Năm 2018 được coi là năm bản lề rất quan trọng trong quá trình cổ phần hóa (CPH) của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Với 3,2 tỉ USD, BSR là doanh nghiệp Nhà nước có giá trị vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành CPH. Dưới đây là trả lời của TGĐ BSR Trần Ngọc Nguyên về các vấn đề CPH BSR đáng quan tâm.
- Năm 2017, BSR đã đạt được những chỉ tiêu quan trọng về sản lượng, tài chính. Tiếp đó, đầu năm 2018, BSR tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình CPH của BSR. Ông có thể phân tích rõ hơn những kết quả khả quan đó?
Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên chỉ đạo công tác sản xuất từ Phòng điều khiển trung tâm |
Ông Trần Ngọc Nguyên: Năm 2017 đã kết thúc với những chỉ số về tài chính, sản lượng rất tốt của BSR. Cụ thể, BSR đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra các chỉ tiêu về sản lượng và tài chính. Sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỉ đồng. Năm 2017, nhà máy vận hành liên tục, ổn định với công suất trung bình 105% công suất thiết kế. Điều này chứng tỏ, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang tiếp tục đi lên và sẽ vươn tới những mục tiêu cao hơn.
Một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng đến trong thời gian tới là thực hiện các bước CPH theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Phiên IPO thành công ngày 17-1-2018 là bước đầu tiên rất khả quan khi toàn bộ 241.556.969 cổ phần đã được đấu giá thành công, tương đương 7,79% cổ phần BSR. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng/cổ phần; cao nhất là 14.800.000 đồng/cổ phần. Mức giá trung bình là 23.043 đồng/cổ phần.
Sau đợt IPO này, Nhà nước thu về 5.417 tỉ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán cổ phần dự kiến theo giá khởi điểm. Có 623 nhà đầu tư trúng đấu giá; trong đó có 62 tổ chức, 561 cá nhân trên tổng số 4.079 nhà đầu tư đăng ký. Nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, tương đương 61% khối lượng chào bán. Trước IPO, tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 651.789.522, gấp 2,7 lần lượng cổ phần chào bán, điều này cho thấy sức “nóng” của cổ phiếu BSR.
Phiên IPO ngày 17-1-2018, toàn bộ 241.556.969 cổ phần đã được đấu giá thành công, tương đương 7,79% cổ phần BSR. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng/cổ phần; cao nhất là 14.800.000 đồng/cổ phần. Mức giá trung bình là 23.043 đồng/cổ phần. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa các lần IPO của các doanh nghiệp trước đó như Đạm Cà Mau (thu về khoảng 1.580 tỉ đồng năm 2014); Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV (thu về 1.116 tỉ đồng năm 2015); Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (thu về khoảng 2.136 tỉ đồng năm 2016).
CPH BSR là cơ hội để nâng tầm vị thế của ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Với quy mô, tầm vóc, sự chuẩn bị kỹ càng của BSR, chúng tôi tự tin sẽ CPH thành công.
- Các bước tiếp theo sau IPO cũng rất quan trọng. Sắp tới BSR sẽ tiến hành các bước CPH như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Nguyên: Ngay sau khi hoàn thành IPO, BSR đã khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo trong lộ trình CPH.
BSR đã thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM (Hà Nội) theo quy định. Ngày 22-2-2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có Thông báo số 2354/VSD-ĐK về việc đăng ký, lưu ký cổ phiếu trúng đấu giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ phiếu trúng đấu giá đã thanh toán số 06CPH/2018/GCNCP - VSD cho Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn với mã chứng khoán là BSR.
Buổi IPO của BSR tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 1-2018 |
Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phần của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn trên hệ thống UPCoM từ ngày 1-3-2018, với mức giá tham chiếu chào sàn là 22.400 đồng/cổ phần, tương ứng với giá trị cổ phần niêm yết khởi điểm đạt 5.417 tỉ đồng. Trong phiên đấu giá đó, chỉ sau vài phút giao dịch, giá cổ phiếu của BSR đã tăng lên đến 31.300 đồng/cổ phần, khá cao so với tham chiếu.
Như vậy, chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày IPO thành công, không kể ngày nghỉ và lễ, BSR đã hoàn thành các bộ thủ tục cần thiết để đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch UPCoM. Điều này chứng tỏ, tất cả các công tác chuẩn bị cho lộ trình CPH đang được BSR tiến hành rất khẩn trương.
Cuối tháng 3-2018, BSR sẽ tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất. BSR cũng đang tiến hành các thủ tục chuyển đổi mô hình công ty TNHH MTV thành mô hình công ty cổ phần.
BSR sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và xác định việc này vào cuối tháng 9-2018. Đây là một bước rất quan trọng trong quá trình CPH BSR. Công ty sẽ bán 44% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, vì đã có 5% cổ phần được bán cho nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO tháng 1-2018.
Đến thời điểm hiện tại đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Indian Oil Corp (Ấn Độ). Ngoài ra, các nhà đầu tư khác như Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)… cũng đang nghiên cứu để tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Người lao động BSR trên công trường |
- Trong năm 2018, những mục tiêu mà BSR đặt ra là gì và những nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào những mục tiêu ấy?
Ông Trần Ngọc Nguyên: Theo kế hoạch, năm 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 8.326 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.473 tỉ đồng. Với đà tăng trưởng và sự ổn định trong vận hành của NMLD Dung Quất, BSR sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu tài chính đặt ra trong năm 2018.
Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2-2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 nghìn tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD).
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Các chỉ số tài chính của BSR trong 11 tháng năm 2017 đều ở mức cao với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 21,12%; tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 10,56%; tỉ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) là 11,9%.
Ngoài ra, theo đánh giá của Vietnam Report, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất năm 2017 và đứng thứ 7 trong số các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017.
Một mục tiêu rất quan trọng nữa là CPH thành công. Việc CPH sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản trị, từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển quy mô, nâng cao năng lực tài chính, tạo ra một kênh huy động mới thu xếp nguồn vốn cho các dự án đầu tư chiến lược tương lai của NMLD Dung Quất.
NMLD Dung Quất sẽ bước lên tầm cao mới khi có thêm nguồn lực tài chính, cộng thêm sự hòa hợp giữa trí tuệ của những người quản lý cũ và mới nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ mang lại những giá trị có tính cạnh tranh cao hơn, lớn hơn. Khi tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu và hóa dầu có lợi nhuận cao sẽ tăng cường vai trò làm chủ thật sự, gắn chặt trách nhiệm, công việc và quyền lợi của người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và phát triển bền vững trong tương lai của BSR.
Trong quyết định cổ phần hóa BSR, Chính phủ quy định rõ về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các tiêu chí như: Có năng lực tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất đã kiểm toán tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm chào bán tối thiểu là từ 10.000 tỉ đồng trở lên; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm vận hành nhà máy lọc dầu hoặc có tiềm lực về thị trường, có hệ thống phân phối xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa... Thời hạn hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ. Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2-2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). Các chỉ số tài chính của BSR trong 11 tháng năm 2017 đều ở mức cao với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 21,12%; tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 10,56%; tỉ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) là 11,9%. Ngoài ra, theo đánh giá của Vietnam Report, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 16 trong top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất năm 2017 và đứng thứ 7 trong số các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. Ngày 8-12-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 1978/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án CPH Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Theo đó, BSR có vốn điều lệ 31.004.996.160.000 đồng (chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp). Về cơ cấu vốn điều lệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 1.333.214.835 cổ phần, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại BSR với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ theo quy định. Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.563 người. Lao động chuyển sang công ty cổ phần là 1.563 người. |
Lọc dầu Dung Quất sắp lên sàn UPCoM Ngày 1/3/2018, cổ phiếu Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ chính thức niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM (Hà Nội). Giá ... |
Năm 2017 có thể coi là một năm thắng lợi toàn diện của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Vượt lên trên những ... |
Ngày đăng: 18:30 | 12/03/2018
/ Cổng thông tin Tập đoàn Dầu khí VN