng mềm mại màu vàng cháy có những sọc đen ẩn hiện trong rừng.

Con Lếch đang nằm bỗng nhỏm dậy. Nó lùi lại rồi nằm bẹp xuống. Hai cánh mũi ướt phập phồng và phút chốc, cái đuôi đang ve vẩy quắp lại. Nó rít lên nho nhỏ rồi bò về phía ông, mắt lộ vẻ sợ hãi. Ông Tài chưa hết ngạc nhiên về thái độ khác thường của con Lếch thì Tiểu Hầu đang ngồi trên vai ông kêu choéc lên một tiếng chói tai rồi nhảy tót lên xà nhà. Con May rúc vội vào gầm giường. Ông Tài vội đứng bật dậy với tay lấy khẩu CKC treo trên cột và cầm lấy đèn pin. Ông thận trọng bước ra cửa, ghé mắt qua khe hở và ông chợt run lên như phát sốt…

Ông nhìn thấy ở ngoài sân có một con vật gì đó nằm lù lù, nom như một bò đang nằm phủ phục. Chưa thể định hình nhìn ra đó là con gì, nhưng ông rất ngạc nhiên vì ở góc sân, chiều nay, ông đã dọn sạch mấy cây tre…

con ho leng ky 15
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những tia chớp rách trời đêm đủ cho ông ông thấy ở ngoài sân có con hổ nằm sóng sượt.

Ông bủn rủn chân tay và gọi không thành tiếng:

- Leng! Leng ơi...

Con hổ vẫn nằm im, chỉ có cái đầu là hơi ngóc lên nhưng rồi lại vật xuống.

- Leng... Leng ơi! Có phải con đó không?- Lần này ông gọi to hơn - Leng... Leng!Con hổ gắng gượng đứng dậy, hai chân trước cào cào để lê cả thân mình nặng nề về phía ông. Một tia chớp lóe lên, ông Tài thấy một chân sau của nó mềm oặt. Ðúng con Leng rồi. Chỉ có con Leng mới dám về nằm ở cửa nhà ông. Ông Tài hét lên tiếng nữa rồi ông mở toang cánh cửa, lao vào con hổ và ôm gọn cái đầu của nó vào lòng đúng lúc con hổ lại gục xuống.

Vứt cả đèn cả súng, ông Tài ôm ngang con hổ gắng sức vực nó vào nhà. Mùi hôi thối nồng nặc xông lên nhức mũi. Ông Tài vội bấm đèn pin soi khắp mình con Leng và ông kêu lên hốt hoảng:

- Trời ơi! Vết thương... ai làm con thế này hả Leng?

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Ngày đăng: 06:00 | 29/09/2017

/ Năng Lượng Mới