Hạ tầng ở cơ sở mới chưa đồng bộ, tác động trực tiếp tới tâm lý của sinh viên nên không muốn ở lại học.
Ngày 3/6/2018, ông Trần Viết Ổn - Hiệu phó Trường Đại học Thủy Lợi phân tích nguyên nhân cơ sở mới của trường hơn 1.000 tỷ đồng ở Hưng Yên chỉ thi thoảng có vài trăm sinh viên học Giáo dục quốc phòng.
Theo ông Ổn, khu vực phố Hiến - Hưng Yên được quy hoạch là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn của Việt Nam trong tương lai. Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến khích bằng cách giao đất sạch cho các trường đại học xây dựng.
Nhưng cuối năm 2016, trường Đại học Thủy Lợi cơ sở mới được xây xong thì gặp khó khăn do Hưng Yên chưa hoàn thành hạ tầng khu đô thị đại học phố Hiến như kế hoạch ban đầu.
Cơ sở mới của Đại học Thủy Lợi tại Hưng Yên có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
"Theo quy hoạch, khu đại học phố Hiến thu hút khoảng 10 đại học, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm thư viện, khu thể dục thể thao hiện đại... phục vụ chung cho các trường, kết nối giao thông thuận tiện. Chúng tôi kỳ vọng khi dự án mở rộng, Đại học Thủy lợi hoàn thành thì các hạ tầng trên của khu đại học phố Hiến cũng xong. Tuy nhiên, đến nay đô thị đại học vẫn chưa thành hình, chưa có thư viện, khu thể thao, kết nối đường xá..." - ông Ổn nói.
Điều này đã tác động tới tâm lý sinh viên. Tháng 2/2017, Đại học Thủy Lợi lần đầu tiên đưa 3.000 sinh viên xuống cơ sở mới học nhưng sau một thời gian ngắn thì nhiều sinh viên cảm thấy buồn chán buồn vì không có không gian kết nối, khu vực để giải trí, khó khăn kiếm việc làm thêm...
"Các em không muốn học ở cơ sở Hưng Yên. Nhà trường sau đó phải chuyển toàn khóa 58 về Hà Nội" - ông Ổn cho biết.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ thì có 12 trường đại học ở Hà Nội phải di dời như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Y tế Công Cộng, Đại học Thủy Lợi, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công Đoàn....
Thế nhưng hiện chỉ có một vài trường đại học xây dựng cơ sở mới, còn lại hầu như không nhúc nhích. Trong khi đó, nhiều trường đại học đã hoàn thành cơ sở mới nhưng cũng không thể đưa sinh viên đến đào tạo do cơ sở hạ tầng xung quanh chưa phát triển, tâm lý sinh viên không muốn đến những nơi hoang vắng.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nhiều trường đại học ngoài đào tạo chính quy còn mở thêm các lớp sau đại học, các lớp tại chức, liên kết để đào tạo cho số lượng lớn cán bộ, công chức học ngoài giờ hành chính.
Vì vậy, nếu di chuyển hết các trường thì việc đào tạo cho các loại hình này gặp khó khăn. Trong bối cảnh nhiều trường phải trông vào các hoạt động này để có thêm kinh phí thì việc di dời ra khỏi nội đô sẽ khiến nguồn thu bị ảnh hưởng, do vậy, nhiều trường cố kéo dài thời gian điều chuyển.
Một lý do khác là bản thân các giảng viên cũng không muốn chuyển ra ngoại thành sinh sống do việc di chuyển trong nội đô ra ngoại thành hiện nay rất vất vả.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, hiện việc kết nối giao thông giữa nội đô và các vùng ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn.
“Chỉ khi nào giao thông thuận lợi, việc di chuyển giữa các vùng phụ cận của Thủ đô thuận tiện, tốn ít thời gian khi đó mới tạo động lực cho các trường ĐH, BV đẩy nhanh tiến độ di dời”, ông Bùi Danh Liên nói.
Trường hơn 1.000 tỷ đồng chỉ vài trăm sinh viên theo học
Cơ sở ở Hưng Yên của Đại học Thủy lợi rộng hơn 56 hecta, nhưng thi thoảng mới có vài trăm sinh viên xuống học ... |
Cận cảnh khu trường nghìn tỉ nhưng "ế sưng" của Đại học Thủy lợi
Bi kịch nằm ở chỗ, trong hơn 1,1 nghìn tỉ đồng tổng mức đầu tư của dự án, thì gần 90% là tiền đi vay ... |
Ngày đăng: 09:00 | 04/06/2018
/ Đất Việt