Sự xuất hiện của máy CNC giúp Triều Tiên chế tạo những chi tiết phức tạp dùng cho tên lửa mà con người không thể sản xuất thủ công.
Ông Kim Jong-il kiểm tra một chiếc máy CNC. Ảnh: Northkoreatech. |
Truyền hình Triều Tiên năm 2009 công bố video chào mừng một "anh hùng quốc gia mới", được đánh giá là trái tim của chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của quốc gia này. Đó là hệ thống máy gia công cơ khí được điều khiển bằng máy tính (CNC) rất phổ biến trên toàn thế giới, theo Reuters.
Những chiếc máy CNC sử dụng chương trình nạp sẵn để chế tạo các chi tiết phức tạp, từ linh kiện ôtô đến điện thoại và đồ nội thất. Chúng đem lại độ chính xác cao và bền bỉ, ngoài khả năng gia công của con người.
Nhờ sự kết hợp giữa công nghệ nội địa và nghiên cứu mổ xẻ máy móc nước ngoài, những hệ thống CNC đang đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên. Chúng cho phép Bình Nhưỡng tự sản xuất bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà không phải dựa quá nhiều vào hỗ trợ và nhập khẩu công nghệ từ các nước khác.
Giới chuyên gia cho rằng máy CNC đã giúp Triều Tiên tăng tốc chương trình tên lửa và hạt nhân, bất chấp lệnh cấm chuyển giao trang thiết bị nhạy cảm cho nước này.
"Hệ thống máy ly tâm làm giàu nguyên liệu hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đều phụ thuộc vào linh kiện do máy CNC gia công. Chúng là công nghệ thiết yếu để Triều Tiên sản xuất vũ khí hiện đại", ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí tại Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury, cho biết.
Kể từ năm 1996, máy CNC được đưa vào Thỏa thuận Wassenaar, hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế nhằm chống phổ biến các thiết bị có thể phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự. Triều Tiên không tham gia hiệp ước này.
Công nghệ hiện đại
Bình Nhưỡng có thể tự phát triển máy CNC vào đầu thập niên 1990, động thái giúp nước này sản xuất những tên lửa và đầu đạn hạt nhân phức tạp. Nhiều khả năng Triều Tiên đã học cách chế tạo máy CNC bằng cách tháo rời và sao chép những cỗ máy được nhập khẩu từ Liên Xô.
Chiếc máy CNC đầu tiên của Triều Tiên ra đời năm 1995. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, năm 2009 cho biết cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã đặt thương hiệu "Ryonha" cho cỗ máy này. Đó cũng là lần đầu truyền thông Triều Tiên nhắc tới công nghệ CNC.
Cùng giai đoạn đó, các lệnh trừng phạt mạnh tay được áp đặt với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ hai và một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Nhiều chuyên gia vũ khí tỏ ra lo ngại khi ông Kim Jong-il tới thăm một nhà máy, nơi các cụm máy CNC nội địa của Triều Tiên đang sản xuất ống nhôm có thể được dùng cho máy ly tâm.
"Có vẻ họ đã tự sản xuất được nhiều máy gia công CNC vào thời điểm năm 2010", Kim Heung-gwang, một người đào tẩu khỏi Triều Tiên, cho biết. Tuy nhiên, tới năm 2013, Tập đoàn liên doanh chế tạo máy Ryonha, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất loạt máy CNC của Triều Tiên, mới bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách đen.
Đến tháng 8/2013, tình báo Mỹ mới khẳng định Triều Tiên có khả năng tự chế tạo động cơ tên lửa từ các chi tiết nội địa. Nước này được cho là đang sở hữu khoảng 15.000 máy CNC các loại.
Sản xuất hàng loạt
Bình Nhưỡng đã ca ngợi những cỗ máy CNC nội địa là biểu tượng cho chiến thắng của tư tưởng Juche (Chủ thể). Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên vẫn sử dụng cả những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài.
Tháng 8/2016, truyền thông nước này công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi thăm một cơ sở sử dụng máy móc có biểu tượng của ABB, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo máy CNC. Hiện chưa rõ Triều Tiên làm cách nào để sở hữu những sản phẩm công nghệ cao này.
Ông Kim Jong-un tại cơ sở dùng máy móc của ABB. Ảnh: KCNA. |
ABB khẳng định đã tôn trọng mọi lệnh cấm vận, đồng thời bảo đảm sản phẩm của họ không tới được Triều Tiên. Tuy nhiên, đại diện ABB cho rằng không thể loại trừ khả năng trang thiết bị của họ được bí mật bán cho Bình Nhưỡng.
Ủy ban giám sát lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho rằng công ty Tengzhou Keyongda của Trung Quốc đã cung cấp những loại máy CNC mới nhất cho Triều Tiên. Công ty này khẳng định đã ngừng quan hệ với Bình Nhưỡng từ cách đây 4 năm.
Lỗ hổng lớn nhất trong lệnh cấm vận là chỉ một số mẫu máy CNC bị cấm bán cho Triều Tiên vì có thể phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự, trong khi hầu hết những loại khác chỉ phục vụ công nghiệp dân sự. Bình Nhưỡng có thể mua các sản phẩm này về, tháo rời và sử dụng chúng theo ý muốn, kể cả trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân mà không sợ vướng lệnh cấm vận.
Triều Tiên nói sắp đặt tay lên nút bấm bắn loạt tên lửa vào đảo Guam
Đảo Guam chỉ cách Bình Nhưỡng 3.400 km, hoàn toàn nằm trong tầm phủ sóng của tên lửa đạn đạo Triều Tiên. |
Đến Triều Tiên - Đất nước bí ẩn nhất thế giới
Phóng viên Hải An là một phượt thủ được nhiều người biết với biệt danh "Quỷ cốc tử". Trong 15 năm, anh đã đặt chân ... |
Chiến thuật giúp Triều Tiên phát huy uy lực tăng T-34 già cỗi
Xe tăng T-34-85 lạc hậu của Triều Tiên có thể được ngụy trang, lợi dụng địa hình gồ ghề để giành lợi thế trong chiến ... |
Kịch bản hai giai đoạn nếu xảy ra chiến tranh Mỹ - Triều
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc cho các nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/co-may-che-tao-ten-lua-duoc-trieu-tien-vi-nhu-anh-hung-quoc-gia-3654972.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-TheGioi&vn_campaign=vn
Ngày đăng: 20:28 | 13/10/2017
/ Dân Việt