Nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu HĐND TP HCM đã góp ý cho các đề án triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP
HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 7 (bất thường) vào ngày 15-3. Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là thảo luận và thông qua một số đề án của UBND TP trình để triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Dễ quản lý nhưng chưa hợp lý
Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô nhận được nhiều ý kiến phản biện từ đại biểu (ĐB). "Tăng phí đậu xe lòng đường là cần thiết nhưng phải làm sao "vừa siết vừa mở" để bảo đảm hạn chế ô tô đậu dưới lòng đường và có tính phục vụ nhu cầu của người dân" - ĐB Võ Thị Ngọc Thúy nêu quan điểm. Theo ĐB Thúy, việc phân chia 2 khu vực để thu phí là chưa hợp lý, do đó đề nghị nên căn cứ vào 3 tiêu chí: mật độ lưu thông, tuyến đường có bãi xe hay không và đối tượng sử dụng ô tô có khả năng chi trả để phân chia khu vực. Trong khi đó, ĐB Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế Ngân sách, gợi ý phân chia khu vực nên lấy lõi trung tâm 930 ha là khu vực 1, còn lại là khu vực 2.
Chiều 15-3, các đại biểu HĐND TP HCM đã biểu quyết thông qua một số đề án
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Bùi Xuân Cường cho rằng việc áp dụng phí mới theo 2 khu vực như đề xuất là hợp lý, dễ quản lý, dễ thực hiện. Còn việc thu phí theo tuyến đường sẽ nghiên cứu, chờ đến khi TP xây dựng xong cơ sở dữ liệu dùng chung thì mới triển khai được. Chưa hài lòng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý Sở GTVT TP phải tiếp tục nghiên cứu ý kiến các ĐB về tiêu chí phân loại đường như đề án là hợp lý hay chưa.
"Đường khu vực trung tâm thu tiền cao nhưng có những con đường khác mật độ xe bằng với trung tâm nhưng thu giá thấp hơn thì không hợp lý" - bà Tâm nói. Theo bà Tâm, phân theo khu vực như đề án nêu dễ quản lý nhưng chưa hợp lý nên Sở GTVT TP phải tính toán tuyến đường nào không có bãi giữ xe thì phải tạo điều kiện, tính toán giá để vừa bảo đảm thu phí vừa bảo đảm yếu tố phục vụ. Thông tin thêm về đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết mức phí 5.000 đồng cho cả ngày lẫn đêm như hiện nay là quá thấp nên việc tăng là cần thiết. "Việc tăng giá để khuyến khích người dân vào các trung tâm thương mại đậu xe để cho đường thông hè thoáng" - ông Tuyến nói và cho biết TP sẽ đấu thầu để chọn đơn vị phục vụ thu phí chặt chẽ nhất.
Không cào bằng đãi ngộ
Ngoài đề án về thu phí, ĐB cũng đặc biệt quan tâm "mổ xẻ" 2 đề án liên quan đến con người. Đối với đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), ĐB tiếp tục đặt vấn đề tránh cào bằng. Các ĐB cho rằng việc đánh giá CB-CC-VC hiện nay rất định tính, trong khi theo đề án, để được hưởng mức chi tăng thêm, CB-CC-VC phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
ĐB Lê Nguyễn Minh Quang kiến nghị nên đánh giá CB-CC-VC theo từng tháng để chính xác hơn. "Nhiều việc làm đầu năm, đến cuối năm không nhớ hết. Những người làm tốt hay chưa tốt mà cuối năm đánh giá thì chưa được sát sao. Thực tế lãnh đạo cũng ngại đánh giá cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ, vì cuối năm họ còn bỏ phiếu cho lãnh đạo. Nếu lãnh đạo làm rát quá thì bị bỏ phiếu thấp" - ĐB Quang phân tích và nói việc đánh giá xuyên suốt sẽ chính xác hơn. Từ đó làm cơ sở cho thu nhập tăng thêm chứ không nên cuối năm cào bằng. ĐB Phạm Quốc Bảo đề nghị đánh giá CB-CC-VC bằng hệ thống đo lường đánh giá hiệu quả công việc là rất sát với năng lực từng người và không cần bình bầu cuối năm.
Trước những băn khoăn của ĐB, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm khẳng định việc chi tăng thu nhập cho CB-CC-VC với mục đích lớn nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với tinh gọn bộ máy nên sẽ không cào bằng mà thủ trưởng từng đơn vị phải chịu trách nhiệm đánh giá cấp dưới. Sở Nội vụ TP sẽ cùng các sở, ngành nghiên cứu để hướng dẫn đánh giá cụ thể, làm cơ sở tăng thu nhập cho họ.
Tuy đồng tình với đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2022 nhưng các ĐB cũng lưu ý cần tính toán kỹ để sử dụng hiệu quả sự tư vấn, hiến kế của họ. ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho rằng TP cần xác định lại những ngành đang thực sự cần như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ nano, năng lượng tái tạo... ĐB Huỳnh Thanh Nhân đề nghị bổ sung lĩnh vực thể thao, văn hóa nghệ thuật. Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Nguyễn Minh Quang nói các chính sách cho chuyên gia tạo đột phá nhưng quan trọng hơn là làm sao tạo cơ chế để họ hoạt động hiệu quả. Với đề án này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay nếu UBND TP nghiên cứu chưa kỹ đối tượng, phạm vi áp dụng thì có thể bổ sung để HĐND thông qua trong kỳ họp tới.
Một công chức hành chính phục vụ 1.117 người
Tại kỳ họp lần này, UBND TP cũng trình kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hội đặc thù năm 2018 của TP. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết biên chế đề xuất năm 2018 là 132.321 người, giảm 5.608 biên chế so với năm 2017.
Theo ông Tuyến, áp lực công việc tại TP rất lớn nên chưa thể giảm biên chế hành chính ngay được. Bình quân một công chức hành chính phục vụ 1.117 người dân và hiện đang quá tải. Do đó, để bảo đảm nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước, UBND TP đề xuất trước mắt năm 2018 giảm 2% biên chế hành chính. Sau đó sẽ có lộ trình giảm dần theo đúng số biên chế trung ương giao.
Tăng cường khảo sát sự hài lòng của dân Cùng ngày, tại kỳ họp thứ 7 (bất thường), HĐND TP HCM đã ra nghị quyết về chuyên đề cải cách hành chính "Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP". Nghị quyết nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác cải cách hành chính vẫn còn những tồn tại như tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính còn chậm, việc cập nhật chưa kịp thời. Số lượng thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử cũng như dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít. Việc công khai thủ tục hành chính có nơi còn hình thức… Do đó, HĐND TP giao UBND TP khi thực hiện nội dung ủy quyền thì chủ tịch UBND TP cần rà soát, đánh giá năng lực, điều kiện của cá nhân, tổ chức được ủy quyền để bảo đảm việc ủy quyền có hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền phải chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp (DN) để đề ra giải pháp khả thi thực hiện có hiệu quả, hiệu lực trong công tác cải cách hành chính; xây dựng nền hành chính TP dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ. Ngoài ra, tăng cường triển khai khảo sát sự hài lòng của người dân và DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước để chấn chỉnh kịp thời những hạn chế… Thông tin về chuyên đề cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết năm 2017, tỉ lệ hồ sơ đúng hẹn hơn 99%. Mỗi năm, trung bình TP giải quyết khoảng 14,5 triệu hồ sơ, có khoảng 752.000 hồ sơ trễ hẹn. Nguyên nhân có thể do hồ sơ quá khó, thủ tục phức tạp… Tỉ lệ hồ sơ giải quyết ở TP quá lớn với khoảng 1.000 hồ sơ/ngày, một cán bộ giải quyết khoảng 100 hồ sơ/ngày. Ông Tuyến nói thêm một thực tế cán bộ giải quyết thủ tục hành chính nghiệp vụ còn yếu, hướng dẫn nhiệt tình nhưng bà con không hiểu. "Mười năm trước, cán bộ nào làm không tốt, không giỏi thì đưa vào khâu tiếp dân. Còn bây giờ những cán bộ nào giỏi, có kinh nghiệm mới đưa ra tiếp dân, xử lý hồ sơ mỗi ngày" - ông Tuyến nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cũng có cán bộ sợ trách nhiệm, đáng nói hơn là nhũng nhiễu, làm khó để DN, người dân phải "chạy". Về con số khảo sát tỉ lệ sự hài lòng đạt mức trên 80%, ông Tuyến cho biết thực tế lãnh đạo TP chưa bao giờ hài lòng với kết quả cải cách hành chính. TP luôn đặt ra việc khảo sát nhằm làm thế nào thấy được cái sai để sửa. Mục tiêu TP là xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh để bảo đảm minh bạch, công khai cũng như kết nối liên thông giữa các đơn vị. Làm được điều này thời gian làm thủ tục hành chính sẽ nhanh hơn, giảm chi phí đi lại, giảm kẹt xe. Trách nhiệm cải cách hành chính trước tiên là của chính quyền nhưng bên cạnh đó là của cả hệ thống chính trị và DN, người dân. Chính quyền không thể vững mạnh nếu không có sự tham gia, giúp sức của người dân và DN |
TP.HCM sẽ chuyển 1/3 quỹ đất nông nghiệp trong năm 2018?
Để thực hiện thí điểm về cơ chế đặc thù, TP.HCM có lộ trình chuyển đổi 1/3 quỹ đất nông nghiệp của thành phố thành ... |
Tăng thu nhập CB-CCVC ở TP HCM: Không thể cào bằng
Để việc chi tăng thêm thu nhập hiệu quả và công bằng, cần phải xây dựng cho được bảng chỉ tiêu/ tiêu chí đánh giá ... |
Ngày đăng: 09:18 | 16/03/2018
/ nld.com.vn